Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 06 Tháng 2 2016 05:48

Tri Ân Ông bà cha mẹ-Suy Niệm Mồng Hai Tết

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tri Ân Ông bà cha mẹ-Suy Niệm Mồng Hai Tết
Đạo truyền thống Việt Nam được coi là đạo hiếu. Cốt tuỷ của Đạo hiếu là Đức Hiếu thảo được thể hiện qua hai điều: Tôn kính cha mẹ lúc còn sống và thờ kính cha mẹ, ông bà khi các ngài qua đời.

Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy :
“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Bởi đó khi cha mẹ về già, con cái phụng dưỡng cha mẹ với của ngon vật lạ, sáng viếng tối thăm:

“Muốn cho gần mẹ gần cha
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền.”

Suốt dọc dài lịch sử, cha ông đã để lại rất nhiều mẫu gương sáng ngời về đạo hiếu. Lòng hiếu thuận ấy sâu đậm đến nỗi khóc thương mẹ mà mù cả đôi mắt như chuyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Chuyện kể rằng:

Lục Vân Tiên đang trên đường đi thi, nghe tin mẹ mất, quá thương xót mẹ, chàng khóc lóc thảm thiết. Chàng đã bỏ thi -  bỏ dở cả con đường công danh sự nghiệp sáng lạn đang ở phía trước, quay về quê để chịu tang mẹ. Trên đường về khóc thương mẹ đến thành bệnh mà mù mắt. Mắt đã mù nhưng nỗi sầu vẫn chưa nguôi ngoai:
 
Ôi thôi ! Con mắt đã mang lấy sầu
Mịt mù nào thấy gì đâu.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nêu bật chữ Hiếu nơi Lục Vân Tiên để rồi răn bảo người đời :

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình

Vào những ngày đầu Năm Mới, Giáo hội Việt Nam dành trọn ngày Mồng Hai Tết để con cái dâng thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên . Đây là dịp để con cái tri ân công ơn trời bể của cha mẹ. Cuộc đời chúng ta được dệt nên từ những giọt mồ hôi lao công vất vả của ông bà cha mẹ. Các ngài đã hy sinh một nắng hai sương cho cuộc đời ta tươi vui, hạnh phúc. Công ơn của các ngài thật lớn lao, lớn lao đến nỗi ca dao cũng từng nói:
 
“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”

Lời ca dao thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu nghĩa khi còn ở với cha mẹ thì vâng lời kính yêu các ngài. Hiếu nghĩa khi ở xa thì luôn biết thăm hỏi, dành đồng quà tấm bánh cho các ngài. Hiếu nghĩa cả khi các ngài qua đời thì cầu kinh dâng lễ.

Hôm nay trong ngày mừng xuân là dịp con cái quây quần bên cha mẹ ông bà để tỏ lòng tri ân. Thật hạnh phúc trong ngày xuân chúng ta được cha mẹ ông bà chúc lành cho ngày xuân của chúng ta. Thật hân hoan khi ngày xuân được sum họp bên nhau trong tình nghĩa ruột thịt. Đúng như thánh vịnh nói:

“Anh em sum họp một nhà
Bao là tốt đẹp, bao là tốt tươi”.

Xin Chúa là Chúa của mùa xuân, là cùng đích của mọi vạn vật chúc lành cho ngày sum họp của các gia đình luôn nồng nàn mến thương. Xin cho chúng ta luôn biết trân trọng mái ấm gia đình, vì chẳng ở đâu có người yêu thương, lo lắng cho ta bằng những người thân trong gia đình. Hãy trân trọng gia đình bằng việc sống có trách nhiệm với bổn phận của mình. Đừng vì thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm của mình mà mang lại những nỗi đau cho người thân. Xin đừng bao giờ vui xuân mà bán hết gia tài, gây nên đau khổ cho gia đình chỉ vì đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái . . .

Xin cho ngày xuân luôn thắt chặt tình ruột thịt để cùng nhau xây dựng gia đình trong yêu thương nồng ấm và mỗi ngày an khang thịnh vượng hơn. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Read 1034 times Last modified on Thứ ba, 09 Tháng 2 2016 14:58