TMĐP- Khi gọi các môn đệ, Đức Giêsu đã không cất bổng những người này ra khỏi cuộc sống thường ngày.
Ngôn sứ Giôna, dù có tìm cách “trốn đi Tácsít để tránh nhan Đức Chúa” khi Ngài sai ông đến Ninivê, “một thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng” đã thấu tới Ngài, (x. G 1,2. 3) sau cùng ông cũng phải có mặt ở Ninivê và nhờ lời loan báo của ông, “dân Ninivê đã tin vào Đức Chúa”. Họ ăn chay sám hối và trở về với Ngài. “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại”, nên đã không chỉ “hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (G 3,10), mà còn tỏ cho họ biết “Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương..” (G 4,2), khi nói với ông Giôna đang bực tức, vì cây thầu dầu che nắng cho ông bỗng nhiên héo đi vì bị sâu cắn: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên… Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật sao?” (G 4, 10-11).
Như thế, việc ăn chay, sám hối được loan báo có mục đích để dân thành nhận ra họ được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và nhận ra mình đích thực là con của Ngài. Tình cha của Thiên Chúa không chỉ bao phủ con người, mà còn bảo bọc cả thú vật và mọi thụ tạo Ngài đã dựng nên.
Đức Giêsu trong Tân Ước cũng đã khởi đầu sứ vụ của mình bằng việc loan báo: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Cũng như Giôna đã cảnh báo dân thành Ninivê phải sám hối để trở về với ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình, Đức Giêsu loan báo sám hối để mọi người trở thành môn đệ của Ngài, nghĩa là nhận ra ơn gọi đi theo Đức Giêsu như lẽ sống và cùng đích của đời mình. Vì thế, việc sám hối ở đâu và thời nào cũng nhắm chung một mục đích là trở nên con Thiên Chúa, làm môn đệ của Đức Giêsu.
Sau khi loan báo phải sám hối, Đức Giêsu đã đi vào giữa cuộc sống chài lưới của những ngư phủ dọc biển hồ Galilê. Ngài đã đi vào hoàn cảnh thực tế thường ngày của mỗi người, và chính từ nơi này, Ngài đã gọi họ đi theo làm môn đệ Ngài, như Ngài đã kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Simôn, Anrê, Giacôbê và Gioan (x. Mc 1, 14-20).
Khi gọi các môn đệ, Đức Giêsu đã không cất bổng những người này ra khỏi cuộc sống thường ngày, nhưng đến với họ giữa nơi họ sống, ngay chỗ họ làm việc, và không bỏ qua thân thế, khả năng, sở trường của họ, như đã nói với bốn ông thuyền chài hôm ấy: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17). Nghe như vậy, lập tức các ông đứng dậy đi theo Đức Giêsu (x. Mc 1, 18.20).
Sở dĩ cả bốn môn đệ đầu tiên đều lập tức đứng dậy đi theo Đức Giêsu, vì các ông không cảm thấy ngày mai của mình xa lạ với hôm nay, không thấy nghề nghiệp “đi theo Đức Giêsu” xa lạ với nghề đánh cá hiện tại của mình. Chính sự gần gũi ấy làm cho các ông tự tin và phấn khởi lên đường, vì biết mình vẫn giữ được nghề chài lưới, nghĩa là vẫn được ra khơi đánh cá, vẫn được ngồi vá lưới trên bờ, chỉ khác một điều là từ nay “thay vì lưới cá, họ sẽ đi theo Đức Giêsu để lưới người “.
Thánh Phaolô ghi nhận sự biến đổi toàn diện của những người được Đức Giêsu kêu gọi sám hối và đi theo làm môn đệ Ngài.
Là thay đổi toàn diện, vì họ không còn suy nghĩ theo kiểu thế gian, không còn tìm kiếm những điều thế gian tìm kiếm, nhất là không còn hy vọng, đợi chờ ở bất cứ ai, hay thế lực nào khác ngoài Đức Giêsu, vì “bộ mặt của thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7,31), khi “thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15), ở đó mọi người được kêu gọi sám hối và lên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân để “Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (x. Mt 6,9-10).
Jorathe Nắng Tím