Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 03 Tháng 2 2023 06:18

Tạm lánh để cầu nguyện

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tạm lánh để cầu nguyện


4.2 Thứ Bảy Thứ Bảy trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm

Dt 13:15-17,20-21; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Mc 6:30-34

Tạm lánh để cầu nguyện

Sau khi đi loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, các tông đồ trở về với niềm vui hớn hở, họ vây quanh Thầy mình và đua nhau kể thành tích đã thâu lượm được trong sứ vụ. Chắc chắn Thầy Giêsu vui lắm, nhưng Ngài đã nhìn thấy những vất vả, nhọc nhằn vẫn còn in trên khuôn mặt các đồ đệ của mình và quan trọng hơn nữa: Ngài muốn các môn sinh có thời gian nghỉ ngơi phần xác, giống như sau sáu ngày làm việc Thiên Chúa đã nghỉ ngơi. Còn về phần hồn, thì “các trò” có giờ nghiền ngẫm lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho người trần qua bàn tay và tiếng nói của họ. Vì thế, Chúa mới ân cần nói: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.( Mc 6, 31- 32).

Thậy vậy, người tông đồ thực thụ của Chúa dù ở bậc nào cũng luôn nhìn thấy sứ mạng để chu toàn. Bởi đó, họ luôn bị cám dỗ lao vào các công việc phục vụ đến nỗi không còn thời giờ chăm lo cho mình và quan trọng hơn là dành những giây phút riêng tư cho sự trợ giúp thiêng liêng của Thiên Chúa bằng cầu nguyện, xét mình, hồi tâm, đọc Lời Chúa... nếu thiếu sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể ví mình như chiếc xe máy hết xăng giữa đường trường vắng vẻ. Người ta thường nói: “ Ăn cơm nhà Chúa, múa cả ngày” điều đó rất đúng, vì việc nhà Chúa lúc nào cũng có và đều mang tính “khẩn”. Chúng ta “múa” mà có Chúa múa cùng thì điệu múa đó mới đẹp, mới hay và mới có ý nghĩa; còn múa một mình, không mời Chúa giúp, thì e rằng điệu múa đó coi chừng bị rớt nhịp, trơ trụi, lúng túng và thiếu chiều sâu tâm linh.

Các Tông Đồ Chúa, sau chặng đường dài thi hành sứ vụ Thầy trao không tiền, không bao bị, không bánh, chỉ một tấm áo mong manh với cây gậy và con tim đầy ắp niềm vui của hành trình loan báo Tin Mừng, các ông đã trở về với Chúa, kể cho Chúa nghe “mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy”. Nhưng Chúa Giêsu khám phá ra sự mệt mỏi, rã rời ẩn bên dưới lớp hào quang của thành công. Vì thế, một đàng đón nhận thành quả đầy an ủi đối với các Tông đồ, đàng khác Chúa Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc.

Với tình thầy trò Người bảo các môn sinh : “Các con hãy hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”, Người nhẹ nhàng kéo các ông ra khỏi “cơn say” bởi “men chiến thắng”. Sở dĩ như thế là vì Chúa sợ các môn đệ của mình nhiễm cái thói hám danh, thích khoe khoang, phô trương, quyền lực, vì theo Chúa thành công ấy là khởi điểm tốt đẹp cho chặng đường tiếp theo, chứ không làm các ông tự mãn rồi rơi vào ảo tưởng, ngủ quên trong những thành công đầu đời. Đường trước mắt mà thầy trò phải bước không phải là con đường bằng phẳng, mà đó là một con đường dài, đầy gian nan, thử thách, sức lại có giới hạn. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, nghỉ ngơi là cần thiết, nghỉ ngơi sẽ giúp các Tông đồ tỉnh táo hồi tâm suy nghĩ và nhấtlà để Chúa bổ sức cho. Thế nên, điều Chúa nói với các Tông đồ ngày xưa, cũng là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay.

Một trong những cám dỗ mà bất kỳ Kitô hữu nào cũng có thể rơi vào là muốn làm nhiều điều, và khi thành công với muôn lời chúc tụng ta dễ bỏ bê tương quan với Chúa thậm trí quên Chúa luôn. Sự bận rộn và thành tích là những căn bệnh hiện đại khiến nhiều người trong chúng ta đau khổ. Nghỉ ngơi, trái ngược với sự bận rộn là một trong những điều mà Chúa muốn nơi chúng ta. Sách Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng trong giờ cầu nguyện, một trong những nguy hiểm nhất là nghĩ rằng có những điều khác cấp bách hơn phải làm, thế là chúng ta chấm dứt giờ kinh nguyện và bỏ qua mối quan hệ thân tình với Thiên Chúa mà chúng ta đang có. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình, những người đã làm việc chăm chỉ, những người đang mệt mỏi và những người hạnh phúc vui cười bởi vì mọi thứ diễn ra tốt đẹp của mình rằng chúng ta phải nghỉ ngơi. Tin Mừng nói với chúng ta : "các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh" (Mc 6,33).

Trong việc tông đồ chúng ta cũng cần phải có những thời gian nghỉ ngơi, hãy tạm quên đi những ồn ào bên ngoài để đi sâu vào tâm hồn mình, để chuyện vãn với Chúa nếu muốn hoạt động tông đồ hiệu quả! Với công việc tông đồ chồng chất nhiều khi chúng ta quên mất việc nghỉ ngơi lấy sức. Cần thinh lặng để thẩm định lại những biến cố và rà soát lại những công việc đã làm cùng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi. Nên nhớ rằng chúng ta đang trên đường lữ hành về trời, con đường vừa hẹp vừa dốc nếu không nghỉ ngơi lấy sức thì không thể đến đích.

Đời sống con người luôn có hai nhịp: lao động và nghỉ ngơi. Lao động chính là phúc lành cho chúng ta, giữa bộn bề cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải làm việc, chăm sóc gia đình… Nhưng đôi khi chúng ta quá mải mê lao động mà quên đi phần tâm hồn thiêng liêng mà Chúa trao tặng cho mỗi người, rồi dần dần chúng ta sẽ rời xa Chúa, hình ảnh của Chúa trong tâm hôn chúng ta sẽ phai nhạt dần đi. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Như khí trời cần cho con người, người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện.

Các học trò của Chúa Giêsu đang làm việc lành phước đức thành công như thế, tại sao Chúa Giêsu bắt các ông phải lánh riêng vào nơi hoang vắng? Chúa Giêsu sau một ngày hoạt động đã chẳng lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện cùng Chúa Cha sao? Hẳn là Thầy Giêsu cũng muốn các học trò theo sát mẫu gương của Thầy, cùng cầu nguyện với Thầy. Bởi vì có cầu nguyện, kết hiệp với Chúa mới lắng nghe và biết được ý Ngài. Có biết ý muốn của Chúa mới có thể hành động theo ý Ngài.

Cầu nguyện giúp ta sống khiêm nhường và nhận ra mình là kẻ tội lỗi. Nhờ cầu nguyện ta được ban sức mạnh để chiến đấu với tội lỗi và nhờ đó chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi. Nhờ cầu nguyện ta có được nguồn trợ lực thiêng liêng giúp ta yêu Chúa và phục vụ anh em một cách chân thành.

Huệ Minh

Read 169 times Last modified on Thứ bảy, 04 Tháng 2 2023 08:11