Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 10 Tháng 11 2022 12:10

"Hận thù tín ngưỡng”

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 "Hận thù tín ngưỡng” Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII mùa Thường Niên năm C

Người Việt vẫn nổi tiếng là dân tộc chủ trương sống “dĩ hòa vi quý” , luôn sống hòa thuận vì “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nhưng tại sao lại có những cuộc tàn sát đồng bào mình chỉ vì khác tôn giáo?

Thưa chỉ vì cái tôi của những người lãnh đạo. Nhất là các vua chúa vẫn coi mình là thiên tử nên mọi người phải theo, phải phụng thờ mình như con Trời.

Chính vì thế khi Thiên Chúa giáo xuất hiện thì sự độc tôn của vua chúa suy gỉam và nhất là những luân lý không do vua tùy tiện mà do lương tâm và lề luật của Thiên Chúa dẫn dắt. Đó là lý do chính quyền thời đó ra mặt chống đối bài bác bắt bớ Thiên Chúa Giáo, hành quyết những vị Thừa sai ngoại quốc hay linh mục, giáo dân bản xứ và tìm cách tiêu diệt đạo Chúa, nói theo danh từ chuyên môn, là vì "hận thù tín ngưỡng: odium fidei". Tín ngưỡng nói đây là niềm xác tín sâu xa vào Thiên Chúa, sự tôn thờ Ngài là đấng Tạo dựng muôn loài, là vị Cứu tinh nhân loại và là Thẩm phán tối cao.

Từ sự hận thù tín ngưỡng đã dẫn đến những cuộc bách hại đạo khắc nghiệt đầy dã mãn, đến nỗi người chết được ví như sung rụng trải dài từ Nam- Trung- Bắc. Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại. Tất cả bị giết chết chỉ vì tin thờ Một Thiên Chúa duy nhất.

Tự Ðức là vua sau cùng đã bách hại đạo Công Giáo, ý muốn của nhà vua là tiêu diệt tận gốc, nhưng nhà vua, cũng như các người bách hại đạo Công Giáo trên thế giới, đâu có ý thức được rằng: đạo Thiên Chúa xây đắp không phải trong ranh giới thời gian, trong lãnh vực địa dư quốc gia, nhưng là được củng cố trong lương tâm, trong tâm hồn nhân loại, làm sao mà tiêu diệt nổi? Ðạo Thiên Chúa được mở rộng biên cương, được phát triển không phải bằng những phương tiện kinh tế, vật chất, binh đao, nhưng bằng một luật tiến triển siêu nhiên: "Hạt giống gieo xuống đất mà không mục nát sẽ không sinh hoa trái, nhưng nếu mục nát đi nó sẽ sinh nhiều hạt khác" (Gio. 12,24-25).

Các thánh tử đạo đã can trường đón nhận cái chết đau thương là nhờ sức mạnh từ Thập giá Chúa Ky-tô. Nhìn lên thập giá ta thấy một ánh sáng thiêng liêng sẽ nâng đỡ và giúp các ngài cùng đi qua thập giá với Chúa Ky-tô. Thử hỏi trong loài người ai đã thánh thiện bằng Chúa Kitô, ai đã thi ân cho nhân loại bằng Ngài: qua giáo lý Ngài công bố, qua phép lạ Ngài làm, qua đời sống trong sáng Ngài nêu cho cả thế giới? Nhưng rồi ai đã phải chết đau khổ bằng Ngài và như Ngài? Chính Chúa Giêsu hồi xưa đã tiên báo: "Thầy phải đi Giêrusalem, ở đó sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ phải tử nạn và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Matt. 16,21). Sở dĩ Chúa đi chịu chết (và sau có phục sinh) là để: "Nhân danh Ngài sự ăn năn thống hối và ơn tha tội sẽ được lan truyền khắp nơi bắt đầu từ Giêrusalem" và từ đó muôn dân cùng ca tụng Thiên Chúa.

Xin nhờ lời cầu bầu của các thánh Tử đạo tại Việt Nam và nhất là sức mạnh của Thánh Thể, giúpcho mỗi người chúng ta biết sống đạo yêu thương để làm chứng cho Chúa, nhất là biết phụng thờ Chúa trên hết mọi sự. Xin Chúa là Đấng đã từng nói: “hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” cũng ban cho chúng ta một ngôi nhà trên trời vì đã chọn Ngài ở trần gian. Amen.

LM.JOS TẠ DUY TUYỀN

Read 150 times Last modified on Chủ nhật, 13 Tháng 11 2022 07:16