Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 18 Tháng 8 2022 18:48

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 21 Mùa Thường Niên

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 21 Mùa Thường Niên Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 13, 22-30)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".

 

Suy niệm

 

Con người được Thiên Chúa tạo dựng mang họa ảnh của Ngài, không những thế, Thiên Chúa còn cho con người một khối óc rất thông minh, một ý chí rất mạnh mẽ và một tinh thần luôn hướng thượng. Tất cả những yếu tố đó, tạo cho con người một chổ đứng đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa. Từ đây, con người luôn đi tìm nguồn cội của mình, luôn đi tìm những giá trị tinh thần mang chiều kích thiêng liêng. Một trong những trăn trở của con người trong mọi thời đại, là sau khi chết, con người sẽ đi về đâu ? vấn nạn này cũng là một trong những trăn trở của các tín hữu Kito, đó là sau khi chết, ai sẽ được cứu độ, ơn cứu độ sẽ đưa con người đi đâu. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 21 thường niên, phần nào trả lời cho con người vấn nạn đó, nhưng để chấp nhận cách giải thích và câu trả lời của Thánh Kinh, cần có một niềm tin chân thành và đủ sâu, đồng thời, dám để cho Chúa Thánh Thần dẫn lối vào quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, con người phải đấu tranh để sinh tồn, nhưng trong cuộc đấu tranh đó, con người không quên đi tìm nguồn cội của mình. Dù bất cứ ở đâu và thời điểm nào, con người vẫn muốn tìm câu trả lời cho chính mình: tôi bởi đâu mà ra và sẽ trở về đâu ? Các tiên tri là những sứ giả của Thiên Chúa, các ngài đã trả lời phần nào những vấn nạn đó cho dân chúng, hơn nữa, các ngài còn mở cho họ cái nhìn về một dân mới, đó là gia đình nhân loại mới. Để chấp nhận điều đó, con người phải trải qua nhiều thăng trầm và nhiều biến cố trong lịch sử, lời tiên tri Isaia đã giải thích phần nào về trăn trở của con người mọi thời: “Ðây Chúa phán: "Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta”. Ngôi nhà của Thiên Chúa là ngôi nhà chung, là ngôi nhà của các dân tộc, trong đó không phân biệt sang hèn, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, tất cả họ gặp nhau và có chung một điểm đến là niềm tin, là lòng cậy trông vào một Thiên Chúa. Vòng tay yêu thương của Thiên Chúa luôn ôm trọn từng người và mọi người trong từng biến cố cuộc đời.

Dù mang họa ảnh của Thiên Chúa, nhưng con người cũng chỉ là một thụ tạo, đầy những bất toàn, vì thế, không thiếu những lần, con người tưởng chừng sẽ không tồn tại trên thế giới này nữa, vì những cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Họ đã phản bội Ngài, đã quay lưng với tình yêu của Thiên Chúa, do đó, Ngài đã nghiêm phạt họ trong tình thương, chứ không vì giận dữ. Ngài đánh đòn họ bằng tình yêu của người Cha, chứ không vì oán hờn. Tác giả thư gởi tín hữu Do thái đã diễn đạt tình yêu thương của Thiên Chúa đầy màu sắc của tình yêu thương: “Anh em thân mến, anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: "Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con". Ngài sửa dạy con cái như một người cha sửa dạy con trong tình yêu, Ngài chăm sóc con cái như một người mẹ hết tình yêu con. Tác giả đã gợi ý cho con người, đừng phụ bạc tình Trời, đừng sống hờ hững với ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Tình Trời là thế, còn tình người dành cho Ngài thế nào, sẽ làm gì để được Thiên Chúa yêu thương và được Ngài cứu độ đây.

Ngày hôm nay, xu hướng phát triển của xã hội là tiêu thụ và hưởng thụ, trong vòng xoáy đó, người tín hữu phần nào cũng bị ảnh hưởng, do đó, đời sống tôn giáo có thực sự được quan tâm đúng mức, và ơn cứu độ có thực sự là một trăn trở của người tín hữu Kito nữa không ? vào thời điểm đặc biệt của lịch sử, khi Chúa Giesu hiện diện giữa nhân loại, người ta sống trong một xã hội đề cao tinh thần tôn giáo, mối quan tâm là ơn cứu độ con người, do đó, không chỉ một người đến gặp Đức Giesu để trao đổi vấn nạn đó, nhưng còn rất nhiều người quan tâm đến câu chuyện này: “Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được”. Bệnh tật, đói nghèo, ngay cả cái chết vẫn chưa thực sự là chướng ngại vật ngăn cản con người đứng ngoài ơn cứu độ, nhưng nguyên nhân chính gây nên cái chết đời đời của con người, đó là xa lìa Thiên Chúa, khước từ sự hiện hữu của Ngài. Mối nguy này con người không tự cố gắng được, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể đưa con người trở lại với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Ơn cứu độ là một món quà vô giá Thiên Chúa trao tặng cho con người, nhờ ơn cứu độ, con người được trở về với ngôi nhà của chính mình là Nước Trời, nhờ có ơn cứu độ, con người được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa, được đồng thừa tự quyền làm con Thiên Chúa với Đức Giesu Kito. Trước một hồng phúc lớn lao như thế, con người đáp trả như thế nào cho phải đạo. Niềm tin là một yếu tố quan trọng để được cứu độ, con người được nhận lãnh niềm tin cách nhưng không từ Thiên Chúa, niềm tin đó cần được bén rễ sâu trong mảnh đất tâm hồn, cần được bén rễ vào trong cuộc đời và cần được đơm bông kết trái là những cố gắng của bản thân. Trau dồi niềm tin mỗi ngày bằng Lời Chúa, vun xới niềm tin mỗi ngày bằng giáo huấn của Giáo hội, cắt tỉa niềm tin mỗi ngày bằng sự nhạy bén trong phán đoán, cần có thái độ tỉnh thức trong ơn gọi và sẵn sàng trong từng biến cố cuộc đời.

 

Một xã hội nặng về vật chất tất yếu vấn đề tinh thần sẽ bị coi nhẹ. Hiện tại cuộc sống của tôi thế nào, có nên trải nghiệm tất cả để thực sự là sống và làm người không, nếu như thế, con người chỉ quan tâm đến những nhu cầu của thể xác, mà quên đi những nhu cầu thiết yếu của tinh thần, của tâm hồn. Vì thế, thay vì con người đặt vấn đề là hôm nay ai sẽ được cứu độ, thì họ sẽ đặt vấn đề là ơn cứu độ đó như thế nào, và có cần phải được cứu độ không. Người tín hữu Kito hôm nay đang có xu hướng nghiêng về những câu hỏi thực dụng trên, do đó, vô tình họ chỉ giữ đạo với lề luật, với truyền thống, với sách vở, chứ không có chiều sâu thiêng liêng trong tương quan với Thiên Chúa, và không có thao thức được cứu độ. Bởi nếu có thao thức đó, họ phải từ bỏ nhiều yếu tố trong thực tế, ngay cả cái tôi cũng cần từ bỏ. Có như thế, họ mới thực sự đang cố gắng đi qua cửa hẹp, là con đường dẫn vào Nước Trời.

 

Từ cánh cửa hẹp đó, con người phải giúp đỡ nhau để không bị trễ hẹn khi cánh cửa đang dần khép lại. Mẹ Giáo hội đang mời gọi con cái hướng về một Giáo hội hiệp hành, một Giáo hội sống tình liên đới và biết bỗ trợ cho nhau trong hành trình đức tin. Để có được một Giáo hội hiệp hành, cần có sự lắng nghe và đón nhận, chỉ cần đó là người tín hữu Kito, cần có sự khiêm tốn đủ, dù đó là phẩm trật nào, là ơn gọi nào, bởi tâm tình hiệp hành đâu chỉ dành riêng cho giáo dân, cho những người thấp cổ bé miệng, nhưng là cho mọi thành phần dân Chúa. Ơn cứu độ sẽ đến với mỗi người khi cùng tham gia xây dựng Giáo hội với tinh thần tích cực, cùng hiệp thông các thành phần dân Chúa trong sự tôn trọng và lắng nghe, cùng hướng về phía trước trong sứ vụ của người môn đệ Đức Giesu. Có chấp nhận cởi bỏ chiếc áo giáp quyền lực và vượt ra khỏi hàng rào của sự thống trị, con người mới thực sự giúp nhau đón nhận ơn cứu độ, giúp nhau sống tình liên đới Kito.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa mong mỏi con người đừng quá câu nệ về hình thức sống đạo, cũng như đừng quá nghiêng chiều về lề luật để được cứu độ, nhưng tất cả cần có niềm tin, xin củng cố niềm tin cho chúng con trong từng biến cố cuộc đời, trong từng trăn trở của Giáo hội, có như thế, ơn cứu độ mới là điểm cuối cho cuộc đời mỗi người. Chúa đã hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá để cứu độ con người, xin giúp chúng con biết cúi mình xuống để chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu đó, để sống ơn gọi của mình cách tích cực và sống động hơn trong một xã hội nghiêng chiều về vật chất và quyền bính. Amen.

Lm Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 373 times Last modified on Chủ nhật, 21 Tháng 8 2022 10:37