Print this page
Thứ bảy, 16 Tháng 7 2022 21:55

Bớt lăn tăn lại !

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bớt lăn tăn lại !


17.7. Chúa Nhật thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm

St 18:1-10; Tv 15:2-3,3-4,5; Cl 1:24-28; Lc 10:38-42

Bớt lăn tăn lại !

Chúng ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã dừng lại tại một làng kia (hẳn là Bêtania?), để thăm gia đình những người bạn thân. Cô chủ Mácta đón Người vào và tất bật phục vụ. Còn cô em Maria thì cứ bình thản ngồi bên chân Đức Giêsu mà nghe Người giảng dạy. Theo truyền thống của các kinh sư, chỉ phái nam mới được ban cho những lời giảng dạy và những huấn thị; các phụ nữ bị loại ra bên ngoài. Nhưng Chúa Giêsu nhìn nhận các phụ nữ có cùng một phẩm giá như phái nam, nên Người ngỏ lời cả với phụ nữ. Ở đây tác giả đã không ngần ngại mô tả một người nữ như là môn đệ ngồi bên chân Chúa Giêsu. Thái độ của Chúa Giêsu khiến chúng ta nhớ đến Cn 31,26.

Bấy giờ Mácta mới lên tiếng nhận định về Maria và về bản thân mình. Lời trách của cô có lý, vì hoàn cảnh quá rõ: một người khách quí vừa đến nhà. Phải làm mọi sự để đón tiếp người ấy cho chu đáo; thật ra còn cả đoàn môn đệ của Chúa Giêsu nữa! Nhà chỉ có hai chị em; thế mà Maria cứ để cho chị phải xoay sở một mình. Mácta có lý khi yêu cầu em giúp mình.

Mácta có lý, nếu vấn đề là phải tiếp đãi người khách cho tươm tất. Nhưng nhận định của Chúa Giêsu khiến chúng ta phải tự hỏi: vấn đề phải chăng là như thế? Người khách phải chăng chỉ muốn được tiếp đãi ân cần chu đáo? Đối với Người, điều gì quan trọng nhất? Những câu hỏi này, Mácta không hề đặt ra cho mình. Ngay từ đầu, hầu như là do thói quen, cô tưởng là mình biết tình thế cần cái gì. Không hề tự hỏi là người khách thật sự muốn gì, cô áp đặt cho người khách ấy điều cô nghĩ là hợp lý hơn, cần thiết hơn, vào lúc này. Chắc chắn Mácta có hảo ý. Nhưng cô không mấy quan tâm đến các sở thích và ý hướng của người khách. Chúa Giêsu giúp cô hiểu rằng trước tiên Người không muốn được đón tiếp, nhưng muốn một điều quan trọng hơn nhiều.

Maria lắng nghe Ngài. Đây là điều duy nhất cần thiết và là điều luôn luôn đúng: lắng nghe Chúa. Đức Giêsu đến nhà Mácta và Maria trước hết không phải để được đón tiếp, nhưng là để được lắng nghe. Với tất cả thiện chí, Mácta đã sao nhãng ý muốn này của Chúa Giêsu. Chỉ có Maria là đã gắn bó với điều Chúa Giêsu muốn. Trước hết, Người muốn cống hiến, chứ không muốn đón nhận. Trước hết, Người không muốn có một sinh hoạt chuyên chăm cần cù, qua đó người ta chứng tỏ người ta luôn biết điều gì là đúng và điều gì phải làm; nhưng Người muốn người ta suy nghĩ và ở yên để lắng nghe, suy tư và để cho Đấng khác nói với mình điều thật sự quan trọng và điều thật sự mình phải làm.

Vậy quả thật Chúa Giêsu không đánh giá thấp sự “phục vụ” mà Mácta đem lại khi bận rộn với việc “nội trợ và bếp núc”. Nhưng để “đi theo Chúa Giêsu” thì ngay cả những gì có giá trị nhân bản nhất cũng phải buông bỏ (Lc 5,11-18,22-9,61). Hãy lắng nghe Lời Chúa! Đó là bổn phận đầu tiên của con người, của Kitô hữu. Chúa Giêsu nói đó là sự cần thiết duy nhất, tuyệt đối, triệt để. Và đây không phải là lần đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng mà Chúa Giêsu khẳng định điều đó. Không lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên cát (Lc 6,47-49). Lắng nghe Lời chính là trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc chân thật và duy nhất của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu không phải vì Mẹ là Mẹ Người, mà vì Mẹ đã “’lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 1 1,27-28).

Như vậy, qua hình ảnh, thái độ của Maria, và nhất là được nghe lời chúc phúc của Chúa Giêsu cho cô, mỗi người chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa, chăm chỉ đọc Thánh Kinh, và nhất là đem Lời Chúa ra thực hành. Đây chính là điều cao trọng nhất để ta thể hiện lòng yêu mến Chúa trọn vẹn. Yêu mến Chúa mà không giữ Lời Chúa thì là người giữ đạo hình thức; giữ Lời Chúa như một luật lệ cứng ngắc, thậm chí chỉ giữ trong nhà thờ mà thôi. Nếu đời sống đạo của chúng ta đúng như vậy, thì chẳng khác gì người mang danh và đeo cái mác Công giáo, chứ thực ra không phải là người mang đạo trong mình.

Nhưng để nghe được tiếng Chúa muốn gì nơi chúng ta, chúng ta cần phải loại bỏ một số thứ không cần thiết, và phải kết hợp với Chúa trong thinh lặng nội tâm thực sự. Làm được như thế, tâm hồn chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và để chúng ta dễ nhận ra tiếng Chúa trong Thánh Kinh, cuộc sống và qua lương tâm.

Trong mọi thời, Giáo Hội luôn mời gọi con cái của mình hãy siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm và đem ra thực hành cách sống động trong gia đình, lối xóm, giáo xứ và bất cứ môi trường nào… Thế nhưng, vì quen lối sống đạo xưa kia, nên chúng ta nhiều khi chỉ thuộc kinh và không mấy coi trọng Thánh Kinh. Khi nói như thế, chúng ta không có ý phủ nhận lối sống đạo bình dân của cha ông, vì trên thực tế, đời sống đạo truyền thống này đã sản sinh cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng và chúng ta ngày hôm nay được kế thừa niềm tin cũng nhờ cung cách sống đạo bình dân đó.

Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, mọi lời giáo huấn, truyền thống của Giáo Hội, mọi lời kinh từ bao thế hệ đều được khởi đi và suy tư từ Thánh Kinh mà ra. Nếu chúng ta am tường và hiểu biết Thánh Kinh càng nhiều, thì đời sống đạo của chúng ta càng sống động. Thật thế, Thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.”

Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gợi lên cho chúng ta cách tiếp cận cụ thể với Thánh Kinh như sau: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.” (Thư Chung 1980, số 8).

Mong thay, mỗi chúng ta biết chọn sao cho trọn. Chọn điều tốt sẽ dẫn đến kết quả tốt. chọn điều xấu ắt sẽ xấu. Nhưng trong tất cả mọi sự chọn lựa, Lời Chúa phải chiếm địa vị quan trọng nhất, và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống là làm cho Chúa được hiện tại hóa trong lời nói, cử chỉ, hành động của mỗi chúng ta. Có thế, Lời Chúa mới thực sự bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong đời sống đạo của chúng ta.

Ước gì Lời Chúa khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi chúng ta khi chúng ta thành tâm đi tìm kiếm Chúa và yêu mến Chúa bằng việc lắng nghe và đem ra thực hành Lời ấy trong cuộc sống.
Huệ Minh

Read 260 times

Latest from Ban Biên Tập