Print this page
Chủ nhật, 24 Tháng 10 2021 15:34

Cốt lõi của đạo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Cốt lõi của đạo


25 20 X Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên.

Rm 8,12-17; Lc 13,10-17.

Cốt Lõi Của Ðạo

Trong xã hội, luật lệ là điều cần thiết để duy trì một trật tự ổn định. Đôi khi luật đem lại sự công bằng cho kẻ yếu thế, nhưng đôi lúc nếu chỉ giữ luật theo nghĩa đen, thì vô tình luật lại đánh mất tinh thần bác ái đối với đồng loại, khi chỉ biết đối xử với nhau theo đúng luật. Trang Tin Mừng hôm nay là một điển hình.

Lc 13, 10-17 thuật lại một phép lạ của Chúa Giêsu chữa người phụ nữ bị còng lưng, mà Ngài thực hiện việc này trong ngày ba-bát, một ngày cấm làm việc của người Do Thái.

Câu 10 giới thiệu về việc Chúa Giêsu làm trong ngày sa-bát: giảng dạy. Ngài đã giữ đúng luật khi giảng dạy, để tôn vinh Thiên Chúa, để giải thích sách luật, để hướng dẫn người khác trên đường thiêng liêng. Ngài làm một công việc bình thường của một Rabbi nhưng ở đó có một phụ nữ quỉ ám làm cho tàn tật đã 18 năm “ lưng còng… không thể đứng thẳng lên” (c.11). Đây là hình ảnh của một con người nô lệ: nô lệ của bệnh tật, của sự dữ và của ma quỉ. Thánh Luca khẳng định quỉ đã khiến bà như vậy. Bà đã mang cái ách thống trị của ma quỉ suốt 18 năm, mà không sao ngước đầu lên được. “ Một phụ nữ, bị tật nguyền, do ma quỉ khống chế”.

Hình ảnh này khiến chúng ta thấy : bà là người nghèo nhất trong các người nghèo, không có chỗ tựa nương bám vúi. Bà bất lực hoàn toàn và hình như cam chịu số phận. Thái độ đó khiến lòng nhận hậu của Chúa Giêsu bừng mở. Thoạt vừa trông thấy, Ngài gọi “Này bà, bà được giải thoát khỏi tật nguyền” (c.12). Một lời đem lại sức cứu độ. Câu trả lời của Chúa Giêsu như khẳng định thiên tính và sứ mệnh của Ngài. Ngài là Thiên Chúa có quyền trên sự dữ và ma quỉ. Ngài đến để cứu con người thoát khỏi ách thống trị của chúng. Sứ mệnh Mêsia của Ngài được thể hiện rõ nhất khi Ngài xua trừ ma quỉ. Thiên tính của Ngài biểu hiện tuyệt vời nhất khi Ngài tỏ rõ sức mạnh trên quyền lực sự dữ.

Hành vi đặt tay trên bà là hành vi trừ tà và bàn tay ban truyền sức mạnh của Thiên Chúa. Ngày nay chúng ta vẫn thấy Giáo Hội dùng nghi thức đặt tay khi ban Bí Tích Thêm Sức hay truyền Chức Thánh… Sau khi Chúa Giêsu đặt tay trên bà, Chúa đã chữa lành và giải thoát bà khỏi ách nô lệ của ma quỉ . Ngay lập tức “ bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa” (c.13). Đây là hành vi của người được giải phóng khỏi ách nô lệ. Việc đứng thẳng như muốn rũ bỏ mọi tội lỗi, điều ô uế đã đeo bám trên mình khẳng đinh mình là người tự do. Tôn vinh vì những việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện cho dân Ngài, do tình thương của Ngài.

Câu 14 nói lên thái độ và con người của ông Trưởng Hội Đường. Để tỏ ra uy quyền của người Trưởng Hội Đường nắm giữ và bắt người khác thi hành đúng luật, nên ông tỏ ra tức tối và lên tiếng nhắc nhở cả cho đám đông và Chúa Giêsu “ có 6 ngày phải làm việc, thì đến xin chữa bệnh trong ngày đó, đừng đến vào ngày Sa-bát”. Một giọng điệu nghe có vẻ là người tuân giữ lề luật, nhưng đây chỉ là lối giữ luật vụ hình thức, bởi nội dung sâu xa của luật vẫn là lòng bác ái đối với anh em đồng loại. Chúa Giêsu đã chữa cho người phụ nữ, giờ đây Ngài muốn chữa bệnh thiêng liêng cho ống Trưởng Hội Đường và các kẻ chống đối Ngài: Ngài lên tiếng: đạo đức giả ! Trong ngày Sa-bát, bò lừa còn được dẫn đi uống nước mà .

Trong 2 câu 15 và 16, Chúa Giêsu đã dẫn chứng và đưa ra một lối so sánh rất ngoạn mục : một bên là con lừa, con bò, còn bên kia là một con người. Một bên chỉ để giải khát thân xác, còn bên kia là giải thoát cả về đời sống tinh thần. Tại sao các ông sẵn sàng thực hiện những công việc chỉ đáp ứng những nhu cầu thân xác của một con vật, mà lại tỏ ra cứng nhắc khi giải thoát cho một con người đã bị ma quỉ kiềm chế bấy lâu ? Tại sao các ông chỉ thấy sự cần thiết cho một thân xác của con vật, mà không thấy nhu cầu thiêng liêng của một con người? . Vậy mà các ông nhận mình là cha, là mẹ của dân sao?

Thật thế, các vấn nạn Chúa Giêsu đặt ra để ông Trưởng Hội Đường và các người theo phe ông nhận ra cốt lõi của luật. Trước hết và trên hết đó là lòng nhân ái. Nhiều khi chúng ta dùng luật mà xem thường hay xúc phạm vùi dập của con người. Câu 17 là câu kết luận của bài Tin Mừng “ những kẻ chống đối Chúa Giêsu phải xấu hổ còn toàn dân thì vui mừng”. Đó là 2 thái độ của những người nghe Lời Chúa. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã cho họ biết họ đang đứng ở vị trí nào trong Nước Thiên Chúa.

Thật trùng hợp khi ngày nay trong chúng ta, vẫn có khối kẻ sống nệ luật như ông Trưởng Hội Đường này. Chúng ta đã dùng luật Chúa và luật Giáo Hội để lên án tố cáo người khác, không đúng nơi, đúng lúc. Một cách không nhân nhượng. Chúng ta dễ dàng thoải mái xét đoán khi không có thẩm quyền ấy và nhiều khi những lời tố cáo đó chỉ theo nhãn quan tình cảm của ta mà thôi. Như người Do Thái xưa đã dùng luật mà lên án Chúa Giêsu, ngày nay chúng ta cũng dùng chính Lời Chúa để kết tội người khác một cách vô tình hay hữu ý.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.

Xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.
Huệ Minh

Read 587 times Last modified on Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 12:26

Latest from Ban Biên Tập

Related items