Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 23 Tháng 2 2021 07:16

Ngôn Sứ của mọi thời đại

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NGÔN SỨ CỦA MỌI THỜI ĐẠI

TMĐP- Tất cả chúng ta đều là ngôn sứ của mọi thời đại. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mà sứ vụ là làm cho Lời Chúa chạm được trái tim mọi người, để trái tim mình chạm đến trái tim người khác qua tình yêu quan tâm, tình yêu chia sẻ, tình yêu cảm thương, khi hướng tất cả đến Chân Thiện Mỹ tuyệt đối là chính Thiên Chúa.

Mỗi người Kitô hữu, nhờ bí tích Rửa Tội đều trở thành ngôn sứ để nói và làm chứng lời Thiên Chúa trước anh em. Nhưng sứ vụ ngôn sứ này không mấy khi được quan tâm, trân trọng và thi hành với ý thức được chính Thiên Chúa kêu gọi, tuyển chọn.

Như các ngôn sứ trong Cựu Ước, người tín hữu được thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, bao phủ, như ngôn sứ Êdêkien đã tự sự: “Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng vững” (Ed 2, 2). Nhờ thần khí, ngôn sứ mới đủ tinh thần, nghị lực để lên đường công bố Lời Thiên Chúa và làm chứng về Ngài, bởi sứ vụ ngôn sứ không dễ dàng, nhàn hạ do tính phức tạp, khó khăn của đối tượng, như Giavê Thiên Chúa đã phán với người được Ngài sai đi: “Hỡi con người, chính ta sai ngươi đến với con cái Ítraen, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta… Những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng” (Ed 2, 3-4) .

Sứ vụ ấy còn gai góc, nhiều rủi ro, vì Lời Thiên Chúa không làm vui lòng kẻ phản nghịch, và giáo huấn của Ngài lúc nào cũng trái ý kẻ kiêu căng đi ngược đường lối thánh thiện, như ngôn sứ Giôen báo động về Ngày của Đức Chúa: “Run lên đi, mọi cư dân trong xứ, vì Ngày của Đức Chúa đến rồi, Ngày ấy đã kề bên. Ngày tối tăm u ám, Ngày mây mù tối đen… Trước mặt chúng, đất run rẩy, trời chuyển rung. Mặt trời mặt trăng tối sầm lại, tinh tú không còn chiếu sáng nữa” (Ge 2, 1-2.10); hoặc đanh thép như lời đe dọa trừng phạt từ miệng ngôn sứ Amốt: “Đức Chúa phán thế này: Vì tội của Ítraen đã lên tới cực độ. Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng bán người công chính để lấy tièn, bán kẻ nghèo khó với giá một đôi giày. Vì chúng đạp đàu kẻ yếu thế xuống bùn đen, và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ. Vì cả con lẫn cha đi lại với cùng một ả, mà làm ô nhục danh thánh của Ta” (Am 2, 6-7).

Chính vì Lời Thiên Chúa khó nghe, khó đón nhận, và đối tượng là những kẻ ngoan cố, cứng lòng, mà ngôn sứ dễ chao đảo, ngã lòng, có khi bực mình “cưỡng lại sứ mạng Thiên Chúa giao” như trường hợp ngôn sứ Giôna: “Ông Giôna bực mình lắm, bực lắm và ông nổi giận: Ông cầu nguyện với Đức Chúa và nói: “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tácsít. Thật vậy, con biết rằng Ngià là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống” (Gn 4, 1-3).

Vì thế, khi kêu gọi các ngôn sứ, Thiên Chúa đều lên tiếng trấn an: “Phần ngươi, hỡi con người, đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói, dù ngươi có bị chống đối, có gặp chông gai tư bề, hay ngồi trên bò cạp. Những lời chúng nói, ngươi đừng sợ; có phải giáp mặt chúng, cũng đừng khiếp, vì chúng là nòi phản loạn. Ngươi cứ nói với chúng những lời của Ta..” (Ed 2, 6-7).

“Nói với chúng những lời của Ta” là sứ vụ của ngôn sứ, ngay cả “chúng nghe hay không nghe” (Ed 2,7) nói lên đòi hỏi gay gắt của sứ vụ, bổn phận phải triệt để thi hành, sứ mạng phải quyết tâm chu toàn, vì đó là điều Thiên Chúa muốn.

Khi truyền cho ngôn sứ đừng sợ, nhưng cứ nói lời Ngài, Thiên Chúa trở thành bảo đảm vững chắc cho cuộc đời và sứ vụ ngôn sứ, bởi lời Ngài chính là sức mạnh: sức mạnnh đổi mới, sức mạnh thánh hoá, sức mạnh chữa lành, sức mạnh “cải tử hoàn sinh”.

Quả thực, khi sống ơn gọi ngôn sứ, người tín hữu xác tín: sứ vụ của ngôn sứ chính là làm cho lời Thiên Chúa chạm được trái tim người nghe. Bởi khi lời Thiên Chúa chạm được trái tim con người, thì Lời hằng sống ấy sẽ ban sự sống thần linh cho con người. Lời cứu rỗi ấy sẽ giải thoát, cứu sống người tội lỗi. Lời bình an ấy sẽ ban niềm vui ơn cứu độ cho người sầu khổ, như người phong cùi đã được sạch bệnh, khi Đức Giêsu “giơ tay đụng vào anh” (Mt 8, 3). Như người đầy tớ của viên đại đội trưởng đã được khỏi bệnh khi “Ngài chỉ nói một lời” (Mt 8,8). Như người đàn bà bị băng huyết đã được chữa lành, vì “sờ vào tua áo của Người”(Mt 9,20).

Nhưng để Lời Chúa chạm được trái tim con người, Thiên Chúa cần đến trái tim con người của ngôn sứ, vì Thiên Chúa muốn con người có trách nhiệm trên đời sống và hạnh phúc của nhau; muốn con người cộng tác vào việc cứu rỗi anh em mình; muốn mọi người “tương thân tương ái” trên hành trình về Nước Trời, và cùng nhau “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Ngài cần trái tim con người của ngôn sứ, để trái tim ấy cùng với Lời Ngài chạm vào trái tim của những đứa con phản nghịch “mặt dày mày dạn” ; chạm đến “lòng chai dạ đá” của những đứa con hoang đàng, phóng đãng, bỏ cha bỏ nhà; chạm được trái tim lạnh lùng, vô cảm của những đứa con ngang ngược, bất hiếu.

Cần trái tim của con người để chạm đến trái tim con người đang cần được lòng thương xót chữa lành, cứu sống, Thiên Chúa nâng cao vị thế và giá trị của con người là thụ tạo Ngài yêu thương đăc biệt khi cho con người vinh dự được đóng góp vào công trình cứu chuộc loài người của Ngài. Và vinh dự ấy đòi con người một trái tim biết chạnh lòng như trái tim hay chạnh lòng của Thiên Chúa, “Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi bao dung”.

Thực vậy, sứ vụ ngôn sứ của người Kitô hữu ở mọi thời đại không là loan báo “cho có lệ” Lời Chúa; không là chuyển tải cách nhạt nhẽo Lời Chúa đến người khác, như gửi một thông tin, chuyển một tin nhắn; không là thông báo cách máy móc những huấn lệnh, quyết định của Thiên Chúa cho dân Ngài, vì ngôn sứ không là người phát thư, người đọc tin tức, nhưng ngôn sứ là “người của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi để chia sẻ với Ngài sứ vụ chữa lành, cứu rỗi dân Ngài”, nên ngôn sứ mang lấy tình yêu của trái tim Thiên Chúa giàu lòng thương xót, gánh trên vai sức nặng tội lỗi của anh em mình và của chính mình, chung nhịp khắc khoải, thao thức, hoà nhịp khao khát ơn cứu độ cho người có tội của trái tim Thiên Chúa.

Vì thế, Lời Chúa không khơi khơi chạm đến trái tim của người gian ác, nếu trái tim ấy trước đó đã không được chuẩn bị bởi tình yêu quan tâm của ngôn sứ.

Lời Chúa không thênh thang đi vào cõi lòng bất trung, bất nghĩa của kẻ phản phúc, nếu cõi lòng ấy trước đó đã không nhận được tình yêu cảm thương của trái tim ngôn sứ.

Lời Chúa không tự động nảy mầm trên đất tâm hồn của người có tội, nếu thửa đất ấy đã không được cày xới, nhặt cỏ nhờ tình yêu chia sẻ của trái tim ngôn sứ.

Lời Chúa không lớn lên, sinh hoa kết trái trên đường về của những tâm hồn thống hối, nếu không có trái tim hy sinh và cầu nguyện của ngôn sứ, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ khi các ông muốn xin Ngài giải tán đám đông để họ vào các làng mạc tự mua lấy thức ăn: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”, và đã cần đến “năm chiếc bánh và hai con cá” của các ông (Mt 14,16.18), khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông đi theo Ngài đang đói trong nơi hoang vắng.

Vâng, tất cả chúng ta là ngôn sứ của mọi thời đại, vì thuộc về, và là chi thể của thân thể “Đức Giêsu hôm qua, cũng như hôm nay và mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhờ bí tích Thánh Tẩy, mà sứ vụ là làm cho Lời Chúa chạm được trái tim mọi người, để trái tim mình chạm đến trái tim người khác qua tình yêu quan tâm, tình yêu chia sẻ, tình yêu cảm thương, khi hướng tất cả đến Chân Thiện Mỹ tuyệt đối là chính Thiên Chúa.

Jorathe Nắng Tím

Read 634 times Last modified on Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 12:23