Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 23 Tháng 9 2020 08:05

Dấu hỏi cho người khác

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Dấu hỏi cho người khác


24/09/2020

Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên

Lc 9, 7-9

DẤU HỎI CHO NGƯỜI KHÁC

Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.

Hôm nay nhân loại vẫn thắc mắc và tìm hiểu về Chúa Giêsu. Người ta vẫn đang cố đi tìm hiểu về một con người Giêsu của lịch sử. Nhiều nhà khảo cổ học, lịch sử học vẫn ra sức nghiên cứu để trả lời cho nhân loại trước những câu hỏi tò mò về con người lịch sử của Chúa. Nhiều nhà văn, đạo diễn đã hư cấu, đưa ra những chi tiết giật gân về cuộc đời Chúa Giêsu nhằm thu hút mọi người mua sản phẩm của họ. Những điều như thế không bao giờ giúp cho nhân loại hiểu về Chúa Giêsu là ai.

Chúng ta chỉ có thể biết về Chúa Giêsu bằng đức tin của mình. Đức tin không phải do nổ lực suy tư của bộ óc nhưng trước hết đó là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Lời của Chúa Giêsu nói với Tôma cũng là lời mang đến niềm an ủi lớn lao cho chúng ta : “Vì con đã thấy Thầy nên con tin, phúc cho những ai không thấy mà tin”. Lời chúc phúc này đòi hỏi người tin cần thay đổi lối nhìn, lối nghĩ, theo kiểu đời thì mới có thể nhận ra Chúa Giêsu là ai và Thiên Chúa ấy có ý nghĩa như thế nào cho cuộc đời của chúng ta. Nếu không thì chúng có thê như Hêrôđê, vẫn gặp thấy Ngài nhưng mãi mãi vẫn không biết Ngài là ai !

Đọc lại khi khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, khởi sự bằng việc Chúa nhận phép rửa Gioan trên sông Giođan. Gioan Tẩy Giả khi thấy Chúa đang tiến về phía mình, Gioan đã giới thiệu với dân chúng biết về Chúa Giêsu: “đây chiên Thiên Chúa đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). Lời giới thiệu của Gioan đã khẳng định sứ vụ và ơn cứu độ của Chúa sắp được tỏ hiện giữa trần gian.

Sau những năm tháng Chúa Giêsu ẩn dật sống dưới mái ấm gia đình Thánh Gia. Người bắt đầu công khai lộ diện công bố Tin Mừng cứu độ giữa dân chúng, danh tiếng Chúa đã vang cùng khắp nơi, vì Người đã đem tin lành đến cho muôn dân, qua những phép lạ Người đã làm cho dân chúng, những lời giáo huấn của Chúa đã cuốn hút khán giả đến lạ thường, dân chúng chỉ còn biết nghe quên cả ăn nghỉ, nhìn thấy đoàn dân đông đảo đi theo Người, khiến Chúa phải chạnh lòng thương họ, chữa lành nhiều bệnh nhân. (Mt 14, 13-21).

Người đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều qua cử chỉ bẻ bánh đầu tiên của Chúa, từ đó mọi người cùng chuyền nhau bẻ bánh và trao cho nhau, cứ thế từ năm chiếc bánh và hai con cá đã được nhận ra hàng ngàn chiếc bánh, hàng nghìn con cá. (Mt 15, 32-39). Bốn sách Tin Mừng còn ghi chép nhiều phép lạ khác Chúa Giêsu đã làm trong dân chúng. Riêng Tin mừng Thánh Gioan viết câu kết: “Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”. (Ga 21 ,25)

Những việc Chúa làm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Hêrôđê cũng biết tất cả những việc Chúa làm, và ông cũng muốn tìm cách để gặp Người. Nhưng điều đáng tiếc Hêrôđê đã không tìm đến để gặp Chúa, vì trong ý nghĩ của Hêrôđê muốn tìm cách gặp Chúa không giống như các trường hợp khác được ghi chép trong các sách Tin Mừng như: niềm tin của người phụ nữ bị bệnh băng huyết lâu năm chen lấn giữa đám đông để mong chỉ đụng được vào gấu áo của Người (Mc 5, 25-34), như anh chàng Bartimê thành Giêricô mù từ thuở mới sinh kêu gào gọi tên Giêsu khi Người đi ngang qua anh ta (Mc 10, 46-52) hay trường hợp ông Gia-kêu nghĩ ra cách trèo lên cây sung để dễ dàng nhìn thấy Chúa (Lc 19, 1-10).

Đặc biệt hơn với lòng tin của viên đại đội trưởng xin Chúa chữa cho đầy tớ đang nằm liệt bệnh ở nhà (Lc 7, 1-10). Tất cả họ đến gặp Chúa trong tâm tình yêu mến phát xuất tự trong đáy lòng họ. Họ đến với Chúa vì họ tin tưởng vào ơn cứu độ Chúa sẽ ban cho họ. Với Hêrôđê ông ta muốn tìm cách gặp Người chỉ vì hiếu kỳ, muốn được nhìn thấy Người làm phép lạ để ông ta xem. Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả vì Gioan đã mạnh dạn lên tiếng về thái độ của Hêrôđê muốn chiếm đoạt vợ của em mình (Lc 3, 19), tuy Hêrôđê nể phục Gioan nhưng ông không biết sửa những điều mình làm sai, qua những lời Gioan đã góp ý với ông, Hêrôđê đã bị nhục dục làm chủ, chỉ vì một lời hứa với con gái người tình, mà ông đã ra lệnh chém đầu Gioan (Mc 6, 17-29).

Đặt trường hợp nếu Hêrôđê có dịp gặp Chúa Giêsu, thì chắc chắn ông sẽ bị Chúa Giêsu phê phán cách kịch liệt hơn. Trong suốt ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Hêrôđê không được hạnh phúc nhìn thấy Chúa, chỉ một lần duy nhất được diện kiến Chúa khi Người bị bắt giải từ dinh tổng trấn Philatô sang cho Hêrôđê. (Lc 23, 8).

Qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu. Ngài có thể làm tất cả vì Ngài Toàn Năng, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ có thể làm những gì mà tình yêu có thể làm, và Ngài không thể làm những gì trái với tình yêu, vì bản chất của Ngài là yêu thương.

Chúng ta được mời gọi trở nên một Đức Kitô khác để người khác nhìn vào chúng ta thấy chúng ta là hiện thân của Chúa. Xin cho chúng ta ngày mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, trở nên hiện thân của Chúa giữa cuộc đời này hơn.

Chúng ta hãy là chứng nhân của niềm vui. Nếu các môn đệ buồn phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vui mừng biết bao khi nghe tin Thầy sống lại. Nếu các môn đệ lo âu vì sợ người ta đã giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò, thì các ông lại trọn niềm hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu chúng ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu chúng ta mang lại nụ cười cho những người bất hạnh, chúng ta đang công bố tin vui Phục sinh.
Huệ Minh

Read 311 times Last modified on Thứ năm, 24 Tháng 9 2020 12:11