Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 13 Tháng 7 2020 06:46

Sám hối

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sám hối.


14.7 Thứ Ba

Mt 11, 20-24

SÁM HỐI

Sám hối – một từ quá quen thuộc, người ta có thể rất hay nói về nó, có thể dùng nhiều từ hoa mỹ để diễn tả, hoặc đọc kinh để sám hối, hay xưng tội để sám hối…,nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó. Vì đã sám hối là phải canh tân, là cuộc sống phải biến đổi. Muốn sám hối người ta phải có lòng khiêm tốn biết mình, nhận ra ân huệ và tình thương Chúa dành cho mình trong cuộc sống, nhận ra tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và tình thương yêu của Người, nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, thật lòng thống hối và quyết tâm sửa chữa. Giáo lý nhà phật coi sám hối như là một cách tu luyện để được tái sinh: “Chỉ có sám hối nghiệp chướng của mình thề không tái tạo, mới được vãng sanh…đoạn ác tu thiện mới chính là sám hối.” (văn phát nguyện sám hối).

Chúa Giêsu mời gọi sám hối - Ngài đã thiết lập bí tích hòa giải, hay còn gọi là bí tích sám hối như một phương thế để người Ki-tô hữu có điểm dừng, có hồi tâm xét mình để biết mình, để hoán cải sửa chữa những lầm lỗi. Thế nhưng có được bao người Ki-tô hữu lãnh nhận bí tích hòa giải trong tinh thần sám hối thực sự, hay coi đó chỉ như hành vi đi “đổ rác”, hoặc để giữ luật, hoặc chỉ vì gượng ép…. Vì thế mà tội xưng xong thì “mèo lại vẫn hoàn mèo” - Không có gì đổi mới, không có gì canh tân.

Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là ba thành phố nằm gần biển hồ, là những nơi mà Chúa Giêsu thường đến rao giảng và làm phép lạ. Vì vậy, các thành này được diễm phúc chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Nhưng thay vì tin vào Chúa qua các phép lạ đó, thì dân cư của các thành này lại cứng lòng, không chịu sám hối. Thậm chí, Capharnaum còn bị Chúa Giêsu nêu rõ tội danh là kiêu ngạo, "nhắc mình lên tận trời cao".

Đối nghịch với ba thành này là ba thành khác được nêu danh để so sánh, đó là Tyrô, Siđôn và Sôđôma. Tyrô và Siđôn là hai thành thuộc miền dân ngoại, họ không được nghe Chúa Giêsu giảng, cũng không được chứng kiến phép lạ Chúa làm. Hơn nữa, trong Cựu ước, hai thành này được nêu danh như là đối tượng cho sự trừng phạt của Thiên Chúa. Còn Sôđôma được nhắc đến trong sách Sáng Thế, là một thành hết sức tội lỗi và bị lửa thiêu đốt do tội của họ.

Chúa Giêsu lấy ba thành này để so sánh với Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum để làm nổi bật sự cứng lòng của họ. Ba thành kia bị liệt kê là xấu, thế nhưng nếu họ được chứng kiến các phép lạ đã xảy ra ở Corazain, Bethsaiđa và Capharnaum thì họ ăn năn sám hối chứ không như dân của ba thành cứng lòng này.

Tin và sám hối là hai việc làm đi đôi, là tương quan hai chiều. Tôi chưa sám hối bởi đức tin của tôi yếu kém, đã khô héo hoặc đã chết. Tin vào Chúa Giêsu, vào Tin mừng của Ngài chúng ta không thể tiếp tục ‘đường xưa lối cũ’. Nếu sám hối thực sự, Ki-tô hữu sẽ “nên thánh như Cha trên trời là Đấng thánh”. Sám hối làm cho St. Phê-rô đã từng ba lần chối Chúa được lên tông đồ cả; đã làm cho Madalena – một cô gái điếm trở nên chứng nhân loan báo tin mừng phục sinh đầu tiên, cho Thánh Augustinô từng rối đạo, mê lầm trong tội lỗi trở nên người bảo hộ đức tin giáo hội qua tổng luận thần học và được tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh….

Sám hối là trở về với Cha, công nhận quyền tối thượng của Người trên cuộc đời mình, sẵn sàng vâng mệnh, thi hành thánh ý của Người trong cuộc sống; là biết nói không với những gì có thể kéo ta xa rời Thiên Chúa. Sám hối là mở rộng tâm hồn mình cho hồng ân Chúa đến như mưa tuôn thấm nhuận làm cho đất khô cằn trở nên phì nhiêu phát sinh hoa thơm trái tốt.

Lắng nghe Lời Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.

Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục kêu mời và gởi đến chúng ta nhiều dấu chỉ để chúng ta tin Ngài mà ăn năn sám hối.

Chúa kêu mời chúng ta qua lời giảng dạy của các mục tử, qua những lần chúng ta đọc Thánh Kinh…

Chúa gởi đến chúng ta những dấu chỉ là các biến cố trong cuộc sống. Thí dụ, cái chết của một người nào đó cũng là dấu chỉ mời gọi chúng ta sám hối…

Sám hối tuy là một tiến trình, nhưng nó cần có một khởi điểm. Khởi điểm này là lời đáp trả ban đầu đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, một đáp trả dứt khoát chứ không chần chừ, quyết liệt chứ không hứa hẹn. Ngay từ bước khởi đầu, hối nhân để cho ân sủng Chúa thấm vào tâm hồn bị thương tích của mình và chấp nhận chỗi dậy bước đi trong tiến trình chữa lành.

Sẽ không có một tiến trình trở về với Chúa, nếu không có bước khởi đầu này. Bước khởi đầu này dù chỉ là một dấu chấm, nhưng là một dấu chấm quan trọng, không thể thiếu, để khởi dẫn cho nhiều dấu chấm khác, làm thành một đường thẳng tắp hướng về trời. Dân thành Tia và Xi-đôn nhanh chóng khởi đầu hành trình sám hối của họ sau khi nghe Lời Chúa, không tính toán, do dự. Đối với họ, hạnh phúc bắt đầu từ bước khởi đầu đó.

Mong sao ta luôn nhớ rằng: Chúa sẽ ‘đòi’ ta theo những gì Ngài đã ban cho ta. Mong sao, ta luôn nhạy bén để nhận ra những ân lộc mà Chúa đã dành cho ta mỗi ngày. Và mong sao, ta luôn rộng rãi chia sẻ những ân lộc mà ta được lãnh nhận cho anh chị em ta.
Huệ Minh

Read 475 times Last modified on Thứ tư, 15 Tháng 7 2020 06:35