Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 14 Tháng 6 2020 09:53

Lấy ân đền oán

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lấy ân đền oán


15.6.2020 Thứ Hai

Mt 5, 38-42

LẤY ÂN ĐỀN OÁN

Trở về với Luật Cựu ước, ta thấy Luật đưa ra nguyên tắc dựa trên lẽ công bằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Chúa Giêsu đi xa hơn Luật cũ khi dạy rằng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” (Mt 5, 44). Thái độ tự nhiên của con người thường “yêu bạn ghét thù”. Ai phạm đến tôi, tôi tìm trả đũa người ấy. Cuộc sống ăn miếng trả miếng.

Tuy nhiên, với trang Tin Mừng hôm nay, ta được mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Chúng ta đã chẳng được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa hay sao? Chúng ta đã chẳng được gọi là anh em với nhau vì là con cái Cha trên trời hay sao? Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện. Chính Chúa Giêsu đã không oán ghét một Giuđa phản bội, đã bao dung tha thứ cho những kẻ sỉ vả và đóng đinh người trên thập giá, và cũng yêu thương chúng ta hết thảy: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Câu nói rất phổ biến trong nhân gian: “Lấy ơn đền oán, oán oán tiêu tan. Lấy ác báo oán, oán oán chất chồng”. Vâng, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước làm gương, để dạy chúng ta về sự tha thứ cao thượng, khi Ngài bị quân dữ tra tấn đánh đòn…chịu mọi cực hình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, ấy thế nhưng Chúa vẫn cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm…”.

Trong cuộc sống, chúng ta không thể nào tránh được những trường hợp người khác không có thiện cảm với mình. Khi đó, chúng ta sẽ đối xử với nhau ra sao? Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi mỗi người hãy trở nên biển cả của lòng từ nhân. Chỉ có sự quảng đại, bao dung và tha thứ mới đem đến bình an, hạnh phúc đích thực cho mỗi cá nhân và cộng đoàn.

Chúa muốn dạy chúng ta, đừng lấy oán báo oán khi chính mình bị xúc phạm. Tuy nhiên Người không cấm chúng ta chống lại những bất công, lại càng không cấm chúng ta bài trừ sự dữ, sự tội lỗi xấu xa ở trần gian. Cuộc sống nơi trần gian, biết sống trong Chúa là sống lý tưởng của sự hiền hòa, khiêm nhường hay tha thứ và yêu thương: vì tất cả đều là con cái một Cha trên trời, là Đấng hằng thi ân cho con cái và tất cả mọi người

“Mắt đền mắt, răng đền răng” – đó là luật báo thù, người ta xúc phạm làm thiệt hại tổn thương về tinh thần hay vật chất tôi bao nhiêu, theo lẽ công bằng phải đền trả tôi bấy nhiêu, đó là luật thế gian với góc độ con người đối xử với con người với nhau. Biết bao chiến tranh và bạo lực xảy ra trên thế giới cũng xuất phát từ những mâu thuẫn, sống tìm lợi ích, ích kỷ cho bản thân là sống như vậy, chỉ cần một chút thiệt hại về tiền bạc hay về tinh thần người ta sẵn sàng đạp đổ hay đổi mạng sống của nhau.

“Mắt đền mắt, răng đền răng” : ta thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước. Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù. Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng. Trong xã hội mang tính bộ tộc của Ítraen thuở ban đầu, “mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể.

Chúa Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác, nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục. “Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39). Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải. Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều. Chúa Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67). “Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu, vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20). “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 21).

“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40). Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13). Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi. Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (Mt 27, 32). “Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).

Chúa Giêsu đưa điều răn yêu thương về lại với ý hướng của Đấng Lập pháp đầu tiên. Tình yêu buộc phải cung cấp cho mọi người những gì phải làm: sự tín nhiệm, sự trân trọng, sự trợ giúp. Cũng như trong những cặp đối nghĩa khác, Đức Giêsu không chỉ cho một lời khuyên, nhưng ban một lệnh mới cho các tương quan giữa con người.

Người môn đệ chỉ trở thành con của Chúa Cha trong mức độ người ấy mô phỏng lối xử sự của mình theo cách ứng xử của Chúa Cha, nghĩa là yêu thương người khác, kể cả kẻ thù, y như Chúa Cha vẫn yêu thương họ. Khi yêu thương mọi người không phân biệt kỳ thị, người Kitô hữu chứng tỏ cách chắc chắn và trung thực nhất dây quan hệ họ hàng với Thiên Chúa.

Câu “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) làm vọng lại lời mời gọi của sách Đnl (18,13): “Anh (em) phải sống trọn hảo với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em)” và của sách Lêvi (19,2): “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”.

Môn đệ Chúa Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng, chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc. Câu cuối của trang Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của Kitô hữu trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42). Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn, dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả.

Không chỉ ngoài xã hội, nơi cộng đoàn hay gia đình ngày nay cũng vậy, họ có thể cũng sẵn sàng loại trừ nhau để đánh đổi chút danh hão huyền, thiếu đi sự yêu thương, cảm thông và tha thứ cho nhau. Nếu mọi người sống không còn thù oán, hiềm khích, biết sống ôn hòa, tha thứ cho nhau, tuy nhiên làm được điều đó quả thật rất khó, nhưng nơi mỗi người có được những đức tính này, thì nơi họ thể hiện bằng sự khiêm nhường, tha thứ, thiết tha trong lời cầu nguyện hay sống trong bí quyết diệu kỳ của Kinh Mân Côi là họ đã được “ từ ơn hoán cải đến ơn cứu độ”

Ta thấy Chúa Giêsu muốn kiện toàn khoản luật mới, đó luật yêu thương sống trong sự hoàn thiện biết đối xử, khoan dung với kẻ ác, cụ thể là với kẻ xúc phạm đến phẩm giá con người. Thầy bảo với anh em: “Đừng chống cự với người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39).

Quả thật rất nghịch lý, nhưng đây nghịch lý của tình thương. Người Kitô hữu sống Tin Mừng bằng cách không có khái niệm trả thù, sống trong tình thương sẽ lướt thắng họ, để giúp họ sống luật yêu thương trong đó bao gồm sự tha thứ, hy sinh, chịu đựng, thiệt thòi, từ tinh thần lẫn vật chất, luật yêu thương là cho đi không mong lãnh nhận, họ sẽ không ngoảnh mặt hay thờ ơ, lãnh đạm với bất kể ai, kể cả kẻ làm khó mình. Như Chúa nhắc nhở các môn đệ: “Ai xin anh hãy cho: ai muốn vay mượn thì anh đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42).

Trang Tin Mừng hôm nay Chúa dạy cho các Tông Đồ hãy sống bác ái với chính kẻ thù như chính Ngài đã từng là mẫu gương cho lời dạy của mình. Cũng thế để thăng tiến trên con đường nhân đức, bác ái yêu thương và tha thứ, thì mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy nhìn và sống theo mẫu gương của Thầy Giêsu, Người Thầy đầy yêu thương và bác ái và nhất là hãy lấy ân để đền oán.

Huệ Minh

Read 510 times Last modified on Thứ ba, 16 Tháng 6 2020 06:20