Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 18 Tháng 4 2020 07:16

Sống lòng Chúa xót thương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sống lòng Chúa xót thương


19.4 Chúa nhật II Phục Sinh

CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

SỐNG LÒNG XÓT THƯƠNG

Lời Thánh vịnh 117 vang lên trong suốt tuần bát Nhật Phục Sinh: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 117, 1). Trong suốt dòng lịch sử, dân Israel luôn nghiệm thấy Thiên Chúa là Đấng nhân từ, giàu lòng xót thương. Và trong suốt dòng lịch sử, tội lỗi loài người tràn lan, chồng chất, nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa đã sẵn sàng tha thứ khi con người hối cải. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế giới chính là sự hiện diện của Thiên Chúa Tình Yêu và Giàu Lòng Thương Xót.

Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23).

Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!

Khi sống lại, Chúa đã ban cho các tông đồ sự bình an: "Bình an cho các con". Sự bình an này làm cho các tông đồ thực sự được vui mừng. Các tông đồ được vui vì thấy Chúa, rồi Chúa trao ban cho các tông đồ Chúa Thánh Thần, quyền năng tha tội và sai các ông ra đi làm chứng cho Chúa. Các tông đồ có thể nói được trong giai đoạn này - trong phần thứ nhất của đoạn Tin Mừng - đã tin phần nào và đã chia sẻ cho Toma: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa", nhưng Toma không tin và đòi kiểm chứng một cách cụ thể. Có thể nói, đây là giai đoạn thứ hai của cộng đoàn. Thái độ cứng lòng tin của Toma đã gây chia rẽ hay làm yếu kém đi sức mạnh làm chứng của cộng đoàn cho Chúa Phục Sinh. Một cộng đoàn chia rẽ như vậy thì chắc chắn không thể nào có sự bình an, không thể nào có niềm vui để làm chứng cho Chúa Phục Sinh.

Qua Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan tường thuật lại sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ. Khi hiện ra, Ngài trao ban cho các Tông đồ bình an của Chúa, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21-23).

Chúa Phục Sinh hiện diện ở giữa chúng ta, Ngài là trung tâm liên kết và nâng đỡ sự hiệp nhất của cộng đoàn chúng ta, Ngài là nguồn mạch của sự bình an và niềm vui của cộng đoàn chúng ta. Chúa Phục Sinh ban cho cộng đoàn các đồ đệ đầu tiên sự bình an, Chúa Thánh Thần và sức mạnh làm chứng cho Chúa. Đó là một cộng đoàn lý tưởng cho tất cả mọi cộng đoàn Kitô khác rải rác khắp nơi trên thế giới, qua muôn thế hệ. Đó là một cộng đoàn lý tưởng, trong đó niềm vui và sự bình an đã thay thế cho sự u buồn thất vọng: thấy Chúa các tông đồ đều vui mừng.

Và niềm vui, sự bình an này luôn luôn là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa. Nhưng vì là những con người cụ thể, như chúng ta đây, mỗi người đều có những giới hạn của mình và cộng đoàn của chúng ta, cộng đoàn của các môn đệ Chúa chắc chắn phải trải qua những thử thách, những trở ngại.

Chúa Giêsu trao phó cho các Tông đồ hồng ân “tha thứ” diễn tả Lòng Xót Thương vô bờ của Thiên Chúa, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và từ cạnh sườn bị đâm thâu. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, và sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau. Thật không thể nào hiểu hết được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi. Tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải và tái tạo tâm hồn, mang lại cho ta niềm hy vọng. Đó là Tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đang rất cần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Vâng! “Tình thương Chúa tồn tại muôn đời”. Cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại và mỗi người chúng ta. Đây là điều kỳ diệu thể hiện trọn vẹn Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha, một Tình yêu không ai hiểu thấu, Đấng vì phần rỗi chúng ta, và để cứu chúng ta, Chúa đã ban Con Một Yêu Dấu của Ngài cho chúng ta.

Chúng ta đang sống trong niềm vui Phục Sinh. Chúng ta hãy giữ sao cho tâm hồn chúng ta luôn bình an trong Chúa. Chúng ta cũng đang nếm cảm Lòng Thương Xót Chúa thì chúng cũng cần sống Lòng Thương Xót Chúa: biết cảm thông và chia sẻ những nhu cầu của tha nhân; là đem yêu thương vào nơi tranh chấp và hận thù; là cùng chia sẻ cơm áo gạo tiền cho người đói khổ; là sống thứ tha và quảng đại với hết mọi người.

Huệ Minh

Read 408 times Last modified on Chủ nhật, 19 Tháng 4 2020 08:10