Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 12 Tháng 4 2020 18:37

Phép lạ Phục Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Phép lạ Phục Sinh


13.4 Thứ Hai tuần Bát Nhật Phục Sinh

Mt 28, 8-15

PHÉP LẠ PHỤC SINH

Với trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật.

Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.

Các phụ nữ bị coi là thua kém trong xã hội Do Thái lại đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Chúa Giêsu sống lại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui phục sinh cho các tông đồ; họ trở thành tông đồ của các tông đồ. Trong khi những người đàn ông như lính canh mồ, giới lãnh đạo ra sức đánh tráo dư luận, các môn đệ thân tín tỏ ra bị động, nghi ngờ thì các ba lại lên tiếng.

Việc Đấng Phục Sinh ưu ái hiện ra và trao sứ vụ cho các bà là phần thưởng Ngài dành cho những tâm hồn yêu mến Ngài. Tin Mừng Phục Sinh không là của riêng ai mà là của mọi người, nam lẫn nữ, biết thao thức tìm kiếm, tin tưởng và sống niềm tin này.

Số phụ nữ được diễm phúc Chúa hiện ra này là những người trước đây đã từng theo giúp Chúa, đã từng chứng kiến việc mai táng Chúa (Mt 2, 61). Nhờ biết rõ địa điểm chôn táng nên họ ra đi gặp Chúa Phục sinh hiện đến. Theo truyền thống, họ đến mộ để khóc thương và để xức dầu trên xác Ngài (Mc 16,1; Lc 23, 56 - 24, 1). Nhưng khi tới mộ, thì chỉ còn là nấm mộ trống trơn và chỉ có thiên thần ở đó. Thiên thần báo tin Chúa sống lại (c. 5) và mời các bà vào trong mộ để kiểm chứng sự kiện đó (c. 6).

Các phụ nữ đây vừa hốt hoảng vừa hân hoan vui mừng. Nỗi sợ hãi đã xâm chiếm lính canh, cũng làm các bà lo lắng. Nhưng lời thiên sứ trấn an họ yên trí bình an vui mừng như các đạo sĩ nhìn thấy ngôi sao (Mt 2, 10), như các mục đồng gặp Đấng Hài Nhi (Lc 2, 10).

Cùng một sự kiện sống lại đã làm cho lính sợ hãi ngã dập dụi, nhưng lại trở thành niềm tin can đảm vui mừng cho các bà. Lúc nhận ra Chúa các bà sụp lạy và ôm chân Người. Cử chỉ sụp lạy thường thấy trong Kinh Thánh (Mt 8, 2.9, 18.14, 33). Đó là thái độ trang trọng dành riêng cho Thiên Chúa. Các bà đã được diễm phúc thấy Chúa và kiểm chứng bằng ôm chân Chúa (c.9).

Việc này diễn tả lòng yêu thương tột bực kèm thêm niềm vui kính phục, được tái ngộ với Thầy mình đã chết nay sống lại. Gặp họ, Chúa Giêsu trấn an ngay: “đừng sợ, hãy đi báo tin cho anh em ta...” (c.8). Mệnh lệnh “Hãy đi” hối thúc các bà đừng quyến luyến bên Chúa cho riêng mình. Chúa dùng chữ “anh em” thay vì “môn đệ” là dấu sẵn lòng tha thứ mọi yếu đuối lầm lỡ mà trước đây các tông đồ đã lỡ phạm vào giờ Chúa tử nạn.

Cuộc phục sinh được loan báo cho các bà đầu tiên hẳn cũng có một ý nghĩa là trong suốt cuộc khổ nạn, các bà đã gần gũi Chúa nhất. Một thiếu phụ phung phí dầu thơm ở Bêtania (Mt 26, 7-13), vợ của Philatô can ngăn (27, 19), các phụ nữ đứng bên thập giá (27, 55-56) và bên nấm mộ (27, 61). Họ là những người có công và đã được thưởng bằng việc Chúa hiện ra. Đây cũng là một bài học cho thấy các bà đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền giáo cũng như họ đã từng làm việc đó là báo tin Chúa sống lại cho các tông đồ. Nếu như các bà ích kỷ chỉ đòi ở bên Chúa mà không chịu đi đưa tin thì hẳn là các môn đệ vẫn cứ ở trong căn phòng kín cửa then cài.

Và điều này muốn nói với chúng ta rằng: nếu chúng ta là những người đã nhận được đức tin của Chúa, nhận được sự sống mới của Chúa, chúng ta không có quyền sống ích kỷ, như con rùa thụt lui sau lớp vỏ của mình. Chúng ta phải phân phát, phải đi như những phụ nữ hôm nay để “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại...” (1C 11, 26).

Sau khi củng cố niềm tin, Chúa đã sai các bà ra đi loan báo tin cho các tông đồ ”những anh em của Thầy”, và tiếp theo, Chúa cũng sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho khắp thế giới. Ngày nay, chúng ta cũng là những người đối diện với Tin Mừng Phục Sinh, nên chúng ta cũng sẽ là những người được sai đi làm nhiệm vụ loan báo. Vì thế mà mọi cử chỉ, lời nói và việc làm của chúng ta luôn mang giá trị của một chứng từ.

Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.

Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa". Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.

Và rồi người Kitô hữu trong mọi thời, việc loan báo Tin Mừng vẫn là một tiếng gọi tồn tại trong sâu thẳm của con người hay chính nội tâm mỗi người là một ơn gọi riêng cho từng người, từ đó mỗi người mạnh dạn ra đi phục vụ và hãy cho đi nhưng không đến với biết bao hoàn cảnh cơ nhỡ, khốn cùng, họ đang cần biết bao tấm lòng từ tâm nâng đỡ từ vật chất tới tinh thần.

Bổn phận người tín hữu là chúng ta đi tìm cuộc sống vĩnh hằng, đồng thời cùng với mọi người cùng nhau tìm cuộc sống đời đời mai sau. Cuộc sống hàng ngày diễn ra, với mọi biến cố vui buồn, sầu khổ v.v… nếu mỗi người luôn có niềm tin tuyệt đối vào Chúa Phục Sinh, chắc chắn sẽ gặp Chúa đồng hành, quan phòng chúng ta trên muôn nẻo đường dù hiểm nguy, gian nan, trắc trở, thì Chúa gìn giữ chúng ta tới bến bờ hạnh phúc.

Huệ Minh

Read 435 times Last modified on Thứ ba, 14 Tháng 4 2020 07:07