Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 16 Tháng 3 2020 07:07

Tha mãi mãi, tha luôn luôn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tha mãi mãi, tha luôn luôn


SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ BA SAU CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A

THA MÃI MÃI, THA LUÔN LUÔN!


Tin Mừng Mt 18: 21-35

Chuyện nước trời là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Món nợ ân sủng, nợ tình yêu mà ta lãnh nhận từ Thiên Chúa làm sao có thể trả nổi. Từ khi thành hình bào thai trong lòng mẹ ta đã mắc nợ rồi - một món nợ tình, nợ ân. Mười ngàn nén vàng là bao nhiêu! Một trăm quan tiền là bao nhiêu! Thế nhưng cuộc sống con người vẫn mãi ích kỷ, so đo tính toán, bởi vì lòng người chai đá không cảm được ân tình Thiên Chúa, không biết xót thương anh em.

Không ai đã xúc phạm đến người khác mà đáng được người đó tha thứ. Tha thứ không phải là một quyền lợi nhưng là một quà tặng của người bị xúc phạm dành cho người làm hại mình. Và chúng ta tha thứ không phải vì người xúc phạm đáng được như vậy nhưng bởi vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ biết bao lần khi chúng ta xúc phạm đến Người. Ai nhận ra rằng mình đã được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi thì sẽ thấy rằng việc họ nên tha thứ cho kẻ khác là điều tự nhiên.

Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về sự cần thiết cho việc tha thứ. Thật không phải là dễ dàng để mà tha thứ, bởi vì có những nỗi sầu khổ và đớn đau vẫn tiếp tục đốt cháy tim can. Có người nói rằng: “Tôi tha thứ, nhưng tôi không quên được!” Những ác ý, căng thẳng, ý kiến dị biệt, xúc phạm, chuyện bực mình, khiêu khích, tất cả những điều này làm cho sự tha thứ và hòa giải trở thành khó khăn. Chúng ta hãy cố gắng suy niệm về những lời của Chúa Giêsu nói về việc hòa giải (Mt 18:21-22) và lời Chúa nói với chúng ta về dụ ngôn của việc tha thứ không có giới hạn (Mt 18:23-35).

Tha thứ bảy mươi lần bảy! Chúa Giêsu đã nói về sự quan trọng của việc tha thứ và nhu cầu của việc biết cách chấp nhận các anh chị em để giúp họ hòa mình với cộng đoàn (Mt 18:15-20). Trước những lời này của Chúa Giêsu, ông Phêrô hỏi Chúa rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Con số bảy chỉ ra sự trọn vẹn. Trong trường hợp này, nó đồng nghĩa với mãi mãi.

Chúa Giêsu đã đi xa hơn lời đề nghị của ông Phêrô. Người loại trừ mọi khả năng giới hạn việc tha thứ: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy!” Đó có nghĩa là, bảy mươi lần mãi mãi! Bởi vì không có tỉ lệ nào so sánh giữa sự tha thứ mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa với sự tha thứ mà chúng ta nên trao cho người anh em, như bài dụ ngôn của sự tha thứ không có giới hạn đã dạy chúng ta.

Từ khi là bào thai ta đã mắc nợ; nợ cưu mang chín tháng với bao trìu mến yêu thương ấp ủ Thiên Chúa chuyển trao qua mẹ cha. Mở mắt chào đời, mối ân tình bao bọc vây quanh còn lớn hơn nữa; Bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa vẫn tiếp tục nâng bước đời sống con người: cả bầu vũ trụ vạn vật như những đầy tớ siêng năng, cần mẫn phục vụ, tặng ban cho ta tinh hoa đất trời, tinh hoa con người cho ta được lớn lên thành người, thành con Thiên Chúa. Món nợ ta mang là món nợ tình nên chỉ có thể trả được bằng nghĩa yêu thương. Thiên Chúa đã muốn như thế, vì Ngài đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài có tự do, lý trí và có trái tim yêu. Nhưng tình Chúa mênh mang là thế, còn tình người cho biếu được bao nhiêu?!

Chúa Giêsu dạy nhân loại và cách riêng các môn đệ Ngài là con người phải biết đối xử, cư xử với nhau một cách đẹp. Lời của Chúa Giêsu mời gọi con người tha thứ và tha thứ mãi mãi, tha thứ không ngừng. Tuy nhiên, chúng ta thường đặt vấn nạn: tại sao lại phải tha thứ và tha thứ để làm gì ? Vâng, tha thứ là việc cần thiết trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội, trong Giáo Hội. Tha thứ là đặc điểm của tình yêu.Sách khôn ngoan nhắc nhở mỗi người chúng ta: ” Hãy nhớ đến ngày cuối cùng của bạn, bỏ sự thù địch qua một bên. Hãy nhớ đến cái chết và đừng phạm tội nữa “.Nên, tha thứ không phải là nhu nhược, là yếu hèn, nhưng tha thứ lại là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của an bình.

Giáo huấn của Đức Giêsu Kitô hoàn toàn khác với Cựu Ước bởi vì Cựu Ước quan niệm và dạy: ” Mắt thế mắt răng đền răng “. Chúa Giêsu đi ngược lại với quan niệm của Pharisêu và Biệt phái. Giáo lý của Ngài rất mới lạ: ” Hãy yêu thương kẻ thù “. Lòng nhân từ, bao dung và tình thương của Ngài tỏa sáng trên thập giá: ” Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm “ ( Lc 23, 34 ). Dụ ngôn cho chúng ta hiểu Vị Vua là Cha của Chúa Giêsu. Khi các bạn của Vua xin Vua tha thứ cho người mắc nợ thật nhiều, Vua đã sẵn lỏng tha nợ. Đây là điều chỉ có Thiên Chúa mới làm như thế.

Tha thứ rất cần thiết vì tha thứ là điều kiện để Chúa tha thứ cho chúng ta: ” Nếu anh em tha lỗi cho người ta, Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em “ ( Mt 6, 24 ). Chúa Giêsu là mẫu gương để nhân loại noi gương về tha thứ. Kinh Lạy Cha chúng ta đọc thấy: “ Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha nợ cho những người mắc nợ chúng con “ ( Mt 6, 12 ). Tha thứ là nghĩa cử tuyệt đỉnh: ” Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình “ ( Mt 5, 23-24 ).

Mười ngàn nén vàng – một trăm quan tiền – một so sánh tuy rất sơ tạm nhưng cũng cho thấy một lên tới trời, một ở dưới đất. Nhưng tình vốn dĩ là cho không biếu không: “Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” (c.27). Thiên Chúa đã tha thứ tội nợ cho chúng ta; và tình yêu vốn dĩ thể hiện cao nhất ở khả năng tha thứ. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô chúng ta được tẩy sạch muôn vàn tội lỗi: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.” (Ep 1,7).

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (x. Rm 5,8). Thế có lý do nào miễn cho chúng ta xót thương người anh em? Thế nhưng có câu ‘tình đời bạc đen’. Con người vẫn cứ mê lầm lẩn quẩn trong vòng hỷ, nộ, ai, ái, ố, dục, cụ. Và người ta cứ thích lấy cái rơm trong mắt người anh em hơn cái xà trong mắt mình (x.Mt 7, 3 -4).

Vì thế, chúng ta sẵn sàng tính sổ với anh em vì một món nợ nhỏ mà không hề mảy may nghĩ đến mình đã được tha một món nợ khổng lồ cách nhưng không. Tên đầy tớ trong dụ ngôn xem ra có vẻ bạc ác, phi lý; nhưng đó lại là thái độ của mỗi người chúng ta. Dụ ngôn thật thâm thúy, có tính giáo dục cao, nó giống như vở bi hài kịch; nhưng thực tế trong cuộc sống, mấy ai nhận ra được mình đóng một vai diễn chính gây phẫn uất trong đó. Chúng ta sẵn sàng vung dao khi người anh em làm chúng ta xây xát. Chúng ta sẵn sàng đạp người anh em xuống bùn đen, khi họ lỡ làm lòng tự trọng cuả chúng ta bị tổn thương…. Chúng ta thích bắt bẻ người anh em những lỗi lầm mà chính chúng ta vẫn thường khi mắc phải. Và chúng ta thích ngồi chiếc ghế thẩm phán hơn là chiếc ghế của bị cáo.

Tha thứ - một hành vi không dễ dàng - Chỉ khi nào có trái tim yêu đích thực người ta mới có thể tha thứ thực sự không tính toán. Hãy lặng thinh, nhìn lên chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh, tuy chịu nhục hình vẫn nói lời tha thứ cho kẻ giết mình, để xin Thiên Chúa hoán cải lòng chúng ta; xin Chúa “cất khỏi mình chúng ta quả tim chai đá và ban tặng cho chúng ta quả tim biết yêu thương” (x.Ed 36,26) để chúng ta có thể tha thứ như lời Thầy Giê-su đã dạy – tha bảy mười lần bảy, tha không giới hạn.

Mùa chay, mùa của kiểm điểm, sám hối ăn năn. Mỗi người chúng ta ai cũng mong mình được Thiên Chúa tha thứ tội nợ. Ngài đã tha thứ tội nợ cho chúng ta, nhưng việc chúng ta tha thứ cho anh em mình là một hành động mở rộng tấm lòng để ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đổ vào tâm hồn chúng ta.

Huệ Minh

Read 426 times Last modified on Thứ ba, 17 Tháng 3 2020 06:16