Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 11 Tháng 3 2020 08:08

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó

Posted by 
Rate this item
(1 Vote)
  Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó


Thứ Năm 12.3
Lc 16, 19-31

PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN NGHÈO KHÓ

Xã hội nào, thời đại nào cũng tồn tại nhan nhản những bất công, những đối nghịch như: giàu-nghèo, hạnh phúc-bất hạnh, thành công - thất bại... Và đáng buồn thay, xem ra lối hành xử và sự phân định của con người cũng theo quy luật nhị nguyên đó. Con người thường trọng kẻ giàu, người quyền thế, đồng thời khinh người nghèo, kẻ vô thân. Tệ hại hơn, trong nhiều trường hợp vì miếng cơm, manh áo mà người ta trâng tráo, biến “đen thành trắng” để bênh vực người giàu, kẻ nắm quyền, trái lại họ sẵn sàng hạ bệ, coi khinh người nghèo, người cô thân. Thế gian là như vậy, coi trọng hình thức bề ngoài.

Ta thấy thực tế thế giới của thần linh lại hoàn toàn khác, những giá trị nhân bản, những phẩm hạnh luân lý vẫn là cốt lõi và nền tảng của đời sống con người. Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay cho thấy, Thiên Chúa không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn thấu tâm can. Ngài dựa vào những công việc đẹp, những hành động tốt lành mà chúng ta dành cho Chúa và cho nhau.

Thật vậy, tác giả Luca diễn tả hai con người, hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau từ đời sống này cho đến đời sống sau. Họ khác nhau từ cách thức họ dành cho nhau và dành cho Chúa. Sự khác biệt, tương phản ấy khởi đi từ đời sống vật chất. Anh nhà giàu, vinh hoa phú quý, ngày ngày yến tiệc linh đình. Sống trong nhung lụa, thưởng thức sơn hào hải vị. Anh ta rất hạnh phúc và sung sướng với những gì mà mình đang có. Trái lại, anh nhà nghèo Lazaro, khố rách áo ôm, người đầy những ghẻ lở hôi thối, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đang đau đớn vì bệnh tật, mong được hưởng chút canh thừa cơm cặn từ ông chủ nhà này...

Thế rồi, đùng một cái, thánh Luca cho chúng ta thấy, cả hai khi sống đã khác nhau và khi chết, số phận lại đảo chiều. Anh nhà giàu xuống hỏa ngục, chịu đau đớn khổ sở kêu la. Trong khi đó, anh nhà nghèo lại hưởng hạnh phúc mát mẻ. Kinh thánh cho chúng ta biết, sỡ dĩ anh nhà giàu này xuống hỏa ngục vì khi sống ở trần gian, anh đã vô tâm, dửng dưng không quan tâm tới ai, anh chỉ biết đến mình. Anh không được phần phúc thiên đàng vì anh đã không đầu tư, không sống theo lời gọi mời của Chúa.

Còn anh nhà nghèo Lazaro, Lazaro theo nghĩa Kinh thánh có nghĩa là được Chúa thương mến. Anh được hưởng phúc, diện kiến nhan Chúa. Chiêm ngưỡng hai nhân vật này, cho chúng ta có cái nhìn về đời sống đạo thực tế và những bài học luân lý. Bài học thứ nhất, không phải cứ giàu có vật chất là không được lên Thiên đàng, vì có quan niệm cho rằng: người giàu vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Và vì thế mà người giàu coi như mình bị “chúc dữ”, đáng sa hỏa ngục trầm luân.

Ông Lazaro khốn khổ tột cùng nằm trước cổng mà ông như không thấy gì hết. Ông tưởng mình giàu có hạnh phúc mà không biết mình đang bất hạnh nghèo nàn. “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17, 5-6).

Còn Ladarô tin nơi Thiên Chúa. Trong Chúa, ông đang khổ đau mà như chẳng thấy đau khổ, không kêu ca trách móc, không “đói ăn vụng, túng làm càn”. Ông đang bất hạnh đói nghèo mà đời vẫn xanh tươi hạnh phúc. “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái”(Gr 17, 7-8).

Trái lại, bài học thứ hai là, không phải cứ nghèo về vật chất, an phận thủ thường, đương nhiên sẽ được hưởng nhan Chúa. Tệ hại hơn, với tính đố kỵ, kẻ nghèo, người thua thiệt thường lên mặt, tỏ vẻ mừng vui khi thấy kẻ thắng, người giàu “sa cơ lỡ bước”. Như vậy, cả hai bài học này đều đáng bị lên án và không hợp với luân lý và suy nghĩ của người Kitô hữu. Những nghĩ suy như thế cũng không thích hợp với quan niệm Nước Trời.

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương nhưng cũng rất mực công bằng vô cùng. Người ghét tội nhưng Người thương kẻ có tội. Người vui khi thấy kẻ có tội thật lòng thống hối ăn năn. Người còn vui hơn khi chứng kiến con người biết yêu thương và quan tâm đến nhau, xót thương nhau.

Anh nhà giàu trong tin mừng Mátthêu đã giữ luật “mến Chúa yêu người” rất hoàn trọn, anh muốn được nên trọn lành giống như Chúa; thế nhưng khi Ngài đề nghị anh bán tất cả tài sản cho người nghèo, anh đã bỏ đi. Anh không biết cảm thương người khác. Anh không thể nên trọn lành như Cha trên trời.

Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta đã được chiêm ngưỡng rất nhiều những gương lành và việc làm nhân đức đáng để chúng ta suy nghĩ và noi theo. Một Phan-sinh từ bỏ hết tài sản cha mẹ cho để chọn lối sống nghèo thanh thoát. Một Đaminh dành trọn cuộc đời để rao giảng Tin mừng cho người nghèo. Hay một Têrêsa gày còm, ốm yếu rời bỏ đời sống an bình nơi tu viện để đến với những người đầu đường xó chợ... Tất thảy họ đáng được hưởng niềm vui Nước Trời vì họ quan tâm, chia sẻ và đem Chúa đến cho người khác và đưa tha nhân về cho Chúa.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: giàu không phải là tội, nhưng nó chỉ là cạm bẫy nguy hiểm dễ dẫn đến tội nếu không có lòng bác ái. Ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay đã rơi vào tình trạng tội khi ông vô cảm với người nghèo ngay ở cổng nhà ông. Vì thế, ông đáng phải sa hỏa ngục vì tiền bạc và sự sung túc đã làm cho mắt ông mù lòa, trái tim se thắt, tấm lòng trai cứng và sự dửng dưng đã trở thành tội ác và mất hạnh phúc đời đời...

Phần ta, ta được thấm nhuần những việc lành của các ngài, đặc biệt là mẫu gương của Thầy Chí Thánh; người Kitô hữu trong ngàn năm thứ ba này cũng khát khao ra đi, đến với anh chị em của mình trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào. Nơi đây, trong mùa chay thánh này mọi người đều ước mong được hưởng nếm mật ngọt Nước Trời. Nơi đây, trong mùa chay thánh này mọi người cùng sống chung qua sự chia sẻ hiệp nhất.

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy có trách nhiệm liên đới với nhau, nhất là với người nghèo, người cô thế, cô thân, không nơi nương tựa... Không bao giờ chúng ta được để cho chủ trương: “Sống chết mặc bay” thường trực trong tâm hồn của mình.

Huệ Minh

Read 393 times Last modified on Thứ năm, 12 Tháng 3 2020 12:10