Print this page
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 10:30

Ăn theo thủa-ở theo thời

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ăn theo thủa-ở theo thời


28.2

Mt 9, 14-15

ĂN THEO THUỞ - Ở THEO THỜI

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước.

Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Trước sự chất vấn của các môn đệ Gioan, Chúa Giêsu mở ra một cái nhìn mới về việc ăn chay: Ngài đặt việc ăn chay trong mối tương quan với sự hiện diện của Ngài. Ngày nào “chàng rể” Giêsu đang ở giữa tiệc cưới, đồng hành với các môn đệ là bạn hữu chàng rể, thì họ sống trong niềm vui, không thể ăn chay được. Chỉ khi chàng rể bị đem đi, nghĩa là trong cuộc Khổ Nạïn, họ mới ăn chay trong sự thiếu vắng, khắc khoải và mong ước được gặp lại Thầy mình.

Cùng với toàn thể Giáo Hội, người Kitô hữu chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta ăn chay. Nhưng việc ăn chay như thế nào mới có ý nghĩa ?

Trong bài Tin Mừng Âm hôm nay, các môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu : "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng : "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay".

Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận rằng : Ngài muốn mở ra một cách thức mới về việc ăn chay. Các môn đệ sẽ không phải ăn chay khi họ đang ở bên Chúa. Họ chỉ ăn chay khi Ngài ra đi chịu khổ nạn và chịu chết. Việc chay tịnh khi đó mới thực có ý nghĩa, để chờ đón Ngài, để được gặp lại Ngài.

Các môn đệ của Gio-an, những người giữ luật, họ sợ mình đang làm sai? Hoặc giả họ băn khoăn, vì ghen tỵ: mình thì “bị” luật giữ còn môn đệ Giêsu thì không? Chúa Giêsu có đang gây “gương mù gương xấu” khi thả lỏng cho các môn đệ trong chuyện tịnh chay? Hay đời sống chan hòa giữa Chúa Giêsu và các môn đệ có lôi cuốn họ đến để tìm hiểu về mối tương quan thầy trò này? Để trả lời một vấn nạn, Chúa Giêsu lại đưa ra một vấn nạn khác, qua Chúa minh định rằng: Ngài chính là vị Tân Lang, và các môn đệ là khách mời dự tiệc cưới: “Chẳng lẽ khách dự tiệc – là các môn đệ – lại than khóc khi chàng rể – là chính Ngài – còn đang ở với họ” sao?

“Rượu mới phải đổ vào bầu da mới” (Mt 9, 17). Chúa là Rượu Mới của Giao Ước mới. Ngài mời gọi chúng ta hãy “thức thời”, mặc lấy tinh thần mới để thực thi luật mới của Ngài là luật yêu thương.

Trong Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày sẽ có ý nghĩa với chúng ta, nếu chúng ta thực hiện điều Thiên Chúa muốn.

Việc ăn chay là một cách thức có tác động mạnh đối với thế giới xung quanh của chúng ta. Thiên Chúa đã gợi ý cho chúng ta cả một danh sách những điều mong ước của Ngài về việc ăn chay của chúng ta : “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58, 7).

Để khiêm nhường van xin Thiên Chúa dung thứ tội lỗi chúng ta, đó là chúng ta hãy biết mở lòng ra để cho Ngài chữa lành chúng ta. Đó cũng là việc chúng ta mở đôi mắt ra xung quanh để nhìn những người đang bị tổn thương và túng thiếu cần được giúp đỡ.

Trong mùa Chay Thánh, các ngày thứ sáu tưởng nhớ Chúa chịu chết, tôi có vì lòng sám hối ăn năn tội lỗi của mình, rồi thành tâm yêu mến Chúa mà giữ chay kiêng thịt và làm việc bác ái một cách chân tình, hay là tôi chỉ giữ vì luật lệ, vì thói quen hình thức bên ngoài, nhưng trong tâm hồn lại rỗng tuếch thì chẳng ích lợi gì, chẳng còn ý nghĩa nội tâm chút nào. Mỗi ngày, tôi cố gắng sống chậm lại, nhìn sâu hơn những dấu chỉ của Chúa để nhận ra tiếng nói và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống đời tôi.

Xin cho công việc chay tịnh chúng ta thực hiện trong mùa chay này giúp chúng ta đi vào chiều sâu để khám phá hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta và trong lòng mọi người, ngõ hầu cuộc sống đức tin chúng ta là một công trình ngày càng tỏ lộ và chúng ta có khả năng yêu mến hình ảnh Thiên Chúa nơi người khác.

Huệ Minh

Read 401 times Last modified on Thứ bảy, 29 Tháng 2 2020 07:40

Latest from Ban Biên Tập