Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 14 Tháng 2 2020 06:39

Cảm thương tha nhân

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Cảm thương tha nhân


15.2.2020

Mc 8, 1-10

CẢM THƯƠNG THA NHÂN

Trang Tin Mừng hôm nay liên quan đến phép lạ hóa bánh ra nhiều mà thánh sử Marcô đã tường thuật trước đó (Mc 8, 1-10). Phép lạ ấy chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài chính là Môisen mới, ban lương thực nuôi dưỡng muôn dân.

Ta thấy đây là lần thứ hai Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. So với lần thứ nhất (Mc 6, 30-44), thấy đám đông dân chúng đi theo, các môn đệ xin Chúa Giêsu cho họ giải tán vào làng mạc tìm thức ăn. Chúa Giêsu đề nghị các ông hãy cho họ ăn. Sau đó Người dùng 5 chiếc bánh và 2 con cá thực hiện phép lạ cho 5 ngàn người đàn ông ăn và còn dư 12 thúng đầy.

Phép lạ lần thứ hai xảy ra là do lòng thương của Chúa Giêsu khi thấy đám đông đi theo suốt ba ngày mà không có gì ăn. Từ 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho 4 ngàn người ăn no và còn dư 7 giỏ bánh. Trong Kinh Thánh, số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, cho đức ái và ân sủng của Thiên Chúa. Trong cuộc sáng tạo kỳ diệu, Thiên Chúa đã hoàn tất mọi việc trong sáu ngày và ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Từ đó “số 7” trở thành khuôn mẫu để quy định thời gian làm việc mà chúng ta thường gọi là “một tuần”.

Vì thế phép lạ từ 7 chiếc bánh là một bằng chứng sống động cho tình thương của Thiên Chúa. Người không chỉ cho ăn qua cơn đói mà cho cách hào phóng dư thừa suốt chu trình của 7 ngày sống. Người không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất tạm thời mà còn hướng dân chúng đến nguồn lương thực Thần Linh để được sống muôn đời.

Dẫu vậy, những người Pharisêu vẫn không tin vào Chúa. Họ còn đòi hỏi Chúa cho thấy một dấu lạ từ trời (Mc 8, 11). Còn với những người thuộc phái Hêrôđê, họ chỉ lo những chuyện chính trị và quyền lợi vật chất, nên phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với họ. Bởi thế, Chúa Giêsu đã khuyến cáo các môn đệ: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê" (Mc 8, 15).

"Men biệt phái" là thói giả hình, đạo đức giả, kiêu căng, phô trương,…; "men Hêrôđê" là thói háo danh, tham lam, yêu lợi lộc, quyền bính,… Tất cả những nết xấu này của những người Pharisêu và phái Hêrôđê đã bị Chúa Giêsu nhiều lần lên án. Thế nên, lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ năm xưa cũng là điều mà chúng ta - những Kitô hữu hôm nay phải cẩn thận đề phòng.

Quả thật, sống trong xã hội xô bồ hiện tại, con người bị lôi cuốn bởi lối sống hưởng thụ, chạy theo danh-lợi-thú,… Không tỉnh táo, người môn đệ của Chúa Giêsu cũng dễ bị "lây nhiễm" những thứ "men" này. Để khỏi bị lây nhiễm những thứ "men xấu" trên, người môn đệ cần luyện tập một lối sống được tác động bởi những "men tốt". Đó là một đời sống luôn kết hiệp với Chúa Giêsu qua việc chuyên chăm đọc và suy gẫm Lời Chúa; qua việc năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải; qua việc thanh luyện bản thân mỗi ngày. Nhờ vậy, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu nhiệt thành và góp phần làm cho thế giới hôm nay nồng thắm "men Giêsu".

Chúa Giêsu đã không khởi sự phép lạ một cách mơ hồ, nhưng từ chính sự thật của con người, cho dù đó là sự thật yếu kém đến đâu đi nữa. Ngài đã làm phép lạ từ bảy chiếc bánh và mấy con cái và mấy con cá nhỏ. Hành vi của Chúa không phải là hành vi đột xuất, bởi vì Ngài vẫn tiếp tục phục vụ kẻ khác một cách quảng đại như thế ngay cả khi đã chết.

Quả thật, các kiểu nói và từ ngữ trong Tin Mừng hôm nay, cũng chính là các kiểu nói và từ ngữ được áp dụng cho Bí tích Thánh Thể, như "cầm lấy bánh", "dâng lời tạ ơn", "bẻ ra, trao cho các môn đệ". Như vậy, phải hiểu Bí tích Thánh Thể là một hành vi cứu giúp người đói khát, là sự nối dài hành vi quảng đại của Chúa Giêsu hôm nào, khi từ bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã cho đám đông ăn no nê chỉ vì Ngài yêu thương họ.

Con người được ban cho hai món quà vô giá là sự sống và tình yêu. Sự sống là một huyền nhiệm và tình yêu là điều thiêng liêng cao quý. Tình yêu mang đến cho con người sự sống và sự sống duy trì được là nhờ vào tình yêu. Sự sống và tình yêu đều xuất phát từ Thiên Chúa, hay nói cách khác Thiên Chúa là cội nguồn của sự sống và tình yêu. Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người qua cuộc sáng tạo kỳ diệu để trao ban sự sống cho muôn vật muôn loài. Sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, để nuôi sống nhân loại, Chúa Giêsu đã lấy chính Thịt Máu Ngài làm lương thực. Với lương thực này, Ngài tin chắc mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa. Tuy nhiên, để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Chúa Giêsu cần đến sự cộng tác của con người, đặc biệt của Giáo Hội, bằng cách phân phát, chia sẻ. Ðám đông sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ không phân phát bánh và cá cho người khác, vì sợ thiếu hay sợ không còn phần cho mình. Nếu vậy, cảnh đói khát hiện nay vẫn còn, là vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mà chỉ bo bo giữ lấy cho mình.

“Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi… Ngài dọn sẵn cho tôi bữa tiệc…” Lời Thánh Vịnh 22 trên đây chẳng xa lạ gì đối với dân Israel, diễn tả niềm tin vào một Thiên Chúa đầy tình yêu thương đối với dân riêng của Ngài, lời ấy giờ đây được hiện thực cụ thể, bằng xương bằng thịt nơi Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến. Ngài đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi và đưa dẫn đến sự sống đời đời, nhưng không vì thế mà Ngài không cảm thương trước những nỗi cùng khổ nhọc nhằn của cuộc sống đời này. Ngài chạnh lòng thương đám đông vì “đã ba ngày họ không có gì ăn;” thế rồi, chỉ với vài chiếc bánh và một ít cá nhỏ Ngài cho đoàn dân đang đói được no thoả, và qua đó, Ngài báo trước tấm bánh trường sinh Ngài sẽ ban cho nhân loại sau này.

Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương đám đông dân chúng, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta cũng được mời gọi “cảm thương” trước nhu cầu của tha nhân. Xung quanh chúng ta còn biết bao người đang chịu cảnh thiếu thốn về của ăn vật chất, thiếu công bằng bác ái. Ước gì chúng ta biết trao cho nhau một cử chỉ yêu thương, một ánh mắt thân thiện, một câu nói cảm thông thể hiện tinh thần Phúc Âm, cho tình thương Chúa thẫm đẫm mọi sinh hoạt của đời sống chúng ta.

Huệ Minh

Read 386 times Last modified on Thứ bảy, 15 Tháng 2 2020 09:51