Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 04 Tháng 2 2020 06:10

Đừng khinh thường người khác

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đừng khinh thường người khác


5.2.2020

Mc 6, 1-6

ĐỪNG KHINH THƯỜNG NGƯỜI KHÁC

Trong xã hội hôm nay, có rất nhiều người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, chính trị xã hội,… Tuy nhiên, không phải ai cũng được cộng đồng đón nhận một cách tuyệt đối tin tưởng mà trước đó lại không có vài câu hỏi được đặt ra: Sao người này lại được nổi tiếng nhanh như vậy? Có phải là người ấy không? Không dừng lại đó mà có thể có hàng trăm thắc mắc khác nữa.

Từ thuở tạo thành, Kinh Thánh đã cho ta thấy nỗi đau, sự nghiệt ngã do lòng người cao ngạo gây ra: Tổ tông loài người đã cao ngạo đến mức không thể hiểu nổi. Được làm người hạnh phúc, tự do, và thấm đẫm tình yêu Thiên Chúa đã là một ân phúc tuyệt vời, vậy mà tổ tông đã không coi đó làm đủ, lại dám nuôi một giấc mộng tầm cỡ thiên đàng: đòi bằng Thiên Chúa, Đấng mà mình phải phát xuất từ đó. Tổ tông không ngờ giấc mộng của mình lại chính là ảo vọng và tội lỗi.

Bởi cao ngạo quá đỗi, tổ tông đã kéo theo những mất mát cũng lớn không kém: mất Thiên Chúa. Bằng chứng là tổ tông đã tìm cách trốn Thiên Chúa. Mất cả tương quan với đồng loại. Mới ngày nào Ađam còn reo to vui mừng khi được Eva làm bạn: “Đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Nhưng sau khi phạm tội, tình nghĩa thắm thiết đã không còn. Nguyên tổ bắt đầu đổ lỗi cho nhau: “Người đàn bà Chúa ban cho con đã hại con”. Và trong tội, nguyên tổ đã đánh mất chính mình, trở thành những kẻ vong thân, sống trong lầm lũi, sợ hãi và tủi nhục.

Và hôm nay, một lần nữa, Tin Mừng lại cho thấy người đương thời của Chúa Giêsu, cụ thể là chính đồng hương của Chúa đã sai lầm vì cao ngạo.

Khởi đi từ cái lý lịch ấy, làm cho họ, thay vì được nhiều ơn lành từ Chúa Giêsu, thì ngược lại, họ đánh mất tất cả. “Người đã không làm phép lạ nào được”. Có Thiên Chúa ở với mình, nhưng không biết đón nhận, vì thế, họ đã đánh mất cả Thiên Chúa: Không những không thể làm phép lạ, Chúa Giêsu còn bỏ ra đi. Người “qua các làng chung quanh mà giảng dạy”. Khi cố tình đẩy Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời mình, những người đồng hương của Chúa đã làm tổn thương mối liên hệ với Chúa Giêsu xét như một con người: tổn thương mối tương quan giữa người với người.

Sau một thời gian đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu đã về thăm quê hương là làng Nagiarét. Dân làng ngạc nhiên trước lời giảng khôn ngoan và thán phục trước các phép lạ Người làm ở khắp nơi. Nhưng họ lại đặt nghi vấn về thân thế dòng dõi của Người và không tin Người có thể là Đấng Thiên Sai. vì họ cứng lòng tin nên Chúa Giêsu đã không làm nhiều phép lạ tại đó.

Có lẽ đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu trở về Nagiarét sau khi đi thi hành sứ mạng công khai. Nagiarét là cái nôi của thời thơ ấu, thời niên thiếu của Chúa Giêsu. Nơi ấy có gia đình, bà con, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, quê hương, nên khi Chúa Giêsu trở về nhà họ biết ngay. Trong số họ có người đã từng thấy Chúa Giêsu được mẹ ẵm bế, như bao nhiêu trẻ em khác. Con cái họ và Chúa Giêsu đều học chung một lớp, cùng chơi và cười đùa với nhau. Cùng thảo luận những bài học về cái cửa, cái xà. Chúa Giêsu đã từng cầm cưa, bào, đục, và nhất là nói giọng nói miền quê Nagiarét trong suốt bấy nhiêu năm trời.

Lần trở về này nhằm ngày Sabát, Chúa vào hội đường, dân làng đón tiếp Chúa rất vui vẻ. Tại đây, Chúa bắt đầu giảng dạy : "Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?" (Mc 6, 2).

Nói xong bỗng nhiên thái độ của họ đổi hẳn vì những cái đã biết về Người. Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).

Hoàn cảnh của Chúa Giêsu hôm nay cũng bị dân làng Nazaret hoài nghi về Chúa và họ cũng đặt hàng loạt câu hỏi: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy?” Quả thật, họ ngạc nhiên, hoài nghi cũng là phải lẽ bởi chưng họ biết rõ nguồn gốc của Chúa Giêsu từ đâu mà đến, khi họ nhìn bằng con mắt của người phàm: “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”

Họ hoài nghi, ngạc nhiên bởi trong thời gian sống chung với Chúa Giêsu họ chỉ nhìn thấy Ngài như bao thanh niên ở làng Nazaret mà thôi. Nhưng hôm nay, là một con người mới hoàn toàn được thể hiện nơi Chúa Giêsu và “họ vấp phạm vì Người”.

Qua những việc kỳ diệu Chúa làm, người ta bộc lộ bản chất thật của mình là sự ghen tương, khinh dể: “Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy”. Họ không thể chấp nhận được một con người quá đỗi khôn ngoan đang đứng trước họ. Bởi thế Chúa Giêsu nói: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”. Vì lòng tin của họ đã ra chai đá, họ ước vọng một Đấng Mesia sẽ đến trong vinh quang chứ không phải là một bác thợ mộc nghèo hèn và không có một chút gì gọi là danh giá trong xã hội.

Như thế, khi chúng ta nhìn vào chính mình, nhìn vào thực tại xã hội hôm nay nhiều người đang cố chấp, đang chối bỏ niềm tin của mình và cũng có lúc chính chúng ta như những người Do Thái xưa, chỉ vì ghen tức mà đặt câu hỏi: “Bởi đâu ông này được như vậy.”

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không là gì khác, đó chính là sự kiêu ngạo của những người đồng hương.

Tại sao vậy? Thưa, sự kiêu ngạo đã là đó ngáng chỗ và lòng kiêu căng đã chiếm mất chỗ của Chúa trong cuộc đời của họ.

Trước thái độ trên, Chúa Giêsu đã tuyên bố một câu mà muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị: đó là: “Tiên tri không bao giờ được tôn trọng trên chính quê hương mình”.

Quả vậy, vì, xét theo lẽ tự nhiên, một con người dù tài giỏi đến đâu, làm việc hiệu quả thế nào, và thành đạt trên nhiều lãnh vực hay nhiều nơi đi nữa, thì khi trở về gia đình, quê hương, họ luôn bị chính những người thân cận, làng xóm coi ở mức độ “thường thường bậc chung” vì lối suy nghĩ thiển cận, nên: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Điều này Chúa Giêsu đã trải qua khi Ngài trở về quê hương của mình!

Nhưng sự coi thường đáng tiếc này đã khiến cho ơn cứu độ của Thiên Chúa vuột mất khỏi họ, và suốt bao thế kỷ, họ vẫn đang chờ đợi một Đấng Kitô khác chứ không phải Đức Giêsu, Đấng đã hiện diện giữa họ cách đây hơn 2.000 năm.

Chúa Giêsu đến mặc khải Thiên Chúa là Cha yêu thương và Người là Con Thiên Chúa thì họ đã kết án Người là kẻ phạm thượng, là kẻ bị quỷ ám và điên khùng. Người đến đem bình an, chân lý và thiết lập nước Trời thì bị mang tiếng là xách động quần chúng và là kẻ cầm đầu phản loạn. Cuối cùng, các đầu mục dân Do thái đã ra tay bắt bớ và kết án tử hình cho Chúa Giêsu rồi còn làm áp lực đòi Tổng Trấn Philatô kết án tử hình thập giá cho Người.

Ngoài thành kiến thì sự cứng lòng là nguyên nhân khiến người ta cố chấp không muốn nhìn, không muốn nghe, không muốn tin… như Tin Mừng ghi nhận: “Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành (Mt 13,13-15).

Xin Chúa giúp chúng ta đủ khôn ngoan nhận ra giá trị lớn lao của nhau, để có thái độ tôn trọng và tri ân. Xin Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn rộng mở và giàu lòng quảng đại để chúng ta đón nhận nhau trong yêu thương, và nhất là biết đối xử tốt với nhau khi còn đang sống bên nhau, đừng để thời gian trôi qua trong sự tiếc nuối xót xa…, vì mình đã không một lần đối xử tốt với những người thân yêu mà nay đã không còn.

Huệ Minh

Read 621 times Last modified on Thứ tư, 19 Tháng 2 2020 07:12