Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 19 Tháng 1 2020 08:01

Sống phù hợp với Tin Mừng.

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sống phù hợp với Tin Mừng.


Thứ Hai Tuần II Mùa Thường Niên

1 Sm 15, 16-23; Mc 2, 18-22

SỐNG PHÙ HỢP VỚI TIN MỪNG

Tin Mừng hôm nay kể lại sự việc những người Do Thái thắc mắc với Chúa Giêsu và các môn đệ vì lý do nào mà các môn đệ Gioan và người Pharisêu ăn chay. Trong khi đó các môn đệ của Chúa lại không ăn chay. Chúa Giêsu đã chỉ cho họ biết ăn chay và các việc đạo đức không phải là một phong trào hay những thói quen vô hồn nhưng phải được thực hiện với tâm tình mến yêu và thái độ khiêm nhường.

Mục đích của việc ăn chay là sám hối và cầu xin Thiên Chúa đến với con người. Vậy mà, Chúa Giêsu đã đến với họ trong một con người đầy tình yêu thương và gần gũi nhưng họ lại không nhận biết Người. Phải chăng chỉ vì họ quá chú trọng đến cái hình thức bên ngoài mà bỏ Chúa ra ngoài cuộc đời của mình?

Chúa Giêsu muốn các môn đệ đi vào sự kết hợp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa, thao thức kiếm tìm ý nghĩa đích thực của Tin Mừng giữa những điều luật buộc phải giữ. “Rượu mới, bầu cũng phải mới”, cái “mới” ở đây không phá bỏ cái “cũ” nhưng đã được chắt lọc từ sự tinh hoa của cái cũ. Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng tất cả lòng quảng đại và yêu mến.

Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng” thì luật mới phải vượt lên sự hiềm thù đền trả 1-1 mà là “nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 39-42).

Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu là chàng rể trong bữa tiệc như Is 25, 6-9 đã loan báo. Ngài là Đấng Mêsia đang có mặt giữa khách dự tiệc cưới. Vì thế, các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng sẽ tới ngày chàng rể (Chúa Giêsu) bị đem đi, tức là bị giết, các môn đệ mới ăn chay. Và các ông ăn chay là để chờ đợi ngày chàng rể trở lại (Cv 14,1-3).

“Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

Ví dụ này nhấn mạnh đến sứ vụ của Đức Giêsu là không thể theo khuôn mẫu cổ điển của Do thái giáo (thể hiện qua lối thực hành của người biệt phái, hay nếp sống khắc khổ của môn đệ Gioan Tẩy giả).

Con người sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Sống trong thời đại mới, thời đại của Tân Ước, con người phải sống theo thời kỳ mới, sống theo tinh thần mới, trong niềm vui Ơn Cứu Ðộ.

Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông...Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.

Đời sống xã hội hôm nay đang từng ngày đổi thay, vì thế Giáo Hội cũng luôn trăn trở đi tìm cách thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng hầu cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình.

Giáo hội Chúa Kitô phải là giáo hội của người nghèo, luôn lắng nghe và đồng cảm với người nghèo. Sở dĩ Tin Mừng chưa được nhiều người đón nhận vì cách rao giảng của chúng ta có phần chưa phù hợp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tâm linh nơi con người. Ước gì mỗi kitô hữu biết đến với mọi người bằng cung cách phục vụ khiêm tốn như Chúa Giêsu, bằng niềm hân hoan của thực khách trong đại tiệc hôn lễ, bằng nỗi khao khát hướng đến điều trọn lành.

Con người ngày nay đang sống trong một thế giới mà khoa học kỹ thuật và các giá trị vật chất được đề cao. Họ mải mê chăm lo quá nhiều cho đời sống vật chất để rồi chỉ nhìn thấy những giá trị bên ngoài tức thời mà không nhận biết các giá trị tâm linh cao quí bên trong. Từ đó dẫn con người đến việc sống và thực hiện các việc đạo đức cách hình thức hay phong trào mà thiếu đi tâm tình và quên đi niềm vui tâm hồn.

Và rồi ta được mời gọi sống đạo cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa, là sống đạo yêu thương. Trong cuộc sống đạo, chúng ta không thể không đặt ra để tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Tôi có nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi không?

Ta nhận biết, tin tưởng, yêu mến Chúa Giêsu nhờ Tin Mừng, nhờ giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta còn phải biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những anh chị xung quanh. Đó mới là việc Chúa mong muốn, mời gọi tất cả chúng ta tích cực tham gia công tác tông đồ trong giáo xứ và giáo phận; nhờ đó nhiều người đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Huệ Minh

Read 381 times Last modified on Thứ hai, 20 Tháng 1 2020 14:47