Print this page
Thứ tư, 30 Tháng 10 2019 08:29

Hạ mình

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hạ mình


Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên.

Rm 8,31b-39; Lc 13,31-35.

(Tr) Chiều: Lễ Vọng CÁC THÁNH NAM NỮ, lễ trọng.

HẠ MÌNH


Trong cuộc sống, không ít người muốn khẳng định mình trổi vượt hơn bao người khác và thiếu khiêm nhường để có thể nhận ra nhiều hạn chế nơi bản thân. Đó cũng là thái độ của những người Pharisêu mà Đức Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Người quan sát và thấy trong bữa tiệc có nhiều kẻ chỉ thích chọn chỗ cao để cầu vinh dự mà thiếu sự tế nhị đối với người khác.


Dẫu biết “cái tôi” là cái đáng ghét, nhưng lại khó mà xóa nó được. Người ta tìm mọi dịp, kiếm mọi cách để “cái tôi” được tôn lên, ngay cả trong dịp không thuận tiện, để khoe mẽ chính mình. Chúa Giêsu nhân dịp người ta “cứ chọn chỗ nhất” mà dạy ta hãy sống khiêm nhường.


Tìm mọi cách, dù đê hèn, để được “ăn trên, ngồi trước” là một căn bệnh trầm kha của xã hội con người ngày nay. Là nguyên nhân gây ra mọi xáo trộn, đổ vỡ nghĩa tình trong các cộng đoàn. Biết được nguy hiểm này, Chúa Giêsu đã dạy ta cách sống để thoát khỏi cơn cám dỗ kiêu căng.


Vì thế, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn những người khách được mời dự tiệc cưới để dạy bài học về sự khiêm nhường. Chúng ta biết rằng, trong đời sống, không ai là số một, cũng chẳng ai là hoàn thiện, mà tất cả đều là tội nhân khốn khổ trước Thiên Chúa. Mọi sự con người có được đều bởi ân ban của Thiên Chúa, nên con người cần lấy sự khiêm nhường làm trọng.


Sự khiêm nhường mà con người phải có trước hết là đối với Thiên Chúa, vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52), thứ đến con người cần khiêm nhường trước tha nhân. Cuộc sống luôn luôn là sống cùng và sống với.


Do đó, con người phải cậy dựa vào người khác để nâng đỡ nhau. Khi có sự khiêm nhường, con người sẽ hiểu vinh quang danh dự chỉ bền vững nếu đó là điều được Chúa ban tặng và đặt để cho ta còn tất cả những thứ khác chỉ như điều sách Giảng viên viết: “phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2).


Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để khuyên dạy người ta bài học khiêm nhường “hạ mình xuống” khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất. Khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và nhìn nhận sự thật về mình. Chúa Giêsu không có ý dạy người ta “ngồi chỗ cuối” để tránh xấu hổ và được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn; nhưng Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn: Bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều. Nỗi khổ nhục sẽ muôn đời còn mãi. Chúa Giêsu không chỉ dạy người ta khiêm nhường “hạ mình xuống”, mà chính Người cũng thực thi điều Người giảng dạy: Trong bữa tiệc vượt qua, người đã quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ như một người đầy tớ; Người chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá, gánh lấy tội lỗi của nhân loại để con người được tôn lên.


Nhiều vị thánh trong Giáo Hội đã bắt chước gương sáng này: Thánh Têrêsa Calcutta dù là bề trên nhà dòng, nhưng vẫn cúi xuống chăm sóc những bệnh nhân hấp hối. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin lỗi thế giới về những lầm lỗi trong quá khứ của Giáo Hội…


Hoa trái của đời sống khiêm nhường “hạ mình xuống” đã được vịnh gia cảm nghiệm cách rõ nét: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi. Ai nghèo túng Người cất nhắc từ đống phân tro” (Tv 113,7-8). Đức Maria cũng đã cất lên lời ca Manificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Và phần thưởng dành cho người khiêm nhường đó là: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Lc 14, 11). Ước mong thay mỗi người chúng ta thực sự hạ mình trước mặt Chúa và anh em mình.


Bài học về sự khiêm nhường mà Chúa Giêsu dạy cho các Pharisêu năm xưa cũng chính là bài học cho con người và cho những môn đệ của Người hôm nay. Rất nhiều người chỉ biết chạy theo thói thế gian, thích đánh bóng bản thân mà không nhận ra những giá trị thật của mình trong đời sống. Nếu chúng ta chỉ biết sống trong sự kiêu ngạo, khoe khoang, háo danh, thích lên mặt dạy đời hay đề cao tài năng, địa vị thì chỉ dẫn đến ảo tưởng mà thôi.


Ngược lại, những ai biết nhìn nhận những giá trị thật, nghe theo tiếng nói của lương tâm và coi trọng mọi người thì họ sẽ luôn sống trong sự khiêm nhường. Người môn đệ Đức Kitô phải sống khiêm nhường và hơn thế nữa, họ cần tín thác hoàn toàn đời mình cho Thiên Chúa và để cho Thánh Thần của Ngài dẫn dắt.


Theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.


Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: "... hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Huệ Minh

Read 544 times Last modified on Thứ năm, 31 Tháng 10 2019 16:00

Latest from Ban Biên Tập