Print this page
Thứ năm, 24 Tháng 10 2019 07:26

Tìm Nước Trời

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tìm Nước Trời

Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên.

Rm 7,18-25a; Lc 12,54-59.

TÌM NƯỚC TRỜI


Sống trong thời đại nào cũng vậy, một khi chân còn đặt trên mặt đất thì tâm trí con người ta cũng chẳng thể thoát khỏi cách nghĩ nặng tính thực tế của thế gian. Đôi khi con người còn có óc thực tế đến phũ phàng, để rồi bỏ qua nhiều giá trị cao quí.


Hàng ngày, con người nhìn thấy thiên nhiên vẫn hùng vĩ, bao la, mưa vẫn đến, nắng vẫn sang, nước vẫn chảy, cây vẫn mọc, biển vẫn có cá… Có một điều, con người cũng nhìn thấy mọi người không còn yêu thương nhau nữa, đua nhau đi tìm lạc thú trần gian, tranh giành quyền lực, hãm hại, chém giết lẫn nhau, lòng ghen ghét hận thù, họ xa lìa thiên nhiên, chối bỏ Thiên Chúa, con người đã không phân định được thật – giả. Chính cái hạn hẹp này thuộc về con người. Muốn sự giới hạn này được phân định rõ ràng, cần phải có Chúa Thánh Thần.


Suốt hành trình rao giảng, bằng tất cả lời nói, việc làm, cả đến phép lạ, Chúa Giêsu đã không ngừng nghỉ chỉ cho dân Do Thái thấy một thực tại thâm sâu vĩnh hằng cần thiết hơn cho hết mọi người. Thế nhưng, việc chỉ quan tâm đến những điều trước mắt đã biến họ thành những con người thực tế đến khô khan. Cảnh sắc đất trời, hay đến cái ăn, cái mặc, cái danh, cái lợi đã trở nên quan trọng hơn Đấng Hằng Sống đang ở giữa họ. Họ đã để thực tại trần gian che khuất thực tại Nước Trời. Cho nên, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh dân chúng thêm một lần nữa.


Việc hướng về thực tại Nước Trời không đồng nghĩa với việc xa rời thực tế. Trong mối tương quan thâm sâu, thực tại đời này là phương tiện cho ta vươn đến thực tại vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã chẳng đề cao một ly nước lã khi người ta biết yêu thương kẻ bé mọn đó sao? Người cũng đã chẳng chúc phúc cho những ai biết xót thương, biết xây dựng hòa bình đó sao?


Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng đã khen ngợi họ về sự lanh lợi, sự hiểu biết và mau lẹ ứng dụng kinh nghiệm sống của mình trong đời sống hàng ngày. Và Đức Giê-su cũng mong muốn họ áp dụng, thích ứng những kinh nghiệm dân gian đó vào đời sống đức tin, đọc ra được những dấu chỉ của thời cuộc.


Tuy nhiên, kinh nghiệm sống, giỏi thiên văn của người Do thái dường như đã và đang chôn vùi họ trong sự tự tôn, trong sự ích kỷ, trong sự thiển cận của mình. Đức Giê-su đã mời gọi họ đi xa hơn những kinh nghiệm thường ngày mà họ đang cảm nhận. Ngài gọi mời họ khám phá, đi ra khỏi sự hạn hẹp và dám tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng, mặc cho sự gọi mời, mặc cho chân lý vẫy gọi, người Do thái, những kinh sư, những luật sĩ, họ vẫn cứng lòng, chai dạ trước sự thật, trước đức tin.


Ta thấy khi đặt công trình cứu độ của Thiên Chúa, trong chính sự hiện diện của Chúa Giêsu với con người, thì chúng ta thấy tình yêu là biểu hiện cao cả nhất của thực tại Nước Trời giữa lòng đời. Nên, hướng về Nước Trời, con người phải sống tốt với thực tại của mình, mà trong đó, tình yêu phải là cốt lõi. Quả vậy, tình yêu là thực tại của Thiên Chúa, đồng thời cũng là thực tại gắn với con người. Chính trong sự yêu thương, mỗi người chúng ta đang chỉ cho thế gian biết Nước Trời đang hiện diện ở giữa họ.


Quả thật, đứng trước Giêsu, là thực tại Nước Trời, thiết nghĩ mỗi người phải mang tâm tình của người thương gia đi tìm ngọc quí. Ông đi tìm, rồi khi tìm thấy và nhìn ra giá trị của viên ngọc, ông sẵn sàng bán hết tất cả tài sản để mua cho được viên ngọc ấy.


Hướng về thực tại Nước Trời trong chính Chúa Giêsu, đòi hỏi chúng ta cũng phải biết nhận ra vẻ đẹp, sự giàu sang và những giá trị vĩnh cửu mà Người mang đến. Điều đó chỉ có thể đến từ cái nhìn của con tim qua lời của Người. Thật vậy, những điều cốt yếu thì vô hình với đôi mắt nhưng tỏ rạng với trái tim. Cùng với đó, biết loại bỏ những giá trị trần thế đang ngăn cản ta trong hành trình tìm về bên Chúa là điều cần thiết.


Lời Chúa ngày hôm nay gọi mời chúng ta biết dùng những khôn ngoan, kinh nghiệm của thời cuộc để khám phá, đào sâu và đọc ra được những dấu chỉ của thời đại. Đứng trước trào lưu trần tục hóa, người Ki-tô hữu cảm nhận được tình yêu vĩnh cửu của Chúa dành cho trần gian. Đối diện với sự tha hóa về đạo đức, người Ki-tô xác tín rằng chỉ nơi Chúa sự thật, công lý mới trường tồn, hằng bất biến.


Cuối cùng, người Ki-tô hữu luôn được gọi mời sống tâm tình tạ ơn, xác tín vào lòng Chúa xót thương. Dám tin và đọc ra những dấu chỉ, sự gọi mời mà Chúa đã và đang gửi đến cho nhân loại chúng ta. Có như thế, cuộc đời người Ki-tô hữu luôn là một bản trường ca vang xa, tán tụng hồng ân Chúa như lời thánh vịnh đã nói lên rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà. Thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126).

Huệ Minh

Read 474 times Last modified on Thứ bảy, 26 Tháng 10 2019 06:43

Latest from Ban Biên Tập

Related items