Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 15 Tháng 9 2019 15:45

Hãy có niềm tin như viên bách quản

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Hãy có niềm tin như viên Bách Quản

 

 

Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên.

Thánh Co-nê-li-ô, Giáo hoàng, và thánh Sip-ri-a-nô, Giám mục, Tử đạo, lễ nhớ.

1Tm 2,1-8; Lc 7,1-10.

HÃY CÓ NIỀM TIN NHƯ VIÊN BÁCH QUẢN

Qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta chứng kiến một lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng ngoại giáo. Biết Đức Giêsu là người đầy quyền năng, ông đại đội trưởng đã đến xin Người chữa cho người đầy tớ của ông bị chứng tê bại nặng. Trước thái độ tin tưởng của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu hết sức thán phục và khẳng định với đám đông dân chúng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Theo nguyên tắc của Do Thái giáo, đại đội trưởng là một người ngoại đạo sẽ bị loại ra khỏi Vương quốc; và nếu một người Do Thái vào nhà một kẻ ngoại đạo sẽ bị coi là kẻ ô uế.

Khi chữa lành cho người bệnh, cả Đức Giêsu và viên đại đội trưởng đều vượt qua những ranh giới của luật Do Thái. Điều đó cho thấy Đức Giêsu đã làm tất cả vì lòng thương xót, còn viên đại đội trưởng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào quyền năng và tình thương Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chữa bệnh từ xa, Ngài biểu hiện tình thương có khả vượt qua khoảng cách của địa lý, của không gian và thời gian. Vì thế ông đại đội trưởng chưa về đến nhà thì nghe tin báo người đầy tớ đã khỏi hẳn bệnh.

Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: "Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị". Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.

Thái độ tin tưởng của ông đại đội trưởng khác hẳn với thái độ cứng tin của những người Do Thái. Phép lạ này là lời hứa cho tất cả chúng ta, những ai có lòng tin đều được Chúa chữa lành. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc hết mọi người không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Điều quan trọng là chúng ta phải thực sự khát khao được Chúa chữa lành.

Viên đội trưởng tuy không gặp gỡ Chúa bao giờ, nhưng ông đã thể hiện lòng tin, lòng kính trọng Chúa Giêsu, ngay qua lời nói của ông đã minh chứng lòng tin tuyệt đối rồi: “Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”. Ở đây viên đội trưởng là dân ngoại, có một sự khôn ngoan đặc biệt, được thể hiện qua lòng tin tuyệt đối, mãnh liệt, sâu sắc, lòng tin của viên đội trưởng là tin tưởng chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Đức Kitô. Với đức tin mạnh mẽ, ông tin rằng Chúa Giêsu có quyền năng chữa bệnh, chỉ cần một câu nói của Ngài, thì tôi tớ tôi được khỏi bệnh. Lòng tin đó đã giúp ông vượt thắng tất cả.

Trên hành trình thiêng liêng chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc bị thử thách, không thể trốn chạy những đau đớn bệnh tật. Như Đức Giêsu luôn tỏ lòng thương cảm với những yếu đuối của con người, chúng ta cũng hãy mở lòng ra đón nhận tất cả trong sự tin tưởng phó thác. Đức Giêsu ôm lấy cuộc đời, mang vác lấy gánh nặng của con người mà giương cao lên thập giá. Tình yêu thương con người dạy chúng ta chấp nhận những phiền hà rắc rối của người bên cạnh, dám chịu thương tích vì người khác, dám chấp nhận thất bại để tôi luyện và trưởng thành trong đức tin.

Nếu thập giá là sự điên rồ đối với người Do Thái thì đau khổ quả là sự thất bại thảm hại. Nếu thánh giá là sự khôn ngoan vô lượng của Thiên Chúa thì đau khổ là cơ hội để luyện tập các nhân đức. Để tận diệt mọi đau khổ, Chúa Giêsu đã tự nguyện mang lấy gánh nặng và tội lỗi cho con người mà đưa lên cây thập giá. Trong tình yêu Thiên Chúa, đau khổ là một mầu nhiệm. Như con rắn đồng của Môsê trong sa mạc đã cứu dân khỏi chết, hãy nhìn lên thánh giá Đức Giêsu để tiếp nhận thêm sức mạnh và niềm tin. Thiên Chúa đã dùng những nỗi đau khổ giúp chúng ta cảm nhận sâu xa về sự yếu đuối của thân phận con người và để tôi luyện chúng ta trưởng thành hơn.

Tuy nhiên, thế giới ngày nay cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các phương tiện truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự giả dối sinh sôi nảy nở, con người dễ sa đà vào con đường bất chính, tội lỗi. Trong mọi hoàn cảnh như trên, nhờ sức mạnh của lòng tin vẫn còn hiện diện trong tâm hồn của người Kitô hữu, được đắp xây bằng nền tảng chân lý của Thiên Chúa, từ đó cũng bằng môi miệng hay chính phương tiện truyền thông cũng là nơi truyền tải lời Chúa hay Tin Mừng đến với nhau, bằng sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ với nhau bằng lời nói hay việc làm.

Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên của thông tin. Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi, thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời dối trá của chính trị gia; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người.

Trong một hoàn cảnh như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ.

Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn, chữa bệnh từ tâm hồn hay thể xác cho mọi người, nếu chúng ta có lòng tin vào Ngài. Với sức mạnh của lòng tin, con người trong mọi nguy nan cuộc sống luôn biết chạy đến cùng Chúa, tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài, và đến với Mẹ Maria qua lời cầu bầu của Mẹ là máng chuyển đến cùng Thiên Chúa.

Huệ Minh

Read 585 times Last modified on Thứ ba, 17 Tháng 9 2019 06:28