Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 25 Tháng 8 2019 19:07

Đừng giả hình

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐỪNG GIẢ HÌNH


 Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên.
1Tx 1,1-5.8b-10; Mt 23,13-22.

Thùng rỗng kêu to – nhiều khả năng độc giả có cảm nhận ấy sau khi đọc xong trang Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, hầu như toàn bản văn được phủ bằng màu xám bởi Chúa Giêsu thẳng thắn trách cứ các hành động sai trái của nhóm biệt phái và kinh sư bằng những lời chúc dữ khốn cho các người...

Chúa kể rạch ròi các tội mà hai nhóm này đã phạm như ngăn cản các tín hữu trên đường nên thánh (c. 13-14), làm hỏng đức tin của các tân tòng (c. 15), gây cớ vấp phạm nghiêm trọng trong việc giải thích và thực hành Luật (c. 16-22). Những tội này, xem ra có vẻ xa lạ. Những loại người mà Chúa Giêsu nhắm đến cũng dường như đã khá cũ xưa.

Chúa Giêsu đã lột trần thói giả hình của nhóm Pharisiêu và kinh sư, những kẻ tâm hành bất nhất. Họ giả hình hành động cho Chúa, mà thực ra họ hành động cho chính mình, đề cao mình. Họ câu nệ vào một tôn giáo hình thức giả hình để chiếm được lòng người. Họ che đậy những ý hướng man trá dưới một dáng vẻ xu nịnh. Chúa Giêsu đã lên án họ là những kẻ “mồ mả tô vôi” (Mt 23, 27). Khi vào thành Giêrusalem, trong tư cách là Đấng Messia, Chúa Giêsu đã lên tiếng tố cáo thái độ của những người Pharisieu và kinh sư. Những hình thức bề ngoài và giả dối đó là một sự công chính giả hình. Trong thái độ tuân giữ giả hình, trong thứ tôn giáo đầy vẻ phàm tục và kiêu căng, Chúa Giêsu đã tố cáo một cách mạnh mẽ.

Trước tiên phải nói rằng, các tội mà biệt phái và kinh sư phạm đều liên quan đến cái nhìn lệch lạc về Luật và Ân sủng, hay nói đúng hơn là sự nhầm tưởng quá nguy hại về Thiên Chúa và về bản thân họ. Họ tưởng họ đã nắm vững Luật, đã thực hành luật cách nghiêm nhặt thì họ có quyền giải thích luật theo ý họ, có quyền chỉ vẽ cho người khác thực hành luật theo hiểu biết của họ. Họ tưởng Ơn Chúa là hoa trái của những nỗ lực bản thân, của những thực hành theo kiểu công thức hóa học. Họ tưởng Chúa là ông chủ giữ kho ơn thánh để rồi chỉ cần đọc vài câu kinh như thần chú thì ắt sẽ Chúa sẽ phải ban ơn.

Hậu quả của cái nhìn lệch lạc trên đây là lối sống giả hình đến quá thô thiển, đáng kinh; là sự mù lòa đáng thương của những người tự cho mình đang sáng mắt. Lối sống giả hình và mù quáng này khiến họ trở thành những người diệt giáo thay vì truyền giáo, những người phá đạo thay vì sống đạo. Họ chẳng khác gì những thùng rỗng kêu to, phát ra những bản nhạc tra tấn lỗ tai và làm đau tim người khác. Như thế, ta hiểu tại sao Chúa Giêsu dành cho các kinh sư và biệt phái những lời chúc dữ khốn cho các người.

Khốn cho các người, lời này đáng lo và đáng sợ quá. Có khi nào lời ấy được dành cho tôi, cho bạn, cho anh chị hôm nay: khốn cho con !?

Nếu nhìn các kinh sư và pharisêu như những phụ mẫu chi dân về tinh thần, về tôn giáo thì tôi, bạn và anh chị, chúng ta cũng ít nhiều chịu trách nhiệm hướng dẫn tha thân ở nhiều cấp độ khác nhau từ gia đình, giáo xứ, giáo phận, dòng tu, ... Vậy, sự giả hình, sự mù quáng nhuốm mùi biệt phái pharsêu có ít nhiều hiện diện trong cuộc sống của ta không?

Mỗi người chúng ta cũng có thể đã và đang có nguy cơ trở thành những kẻ giả hình. Trong việc tuân giữ đạo và lối hành xử một cách vô đạo. Chúng ta có thể rơi vào thói giả hình khi chúng ta nói về Tin Mừng nhưng lại không sống theo tinh thần Tin Mừng. Cũng có thể chúng ta tự che dấu một đời sống nội tâm sâu thẳm bằng chiếc mặt nạ công chính. Là những tín hữu bước theo Thầy Giêsu, là “Đấng Công Chính” (Cv 3, 14) đã thực hiện trọn vẹn điều công chính (Mt 3, 15), cũng được mời gọi sống nên công chính mỗi ngày. Nghĩa là mỗi người không ngừng tuân giữ và trung thành lề luật theo thể thức mới của Chúa Giêsu ban hành, tuân hành thánh ý nguyên tuyền và hoàn hảo của Thiên Chúa Cha.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng nhiều khi trở thành những kẻ giả hình như thế đó. Chúng ta phô bày ra bên ngoài những thứ mà bên trong tâm hồn chúng ta chẳng có. Chúng ta nói rất ngọt về tình yêu, sự tha thứ, quảng đại, bác ái…nhưng bên trong chúng ta chỉ có sự vô cảm, thiếu quan tâm, cứng ngắc, khó chấp nhận lầm lỗi và tha thứ lỗi phạm của người khác, hay cũng chẳng dám mở tay để đáp ứng nhu cầu của anh chị em mình. Và như vậy, chúng ta cũng nói hay và làm dở.

Trong đức tin, chúng ta được liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu (1 Ga 4,16), là tin vào Người. Nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Ki-tô, chúng ta được nên công chính (Rm 3, 22.26). Nhờ Người chúng ta trở nên xứng đáng và đủ tư cách để thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và thần khí (Ga 4, 24). Nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Người đã làm cho chúng ta trở nên công chính (Rm 4, 25) và được tham dự vào một đời sống mới, một đời sống mang lại hoa quả, một đời sống công chính (Pl 1, 11), đời sống công chính sẽ được triều thiên (2Tm 4, 8) và trên hết là sự sống đời đời (2 Pr 3, 13).

Chúa Giêsu đã khiển trách thói sống giả hình của Người Biệt phái và Luật sĩ nhằm mục đích giúp họ nhận ra lỗi lầm và giúp họ sửa lỗi vì sau lời khiển trách, Chúa lại ban lời hướng dẫn họ để họ trở nên tốt hơn.

Trong cuộc sống, không ai là người hoàn hảo, ai cũng có lỗi lầm. Vì vậy, với tinh thần trách nhiệm, chúng ta tránh khiển trách tha nhân và nếu khiển trách, chúng ta phải nhằm mục đích tạo điều kiện cho tha nhân hối lỗi và sửa sai. Chỉ vẽ đường ngay lẽ phải cho người ta theo và trở nên tốt hơn là trách nhiệm của mối tín hữu.

Ta cùng thành tâm đặt mình trước ánh sáng của Lời và Thánh Linh Chúa, để ta nhìn rõ, hiểu thấu, cảm sâu và can đảm thực thi điều Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hôm nay.

Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh ta khỏi thái độ mù quáng, khép kín, tư lợi, và cho ta biết sống khiêm tốn, chân thành trước mặt Chúa và đối với anh em, để ta xứng đáng hưởng chúc lành của Chúa.

Huệ Minh

Read 608 times Last modified on Thứ ba, 27 Tháng 8 2019 20:11