Lời Chúa: (Ga 15, 9-17)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. 12 Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. 16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Ðiều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Suy Niệm
“Tôi là một linh mục công giáo Ba-lan, tôi đã già,
tôi muốn chết thay cho ông này, vì ông có vợ con”
Quyết định của Cha Kôn-bê (Maximilianus Maria Kolbe) đã cứu được ông Francis.
Không phải chỉ mình ông và gia đình ông,
cha còn cứu được 9 người khác, khỏi nỗi tuyệt vọng,
những người sẽ cùng bị bỏ đói đến chết với cha.
Từ hầm giam,
không còn nghe thấy tiếng khóc than nguyền rủa.
Chỉ có tiếng hát và lời kinh…
Cái chết của cha làm mọi người kinh ngạc,
vì nó là bằng chứng của một tình yêu.
Không có tình yêu nào lớn bằng
tình yêu hiến mạng cho người bạn của mình.
Ông Francis chẳng phải là bạn của cha Kôn-bê,
nhưng ông thành bạn của cha vì được cha hiến mạng.
Hãy ở lại trong Thầy, ở lại trong tình yêu của Thầy.
Ðây không phải là một lời mời đầy tính lãng mạn
của một người đang yêu.
Ðây cũng không phải là một mệnh lệnh cao siêu
dành cho những nhà thần bí.
Ðức Giêsu dạy ta biết cách ở lại trong Ngài.
Ai muốn ở lại trong tình yêu của Thầy
thì phải giữ các điều răn (x. câu 10),
mà điều răn quan trọng nhất
là yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Như thế chúng ta có một kết luận kỳ diệu:
muốn ở lại trong Thầy thì cũng phải ở lại trong nhau.
Cành nào muốn hiệp thông với cây
thì cũng phải hiệp thông với các cành khác.
Có một dòng nhựa từ cây nuôi các cành.
Chúng ta là những cành cây được nuôi bằng một dòng nhựa.
Khi gắn bó thân thiết với Chúa,
chúng ta cũng được gắn bó với nhau sâu thẳm.
Yêu anh em là thước đo đáng tin cậy
để thấy được tình yêu của mình đối với Chúa.
Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất luân chuyển:
như Cha đã yêu Thầy, Thầy đã yêu anh em;
như Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau.
Dòng tình yêu phát xuất từ Cha và đi khắp thế giới.
Yêu thương là không làm cho nó ngừng lại thành ao tù.
Thế giới hôm nay đói khát tình yêu đích thực.
Môn đệ Ðức Kitô phải là chứng nhân tình yêu,
yêu như Chúa đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất.
Chúng ta không có dịp để chết như cha Kôn-bê,
nhưng mỗi ngày ta có nhiều dịp để sống cho người khác.
Sống cho tha nhân đòi hỏi những cái chết nho nhỏ.
Những cái chết nhỏ chuẩn bị cho cái chết lớn khi cần.
Mỗi lần trái tim ta héo khô và chai cứng,
hãy trở lại với Ðức Giêsu như suối nguồn
để được Ngài tưới đẫm yêu thương.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì mau da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên Lời Chúa nói:
“Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta.”
(Trích trong PRIER)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.