Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 08 Tháng 11 2016 16:24

Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân (sáng ngày 08. 11. 2016)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân (sáng ngày 08. 11. 2016)


NGƯỜI LÍNH CANH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Bài mở đầu

Anh em Linh mục rất quý mến!
Bài đọc 2 kinh sách ngày 3/9 (lễ thánh Gregorio Cả): chúng ta được nghe thánh Gregorio Cả, giáo hoàng, giảng về sách Êdêkien như sau:
“Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Cần lưu ý rằng Chúa gọi kẻ Người sai đi rao giảng là người canh gác. Người canh gác luôn luôn phải đứng trên cao, để thấy được từ xa chuyện gì xảy tới. Và bất cứ ai được đặt làm người canh gác cho dân đều phải đứng trên cao nhờ cuộc sống của mình, để có thể đem lại lợi ích cho dân nhờ khả năng tiên liệu.
Ôi, thật khổ tâm biết bao khi tôi phải nói lên những điều trên. Quả thật, nói như thế là tôi tự đánh mình, bởi miệng tôi đã không giảng cho xứng đáng, và nếu có giảng cho đầy đủ thì đời sống của tôi cũng chẳng đi đôi với lời giảng.
Tôi nhìn nhận là tôi có lỗi, tôi thấy mình uể oải và lơ là. Biết đâu chính việc thú nhận lỗi lầm sẽ trờ thành lời nài xin vị thẩm phán nhân từ ban ơn tha thứ. Khi ở đan viện, tôi có thể vừa giữ miệng lưỡi không nói lời vô ích, vừa hầu như liên lỉ cầm trí lo việc cầu nguyện. Nhưng một khi đã ghé vai mang gánh nặng mục vụ thì tôi bị chi phối về nhiều chuyện nên không thể dễ dàng hồi tâm được.
Thật vậy, tôi buộc phải suy xét về các vấn đề của các Giáo Hội cũng như của các tu viện, nhiều lần tôi phải nghĩ tới nếp sống và hành vi của các cá nhân; hơn nữa, tôi còn phải giải quyết một số công việc của người dân, phải lo lắng vì quân man di xông vào giết chóc, phải đề phòng những con sói đang rình rập đàn chiên đã được uỷ thác cho tôi. Có khi tôi phải lo đem lại những trợ giúp cần thiết cho chính những người có bổn phận tuân giữ kỷ luật tu trì; có lúc phải bình tĩnh chịu đựng những quân trộm cướp, nhưng cũng có lúc phải đối đầu với chúng để bảo trì đức ái.
Khi tâm trí còn bị phân tán và xâu xé vì phải nghĩ đến biết bao chuyện như thế, thì bao giờ tôi mới có thể hồi tâm để chỉ nghĩ đến việc rao giảng và không bỏ bê tác vụ công bố Lời Chúa? Vì địa vị bó buộc tôi phải tiếp xúc với người đời, nên đôi khi tôi lơi lỏng trong việc giữ miệng lưỡi. Bởi nếu tôi luôn tự kiềm chế mình một cách nghiêm ngặt, thì tôi biết những kẻ yếu đuối sẽ xa lánh tôi, và chẳng bao giờ tôi lôi kéo được họ đến điều tôi mong ước. Cho nên tôi thường phải luôn kiên nhẫn nghe cả những chuyện vô ích của họ. Thế nhưng, vì bản thân tôi cũng yếu đuối, nên dần dần tôi bị lôi cuốn vào những chuyện vô ích và bắt đầu thích nói những điều mà trước kia tôi chỉ nghe một cách miễn cưỡng; nơi mà trước kia tôi sợ ngã vào, thì nay tôi lại khoái nằm xuống.
Vậy tôi là ai và tôi thi hành nhiệm vụ canh gác như thế nào, nếu tôi không đứng trên núi cao là công việc phải làm, mà vẫn còn nằm bẹp dưới thung lũng là tính yếu đuối của tôi? Nhưng dù tôi bất xứng, thì Đấng tạo dựng và cứu chuộc loài người vẫn có khả năng ban cho tôi cả đời sống cao quý lẫn tài nói năng thuyết phục, bởi lẽ vì yêu mến Người mà tôi không quản ngại nói về Người.”
Anh em thân mến,
Nếu bây giờ, chúng ta đọc bài giảng này trong bối cảnh cuộc sống của mình, trong mùa Vọng, mùa trông chờ Thiên Chúa ngự đến, chúng ta có thể thấy rằng, Giám mục và linh mục đang gánh vác trách nhiệm “người lính canh” và cũng đang mang lấy những khiếm khuyết trong phận vụ mà thánh giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả nói đến. Cụ thể, tôi xin đọc lại một phần ngắn bài giảng của thánh nhân khi áp dụng cho chúng ta:
Khi ở chủng viện, tôi có thể vừa giữ miệng lưỡi không nói lời vô ích, vừa hầu như liên lỉ cầm trí lo việc cầu nguyện. Nhưng một khi đã ghé vai mang gánh nặng mục vụ thì tôi bị chi phối về nhiều chuyện nên không thể dễ dàng hồi tâm được.
Thật vậy, tôi buộc phải suy xét về các vấn đề của giáo xứ cũng như của các hội đoàn, nhiều lần tôi phải nghĩ tới nếp sống và hành vi của các cá nhân; hơn nữa, tôi còn phải giải quyết một số công việc của người dân, phải lo lắng về những khó khăn, phải đề phòng những con sói đang rình rập đàn chiên đã được uỷ thác cho tôi. Có khi tôi phải lo đem lại những trợ giúp cần thiết cho chính những người giáo dân của tôi; có lúc phải bình tĩnh chịu đựng những kẻ bách hại, nhưng cũng có lúc phải đối đầu với chúng để bảo trì đức ái.
Khi tâm trí còn bị phân tán và xâu xé vì phải nghĩ đến biết bao chuyện như thế, thì bao giờ tôi mới có thể hồi tâm để chỉ nghĩ đến việc rao giảng và không bỏ bê tác vụ công bố Lời Chúa? Vì địa vị bó buộc tôi phải tiếp xúc với người đời, nên đôi khi tôi lơi lỏng trong việc giữ miệng lưỡi. Bởi nếu tôi luôn tự kiềm chế mình một cách nghiêm ngặt, thì tôi biết những kẻ yếu đuối sẽ xa lánh tôi, và chẳng bao giờ tôi lôi kéo được họ đến điều tôi mong ước. Cho nên tôi thường phải luôn kiên nhẫn và đến họ. Thế nhưng, vì bản thân tôi cũng yếu đuối, nên dần dần tôi bị lôi cuốn vào những chuyện vô ích và bắt đầu thích nói những điều mà trước kia tôi chỉ chấp nhận một cách miễn cưỡng; nơi mà trước kia tôi sợ ngã vào, thì nay tôi lại khoái nằm xuống.
Anh em thân mến, đó là thực tế mà chúng ta đang trải qua, đang sống. Nhưng dù có những vấp váp, những thiếu sót, chúng ta vẫn phải luôn là những người lính canh:
biết mình canh điều gì (biết mình phải như thế nào để có thể đáp ứng được những đòi buộc của trách vụ)
biết tiên liệu những thách đố, những khó khăn có thể gặp phải cho bản thân, cho những đối tượng tôi được sai tới
biết liên đới và cộng tác với mọi thành phần để hoàn thành sứ mạng được trao
Do đó, với thời gian ân sủng của tuần tĩnh tâm này, những người lính canh chúng ta hãy tận dụng để nhìn lại và tìm ra cho mình một đáp án thỏa mãn những đòi buộc cho người lính canh của Đức Kitô trong vai trò Linh mục thừa tác.
Đồng thời, tuần tĩnh tâm năm nay của giáo phận chúng ta ở trong một thời điểm rất đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa.
Trước hết, chúng ta chuẩn bị kết thúc Năm thánh Lòng Thương Xót. Tuy vậy, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không bao giờ kết thúc. Lòng Thương Xót đó vẫn luôn tuôn tràn trên chúng ta trong mọi nơi mọi thời và mời gọi mỗi người liên lỉ tái khám phá Lòng Thương Xót nơi chính mình, cũng như làm cho những người khác khám phá ra Lòng Thương Xót trong cuộc đời mình. Do đó, Lòng Thương Xót sẽ luôn là điều mà tôi nhấn mạnh và xoay quanh trong các bài chia sẻ của tuần tĩnh tâm này.
Quả vậy, ĐTC Phanxico trong Tông Sắc Dung mạo lòng thương xót (Misericordiae Vultus) đã nói với chúng ta rằng: “Cha chọn ngày mồng 08 tháng 12 làm ngày khai mạc của Năm Thánh, vì ngày này có một ý nghĩa to lớn trong lịch sử gần đây của Giáo hội. Cụ thể là Cha sẽ mở Cổng Thánh đúng năm mươi năm sau ngày bế mạc Công đồng Chung Vatican II. Giáo hội cảm thấy cần phải giữ cho khoảnh khắc ấy được sống động. Đối với Giáo hội, một con đường mới đã bắt đầu trong lịch sử của mình kể từ hồi ấy. Các Nghị Phụ của Công Đồng đã cảm thấy một cách mạnh mẽ - như một luồng gió thực sự của Chúa Thánh Thần – về việc cần thiết phải nói chuyện với con người sống trong thời đại các Ngài, bằng một cách thế dễ hiểu hơn của Thiên Chúa. Những bức tường mà chúng đã nhốt Giáo hội quá lâu trong một pháo đài được ban đặc quyền, sẽ bị giật sập, và đã đến lúc phải công bố Tin Mừng theo một phương cách mới. Một chặng mới của việc loan báo Tin Mừng càng ngày càng được mong chờ để được hoàn tất, giờ đây đã bắt đầu. Một trách vụ mới đối với tất cả các Kitô hữu chính là việc làm chứng cho Đức Tin của mình với niềm hăng hái được củng cố và với tất cả sức thuyết phục. Giáo hội cảm thấy có trách nhiệm trong việc phải trở nên dấu chỉ sống động cho Tình Yêu của Thiên Chúa Cha ở giữa trần gian” (số 4).
Và, trong số 11 của Tông Sắc, ĐTC nói với chúng ta rằng nền văn hóa trong thời đại chúng ta đã quên đi Lòng Thương Xót một cách quá mức: “Tâm lý của con người thời nay có vẻ như đang muốn chống lại một Thiên Chúa giàu lòng Thương Xót hơn là trong quá khứ, và có khuynh hướng muốn gạt bỏ ý tưởng về Lòng Thương Xót ra khỏi cuộc sống và ra khỏi con tim.”
Tiếp đến, đây là thời gian khởi đầu năm phụng vụ mới. Do đó, để có đường hướng mục vụ phù hợp với đường lối, giáo huấn của Giáo hội, chúng ta cũng cần đọc lại những hướng dẫn của Giáo hội qua Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes). Hiến chế này năm nay bước sang tuổi thứ 52 (7.12.1965). 52 năm - một khoảng thời gian khá dài so với tuổi đời của một con người, nhưng nội dung của hiến chế này vẫn không hề ‘già’, không hề lỗi thời, nhưng ngược lại, có khi, chúng ta còn chưa đào sâu được trọn vẹn nội dung của nó. Nội dung của hiến chế có thể nói vẫn đang sống động, còn hợp thời hơn bao giờ hết đối với giáo hội VN hiện nay. Hiến chế này khẳng định với thế giới và cũng đang nói với đất nước Việt Nam rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô” (số 1).
Không chỉ thế, trong thông điệp mới đây của ĐGH đương kim (thông điệp Laudato Si- về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta), ngài đặt ra một câu hỏi như sau: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?” Câu hỏi này không chỉ là câu hỏi chính yếu của thông điệp, nhưng cũng là câu hỏi cho mỗi linh mục chúng ta, những lính canh của Đức Kitô trong chức linh mục thừa tác.
Chứng từ một cuộc sống trải qua từ cái nhìn “Người lính canh” của Lòng Thương Xót:
Trong Tòa Tổng Giám mục Buenos Aires, văn phòng của Đức Hồng Y Bergoglio, ngày nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhỏ hơn văn phòng của Thư ký; là một căn phòng hết sức nghèo nàn. Có một chiếc giường gỗ và một cây thánh giá của Ông bà nội. Đối diện với phòng ngài là một nhà nguyện riêng. Căn phòng kế tiếp có thư viện chứa đầy sách vở và giấy tờ của Ngài. Trong số đó có một tờ giấy đã phai mầu, ghi lại những lời tuyên xưng đức tin riêng của Ngài được viết ra “trong một giây phút thật sốt sáng” ít lâu trước khi ngài chịu chứa linh mục:
“Tôi muốn tin vào Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương tôi như một người con, và tin vào Đức Giê su, là Chúa, Đấng đã tuôn đổ Thần Khí của Ngài vào trong đời sống của tôi để làm cho tôi biết vui cười và như thể Ngài dẫn đưa tôi vào vương quốc đời đời của sự sống.
Tôi tin vào lịch sử đời tôi luôn trải qua dưới cái nhìn tình yêu của Thiên Chúa và, trong ngày xuân hôm ấy, ngày 21 tháng 09, Ngài đã dẫn đưa tôi đến gặp gỡ để mời gọi tôi bước theo Ngài.
Tôi tin vào nỗi đau của tôi, thiếu phong nhiêu vì tính ích kỷ, nơi tôi tìm ẩn náu.
Tôi tin vào tính hèn hạ của tâm hồn tôi, tìm cách giữ lấy mà không cho đi…không trao ban.
Tôi tin rằng những người khác tốt, và tôi phải yêu thương họ mà không sợ hãi, và không bao giờ phản bội họ để tìm một sự bảo đảm cho tôi.
Tôi tin vào đời sống đạo đức, tôi tin mình muốn yêu nhiều.
Tôi tin vào sự chết hang ngày, thiêu đốt, mà tôi bỏ chạy, nhưng nó mỉm cười với tôi, đồng thời mời tôi chấp nhận nó.
Tôi tin vào sự nhẫn nại của Thiên Chúa, tiếp nhận, tốt lành như một em bé.
Tôi tin rằng người Cha ở trên trời cùng với Thiên Chúa.
Tôi tin rằng cả Cha Duarte cũng ở đó, cầu bàu cho chức linh mục của tôi.
Tôi tin vào Mẹ Maria, Mẹ tôi, Người hằng yêu thương tôi và sẽ không bao giờ để tôi đơn côi. Và tôi chờ đợi sự xuất hiện bất ngờ mỗi ngày sẽ thể hiện tình yêu, sức mạnh, phản bội và tội lỗi, sẽ theo đuổi tôi cho đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với khuôn mặt xinh đẹp mà tôi không biết sẽ thế nào, mà tôi liên tục trốn chạy, nhưng tôi muốn nhận biết và mến yêu. Amen.”
Cho tới khi được chọn làm Giáo hoàng, Ngài đã nói: “Sự thật tôi là một tội nhân mà Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã yêu thương một cách đặc biệt”. Ngài đã chọn khẩu hiệu Giáo hoàng: “Miserando atque Eligendo: Thương xót và Tuyển chọn”.
Chứng từ cá nhân mong muốn trở nên “Người lính canh của Lòng Thương Xót”…
Tóm lại, hai vấn đề tôi muốn cùng với anh em suy tư trong tuần tĩnh tâm này là:
*Thứ nhất, chúng ta - những người lính canh – muốn chuyển lại cho con người ngày hôm nay một loại thế giới như thế nào?
*Thứ hai, ĐTC Phanxico đang mời gọi chúng ta hãy “công bố Tin Mừng theo một phương cách mới … một trách vụ mới là làm chứng cho Đức Tin của mình với niềm hăng hái … và trở nên dấu chỉ sống động của Lòng Thương Xót”.
Đây là hai vấn đề mang tính sống còn cho trách vụ linh mục thừa tác của chúng ta trong và cho thế giới, cách riêng tại Việt Nam, tại giáo phận của chúng ta đây.
Do đó, hai mối bận tâm trên sẽ được khai triển theo một tiến trình các bài chia sẻ như sau:
Bài 1: Trở về (trở về với chính nguồn cội của mình - là chính Đức Giêsu)
Bài 2: Nhận diện các dấu chỉ (thời đại)
Bài 3: Giáo Hội - dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa
Bài 4: Người Kitô hữu - dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa
Bài 5: Linh Mục - dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa
Bài 6: Theo gương Đức Mẹ Maria - Sống Lòng Thương Xót

Tôi hy vọng, những góp nhặt này có thể mang lại cho anh em chúng ta một chút gì đó để suy tư, để hoán cải không chỉ trong thời gian quý báu của tuần tĩnh tâm nhưng còn trong đời sống phục vụ với tư cách là linh mục thừa tác.

NOTE:

GP: Gaudium et Spes

EG: Evangelii Gaudium
OT: Sắc lệnh đào tạo linh mục
LG: Lumen Gentium
CL: Tông huấn Christifideles laici - Người Kitô hữu giáo dân
AG: Ad Gentes

...................................................................................................................................................


Bài 1: TRỞ VỀ NGUỒN

 

Tin Mừng: (Mt 13:54-57)

“Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người”.

Đức Giêsu trở về quê quán:
Sự “Trở về” cần phải có “khởi điểm”
Đó là một điều tất yếu. Vì chúng ta cần gì phải trở về nếu chúng ta không có điểm bắt đầu.
Trước tiên, để trở về, chúng ta cần phải biết khởi điểm của mình. Đó là nơi chúng ta xuất phát, chúng ta hiện hữu, và là nơi chúng ta ra đi. Ví dụ: Tôi sinh và và lớn lên ở Hà Nội. Tôi lên Lạng Sơn, rồi vào Đà Nẵng để thi hành sứ vụ của mình. Như vậy, Hà Nội chính là khởi điểm, là nơi tôi sinh ra và lớn lên, và cũng là nơi tôi ra đi.

Nhưng khởi điểm cũng chính là nơi đến, là nơi “ta là”.
Trong hành trình trở về, khởi điểm chính là đích điểm, là nơi chúng ta muốn đạt đến. Như tôi ở Lạng Sơn hay Đà Nẵng, khi tôi trở về Hà Nội, Hà Nội trở nên đích điểm cho hành trình trở về của tôi, nó trở nên nơi tôi muốn đến.
Bên cạnh đó, trong đời sống thiêng liêng, tu đức, “khởi điểm” cho hành trình trở về chúng ta còn chính là nơi “chúng ta là”, nơi chúng ta bắt đầu.

Thật vậy, khởi điểm cho ơn gọi làm người của chúng ta thật đẹp. Sách Sáng Thế trình thuật lại lúc khởi đầu, con người được TC tạo dựng và sống trong tình thân với Ngài, chiều chiều con người tản bộ, đàm đạo cùng TC. Đó là mối tương quan với TC, còn trong tương quan với nhau, con người sống rất đơn thành, không có gì là giả dối, không có gì là sống trong vỏ bọc, trong lớp ngụy trang hay mặt nạ.

Hay khởi điểm của đời linh mục chúng ta cũng thế. Chắc chắn, kỷ niệm, dấu ấn ngày thụ phong và thánh lễ đầu đời linh mục của chúng ta thật thánh thiện và đẹp đẽ biết bao. Trong ngày thụ phong và thánh lễ mở tay đó, biết bao tâm tình, biết bao những khao khát dấn thân và quyết tâm phục vụ rất thánh thiện và nồng nàn tràn ngập trong tâm hồn chúng ta.

Như thế, có thể nói, sự trở về chính là quay lại khởi điểm, quay lại nguồn cội.

Đức Giêsu trở về quê quán – trở về nơi mà Ngài xuất thân
Người xa quê, mỗi khi có dịp hay lâu lâu được trở về nhà thì quả là một điều hạnh phúc, một niềm vui dạt dào trong tâm hồn, sự hân hoan trong từng bước chân trên con đường trở về gia đình, trở về làng quê thân thương, nơi gắn bó và hình thành nên con người, tính cách và cuộc đời của họ. Nếu áp dụng vào đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra khung cảnh đoàn viên của Đức Giêsu và những người thân quen nơi làng quê của Người trong ngày Người trở về. Chắc chắn, trước biến cố người ta vấp phạm Đức Giêsu nơi hội đường diễn ra, làng quê Nazareth hôm ấy cũng rộn rã lên tiếng cười, lời thăm hỏi thân tình của Đức Giêsu và mọi người sau một khoảng thời gian không gặp mặt. Chính trong biến cố này, chúng ta thấy rằng, Đức Giêsu không chối bỏ nhưng luôn trân trọng nguồn cội nơi trần gian, không chối bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của Người. Bởi chưng, nơi quê quán đó, ĐG có những người thân yêu trong gia đình, thân bằng quyến thuộc trong họ hàng, dòng tộc, và ngay cả những người bạn, những người cùng làng quê, những con người quá biết về gốc tích, lai lịch Người đến nỗi vấp phạm đến Người.

Dù vậy, lời bàn tán và đặt vấn đề của những người cùng làng quê, cùng nguyên quán đưa ra về “sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” nơi ĐG không chỉ là một sự vấp phạm đến ĐG, nhưng một cách nào đó, nó vô tình đã khẳng định về “thần tính” của ĐG, hay nói khác đi, họ đã vô tình khẳng định nguồn cội Thiên Chúa nơi Người. Vì lẽ, đối với người Do Thái lúc bấy giờ, và Kinh Thánh cũng trình thuật lại, chỉ có đấng đến từ Thiên Chúa mới có thể làm những điều cả thể (những phép lạ).

Như thế, xem ra, ngày trở về quê của ĐG có thể được coi là ngày cho nhân loại thấy nguồn cội của Người không chỉ nơi trần gian, nơi có cha, có mẹ, có những người thân quen, nhưng Người còn có nguồn cội từ trời.
Vậy, cùng với ĐG trong hành trình trở về nguyên quán, chúng ta hãy trở về với nguyên quán của mình.
Trước tiên, chúng ta hãy trở về “nguyên quán” của Giáo Hội, thân thể mà chúng ta hạnh phúc được là những tế bào, được trở nên những người có trách nhiệm trong sứ mạng mục tử.

Trở về với “nguyên quán” của Giáo Hội
Giáo Hội – một thiết chết bao gồm những con người được Thiên Chúa quy tụ và cần thiết cho ơn cứu độ.
Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) viết:
“Từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha "đã biết trước và đã tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được trở nên Trưởng Tử trong nhiều anh em" (Rm 8:29). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội”. (LG, số 2)
“Giáo Hội lữ hành này cần thiết cho phần rỗi. Thực vậy, chỉ mình Chúa Kitô là Trung Gian và là đường cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong thân thể Người là Giáo Hội; chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy (x. Mc 16:16; Ga 3:5), đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi”. (LG, số 14)

Giáo Hội – một thực tại hữu hình và thiêng liêng.
Sự duy nhất hữu hình và thiêng liêng của Giáo Hội được đặt nền nơi biến cố ĐG, nơi mầu nhiệp nhập thể và phục sinh của Người:
“Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ. Qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là xã hội có tổ chức qui củ, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành. Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống động để tăng triển thân thể (x. Ep 4:16).

Ðó là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô mà trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Sau khi phục sinh, Ðấng cứu chuộc chúng ta đã trao phó cho Phêrô chăn dắt Giáo Hội đó (Ga 21:17); Người phó thác cho Phêrô cũng như cho các Tông Ðồ khác truyền bá, cai quản (x. Mt 28:18tt), và thiết lập Giáo Hội nên "rường cột và nền tảng chân lý" đến muôn đời (x. 1Tm 3:15). Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển, và mặc dù bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý, nhưng những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, thúc bách đến sự hiệp nhất công giáo.” (LG, số 8)

Chính bởi vì vừa là thực tại hữu hình và vừa là thực tại thiêng liêng, Giáo Hội mà mỗi chúng ta là tế bào, là chi thể, không nằm ngoài thế giới. Giáo Hội ôm ấp lấy toàn thể nhân loại trong sứ mạng của mình:
Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu Kitô "vốn có hình thể Thiên Chúa... tự hủy mình, tự nhận thân phận tôi tớ" (Pl 2:6-7), và "vốn giàu có, Người đã hóa ra nghèo hèn" vì chúng ta (2Cr 8:9): cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh mình, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình. Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến "rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng... cứu chữa các tâm hồn đau khổ" (Lc 4:18), "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất" (Lc 19:10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Ðấng Sáng Lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô "thánh thiện, vô tội, tinh tuyền" (Dt 7:26), không hề phạm tội (x. 2Cr 5:21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dt 2:17), còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân”. (LG, số 8)

Hóa ra, tự bản chất của mình, Giáo Hội có “nguồn cội, xuất phát điểm” là chính ĐG Kitô, nhưng cũng là thực tại bao gồm những con người. Do đó, hành trình trở về nguồn của Giáo Hội, cũng chính là hành trình của mỗi chi thể, mỗi linh mục chúng ta cũng phải là một hành trình cùng với nhân loại, ôm ấp lấy nhân loại trong tinh thần sám hối và canh tân. Để qua hành trình sám hối và canh tân đó, cùng với ân sủng của Thiên Chúa qua hy tế Tạ Ơn của ĐK, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhân loại và chính bản thân chúng ta có thể ngày một tỏ lộ dung mạo thực sự vốn tinh tuyền bởi chính khởi nguồn của mình là ĐG.

Giáo Hội – cùng bước đi với nhân loại
Là thực tại hữu hình, ôm ấp toàn thể nhân loại, Giáo Hội hiến trọn toàn thể chính mình cho sự thăng tiến của nhân loại, vì phần rỗi của toàn thế giới. Vì chưng,
đặc tính cộng đoàn của thiên chức con người trong ý định Thiên Chúa là Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Bởi vì mọi người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa là Ðấng đã "cho tất cả nhân loại do một nguyên tổ cư ngụ trên khắp mặt đất" (Cv 17:26), nên họ đều được gọi tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa” (x. GP, số 24);
“đặc tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của con người và sự phát triển của xã hội lệ thuộc nhau. Thực vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì tự bản chất nhân vị phải hoàn toàn cần đến đời sống xã hội”. (GP, số 25)

“Như thế, là "một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng", Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần thế với thế giới; Giáo Hội như men và hồn của xã hội loài người, sẽ được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa […] Trong khi đeo đuổi mục đích cứu rỗi cá biệt của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩ sâu xa hơn” (GP, số 40).
Chiều hướng và ý nghĩa sâu xa hơn đó chính là việc “Giáo Hội tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc đời con người, tức là sự thật thâm sâu về con người. […] Thật vậy, con người luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, cuộc sống, hoạt động và cái chết của mình có ý nghĩa gì. Chính sự hiện diện của Giáo Hội nhắc nhở cho con người nhớ đến những vấn đề ấy. Chỉ có Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề ấy.” (GP, số 41)

Linh mục, sự trở về là gắn chặt vào mối quan hệ với Đức Kitô:
1.Trong Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô (Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha trực tiếp mời gọi tất cả mọi người “các riêng các linh mục” gắn bó hang ngày với Chúa Giêsu: “Tôi kêu mời tất cả mọi người, vào chính lúc này, canh tân cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô…Chúa không để những ai đánh liều đến gặp gỡ Người phải thất vọng; mỗi khi tiến một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đã có mặt ở đó, mở rộng vòng tay đón chờ chúng ta…Mỗi người chúng ta đều thân thương đối với Chúa, Người yêu thương ta, chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta phục vụ…Hàng ngày chúng ta nên cầu nguyện với lòng tin tưởng để được điều này, cầu xin Đức Giêsu chữa lành chúng ta, giúp chúng ta trở nên ngày càng nên giống với Người hơn, vì Người không còn gọi chúng ta là tôi tớ nhưng là bạn hữu (Ga 15,15). Đây là một lời mời gọi các linh mục chúng ta; sống giống như Chúa Giêsu giữa thế giới hôm nay. Nói một cách đơn giản, mọi sự được gắn chặt vào tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu.

2.Đức Thánh Cha đã từng đề cập tới sự mệt mỏi của các linh mục trong bài giảng Lễ Truyền Dầu 2015: “Sự mệt mỏi của các linh mục! Các con có biết Cha thường xuyên nghĩ tới sự mệt mỏi này mà tất cả các con đang trải nghiệm không ? Cha nghĩ về nó và cầu nguyện về nó, rất thường xuyên, đặc biệt khi bản thân Cha cảm thấy mệt mỏi…Mỗi khi chúng ta cảm thấy trĩu nặng vì công việc mục vụ, chúng tá có thể bị cám dỗ nghỉ ngơi tùy chúng ta thích, như thế sự nghỉ ngơi tự nó không phải là một ơn huệ của Chúa…Sự mệt mỏi của chúng ta là điều quí giá trong cái nhìn của Chúa Giêsu, Người ôm lấy chúng ta và nâng chúng ta lên…Chúng ta đừng bao giờ quên rằng một chìa khóa cho việc mục vụ hiệu quả là ở cách chúng ta nghỉ ngơi và cách chúng ta nhìn Chúa Giêsu cư xử thế nào với sự mệt mỏi của chúng ta. Học biết cách nghỉ ngơi thật khó biết bao. Nó nói lên nhiều điều về lòng tin tưởng và khả năng chúng ta hiểu rằng chúng ta cũng là những con chiên; chúng ta cần được Chúa Chiên giúp đỡ”. Đó chính là cách chúng ta được mời gọi TRỞ VỀ nghỉ ngơi trong vòng tay của Chúa Chiên Nhân Lành.

3.Trong Năm Thánh Linh Mục 2016, khi cử hành Thánh lễ vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa, Đức Phanxi cô đã lưu ý chúng ta phải luôn luôn “chiêm ngắm hai Trái Tim: Trái Tim Chúa Chiên Nhân Lành và trái tim linh mục của chính chúng ta. Trái Tim của Chúa Chiên Nhân Lành không chỉ là trái tim chỉ cho chúng ta thấy Lòng Thương Xót, mà LÀ CHÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT…Ở đó, các linh mục được chào đón và được hiểu như là chính con người mình; ở đó, với tất cả những tội lỗi và giới hạn của mình, chúng ta biết rằng mình được chọn và được yêu. Khi chiêm ngắm trái tim ấy, chúng ta có thể lặp lại như Cha tình yêu ban đầu của mình; nhớ lại lúc Chúa chạm vào linh hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đi theo Ngài, nhớ lại niềm vui đã thả lưới cuộc đời chúng ta trên biển Lời Người”…”Đừng bao giờ quên tình yêu ban đầu của các con, đừng bao giờ”. Là linh mục, chúng ta không thể sống mà không có mối quan hệ sống động, mật thiết, đích thực và vững chắc với Đức Kitô…. Sự trở về với Đức Kitô của mỗi người chúng ta là “cầu nguyện hàng ngày, siêng năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải, tiếp xúc hàng ngày với Lời Chúa và sống đức ái thực sự - là những của ăn thiết yếu cho mỗi người chúng ta”.

Tạm kết
Vậy, anh em linh mục rất quý mến!
ĐG trở về quê hương, Người trở về với cội nguồn của mình, để đón nhận, sống và thực . thi sứ vụ của mình. Như tôi đã chia sẻ, ngày ĐG trở về quê hương, có thể nói rằng, là ngày phần nào cho thấy nguồn cội vừa nhân loại, vừa Thiên Chúa của Người. Người hiện diện và hoạt động trong chính nguồn cội đó.

Mỗi người chúng ta cũng vậy, trong vai trò là những chi thể, những tế bào và cách riêng là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, Thân Thể mầu nhiệm của ĐK, chúng ta cũng được mời gọi trở về lại với nguồn cội Thân Thể của mình, một nguồn cội mang chiều kích Nhập Thế nơi biến cố ĐGK. Hầu qua việc trở về này, chúng ta một lần nữa xác tín về sứ mạng của Giáo Hội và cũng là của chính chúng ta.

Hy vọng, một vài ý tưởng được gợi nhắc nơi giáo huấn của Giáo Hội trong bài chia sẻ này, phần nào giúp mỗi linh mục chúng ta bắt đầu lại trong việc ý thức về sứ vụ của mình, cũng như sự cộng tác, hiệp thông trong Thân Mình Mầu Nhiệm của ĐK. Để từ đó, qua chính cuộc đời phục vụ trong chức linh mục thừa tác, chúng ta có thể hãnh diện nói rằng: tôi đã hoàn toàn sống trọn vẹn lời khẳng định của Giáo hội, cũng như là của chính tôi rằng “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (GP, số 1).

Read 1627 times Last modified on Thứ năm, 10 Tháng 11 2016 15:14