Print this page
Chủ nhật, 01 Tháng 9 2019 20:57

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (02/9) tới CN XXIII-TN Năm C (08/9)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (02/9) tới CN XXIII-TN Năm C (08/9)


Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Lc 4:16-30 (Thứ 2, XXII-TN)

(Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên)

"Người băng qua giữa họ mà đi" (Lc 4:30).

(16) Bấy giờ, Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:
(18) Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
(19) công bố một năm hồng ân của Chúa.
(20) Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". (22)Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?" (23) Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" (24) Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
(25) "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, (26) thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon. (27) Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi".

(28) Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. (29) Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. (30) Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giê-su về thăm quê cũ. Người không ở ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhưng Người vào hội đường vì đó là ngày Sa-bát. Đức Giê-su được người ta trao Sách Thánh để đọc cho bà con nghe. Điều này chứng tỏ rằng vào thời thơ ấu, Đức Giê-su được học hành và thường xuyên đọc Sách Thánh. Có thể Mẹ Maria là "cô giáo" của Chúa Con và ảnh hưởng trên Con Mẹ rất nhiều, nhất là thói quen "đọc, suy gẫm và thi hành Lời Chúa".

Sau khi đọc Sách Thánh, Đức Giê-su giải thích Kinh Thánh cho bà con đang tề tựu trong hội đường. Người được bà con lắng nghe, thấu hiểu, nên tán thành những lời lẽ khôn ngoan của Người. Thế nhưng, trong lòng bà con lại muốn chứng kiến những phép lạ Đức Giê-su đã từng làm đó đây để tin Người hơn. Thực ra, đối với Đức Giê-su, đức tin không hệ tại chứng kiến trực tiếp phép lạ của Chúa với tâm trí ngờ vực và thử thách. Vì thế, Người không làm phép lạ. Hậu quả là bà con từ khước Người và tìm cách hãm hại Người, nhưng họ chẳng làm gì được vì Đức Giê-su đã băng qua giữa họ mà đi, giờ của Người chưa đến, giờ phải lìa bỏ thế gian mà trở về cùng Chúa Cha.

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể phản tỉnh hai điều: vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con cái và đức tin của chúng ta ở mức độ nào?

Mẹ Maria và cuộc sống đức tin của Mẹ đã ảnh hưởng lớn trên cuộc đời Chúa Giê-su. Những người mẹ Công giáo học được gì nơi Mẹ và cách sống của Mẹ? Họ giáo dục con cái ra sao? Họ có dựa trên sức mạnh của Lời Chúa, giúp con cái biết giở Kinh Thánh, đọc, suy gẫm và thực hành Lời Chúa không, chẳng hạn như "giữ ngày Sa-bát", kiên việc ngày Chúa Nhật cùng những ngày khác Hội Thánh dạy?

Chúng ta có tin vào Chúa và lời giáo huấn của Người không? Chúng ta có đòi Chúa làm phép lạ, rồi mới tin Người không? Nói cách khác, chúng ta có đưa ra điều kiện để tin Chúa không? Vì sao chúng ta hoàn toàn tin Chúa và phó thác mọi sự trong tay Người?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Lc 4:31-37 (Thứ 3, XXII-TN)

(Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên)

"Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! " (Lc 4:36).

(31) Khi ấy, Chúa Giêsu xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy họ. (32) Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Người nói năng có thẩm quyền. (33) Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: (34) "Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!"(35) Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. (36) Nỗi kinh ngạc trùm lên mọi người, và họ nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!" (37) Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại biến cố Đức Giê-su trừ quỷ cho một người bị quỷ ám. Qua biến cố này, chúng ta nhận ra thông điệp gì của Chúa?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh Đức Giê-su trừ quỷ. Người đã làm gì? Lúc đầu, Đức Giê-su chẳng làm gì cả. Người bị quỷ ám nhìn thấy Đức Giê-su thì tự động la lên: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! " Như thế, nơi con người của Đức Giê-su có Thiên Chúa, đến nỗi ma quỷ phải khiếp sợ. Sau đó, Đức Giê-su dùng lời của Người để trừ quỷ: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! " Nghe lời nói xuất ra từ miệng Đức Giê-su, quỷ sợ hãi và xuất khỏi thân xác người thanh niên. Như vậy, lời Chúa có một sức mạnh phi thường khiến ma quỷ thoái lui và không có chỗ tồn tại trong thân xác con người.

Với những phân tích trên, chúng ta dễ dàng nhận ra một trong những thông điệp của Chúa, đó là phải chăng nếu chúng ta là người của Thiên Chúa thì ma quỷ sẽ khiếp sợ chúng ta và không dám lộng hành trong chúng ta và nơi người khác, và Lời Chúa chính là khí cụ thiêng liêng giúp chúng ta có thể trừ tà?

Do đó, chúng ta cần xin Chúa ban ơn thánh hóa toàn diện con người chúng ta, để thân xác và tâm hồn của chúng ta luôn có Chúa, luôn thuộc về Chúa, và chúng ta là người của Chúa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên cầu nguyện với Lời Chúa, dùng Lời Chúa làm lương thực cho đời sống thiêng liêng của chúng ta và dựa vào Lời Chúa để trừ khử những điều gian tà trong chúng ta và trên thế gian này.

Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Lc 4:38-44 (Thứ 4, XXII-TN)

(Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên)

"Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó" (Lc 4:43).

(38) Khi ấy, Ðức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. (39) Ðức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt rời khỏi bà: tức khắc bà chỗi dậy phục vụ các ngài. (40) Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. (41) Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa!" Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Ðấng Kitô. (42) Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Ðám đông tìm Người, đến tận nơi Người đang ở và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. (43) Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó". (44) Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê.

Bạn thân mến,

Đọc đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta nhận thấy một khung làm việc dày đặc của Chúa Giê-su. Lịch làm việc của Chúa bao phủ cả một ngày sống, từ ban ngày đến lúc chiều tà, rồi sáng sớm.

Ban ngày Chúa đi thăm viếng. Hôm nay Chúa thăm viếng nhà ông Phê-rô và làm cho cơn sốt của mẹ vợ ông biến mất. Sau khi được chữa khỏi bệnh, bà đã phục vụ Chúa và "đoàn tùy tùng" của Người. Nếu chúng ta được Chúa chữa lành những căn bệnh thiêng liêng hoặc thể xác, chúng ta có bắt chước mẹ vợ của ông Phê-rô xả thân phục vụ Chúa không? Phải chăng Chúa chữa lành chúng ta là để chúng ta có sức khỏe phục vụ Người?

Khi chiều đến, Chúa chữa lành bệnh tật cho tất cả những ai tìm đến Người, thậm chí Người tiếp tục trừ tà cho những người bị quỷ ám.

Sáng sớm Chúa tìm một nơi hoang vắng để cầu nguyện, nhưng dân chúng không muốn rời xa Người. Họ đi tìm Chúa và muốn Người ở lại với họ mãi mãi. Tuy nhiên, Chúa ý thức rõ sứ mạng Chúa Cha trao phó còn dang dở và nhu cầu được chữa lành và nghe biết Tin Mừng của dân chúng ở nhiều nơi đang cấp thiết, nên Người buộc phải rời xa họ và tiếp tục sứ mạng dang dở ấy.

Đôi khi, chúng ta là những người thợ của Chúa trên cánh đồng đang vào mùa gặt nhưng lại có lối sống khác Chúa nhiều lắm. Chúng ta thích được nghỉ ngơi, thích dừng chân ở những nơi chúng ta cảm thấy thoải mái và được người ta đón nhận, tung hô, ca tụng, v.v.. Chiêm ngắm cung cách hành xử của Chúa, lối sống của Chúa và lịch làm việc dày đặc của Người, chúng ta học được gì và nhận ra Chúa muốn nói gì với chúng ta trên hành trình loan báo Tin Mừng của mình?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết yêu mến sứ mạng của Chúa và xả thân vì sứ mạng ấy, hoặc khát khao được sống chết vì sứ mạng còn dang dở của Chúa, hoặc xin Chúa thôi thúc, nhóm lên trong tâm can chúng ta ngọn lửa nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Trời cho những nơi chưa được đón nhận Lời Chúa.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Lc 5:1-11 (Thứ 5, XXII-TN)

(Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên)

"Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa" (Lc 5:1).

(1) Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét. (2) Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. (3) Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
(4) Giảng xong, Người bảo ông Simôn: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá". (5) Ông Simôn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới". (6) Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. (7) Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

(8) Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" (9) Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. (10) Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simôn: "Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá. (11) Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay mô tả cho chúng ta thấy cảnh tượng dân chúng khát khao được lắng nghe lời Chúa, cũng như giúp chúng ta ôn lại ơn gọi của thánh Phê-rô và các bạn của ngài để phản tỉnh lại ơn gọi của chúng ta.

Thấy dân chúng chen lấn nhau để được nghe lời giáo huấn của Đức Giê-su về Nước Trời, Người đã mượn chiếc thuyền của Phê-rô để thuận tiện rao giảng Lời Thiên Chúa cho đám đông dân chúng. Hầu chắc Phê-rô và các bạn của ngài đều chứng kiến cảnh tượng này và nghe được lời giáo huấn của Đức Giê-su. Vì thế, khi nghe Đức Giê-su khuyên "hãy ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá", các ông đã thi hành lời ấy với lòng tin tưởng và cậy trông. Kết quả là họ đã bắt được nhiều cá đến nỗi có nằm mơ cũng chẳng thấy. Điều này minh chứng rằng việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta nhiều ơn ích và giúp chúng ta có cuộc sống sung mãn hơn.

Bên cạnh mẻ cá vừa bắt được và chứng kiến cảnh tượng lạ lùng ấy như một ơn sủng nhưng không nhận được từ Thiên Chúa và kinh nghiệm nội tâm về phép lạ Người thực hiện cho những ai vâng phục lệnh truyền, Phê-rô và các bạn của ngài đã ý thức thân phận mỏng manh và hèn yếu của họ, bèn thú nhận với Đức Giê-su: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " Kinh nghiệm biết Chúa và biết mình sẽ giúp người ta biến đổi và sống một cuộc sống mới. Hơn nữa, ơn gọi của chúng ta thường được khơi mào bởi Lời Chúa. Ý Chúa cũng được diễn tả qua Lời Người. Giữa những bộn bề và ồn ào của cuộc sống, người Ki-tô hữu cần tìm cho mình những khoảng lặng để nghỉ ngơi, lắng nghe Lời Chúa và thân thưa với Chúa, để sẵn sàng đáp trả tiếng Người gọi mời.

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, bạn có thấy tâm hồn mình đang khát khao được nghe Lời Chúa không? Bạn có dám mạo hiểm làm theo lời mời gọi của Chúa không? Căn cứ vào đâu để bạn xác quyết rằng Chúa đang mời gọi bạn bước theo Người?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Lc 5:33-39 (Thứ 6, XXII-TN)

(Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên)

"Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?" (Lc 5:34).

(33) Họ nói với Người: "Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!" (34) Ðức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? (35) Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay".
(36) Ðức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: "Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với cũ.

(37) "Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nự bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. (38) Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. (39) Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon hơn".


Bạn thân mến,

Khi cầu nguyện với đoạn Lời Chúa hôm nay, tôi được đánh động mạnh bởi câu nói "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?" (Lc 5:34) của Chúa Giê-su. Tôi chú ý hạn từ "ăn chay" và "chàng rể còn ở với họ". Tôi hiểu những từ ngữ này thế nào?

"Ăn chay" thường được hiểu theo nghĩa thể lý, tức là việc kiêng bớt ăn uống, dùng số tiền dư để làm việc bác ái. Tôi hiểu "ăn chay" vừa là việc kiêng bớt ăn uống, vừa là việc hãm mình đền tội, vừa là hành vi ăn năn sám hối về việc mình đánh mất mối tương quan với Chúa, xúc phạm đến Chúa, phạm phải những sai lầm làm mất lòng Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

"Chàng rể còn ở với họ" chính là trạng thái có Chúa trong tâm hồn mình, để Chúa hiện diện trong con tim mình. Nói cách khác, cụm từ "chàng rể còn ở với họ" diễn tả mối tương quan thân thiết, mặn mà giữa con người với Thiên Chúa, mối tương quan tình yêu tinh ròng và chân thành.

Như thế, khi "chàng rể không còn ở với họ" là lúc họ đã gạt "chàng rể" khỏi con tim họ, trong tâm hồn họ không còn có sự hiện diện của "chàng rể". Chúa đã vắng mặt trong đời sống họ. Do đó, chính lúc này đây, họ cần "ăn chay", lúc mà "chàng rể không còn ở với họ".

Bạn có bao giờ cảm nghiệm giây phút trống vắng, đơn côi, tội lỗi, đầy nước mắt u sầu và buồn thảm trong cuộc sống vần xoay? Những giây phút ấy có ý nghĩa gì với bạn và với mối tương quan giữa bạn và Chúa? Bạn sẽ làm gì khi nhận ra Chúa không hiện diện trong tâm hồn bạn, khi con tim bạn không có chỗ chứa Đức Giê-su?

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn "được có 'chàng rể' ở với mình mãi mãi", để việc ăn chay không còn là mối bận tâm của chúng ta nữa, ngược lại chúng ta luôn được sống với - sống vì - sống trong "chàng rể" và cùng với chàng lao tác trong vườn nho thơ mộng của Thiên Chúa, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Lc 6:1-5 (Thứ 7, XXII-TN)

(Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên)

"Con Người làm chủ ngày sa-bát" (Lc 6:5).

(1) Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. (2) Nhưng có mấy người Pharisêu nói: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?"

(3) Ðức Giêsu trả lời: "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì khi vua và thuộc hạ đói bụng? (4) Vua vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi". (5) Rồi Người nói: "Con Người làm chủ ngày sabát ".


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát và bị những người Pha-ri-sêu phản đối, nhưng lại được Đức Giê-su bênh vực. Tại sao vậy?

Đức Giê-su khẳng khái tuyên bố trước những người Pha-ri-sêu: "Con Người làm chủ ngày sa-bát" (Lc 6:5). Trong Kinh Thánh Tân Ước, khi hạn từ "Con Người" được viết hoa, hạn từ ấy chỉ về Đức Giê-su, về Đấng Thiên Sai mang bản tính Thiên Chúa. Thiên Chúa làm chủ ngày Sa-bát. Luật Ngày Sa-bát không áp dụng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo trời đất và muôn vật trong sáu ngày, ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi, nhưng không có nghĩa là Người không quan tâm, chăm sóc con người. Thiên Chúa vẫn làm việc, vẫn quan phòng vũ trụ vạn vật, để chúng luôn vận hành trong trật tự, vẫn ban cho con người có "lương thực" nuôi dưỡng thể xác và tâm linh. Con người tôn kính, ngợi khen và phụng sự Thiên Chúa vào Ngày Sa-bát, nhưng con người cũng cần được ăn uống để có sức khỏe để làm những việc ấy.

Các môn đệ bứt lúa ăn. Chứng tỏ các môn đệ đang đói. Lúa là hoa màu Thiên Chúa ban tặng cho con người để hưởng dùng, nhờ đó biết ngợi khen, cảm tạ Người cho phải lẽ. Thiên Chúa cũng không muốn ai phải đói khổ. Con người không chỉ có nhu cầu tâm linh, nhưng còn cần đáp ứng đủ nhu cầu thể xác.

Vì thế, việc bứt lúa ăn có gì sai trái, có gì vi phạm luật Ngày Sa-bát? Tại sao người Pha-ri-sêu lại hà khắc với người khác cách khắc nghiệt đến như vậy? Phải chăng, đối với họ, luật là tất cả, luật ở bên trên con người, con người vì luật dù phải đánh đổi bằng chính sự sống của mình, con người chỉ cần đời sống tâm linh mà không cần nhu cầu sức mạnh thể xác?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 14:25-33 (CN XXIII-TN Năm C)

(Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên C)

"Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14:33).

(25) Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26) "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được". (28) Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30) "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc". (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? (32) Nếu không đử sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại lời mời gọi bước theo Chúa Giê-su với tinh thần từ bỏ, từ bỏ những rào cản khiến bản thân không thể theo Chúa cách tự do, hồn nhiên và bình an. Bạn có nhận thấy đây là một lời mời gọi chứa đầy thách đố không? Đâu là những rào cản trong hành trình bước theo Chúa mà bạn đang phải đối diện?

Những rào cản mà Chúa Giê-su nhắc tới trong đoạn Lời Chúa hôm nay chính là cha mẹ và những người thân thuộc, mạng sống của chính mình, việc e ngại vác thập giá của bản thân, và những gì chúng ta đang sở hữu.

Chúa mời gọi chúng ta hãy từ bỏ "cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, v.v.". Lời mời gọi này có vẻ phi lý, thiếu thuyết phục, bởi lẽ "cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống..." là những mối tương quan căn bản nhất của một con người, một hữu thể được ném vào thế gian để tồn tại và phát triển. Dứt bỏ "cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống..." chẳng khác gì bảo người ta "tự tử", biến khỏi thế gian này ngay tức khắc. Tuy nhiên, Chúa Giê-su muốn nói về một chiều kích khác. Thực thế, "cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống..." là những gì con người cần, buộc phải giữ gìn và thăng hoa, nhưng nếu con người đặt "cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống..." lên trên Chúa thì đó là rào cản khiến con người không thể được chạm vào Chúa và Chúa không thể đụng được tới con người. Đó cũng là một sự lệch lạc trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Như vậy, con người cần có "cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống..." nhưng con người không thể phủ nhận Thiên Chúa và đặt Người lên trên tất cả, bởi vì Thiên Chúa siêu vượt và làm chủ trên "cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống..." của mỗi người.

Một gia đình luôn có Chúa ở giữa, gia đình đó sẽ hạnh phúc, sẽ có đủ sức mạnh vượt thắng những khủng hoảng và thách đố trong đời sống hôn nhân gia đình, và đủ niềm tin và sức mạnh để hàn gắn những đổ vỡ trong đời sống ấy.

Một con người ý thức vai trò của Thiên Chúa trong cuộc đời họ, sự cao cả của Thiên Chúa và để Người dẫn dắt, họ sẽ không cảm thấy cô đơn và mất phương hướng trên đường đời, đủ can đảm sống "đơn thân độc mã" ở mọi chốn gần xa.

Một tu sĩ và giáo sĩ quên mất Chúa Giê-su chính là đối tượng họ đang bước theo và phục vụ, họ sẽ bị quyến luyến lệch lạc, quên đi lý tưởng, không dám đương đầu với khó khăn và gian khổ trên đường sứ mạng.

Hy vọng với những gợi ý nhỏ bé này, mỗi người chúng ta sẽ có thêm nhiều gợi hứng trong giờ cầu nguyện sắp tới và nhận ra những rào cản nơi bản thân trên con đường theo Chúa Giê-su vác thập giá, đó có thể là sự bám víu vào thế gian, sự quyến luyến những hư danh trần thế, sự lệch lạc trong mối tương quan, v.v..

Để minh họa về hình ảnh của những cản trở làm cho chúng ta lãng quên Thiên Chúa hoặc không thể chọn Chúa trên mọi điều khác, người viết xin gửi tới mọi người một câu chuyện sau: Số là, người Ấn Độ nghĩ ra một cách bẫy khỉ khá thú vị. Họ làm những cái lồng có cái cửa nhỏ vừa bằng bàn tay của khỉ, rồi đặt vào đó một vài quả trứng. Khỉ tới lồng nhặt trứng. Lúc này khỉ không thể rút tay ra khỏi lồng vì tay đã to hơn cửa lồng. Khỉ không chịu buông và cứ nắm chặt quả trứng. Thế là khỉ trúng bẫy. Người ta chỉ việc tới bắt khỉ đem nhốt mà thôi.

Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

VIII.Tin Mừng Mt 1:18-23 (Thứ 2, Sinh Nhật Đức Mẹ Maria, 8/9)

(Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên)

"Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai" (Mt 1:23).

(18) Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (19)Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (20) Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, là con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. (21) Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." (22) Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: (23) Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".


Bạn thân mến,

Hôm nay Phụng Vụ của Giáo hội cho phép chúng ta cử hành Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Maria. Có rất nhiều truyền thống giải thích về nguồn gốc của ngày lễ này, nhưng tựu trung lại đều xuất phát từ lòng yêu mến Đức Mẹ và nhìn nhận công trạng của Mẹ Maria trong sự hiệp thông cứu chuộc. Tuy nhiên, tại sao Giáo hội chọn ngày 8 tháng 9 hằng năm để mừng Sinh Nhật Mẹ Maria? Theo truyền thống Giáo hội, có rất nhiều giải thích cho câu hỏi này. Một trong những giải thích đó là sự liên hệ với ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12).

Chúng ta hãy nhớ lại Lễ Truyền Tin vào ngày 25/3 thì ngày Mừng Sinh Nhật Chúa Giêsu là ngày 25/12 (quá trình hình thành một thai nhi cho tới lúc chào đời là 9 tháng). Như thế, lễ mừng Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8/12 thì ngày Mẹ ra đời là ngày 8/9. Nghĩa là, Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngay từ khi mới được hoài thai. Tương truyền rằng cha mẹ của Đức Maria là thánh Gioakim và Anna mang thai Đức Mẹ khi đã lớn tuổi. Do vậy, việc Mẹ Maria được chào đời đánh dấu một sự can thiệp của Thiên Chúa trên con người và thực hiện một bước trong kế hoạch cứu nhân độ thế của Người. Cũng chính vì thế, hôm nay chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng tường thuật về cuộc truyền tin của sứ thần Thiên Chúa dành cho Thánh Giuse, trong đó có câu: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai" (Mt 1:23).

Một thiếu nữ thụ thai mà vẫn còn trinh tiết là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mọi sự diễn ra trong đời Mẹ Maria đều có sự can thiệp của Thiên Chúa, và những sự việc đó diễn ra theo đúng ý Thiên Chúa là do sự cộng tác tích cực từ giây phút đầu tiên của Mẹ, giây phút Mẹ đáp lời "Xin Vâng". Nhờ con người tuyệt vời của Mẹ mà nhân loại được đón nhận hồng ân cứu chuộc từ chính Ngôi Hai Thiên Chúa. Có thể nói Ngôi Hai Thiên Chúa là Mặt Trời soi sáng thế gian, thì Mẹ Maria chính là vì sao sáng, là ánh trăng thanh dẫn lối chỉ đường dẫn đưa con người bước tới gặp nguồn ánh sáng huy hoàng, tràn ngập vinh quang.

Những gì Thiên Chúa an bài, xếp đặt trên cuộc đời Mẹ Maria có giúp chúng ta phản tỉnh lại sự sống, hiện hữu và hoạt động của mỗi người chúng ta không? Chúng ta có thấy hạnh phúc khi được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta người mẹ là Đức Maria không? Chúng ta phải làm gì để trở nên những vì sao sáng trên bầu trời tô điểm cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa thêm xinh đẹp và góp phần dẫn đưa người khác tìm gặp Mặt Trời chính ngọ là Chúa Giêsu?


Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD, SJ

Read 12434 times

Latest from Ban Biên Tập

Related items