Lời Chúa: 2 Tm 1, 1-8
1Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Ki-tô Giê-su,2 gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày.4 Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui.5 Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.
6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
Suy niệm:
Khi xa nhau, nhớ nhau, người ta thường viết thư cho nhau.
Ngày xưa phải mất nhiều thời gian một lá thư mới đến tay người nhận.
Nhưng nhận được lá thư từ xa thì thật là hạnh phúc.
Có lẽ thánh Phaolô đã viết thư này cho anh Timôthê
khi ngài đang ngồi tù tại Rôma, vào những năm cuối đời.
Ngài viết trong thư như sau: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế,
đã đến giờ tôi phải ra đi” (2 Tm 4, 6).
Ngài còn viết: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ,
tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2 Tm 2, 9).
Nếu đúng thế, thì lá thư này là một thứ di chúc để lại cho Timôthê,
người môn đệ, bạn đồng hành mà ngài gọi là người con yêu dấu (c. 2).
Đọc những câu đầu của lá thư,
chúng ta thấy tình cảm gắn bó của Phaolô đối với Timôthê,
người mà ngày đêm ngài luôn nhớ đến trong lời cầu nguyện (c. 3).
Phaolô cũng nhớ những giọt nước mắt lúc chia tay của Timôthê (c. 4),
lúc anh vâng lời ở lại Êphêsô, còn Phaolô tiếp tục hành trình (1 Tm 1, 3).
Phaolô vẫn không quên truyền thống đức tin nơi gia đình của anh.
Đức tin được thông chuyển đến Timôthê qua mẹ và bà ngoại.
Tên của hai phụ nữ này Phaolô còn giữ trong ký ức (c. 5).
Xem ra chưa phai mờ bao kỷ niệm thời Timôthê đi chung với Phaolô
trong những cuộc hành trình truyền giáo (Cv 16, 1-4; 19, 22).
Chia sẻ bao buồn vui, nhọc nhằn và nguy hiểm, trên đất liền và biển cả,
Phaolô và Timôthê trở thành những người bạn thân thiết cho sứ mạng.
Khi viết thư cho Timôthê trong vai trò một người giám quản,
phụ trách cộng đoàn Kitô hữu ở Êphêsô,
Phaolô muốn nâng đỡ Timôthê trong lúc anh đang gặp khó khăn.
Có vẻ anh muốn chùn bước trước những người dạy giáo lý sai lạc.
Phaolô đụng ngay vào tính nhút nhát của anh khi nhắc nhở:
“Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một tinh thần nhút nhát,
nhưng một tinh thần mạnh mẽ, yêu thương và tự chủ” (c. 7).
Timôthê cần vượt lên trên sự xấu hổ để làm chứng cho Chúa,
dám chia sẻ sự gian khó để loan báo Tin Mừng (c. 8).
Có một ngọn lửa nào cần khơi dậy nơi Timôthê.
Đối với Phaolô ngọn lửa ấy chính là đặc sủng của Thiên Chúa,
đặc sủng mà Timôthê nhận được khi Phaolô đặt tay trên anh (c. 6),
khi hàng kỳ mục ở Êphêsô đặt tay trên anh (1 Tm 4,14).
Timôthê đã được thụ phong rồi, ngọn lửa đã bừng sáng.
Không thể để khó khăn, nguy hiểm nào làm nó tắt được.
Mừng lễ hai thánh Timôthê và Titô, hai phụ tá của thánh Phaolô,
chúng ta cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội trên thế giới.
Khi “dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” (c. 8),
chúng ta sẽ ra khỏi sự nhút nhát và xấu hổ, sợ hãi và lo âu của mình,
để làm chứng cho Chúa trong một thế giới đầy rối ren và phức tạp.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình yêu và gieo rắc Tình yêu khắp nơi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J