Print this page
Thứ sáu, 12 Tháng 2 2016 20:58

Bình Giã trên chặng đường di cư

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
   Bình Giã trên chặng đường di cư

 

  1. I.QUÊ HƯƠNG ĐẦU TIÊN TẠI MIỀN NAM

Nhắc tới Bình Giả, người dân di cư giáo phận Vinh hầu như đều biết đây là một trong những trại định cư lớn được hình thành vào năm 1955, quy tụ những người di cư gốc Nghệ An và Hà Tĩnh. Kể từHiệp định Genève 1954, người dân hai miền Nam, Bắc được tự do đi lại chọn nơi sinh sống. Từ đó phong trào di cư được lan rộng, nhất là tại các giáo xứ công giáo, vì đây là tổ chức nắm rõ các thông tin của Liên Hiệp Quốc và nội dung tinh thần Hiệp định Genève. Theo đánh giá tổng quancủa chính quyền miền Nam lúc bấy giờ, đã có trên 1 triệu người di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều  bà con giáo dân thuộc giáo phận Vinh.

Khi những đoàn người di cư giáo phận Vinh  vào tới các trại tạm cư tại miền Nam thì những vùng đất chung quanh Sàigòn, Gia Định và vùng phụ cận như Hố Nai thuộc tỉnh Biên Hòa đã được những dòng người tại các địa phương miền Bắc đến định cư trước, một số được đưa đi định cư nhiều nơi tận xuống miền đồng bằng sông Cửu Long – Cái Sắn tỉnh Long Xuyên, riêng tại Phước Tuy có hai vùng được xem là lý tưởng để đồng bào miền Bắc đến định cư là Phước Tỉnh và Bình Giả. Phước Tỉnh là vùng rất thuận lợi cho nghề đánh cá và làm muối còn Bình Giả rất thuận lợi cho phát triển nghề nông vì là đất đỏ rất phì nhiêu. Vô hình chung những người di cư GP.Vinh trở thành chậm chân nên phải đi tới những vùng xa hơn.  Tháng 6/1955, Phủ Tổng Uỷ Di Cư (PTUDC) đã tổ chức nhiều đoàn đi tìm đất cho đồng bào di cư đến trễ. Đoàn đại diện những người dân tạm cư tại Xuân Trường đến Bình Giả để xem xét đất đai gồm có:

-         Đại diện Phủ Tổng Uỷ Di Cư: Ông Đoàn Văn Sáo (GĐ Nha Định Cư) và ông Nguyễn Văn Thái (kỹ sư điền địa).

-         Đại diện ban di cư địa phận Vinh gồm có 4 linh mục: Nguyễn Viết Khai, Đoàn Duy Đông, Nguyễn Văn Kiều và Phùng Viết Mỹ.

-         Đại diện dân chúng gồm có 7 ông: Phan Thanh Hương, Đinh Thế Lưu, Bùi Quang Báu, Nguyễn Duy Hiền, Trần Quốc Hiếu, Nguyễn Trọng Thanh và Hoàng Công Phu.

-         Đại diện các nước viện trợ gồm có 3 người Mỹ và 2 người Pháp.

-         Đại diện chính quyền tỉnh Bà Rịa hướng dẫn phái đoàn.

Làng Bình Giả thuộc Chi khu Đức Thạnh cách tỉnh lỵ Phước Tuy khoảng 18 cây số, cách Saigon khoảng 67 cây số về phía Đông theo đường chim bay. Trục giao thông chính của Bình Giả là liên tỉnh lộ 2 (LTL2) nối liền giữa hai tỉnh Bà-Rịa và Long Khánh. PTUDC đã có dự án sẽ lập 3 làng cho đồng bào di cư gồm làng 1, làng 2 và làng 3, các làng sẽ được phân chia theo ô bàn cờ, nằm trải dài theo trục lộ chính, là con đường xuyên suốt chạy qua ba làng này. Đây là con đường được dùng để chuyên chở mủ cao su và cà phê từ La Sơn, Xuân Sơn về Bình Ba của Đồn điền Bésia và Gallia. Tại khu vực trung tâm của mỗi làng được quy hoạch khu đất rộng khoảng 4 ha để làm nhà thờ, trường học, trạm y tế, chợ, sân chơi...; và được phân phối 1 máy phát điện khoảng 40Kw, 1 xe ô tô chở hành khách loại Renault, 1 xe cam nhông. Phía sau mỗi làng dành một lô đất khoảng 4 ha phía sau khu nhà ở để làm nghĩa trang.Làng mạc được quy hoạch từng dãy hàng dọc theo hướng Đông-Tây, nhà dân được cất ngoảnh về hai hướng Bắc – Nam, mỗi gia đình được cấp trên nền thổ cư 25 x 80 để làm vườn nhà.

Bình Giả là một trong số 315 trại định cư toàn quốc, số dân ban đầu  khoảng 2000 người. Đến năm 1964 dân số của Làng Bình Giả lên 6.445người (Vinh Hà: 2.100, Vinh Châu 2.300, Vinh Trung: 2.045). Ban đại diện đầu tiên được dân cử lên gồm 16 người: Ông Đinh Thế Lưu (chủ tịch), ông Đinh Huỳnh Lục, ông Nguyễn Văn Cừ, ông Cao Xuân Trường, ông Ngô Xuân Trạch, ông Nguyễn Duy Hiền, ông Trần Hữu Liệu, ông Ngô Xuân Trình, ông Nguyễn Đình Thi, ông Bùi Quang Báu, ông Nguyễn Đình Thông, ông Nguyễn Nhiệm, ông Trần Quốc Hiếu, ông Nguyễn Tiến Hoàng, ông Hoàng Công Phu, ông Trần Văn Hạnh.

Theo kế hoạch, PTUDC sẽ cho san lấp mặt bằng trước khi  bàn giao cho dân. Tuy nhiên vì thời gian chờ đợi khá lâu trong khi bà con trại tạm cư  Xuân Trường và Bình Đông muốn được đi định cư sớm bởi lẽ cảnh sống tập thể phức tạp,  thời tiết nóng nực sinh ra tù túng và bệnh tật. Với các lý do trên, Văn phòng Di cư Địa phận Vinh đã đề đạt lên PTUDC nguyện vọng chung của dân là được trực tiếp khai hoang, góp phần nhanh chóng cho việc ổn định đời sống dân cư. Ngày 28.10.1955, xe Tổng Ủy Di Cư được phái đến chở một số đồng bào Nghệ Tĩnh đang tạm trú tại các lán trại tiếp cư, như Bình Ðông (Chợ Lớn), Xuân Trường (Thủ Ðức, Gia Ðịnh) về vùng Bình Giả. Việc phân chia các làng mạc cũng được tính toán dựa trên sở trường và tâm lý tính của từng vùng miền, các giáo xứ được thành lập, tên gọiđược ghép bởi chữ Vinh, có ý nhớ về nguồn gốc Giáo phận Vinh cộng với chữ viết tắt nơi nguyên quán:

-          Làng 1,giáo dân gốc Hà Tĩnh, tạm cư tại các trại Bình Đông 1, Bình Đông 2 và Bình Đông 3, thành lập Giáo xứ Vinh Hà dưới sự lãnh đạo cho cha Nguyễn Văn Kiều;

-          Làng 2, giáo dân gốc Diễn Châu, Nghệ An, thành lập Giáo xứ Vinh Châu dưới sự lãnh đạo của cha Đoàn Duy Bông;

-          Làng 3, giáo dân gốc Nghệ An, thuộc khu vực gần Xã Đoài và vùng phụ cận, thành lập Giáo xứ Vinh Trung dưới sự lãnh đạo của cha Trần Thanh Cần.

Bình Giả nói riêng và các trại định cư nói chung luôn được sự quan tâm của chính phủ (PTUDC) và của Quốc tế (UBHTDC), các chương trình hỗ trợ đã giúp đỡ cho người dân nhanh chóng hội nhập và phát triển. Đời sống kinh tế ngày càng ổn định và có điều kiện để cho các thế hệ sau phát triển về mặt trí thức…Tại đây nhiều thế hệ con cháu đã sinh ra và phát triển thành một cộng đồng dân sinh được nhiều người biết tới tại miền Nam.

 

  1. II.GIÁO HỌ THỔ HOÀNG TRONG LÒNG GIÁO XỨ VINH HÀ

Ngày 19/03/1955, những người dân thuộc giáo xứ Thổ Hoàng, giáo phận Vinh miền Bắc đã chính thức lên đường di cư vào Nam, sau đó tạm cư tại trại Bình Đông – Chợ lớn.  Ngày28.10.1955, TUDC đã di chuyển họ tới điểm định cư mới là làng Bình Giả. Những người di cư Thổ Hoàng được sắp xếp ổn định tại làng 1, lấy tên giáo xứ là Vinh Hà (Vinh: GP. Vinh, Hà: Hà tĩnh). Việc tổ chức và sắp xếp định cư cho làng I lúc đầu cũng có nhiều phức tạp vì số gia đình các giáo dân, các xứ thuộc Hà-Tĩnh chỉ có 2 giáo xứ có trên 100 gia đình là Thổ-Hoàng và Gia-Hòa có thể thành lập giáo họ riêng, còn lại các giáo xứ khác hầu như trong khoảng 5 đến 15 gia đình, vì thếđể đủ số nhân danh tổ chức thành một giáo họ, các cha phải gom các gia đình của các xứ thuộc Hạt nơi mình cư trú ở ngoài bắc thành một họ. Giáo xứ Vinh Hà được tổ chức như sau:

  1. 1.Họ Thổ Hoàng: Gồm những người giáo dân xứ Thổ Hoàng;
  2. 2.Họ Gia Hòa: Gồm những người giáo dân xứ Gia Hòa;
  3. 3.Họ Vinh Lộc (Vinh: GP.Vinh + Lộc: Vạn Lộc): Gồm các xứ Thượng Nậm, Yên Lạc, Xuân Liệu thuộc hạt Vạn Lộc – GP.Vinh. Sau này do cách phát âm mà trở thành Vĩnh Lộc;
  4. 4.Họ An-Hà (An: Nghệ An + Hà: Hà-Tĩnh): gồm cả lương, giáo sống chung bao gồm các xứ: Kẻ Vang, Thượng Bình, Kẻ Gai, Vạn-Căn.
  5. 5.Họ Văn Yên (Văn: Văn-Hạnh + Yên: Nghĩa-Yên): bao gồm các xứ: Kẻ Mui, Kẻ E, Kẻ Đọng, Đông Tràng, Tiếp Võ, Trại Lê, An Nhiên là nhữnggiáo xứ thuộc hạt Văn Hạnh và Nghĩa Yên – GP.Vinh. Sau này do cách phát âm mà trở thành Vạn-Yên.

Các gia đình người Thổ Hoàng ban đầu là 107 hộ, sau 3 năm cư trú tại đây tổng số hộ đã lên tới 124.

VinhHa-BinhGia 

  1. III.CHUYỂN CƯ 1958 CỦA NHỮNG NGƯỜI THỔ HOÀNG

Phần này xin được đề cập tới những người Thổ Hoàng trên chặng đường di cư. Có thể nói Bình Giả là quê hương đầu tiên của những người Thổ Hoàng tại miền Nam,là trại định cư nhưng cũng là nơi trung chuyển trên chặng đường  di cư để cuộc hành trình còn tiếp diễn trong suốt chiều dài lịch sử quê hương.

Khi nhìn lại giai đoạn lịch sử này, chúng ta không khỏi có những băn khoăn. Những người nông dân rời bỏ quê hương miền Bắc, bị cuốn trôi theo trào lưu di cư, dòng chảy đã đưa họ tới một vùng đất hoàn toàn xa lạ, liệu họ có đủ khôn ngoan để đưa ra sự lựa chọn tích cực cho tương lai của mình không?...

TUDC từ ban đầu cũng đã nghiên cứu về tâm lý tính của từng vùng miền để đưa dân di cư tới những vùng đất phù hợp với sở trường của mỗi địa phương.Tuy nhiên ta phải chấp nhận một sự thật lịch sử không thể chối cãi và nhìn nhận những yếu kém mà những người nông dân thuần thúy hầu như chỉ biết bám lấy ruộng đồng để làm ăn sinh sống, có ai dám can đảm lựa chọn chốn thị thành vốn xa lạ với khung cảnh làng quê. Thực tế giai đoạn này miền Nam vẫn phát triển dựa vào nông nghiệp là chính, bên cạnh đó thành phần tương đối có học thì đã theo một số người thân về thành thị để làm công chức nhưng vẫn để vợ con ở lại, sau này ổn định rồi mới đưa theo. Những diễn biến của các trại định cư hầu như đều giống nhau. Tổng ủy Di cư và Ủy ban Hỗ trợ Di cư Quốc tế đã dành những ưu ái để giúp người dân mau ổn định, tuy nhiên người dân di cư lúc bấy giờ hầu như đã không biết vận dụng cơ hội để phát triển; Trong khi những nước khác như Đài Loan, Nam Triều Tiên là những nước có hoàn cảnh như Việt Nam đã phát triển được là nhờ vào nguồn viện trợ. Xã hội miền Nam trong giai đoạn đó hầu như chưa phát triển về các ngành nghề, đến nỗi chính phủ đương thời phải cấm người Hoa hành nghề một lúc 9 nghề. Đạo luật này mục đích hạn chế những người Hoa Chợ Lớn ngày càng thao túng thị trường miền Nam.

Năm 1956 là năm có nhiều biến động tại các trại định cư, cùng lúc với chủ trương của chính quyền miền Nam đưa dân di cư lên Cao nguyên. Trong giai đoạn này đã xảy ra một số biến động làm cho những người di cư trở nên bất an… Các địa phương có người di cư tại tỉnh Bình Thận như Phan Thiết, Lagi – Hàm Tân cũng vừa chuyển cư lên cao nguyên. Các cuộc chuyển cư này xét về một phương diện nào đó nhờ vào sự lãnh đạo của các linh mục trong các cộng đồng giáo xứ đã cử các phái đoàn đi tìm đất để đưa dân cư cộng đồng sớm an cư. Tuy nhiên về một phương diện khác đây là một trong những chủ trương của chính quyền miền Nam lúc bấy giờ mục đích dãn dân thành lập các trại dịnh cư dọc theo tuyến quốc lộ 14 và đặc biệt là những vùng trọng điểm 3 biên giới. Cao nguyên là vùng đất đỏ bazan với những cánh rừng nguyên sinh màu mỡ, đất rộng, người thưa rất phù hợp để phát triển về nông nghiệp… Trong xu thế đó, những người Thổ Hoàng tại Bình Giả không tránh khỏi dao động.

Năm 1958, sau khi cử những vị đại diện đi khảo sát vùng đất mới tại thôn Sùng Đức, xã Di Lập, huyện Daksong, tỉnh Daklak. Nơi đây chính phủ đương thời đang khẩn hoang xây dựng các dinh điền với các chủ trương hỗ trợ hấp dẫn bởi các nguồn viện trợ. Trên 100 gia đình Thổ Hoàng đã rời bỏ Bình Giả lên đường tới vùng đất mới, chỉ còn lại 9 hộ bám trụ lại cho tới sau này. Biến cố năm 1975 đã thu hút một số gia đình rời bỏ thành thị trở về cố hương. Theo thống kê năm 2015, tại Bình Giả hiện có trên 70 hộ gia đình trên 350 nhân khẩu. Năm 1959 tỉnh Quảng Đức được thành lập,  nơi vùng đất mới này, những người Thổ Hoàng và Gia Hòa cùng sống chung với nhau trong giáo xứ mới Hoàng Hoa. Cuộc sống tại vùng đồi núi cheo leo này có vẻ như không thích hợp với những người nông dân vốn bám lấy đồng ruộng, trong khi chính phủ có rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ người dân di cư. Tại đây ngày nay đã trở thành một vùng dân cư sầm uất và phù trú. Năm 1960 – 1963, người dân nơi đây lại lần lượt rời bỏ Sùng Đức để đi tới một vùng đất khác. Sự di chuyển liên tục đã làm cho họ mất đi sự an cư để rồi sau đó lại rơi vào thảm cảnh của chiến tranh…

 

  1. IV.NHÌN LẠI CUỘC DI CƯ 1954.

Cuộc di cư 1954 nhìn tổng thể là kế hoạch chung dựa trên tinh thần của Hiệp định Genève, được chính quyền miền Nam lúc đó dành nhiều ưu ái. Tại các trại định cư, dân chúng đã ổn định trong việc làm ăn, phát triển đời sống kinh tế và các thế hệ kế tiếp được phát triển về mặt trí thức. Chúng ta không đánh giá vấn đề dưới góc độ chính trị mà nhìn nhận một cách đích thực về đời sống dân sinh thì đây là một cơ hội lớn để phát triển. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được những cơ hội có một không hai đó. Nhìn lại các làng mạc, các trại định cư hầu như chỉ nổi bật lên một số ít cá nhân có tầm nhìn và biết vận dụng cơ hội. Càng về sau, chiến tranh leo thang tại miền Nam, những cơ hội này cũng mất dần và trở thành hiếm hoi…

Cuộc di cư năm 1954, xét về phương diện tích cực đã giúp cho những người dân di cư được đổi đời. Không ai biết trước được tương lai để mà lựa chọn, mặc dầu có phải trải qua những thảm cảnh tang thương, điều còn lại đó là niềm tin bất biến để không bao giờ ta phải ngã quỵ mà phải vươn lên xây dựng cuộc sống, một cách bày tỏ lòng biết ơn đến các bậc tiền nhân.

Hoàng Công Nga

 

 

(1)   Ngày 23/08/1968, trận đánh đồn Daksak đã xảy ra để lại hậu quả tang thương cho làng Thổ Hoàng, xã Daksak, huyện Dakmil. Ký ức này được diễn tả lại qua bài viết: “1968, Đau thương và nước mắt – HCN).

Tài liệu tham khảo:

1.      Trại Định cư Bình Giả,

(Trích đoạn bài thuyết trình của Ông Phạm Minh Tuấn trong Đại HộiBình Giả tại Atlanta, Georgia).

Nguồn:http://vnin21.blogspot.com/2014/07/trai-inh-cu-binh-gia.html,

  1. 2.(Tản mạn về một số danh xưng tại Bình-Giả – Xuân Nghi. Nguồn: http://binhgia.net/binhgia60nam/)

 

 

 

 

 

 

Read 2184 times Last modified on Thứ hai, 15 Tháng 2 2016 21:53

Latest from Ban Biên Tập

Related items