Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 29 Tháng 12 2012 20:07

Linh mục Nguyễn Hoằng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Trong Lịch sử Giáo phận Vinh, tác giả Cao Vĩnh Phan cho biết linh mục Nguyễn Hoằng vốn thuộc xứ đạo Thổ Hoàng (2), huyện Hương Khê, Hà Tĩnh

 

 

Nhân kỷ niệm 180 năm ngày sinh của Linh mục Nguyễn Hoằng:

LINH MỤC NGUYỄN HOẰNG (1831-1909),
TINH THẦN DẤN THÂN
CỦA MỘT SĨ PHU TRƯỚC THỜI CUỘC

Nguyễn Đức Cung


     Trong lịch sử đất nước Việt Nam, mỗi thời đại đều có những tầng lớp sĩ phu xuất thân từ các tôn giáo hoặc họ chính là các chức sắc, giáo sĩ, tăng lữ đóng góp phần kiến thức của mình vào công việc quốc gia như chính trị, ngoại giao, giáo dục, xã hội v.v… Ảnh hưởng của những đóng góp đó đã để lại dấu ấn cho xã hội đương thời và truyền lại hậu thế. Nếu trong các thế kỷ từ X đến XII các vị tăng lữ của Phật Giáo do sự tinh thông Hán Học của họ đã giúp cho các triều đại Đinh, Lê, Lý củng cố thế chính trị độc lập của quốc gia Đại Việt và nhân đó phát triển tôn giáo của mình sâu rộng vào trong dân chúng, thì trong các thế kỷ XIX-XX một số các giáo sĩ Thiên Chúa giáo nhờ khả năng Tây học của mình cũng đã đóng góp nhiều vào công cuộc xây dựng đất nước, tranh đấu cho quyền lợi của quốc gia dân tộc mà điển hình là trường hợp của linh mục Nguyễn Hoằng (1831-1909) với những hoạt động tích cực trong lãnh vực ngoại giao của triều đình Đại Nam, và vận động cải cách xã hội trong nhiều thập niên thuộc hậu bán thế kỷ XIX, cộng thêm những cống hiến tuyệt vời của ông về lãnh vực tôn giáo và dân sinh đã để lại tiếng thơm trong lịch sử đất nước.

 

1.- Sông núi Tùng La hun đúc tú khí

Linh mục Phaolô Nguyễn Hoằng sinh ngày 15 tháng 12 năm 1831 (1) tại xứ Phương-Trạch, làng Phương Tân, tổng Phương Điền, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương địa linh nhân kiệt của sông La giang, núi Tùng Ảnh. Tư liệu của gia đình không ghi rõ danh tính của cha mẹ. Cha mất ngày 11 tháng chạp năm Tự Đức thứ hai (1849), qua năm Tự Đức thứ ba (1850) thì được cha Nguyễn Danh Thông sau này là một vị tử đạo cho đi học tiểu chủng viện. Trong Lịch sử Giáo phận Vinh, tác giả Cao Vĩnh Phan cho biết linh mục Nguyễn Hoằng vốn thuộc xứ đạo Thổ Hoàng (2), huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, và bản tiểu sử của Giám mục Trần Hữu Đức (1951-1971) viết rằng cụ thân sinh của Giám mục là Trần Hùng vốn gọi linh mục Nguyễn Hoằng bằng cậu ruột và từng theo giúp linh mục khi ông đảm nhiệm chức vụ Tả Tham Tri bộ Lễ tại Huế dưới triều Đồng Khánh (1885-1888) (3). Thổ Hoàng từ thời Minh thuộc và nhà Lê là một huyện miền cận sơn Hà Tĩnh, trước đây có lần nhập vào với huyện Cổ Đỗ sau tách ra. Giáo dân Công Giáo Hà Tĩnh, Nghệ An, để tránh khỏi các cuộc bắt bớ đạo của triều đình chúa Trịnh và nhà Nguyễn, đã chọn núi rừng hẻo lánh làm chỗ định cư bất chấp cảnh rừng sâu nước độc, dã thú hoành hành và đường sá giao thông khó khăn. Các vùng đất miền cao thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An nơi có dãy núi Giăng Màn (còn có tên Khai Trướng sơn) cao ngất và dài dặc đã trở nên những nơi sinh cư lập nghiệp lý tưởng cho những người dân đi tìm đất sống này. Gia đình của cố chủ chăn Giáo phận Vinh này có lẽ cũng như rất nhiều gia đình Công Giáo khác ở mạn hạ lưu sông La đã di cư lên Thổ Hoàng từ nhiều đời trước và định cư ở đấy. Cụ già Thông nói ở trên là Linh mục Giacôbê Nguyễn Danh Thông, quê ở Thuận Nghĩa, Hà Tĩnh vốn là một giáo sĩ hiền lành và là một lương y danh tiếng trong vùng. Ngài làm quản xứ Cửa Lò, bị bắt ngày mùng hai Tết tức ngày 21-01-1860 tại Vạn Lộc trại, bị trảm quyết ngày 24-04-1860 tức ngày 4 tháng 4 năm nhuận với cha Phêrô Nguyễn Cẩn, thọ 68 tuổi. Linh mục Nguyễn Hoằng là nghĩa tử của linh mục tử đạo Nguyễn Danh Thông, và được cha Thông cho đi tu từ nhỏ để nối tiếp công cuộc chăn dắt đoàn chiên Chúa sau này.

   Qua các tư liệu lịch sử, đất Nghệ Tĩnh vốn được coi là quê hương của phong trào “Bình Tây Sát Tả” khởi đi từ bài hịch Văn Thân của các tú tài Trần Tấn và Đặng Như Mai (1874) và cũng là nơi mà hạt giống đức tin của người công giáo từ thế kỷ XVI đã được gieo trồng bén rễ và phát triển khá sâu. Nhận định của giáo sư Yoshiharu Tsuboi trong giai đoạn lịch sử này cho thấy thực trạng căng thẳng của tình hình vùng đất Nghệ Tĩnh hậu bán thế kỷ XIX như sau: “Sau khi quân đội Pháp rút lui vào tháng 2 năm 1874, sự chống đối giáo dân do nhân sĩ tổ chức lan rộng khắp các vùng Đàng Ngoài có giáo dân cư ngụ. Sự chống đối đặc biệt kịch liệt ở tỉnh Nghệ An, nơi này trở nên trung tâm của phong trào mặc dù tỉnh này không bị quân của Garnier chiếm đóng. Tại sao? Trước là vì Nghệ An, một tỉnh nhỏ nghèo, có truyền thống sản sinh nhiều người làm quan nhất: một số lớn nhân sĩ quê ở đấy và tỉnh này là nơi luôn có tổ chức kỳ thi. Sau là vì giáo dân cũng khá bén rễ ở Nghệ An, nơi có trụ sở của đại diện Tông tòa giáo khu Nam Đàng Ngoài thuộc Hội Thừa sai, hồi ấy, giám mục là ông Gauthier, một người hoạt động tích cực.” (4) Chính giám mục Gauthier như chúng ta sẽ thấy là người từng có những hoạt động chung với Linh mục Nguyễn Hoằng trong giai đoạn lịch sử về sau.

Trong Di thảo số 14, viết ngày 22 tháng 4 năm Tự Đức 19 tức 4 tháng 6 năm 1866, Nguyễn Trường Tộ đã có phản ảnh rõ thực trạng căng thẳng: “Hiện nay ở tỉnh Nghệ hai bên lương giáo lòng đang sôi sục. Một bên nói không thể nào chung sống, phải giết cho hết tiệt mới thôi. Một bên nói con thú mà bị khốn quẫn còn cắn càn huống chi là con người. Nếu bên kia không để cho cùng sinh cùng dưỡng, thì bên này cũng không để bó tay chịu trói… Nhà nào ngõ nào cũng xôn xao bàn tán chuyện đó… Vả lại, hai chữ “lương, dữu”” chẳng có quan hệ gì đến sự thế quốc gia cả. Thế mà khắp cả tỉnh người người đều luôn mồm lấy hai chữ đó nhục mạ nhau…” "5). Trong thời kỳ đạo Công Giáo bị bách hại ở Việt Nam trước đây, người Công Giáo nào bị bắt mà không chịu bước qua thập giá (quá khóa) thì bị khắc vào má hai chữ “Tả đạo” hoặc “Học Hoa Lan đạo”, bị tống ngục, giam cầm, đánh đập và đưa ra pháp trường. Người Công Giáo bị gọi là “dữu dân” trên mọi công văn giấy tờ của triều đình từ đầu triều Minh Mạng cho đến gần cuối thời Tự Đức. Dữu là một loại cỏ lác thường hay làm hại cây lúa. Gọi như thế để phân biệt với những ai không phải Công Giáo tức là lương dân. Người Công Giáo không được đi thi và như vậy con đường ra làm quan để giúp vua, giúp nước đã bị chận đứng lại trước mặt. Ngoài ra cũng kể đến chính sách phân tháp của vua Tự Đức ban hành vào năm 1860 vốn rất ác nghiệt. Phân tháp là gì? Phân là chia tách ra, tháp là cấy vào. Chính sách thời Tự Đức chia tách các cộng đồng giáo dân rồi cưỡng bức đưa đi ở rải rác những vùng xa xôi không có đạo để cô lập và quản thúc họ. Trong thực tế người Công Giáo bị chỉ định cư trú ngay trong làng của các người có tôn giáo khác, tài sản của họ như ruộng đất, nhà cửa phải buộc vất lại cho kẻ khác chiếm, vợ chồng con cái không được ở chung với nhau mà phải chia cắt ra ở chung với các gia đình ngoại giáo trong các làng xa lạ. Họ không còn có nhà thờ để làm các mục vụ, không kinh sách, không tượng ảnh, không cha cố, thày giảng.

Trong một công trình nghiên cứu, biên khảo công phu về lịch sử truyền giáo tại Địa phận Huế gồm ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và phần phía Nam của tỉnh Quảng Bình (từ vùng Hạ Cờ ra tới nam sông Gianh) có tên Nhân vật giáo phận Huế, tác giả Lê Ngọc Bích đã cho biết chính sách phân tháp (hay cũng gọi là phân sáp) như sau:

«Phân sáp người Công giáo ở các làng Công giáo là xé nhỏ các gia đình Công giáo, các làng Công giáo để không còn là một đồng thể rồi ghép vào gia đình người không Công giáo (thuật ngữ gọi là người «bên lương») ở các làng «bên lương». Ý đồ sâu xa của nhà vua và các quan, là người Công giáo sẽ không còn liên lạc được với «đạo trưởng», không còn đọc kinh, xem lễ trong môi trường «xa lạ» ở các gia đình, các làng «bên lương» thì từ đó các cộng đồng người Công giáo là các họ đạo, các giáo xứ sẽ tàn lụi, sẽ bị xóa sổ.» 6

Trong Châu bản triều Tự-Đức, một tư liệu mới xuất bản gần đây, người ta đọc thấy một đoạn nói về chính sách của nhà Nguyễn đối với giáo dân tại một tỉnh miền Trung như sau: «Nội các duyệt xét các quy định của tỉnh Quảng Ngãi nhằm xử trí với giáo dân đạo Gia tô: Ruộng đất của giáo dân bị tập trung ở những nơi riêng biệt, giao cho lý dịch quản lý. Các lý dịch này sẽ chiêu mộ dân lương các nơi đến canh tác số ruộng đó. Một nửa số thu hoạch sẽ giao cho người canh tác, còn một nửa dùng nộp thuế và cấp dưỡng cho giáo dân.» 7

Thảm cảnh này mà người Công giáo xứ Nghệ Tĩnh phải gánh chịu cũng chính là số phận chung của người Công giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Trong lịch sử 470 năm Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, Giáo Hội đã có được 117 vị thánh tử đạo qua đại lễ phong thánh ngày 19-6-1988, trong số đó Giáo phận Vinh (gồm một phần bắc Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An) có được sáu vị hiển thánh. Ngoài ra còn có 22 vị hiện có hồ sơ đệ trình tòa thánh Vatican. 8 Giáo phụ Tertullien (155-222) có nói: “Máu tử đạo là hạt giống sinh con nhà giáo hữu.” Đó là một chân lý của đức tin nhưng chẳng những vậy giòng máu bất khuất đó còn là chất liệu nuôi dưỡng và phát huy các tài năng trí tuệ và lòng yêu nước nhiệt thành của các bậc sĩ phu Công giáo điển hình như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều hoặc Nguyễn Hoằng v.v…

Căn cứ theo Bản tự sự 9 do chính linh mục Nguyễn Hoằng viết về cuộc đời của mình thì năm 1850 ngài ở giúp linh mục Nguyễn Danh Thông. Từ thiếu thời, Nguyễn Hoằng đã sống kề cận với nhiều linh mục trong đó có linh mục Nguyễn Danh Thông, một vị tử đạo mà hồ sơ đã được đệ trình lên Tòa Thánh Rôma từ năm 1973, nên chắc chắn đã hấp thụ được tinh thần đạo đức và ý chí bất khuất của ngài. Lúc bấy giờ cha Thông đã gửi chú Hoằng đến ở giúp cha già Xuân thuộc xứ Đông Thành tại họ Phi Lộc và đến năm Tự Đức thứ năm (1852) vào học chủng viện Xã Đoài, được một năm thì ra học chủng viện Thuận Nhai (Thuận Nghĩa) xứ Quỳnh Lưu. Thuận Nghĩa là một xứ đạo lớn thuộc giáo phận Vinh trong đó có nhiều vị linh mục xuất thân từ làng này. Đến năm Tự Đức thứ bảy (1854), thầy Hoằng vốn là một trong những chủng sinh xuất sắc nên đã được chọn gởi đi học ở đại chủng viện Pénang (Mã Lai) cho đến năm 1860. Đại chủng viện này vốn được xây dựng từ khoảng tiền bán thế kỷ XIX, là một cơ sở đào luyện cán bộ truyền giáo cho Giáo hội Công giáo ở vùng Đông Nam Á sau khi chủng viện Juthia ở Thái Lan bị giải tán do việc có chiến tranh giữa Miến Điện với Thái Lan. Ở Việt Nam lúc bấy giờ cũng có chủng viện Hòn Đất ở Hà Tiên rồi Lái Thiêu nhưng cơ sở vật chất còn rất giới hạn. Hầu hết các linh mục và trí thức Công Giáo ở Việt Nam và Đông Dương hầu hết xuất thân từ chủng viện Pénang như Thánh Phan Văn Minh, các cụ Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Trương Vĩnh Ký, và rất nhiều linh mục thuộc giáo phận Huế trong những năm cuối thế kỷ XIX.

Vì là người đồng châu với Nguyễn Trường Tộ, vùng Nghệ Tĩnh, nên linh mục Nguyễn Hoằng cũng đã có những liên hệ công tác trong thời gian trước và sau khi ông chịu chức linh mục và đặc biệt là cả hai đều là những cộng tác viên rất tín cẩn của Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauthier). Khả năng ngoại ngữ của linh mục Nguyễn Hoằng có lẽ ngoài sự rèn luyện, học tập ở chủng viện Pénang, còn có thể là do học tập từ các linh mục thừa sai người Pháp như Giám mục Gauthier. Chính Nguyễn Trường Tộ cũng đã từng khen ngợi Nguyễn Hoằng là một người rất giỏi tiếng Pháp 10. Sự đi du học tại Pénang của linh mục Nguyễn Hoằng có lẽ cũng do sự lựa chọn và sắp xếp của Giám Mục Ngô Gia Hậu trong thời gian ngài nhậm chức ở giáo phận Vinh từ năm 1846.

Theo Lê Thước trong bài “Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử” đăng trong tạp chí Nam Phong số 102 và được tác giả Trương Bá Cần dẫn lại trong sách Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo 11, Nguyễn Trường Tộ được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài khoảng năm 1858 thì cũng có thể là thầy dạy chữ Hán của Nguyễn Hoằng trong giai đoạn này để rồi về sau thầy Hoằng trở thành người cộng tác với Nguyễn Trường Tộ trong nhiều công việc cả đời lẫn đạo mà rất nhiều bản Di thảo có đề cập đến. Những văn bản dịch thuật do linh mục Nguyễn Hoằng thực hiện trong thời gian làm việc với triều đình được ghi lại trong Châu bản triều Nguyễn gồm những bản viết bằng chữ Nôm. Như vậy khả năng hiểu biết về chữ Hán và chữ Nôm của linh mục Nguyễn Hoằng phải kể là xuất sắc, trong đó dĩ nhiên kể cả chữ quốc ngữ vốn là thứ chữ thông dụng trong các dòng tu, chủng viện của người Công Giáo. Thật sự thì vì lý do kỳ thị tôn giáo mà đa phần các nhà Nho đều không thích học chữ quốc ngữ. Chính cụ Phan Bội Châu khi xuất dương qua Tầu từ những năm đầu thế kỷ 20, vì nhu cầu cũng phải nhờ Nguyễn Thượng Huyền là cháu của cụ Nguyễn Thượng Hiền vỡ lòng cho chữ quốc ngữ.

2.- Khởi đầu tham gia việc nước và một chuyến đi Tây

Theo Bản tự sự, Nguyễn Hoằng ở lại Pénang cho đến ngày 30 tháng 5 năm 1861 (tức năm Tự Đức thứ 15) mới trở về Sài Gòn cư trú cùng với Giám mục Gauthier và sau đó ông đi làm thông ngôn tại tỉnh Định Tường.12 Định Tường là một trong ba tỉnh miền đông Nam Kỳ bị quân Pháp chiếm và Triều đình Huế buộc phải nhượng cho thực dân Pháp theo hòa ước ngày 5-6-1862. Tại đây do nhiều sắc dụ cấm đạo của vua Tự Đức kể cả chính sách phân tháp, tình trạng giáo dân trải qua nhiều thảm cảnh, nhiều người bị bắt, nhiều người tử vì đạo, rất nhiều người bị mất hết nhà cửa, ruộng đất và trải qua nhiều thảm cảnh ngược đãi, bị tù đày, chết chóc trong đó phải kể đến trường hợp của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị bắt và chém đầu tháng tư năm 1860 tại Mỹ Tho. Linh mục Lựu đã được Đức Giáo Hoàng Piô X phong Chân-phước ngày 2-5-1909 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II phong Hiển-thánh ngày 19-6- 1988. Người giáo dân khắp nơi trong nước vẫn nhẫn nhục chịu đựng cảnh bắt bớ, giết chóc của vua quan nhà Nguyễn không phải là họ không có khả năng đánh trả, tự vệ. Điều này chính Nguyễn Trường Tộ đã viết trong Di thảo số 15 rằng: “…biết rõ bình dân và giáo dân còn nhiều mâu thuẫn tất sẽ có một bên bị tổn thương, mà khó bề xử trí; biết rõ giáo dân có nhiều ngách ngõ, có nhiều tài trí, đủ sức làm việc chung, cũng đủ sức tự vệ; biết rõ bình dân trước kia ỷ thế chất chứa thù hằn, làm những điều phi pháp hại người, để đến nỗi làm cho lòng người không yên…” 13 Nhận thức đó có lẽ cũng là nhận thức của Nguyễn Hoằng vì ông chính là cộng sự viên đắc lực của Nguyễn Trường Tộ. Chúng ta không có tư liệu để biết rõ lý do việc đi làm thông ngôn này nhưng có lẽ vị thế và khả năng đó đã giúp cho ông có nhiều lợi điểm để hiểu rõ tình hình đất nước, biết được ý đồ của người Pháp, thấy được khả năng quân sự của phe kháng chiến đứng đầu là thành phần quan lại, nho sĩ thuộc giới chủ chiến và nhất là tình cảnh đau khổ nói chung của người dân.

Trong Nhật ký đi Tây, Phạm Phú Thứ cho biết ngày 1 tháng 7 năm 1983, phái bộ của ông đã chọn thêm một người biết tiếng Pháp là Nguyễn Hoằng khi phái bộ rời Huế và ghé vào Sài gòn. 14 Mục đích của phái bộ là sang Pháp vận động xin chuộc lại ba tỉnh miền đông. Phái bộ gồm chánh sứ Phan Thanh Giản, hai bồi sứ Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản, cùng với 60 nhân viên tùy tùng trong đó khoảng 10 người sống tại Sài Gòn mà hầu hết là Công giáo, có Phan Liêm, con cụ Phan Thanh Giản đi theo để lo việc thuốc thang, suất đội Lương Văn Thái, Nguyễn Văn Sang, Phan Quang Hiệu, Hồ Văn Long, Nguyễn Văn Chất, ký lục Tôn Thọ Tường, thông ngôn Trương Vĩnh Ký, thông ngôn Nguyễn Hoằng, thông ngôn Nguyễn Văn Trường. Một vài biến cố xảy ra trong thời gian đi sứ đó là theo Nhật ký đi Tây, sau khi đi trên biển được hai mươi bảy ngày, tàu của phái bộ đi vào hải cảng Aden vịnh Ba Tư, thông ngôn Nguyễn Văn Trường bị bệnh mất phải nhờ Rieunier (Lý-a-nhi, đại úy hải quân, được cử đưa phái bộ Đại Nam sang Pháp) đến lãnh sự Pháp xin đất chôn tạm. Sau khi mọi việc chôn cất xong xuôi, phái bộ Phan Thanh Giản cử tư lễ Nguyễn Văn Chất cùng Nguyễn Hoằng đem các thứ trà, the, lụa đến nhà viên lãnh sự đáp ơn 15. Trong cuộc sứ trình này viên đội Nguyễn Hữu Tước phát bệnh điên khi tới thành Alexandria và một người thầy thuốc chính tên Nguyễn Văn Huy cũng bệnh mất khi sứ bộ đi ngang Ai cập.

Tư liệu của linh mục A. Delvaux trong tạp chí Bulletin Des Amis Du Vieux Hue, năm 1926, ghi lại một số sinh hoạt của phái bộ do linh mục Nguyễn Hoằng cho biết: “Mỗi ngày, cha Hoằng là viên thông ngôn thứ nhất của phái bộ kể lại, mỗi ngày chúng tôi đọc kinh chung, sau các buổi đọc kinh của thủy thủ đoàn, dưới sự chủ trì của cha tuyên úy trên tàu. Cũng phải có đủ thì giờ để chỉ bày cho đám người An-nam tập quen với những đòi hỏi của cuộc sống chung dưới tàu; nhưng đã đi đến đây… Chúng tôi được cung cấp đầy đủ nước mắm, ớt và các thứ gia vị khác, và cảm thấy thích thú; vì lẽ chẳng bao lâu, chúng tôi những người An-nam khác, chúng tôi thấy rằng món ăn của các vị sĩ quan quá thịnh soạn và quá nóng, và cảm thấy thoải mái với những món ăn nấu nướng theo cách của ta. Trước khi tới Aden, ít người trong đám chúng tôi tránh được cơn say sóng kinh khủng.” 16

Ngày 10 tháng 9 năm 1863, phái bộ tới Toulon rồi đáp xe lửa lên Paris. Phải chờ đợi hơn một tháng, ngày 7 tháng 11 tại điện Tuileries, phái bộ Phan Thanh Giản được Pháp hoàng tiếp kiến. Trong một diễn từ với giọng nói mạnh mẽ và đầy cảm xúc, cụ Phan Thanh Giản đã làm cho triều đình Pháp cảm động khiến một vài bà quý phái chùi nhanh giọt lệ.

Theo Delvaux, trong diễn từ đáp lễ lại phái bộ Đại Nam, Hoàng đế Napoléon Đệ Tam của Pháp đã có một câu đại ý: “Nước Pháp ở nhân từ với mọi quốc gia và che chở những nước yếu kém, nhưng những ai cản trở Pháp trên bước đường đó, phải dè chừng sự nghiêm khắc của Pháp” (ont à craindre sa sévérité). Aubaret dịch “ont à craindre” là “phải có sợ” làm cho sứ bộ ta lo hoảng, nhưng liền sau đó, báo chí Pháp đã trấn an các vị. (17)

Cũng theo linh mục A. Delvaux, hai mươi năm sau linh mục Nguyễn Hoằng khi kể lại câu chuyện tháp tùng phái bộ Phan Thanh Giản đi sứ, người còn nói với tất cả lòng nhiệt thành của mình «Người thưa với Đức Giám mục ở Huế rằng chúng con rình chực để phát giác xem coi thử có một khoảnh đất hoang hóa nào không, và vẻ đẹp cùng sự giàu có của nước Pháp như thế nào mà trước khi bắt đầu cuộc hành trình chúng con nghĩ rằng đó là lời khoác lác pha chút lố bịch của các viên sĩ quan người Pháp, thì sau đó dần dần những điều ấy đã có bằng chứng hiển nhiên». 18

Ở một chỗ khác, linh mục Nguyễn Hoằng nói về sự ngạc nhiên của ông và phái đoàn đối với đường sá sạch sẽ tại Pháp cùng sự quan tâm về vệ sinh ở những nơi công cộng của dân chúng Pháp. «Cha Hoằng kể lại rằng, một vài người trong chúng tôi không hề thấy một đứa trẻ, huống hồ là người lớn, đi giải quyết các nhu cầu tự nhiên, và điều đó thấy trong suốt cuộc hành trình của chúng tôi tại Pháp. Nhiều khi chúng tôi tự hỏi người Pháp há không có những nhu cầu cấp thiết như chúng tôi hay sao.» 19

Cuối cuộc hành trình đi sứ, theo sự sắp đặt của linh mục Croc hay còn gọi là cố Hòa, Nguyễn Hoằng đã xin phép phái bộ để được ở lại Pháp. Tài liệu Nhật ký đi Tây viết: “Lúc đó, người đi theo sứ bộ là Nguyễn Hoằng trình bày cặn kẽ với chúng tôi rằng, thầy dạy của y, tên là Hòa, xin cho y ở lại đó học tập. Vì y luôn có mặt đúng lúc tại chỗ ở thuyền nên chúng tôi có cấp cho y các hạng ngân tiền; nhưng y xin nộp lại, không dám nhận; chúng tôi giải thích cho y rõ và bác ý kiến của y. Tên Hòa đến thăm, lại đem việc đó nói ra. Chúng tôi trả lời rằng, tên Hoằng muốn ở lại cũng được; còn việc y được cấp ngân tiền trong lần đi theo giúp việc này là đúng với thể chế, không được từ chối…” 20

Qua sự kiện này, người ta thấy được lối cư xử phân minh của phái đoàn và tinh thần liêm chính của thầy Nguyễn Hoằng, khi bước vào phục vụ việc nước.

Cuộc đi sứ tuy không có gì thành tựu nhưng cũng giúp cho phái đoàn thấy được thêm bộ mặt rộng lớn của thế giới, nhất là giúp cho những người có tấm lòng thiết tha với đất nước như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hoằng v.v… có dịp suy tư về những gì cần phải làm cho đất nước trước những khó khăn do tình thế đem lại.

Theo Bản tự sự, Nguyễn Hoằng “ở bên Tây chín tháng, khi đi ở lại nước Ai-Cập hai tháng, khi về qua nước Ý-Đại-Lợi và đến thành Rôma chầu Đức Thánh Giáo Hoàng Piô IX, ngài ban cho một tượng vàng là hình ngài. Đoạn qua thành Naples ở hai tuần lễ rồi mới về thành Messina ở một tháng, sau qua thành Zante thuộc về nước Hy-Lạp ở hai tuần lễ, đến tháng hai năm thứ 17 là tháng 2 năm 1864 mới trở về đến Sài-Gòn (Gia-Định) ở với Đức Cha Hòa (Croc, khi ấy Ngài chưa làm Giám-Mục) đến năm Tự-Đức thứ 19 là năm 1866 thì về Nghệ-An và chịu chức từ Cắt tóc cho đến Chức sáu trong một tuần lễ.” 21

Việc chịu chức “Cắt tóc cho đến Chức sáu trong một tuần lễ” có lẽ là một trường hợp ngoại lệ, bởi vì thầy Nguyễn Hoằng đã học ở Đại chủng viện Pénang lâu năm nên đã theo đủ các lớp triết học (hai năm), thần học (bốn năm) trước khi chịu chức linh mục. Các chức Cắt tóc, chức một (đọc sách), chức hai (cầm đèn), chức ba (soạn đồ lễ), chức bốn (trừ quỷ), chức năm (phụ phó tế), chức sáu (phó tế) là những chức phẩm của hàng giáo sĩ buộc phải có trước Công Đồng Vatican II (1962). Sau thời Cộng đồng, một số chức phẩm được tiết giảm đi.

3.- Cộng tác rất tâm đắc với Nguyễn Trường Tộ

Vốn là người đồng châu với Nguyễn Trường Tộ, chắc chắn thầy Nguyễn Hoằng đã có những tiếp xúc với ông trong thời gian người đi học ở Pénang, rồi về Sài Gòn ở với Giám Mục Gauthier và sau khi làm thông ngôn ở Định Tường. Vả lại, Nguyễn Trường Tộ cũng vốn là người được Giám Mục Hậu nâng đỡ và dạy cho tiếng Pháp cùng nhiều sở năng kiến thức khác cho nên rõ ràng là có sự phối hợp làm việc giữa bộ ba thầy trò này.

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 lớn hơn Nguyễn Hoằng chút đỉnh nên kể như bạn bè với nhau. Có lẽ do được sự giới thiệu của Nguyễn Trường Tộ mà Nguyễn Hoằng, Nguyễn Lâu đã nhận được lệnh của triều đình sai đi tìm mỏ than từ Quảng Bình ra cho tới địa phận núi Hải Dương.

Tháng 2 năm 1865, Nguyễn Hoằng đi cùng với Nguyễn Trường Tộ tới Huế để giúp triều đình trong việc thương thuyết với người của Tây soái là Chevalier và góp ý với triều đình trong việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy.

Khoảng đầu tháng 2 năm 1866, linh mục Hòa (Croc), Nguyễn Trường Tộ cùng với Nguyễn Hoằng được triều đình mời về Huế để giải quyết vụ tàu London. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Hoàng Văn Xưởng tới Hương Cảng mua tàu Mẫn Thỏa, có quen biết với chủ hãng tàu là Phô Na (Bonan) và đặt mua chiếc tàu Long Đôn (London) của hãng ông: “Mùa thu trước (tức mùa thu năm Tự Đức 18), người nước Hồng Mao, chủ hãng Phô Na cũng cho Ô Xích Tốn theo Vĩ Sĩ Thao đi chiếc tàu Long Đôn tới cửa Thuận An để bán… trị giá hơn 13 vạn đồng. Hỏi thì họ nói là sử dụng được 20 năm nữa, mới cần phải sửa chữa lại. Nhân sai bọn Hoàng Văn Xưởng đi chiếc tàu tới Hương Cảng, do lãnh sự Pháp lập tờ biên làm bằng, rồi đưa về Thuận An trả tiền. Không ngờ bị Phô Na lừa dối, tàu đã cũ nát, chưa đi tới Hương Cảng, nhân bị gió gãy nát tổn hại, bọn Thao và Tôn bèn chở về Gia Định sửa chữa, rồi đưa đến Thuận An bắt phải mua.” 22

Trong dịp này Nguyễn Trường Tộ có trình cách giải quyết nội vụ nhưng không được triều đình sử dụng khiến ông cảm thấy chán nản nên bỏ về lại Nghệ An. Sử liệu cho biết chính người Pháp cũng muốn nhảy vào giải quyết vụ này để lấy thế ăn nói với triều đình Huế nhưng vua Tự Đức đã tìm cách giải quyết sự việc theo cách của ông.

Các bản Di Thảo của Nguyễn Trường Tộ để lại cho biết ông đã cùng với Nguyễn Hoằng đi gặp viên lãnh sự Y Pha Nho (Di thảo số 22 viết ngày 3 tháng 11 năm 1866 khi chờ tàu đi Pháp), nhấn mạnh vai trò thông ngôn cần thiết của Nguyễn Hoằng (Di thảo 23). Nguyễn Trường Tộ cũng đã giới thiệu Nguyễn Hoằng, Nguyễn Huấn, Nguyễn Điều, Nguyễn Lâu trong danh sách những giáo sĩ vốn đã biết ngoại ngữ sang Pháp học một năm rồi về mở trường dạy các môn học thực dụng.

Thất bại trong việc cử phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ, vua Tự Đức muốn nhờ Giám mục Gauthier giúp vận động lấy lại nhưng việc này Nguyễn Trường Tộ đã nói là Giám mục không thể làm được. Trong lúc đó mưu đồ lấn chiếm của Súy phủ Sài Gòn càng ngày càng lộ liễu. Để chống lại ý đồ bành trướng đó, Nguyễn Trường Tộ xin để ông cùng Nguyễn Hoằng cùng làm và không để lộ cho giám mục biết 23. Nguyễn Trường Tộ trong Di thảo số 17 tỏ ra rất ăn ý với Nguyễn Hoằng khi đề ra kế hoạch làm thất bại ý đồ của Tây soái như sau: “Còn về phần tôi cũng nhất trí dùng cái lý lẽ từ ngoài nói phụ vào, như thế cũng có thể ngầm giúp được một đôi điều. Hơn nữa nếu tôi đến Gia Định tìm kiếm các quan Tây ngày trước chống đối Tây soái ngầm hỏi họ xem tình hình nước Tây như vậy có cách nào để cứu vãn tình thế của ta không, việc này xin cho Nguyễn Hoằng cùng đi với tôi mới được. Bởi vì trước đây khi ở Gia Định tôi có quen bốn, năm quan Tây chống lại việc lập công của nguyên soái. Những người này muốn hợp với tôi gây trở ngại bên trong. Nay nếu tôi gặp họ cũng có thể đem các vấn đề quan trọng báo cáo cho họ biết, nhờ họ viết thư gửi cho các đại học sĩ ở Tây triều xin dư luận ủng hộ, cương quyết không can thiệp vào nước ta. Hơn nữa tôi rất am tường việc này, tôi sẽ có lý lẽ xác đáng thương lượng với họ đúng với kế hoạch của mình. Đồng thời cũng nói với họ rằng nếu họ gây trở ngại được đối với các Tây soái, ngày sau Nam triều cũng sẽ có gì đền đáp họ. Mặc dầu họ chẳng trông đợi gì ở chuyện đó, nhưng họ được hài lòng là làm cho nguyên soái hỏng mất ý đồ, thế họ cũng sung sướng lắm rồi. Nếu Triều đình dùng kế này, xin sớm gọi Nguyễn Hoằng về kinh gấp để cùng tôi gấp rút đi trước. Xin chớ nói cho giám mục biết rằng tôi và Nguyễn Hoằng đang thực hiện một công việc riêng như vậy. Giám mục sẽ sợ nếu sự việc bất thành để lộ dấu vết sẽ bị nguyên soái trách…” 24

Tây soái lúc bấy giờ là Đô đốc Lagrandière đang muốn tìm mọi cách để thôn tính nốt ba tỉnh miền tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

4.- Chuyến đi Tây lần thứ hai, bước đầu canh tân đất nước: xây dựng một trường đại học theo kiểu Âu Châu ở kinh đô Huế

Trước khi Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Hoằng đi Pháp, Bộ Lễ lập bằng cấp như sau: «Nay căn cứ theo lời bẩm của giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ và thông ngôn Nguyễn Hoằng nói thì bọn họ phụng phái đi Pháp nhưng đều còn mẹ già xin cấp cho con ngựa và mỗi người một cái cáng, ngày mai về quê thăm một tuần nhật xong sẽ trở lại kinh đô hầu phái bộ. Bộ đã tâu và đã được phê chuẩn. Lại được châu phê: «ban cho mỗi người 10 lạng bạc để phụng dưỡng. Khâm thử.» Vậy khi được cấp bằng này và tiền của Bộ Ty đệ cấp mỗi người 10 lạng bạc thì phải tuân phụng chiếu nhận. Lần này về thăm chỉ một tuần nhật vô kinh không được kéo dài. Nay lập bằng cấp trên đây cho Nguyễn Trường Tộ để chấp chiếu.» 25

Trong Bản tự sự, Nguyễn Hoằng cho biết: “Đến tháng 8 năm Tự Đức thứ 19 là tháng bảy năm 1866, Bộ đòi vào Kinh mà đi bên Tây với Đức Cha Hậu và Quan Thượng Lại Nguyễn-Tăng-Doãn, đến tháng giêng năm Tự-Đức thứ 21 là tháng hai năm 1868 mới về đến Kinh.”

Ngày 10-1-1867, Nguyễn Hoằng đã tháp tùng phái đoàn của Giám mục Gauthier, Nguyễn Trường Tộ, linh mục Nguyễn Điều, Joannes Vị cùng hai vị quan của triều đình là Nguyễn Tăng Doãn và Trần Hiếu Đạo xuống tàu L’Orne đi Pháp. Mục đích của chuyến đi này có lẽ là lo giúp thực hiện nhiều công tác do triều đình nhờ cậy đó là thuê mướn thầy thợ, mua sắm máy móc thiết bị, sách vở v.v…

Trước khi thực hiện chuyến đi này, các vị trong phái đoàn như Giám mục Gauthier, linh mục Nguyễn Điều, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Hoằng… đã được phép sử dụng «trạm dịch» tức là hệ thống di chuyển đặc biệt của triều đình dành cho các vị quan lớn như có lọng, có cáng, có ngựa. Để làm tôn thêm sự quan trọng của lần đi Pháp này, Giám mục Gauthier được vua Tự Đức cho lệnh cấp phát 3 thoi bạc, 60 quan tiền và 20 đấu gạo trắng.

Cuối tháng 3, 1867 phái bộ này đã có mặt tại Paris. Một số hoạt động của Giám mục Gauthier, Nguyễn Trường Tộ, linh mục Nguyễn Điều, Nguyễn Hoằng và các vị quan đi theo như Nguyễn Tăng Doãn, Trần Hiếu Đạo được kể lại trong các tờ Di thảo của Nguyễn Trường Tộ và các tư liệu của Hội Truyền Giáo ở Paris và các thư từ giữa Giám mục Gauthier với các bạn của ông. Ở đây dựa trên Di thảo số 27, xin ghi lại công tác của Nguyễn Hoằng:

«Xin trình bày thêm về khoản làm súng hỏa mai. Ngày trước, khi chúng tôi mới đến Ba Lê, linh mục Điều đã đi dò hỏi các nơi về việc này. Ông biết được có một gia đình chế tạo súng hỏa mai ở ngoại ô xa thành phố và đã điều đình với họ về việc học làm súng. Chờ khi nào hai phái viên đến, linh mục Điều sẽ giới thiệu cho hai bên giao ước với nhau. Hôm nay, hai phái viên với Nguyễn Hoằng đáp tàu hỏa đến xưởng này để quan sát liệu xem có học được không. Chủ xưởng nói nếu chịu mua súng của họ năm sáu chục vạn đồng (Thứ đắt nhất giá mỗi cây một trăm lẻ một quan, hai bách) họ sẽ cho ở tại xưởng ba tháng tận tâm chỉ dạy cho học mà không lấy tiền công dạy, cũng không tính tiền ăn. Nếu không mua mà chỉ học không thì học phí đôi ba trăm quan đối với họ chẳng nhằm nhò gì họ chẳng thèm dạy đâu, mà lấy đôi ba ngàn quan thì hai phái viên không chịu. Xem lời lẽ của chủ xưởng thì học phí hai ba nghìn quan có vẻ họ chịu dạy. Hai phái viên muốn học lắm nhưng vì học phí quá nặng nên chần chừ không quyết định.

Họ còn hướng dẫn cho xem các cách làm súng, các giàn máy. Công trình rất là đồ sộ. Mỗi ngày xưởng có thể sản xuất mười vạn cây súng. Công nhân trên ba trăm (Người Nhật hiện đến mua của xưởng một trăm vạn cây súng, mua các giàn máy và thuê hai công nhân về Nhật Bản lập xưởng). Họ còn cho hai phái viên biết nếu muốn học làm súng phải học hóa học trước cho giỏi, sau chỉ học ba tháng là rành nghề. Do đó hai phái viên không thể quyết định được, phải trở về. Hơn nữa khi ra đi, hai phái viên chưa được Triều đình dặn dò rõ ràng việc này, còn chúng tôi cũng không có tiền để có thể giải quyết được. Nên phải đợi về trình lại rõ ràng. Nếu quyết định làm cũng có cách khác có thể làm được.» 26

Ý định chính của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Hoằng là canh tân đất nước bằng cách thi hành, mở mang cái học thực dụng mong đất nước mau thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu trong khi đó triều đình chỉ muốn lấy lại được ba tỉnh miền Đông, giữ vững ngai vàng dòng họ Nguyễn. Tháng 6-1867, người Pháp thôn tính thêm ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Triều đình qua Sở Thương Bạc, viết thư giục phái đoàn trở về nước, bỏ bớt các chương trình dự liệu thi hành với nhiều lý do trong đó ngại tốn kém và cũng lấy cớ là các vị quan được phái đi như Trần Hiếu Đạo, Nguyễn Tăng Doãn không chịu được khí hậu lạnh của mùa đông bên Pháp nên bị bệnh.

Trong thời gian ở Pháp, phái bộ có làm được một số công việc như: Giám mục Gauthier tiếp xúc với Bộ Truyền Giáo ở Rôma, tới Bộ Ngoại giao, Bộ Hàng Hải và Thuộc địa để xin tài trợ các chương trình của mình, tiếp xúc với các thương gia, kỹ nghệ gia, mua một số sách và dụng cụ cần thiết. Bộ Truyền giáo giúp 20.000 francs để giúp Giám mục mở trường ở Huế v.v…

Ngày 29-2-1868, phái bộ Giám mục Gauthier về đến Huế.

Sau khi phái bộ trở về, nhiều người trong phái bộ được tặng thưởng của triều đình, trong đó «Nguyễn Điều, Nguyễn Hoằng, Joannes Vị được:

– «Nhị thắng kim tiền», mỗi người một tấm, nặng hai đồng cân (có tua).

– «Ngân tiền» mỗi người bốn tấm (Hạng sứ dân. đại, tiểu mỗi thứ một tấm; hạng ngũ phúc, hạng tam thọ mỗi thứ một tấm) mỗi phần cộng lại một lượng, ba đồng cân, năm phân.

– «Nam tố lương sa» màu đen, mỗi người một xấp.

– Tơ lông màu lam (Châu phê: hoặc màu đen huyền cũng được) mỗi người một đoạn (làm một cái áo tay chật), có một đoạn lụa xanh lót trong).

– Lụa «Bạch tuyết» mỗi người một xấp.

– Một xấp vải dày mịn «Bạch tuyết» hạng nhì (chia làm ba mỗi người một đoạn).» 27

Một trong những chương trình canh tân mà phái bộ Gauthier chú trọng nhất đó là mở một trường đại học theo kiểu Âu Châu ở kinh đô. Giám mục Gauthier đã mời được hai linh mục, một giáo sĩ và một người thợ máy đều là người Pháp, đó là linh mục Thông (tức Montrouzies, linh mục Đồng (tức Renauld), giáo sĩ (tức bác sĩ) Hernaiz. Lúc bấy giờ nhân sĩ Công giáo cũng gọi là giáo sĩ như trường hợp Nguyễn Trường Tộ cũng có khi được gọi là giáo sĩ. Người thợ máy tên Ca xanh. Giám mục Gauthier đề nghị xây dựng trường trên một khu đất rộng khoảng hai mẫu ở xã Vạn Xuân và vua Tự Đức đã chấp thuận. Tuy nhiên dự án không thực hiện được vì có sự chống đối rất quyết liệt của Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình. Người ta lo ngại ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp sẽ lên cao ngay tại kinh đô. Khắp trong nước bầu khí giữa giáo dân và lương dân vẫn còn căng thẳng. «Sáng kiến này, theo Trương Bá Cần, là ý nghĩa thoáng qua đầu tiên và cũng là cuối cùng của vua Tự Đức. Cũng cần nhấn mạnh là sáng kiến đó thất bại ngay chính vào lúc triều đại của Minh Trị Thiên Hoàng khởi đầu ở Nhật Bản.» 28

Dưới con mắt của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Hoằng là một người cộng sự hết sức đắc lực, rất có khả năng, đầy tâm huyết và rất được ông tin cẩn. Trong số các Di thảo đã được trình lên triều đình, Nguyễn Trường Tộ đã nhiều lần nhắc đến tên của thầy Nguyễn Hoằng, và có những sự việc quan trọng Nguyễn Trường Tộ báo cáo với triều đình và xin là không nói cho Giám mục Gauthier biết (Di thảo số 17). Theo tác giả Trương Bá Cần «trong số các linh mục Việt Nam mà Nguyễn Trường Tộ tiến cử với Triều đình, ông chỉ tin một mình linh mục Nguyễn Hoằng trong những sự việc cẩn mật.» 29

5.- Bộ triều phục và chiếc áo chùng thâm

Trong Lịch Sử Giáo Phận Vinh, tác giả Cao Vĩnh Phan đã viết rằng: «Nhiều người gọi Linh-mục Hoằng là Quan Lớn Hoằng. Ở vùng Thổ-Hoàng, Hương Khê, Hà Tĩnh, có lẽ còn có nhiều người biết ngài và nói về ngài, vì ngài sinh trưởng tại đó. Ở vùng Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng vậy, vì lúc sinh thời ngài đã từng làm linh-mục giáo xứ tại đó và chết cũng tại đó.» Và ở chú thích số 41 cuối trang, tác giả này cho biết thêm một vài chi tiết khác: «Linh-mục Ngô-Văn-Phúc (sinh năm 1901 tại Nghệ-An, hưu dưỡng tại Xóm Chiếu, Sài-Gòn) cho biết linh-mục này thường được người ta mệnh danh là Quan Lớn Hoằng. Cụ già Nguyễn-Thịnh 105 tuổi, gốc họ Tri-Thủy, xứ Lộc Mỹ, Nghệ An, di cư ở Vinh Tân, Bình Tuy, nói nhiều lần ông đã được gặp ngài. Ông nói: Cụ già Hoằng có dáng điệu quắc thước, hai mắt thau, oai phong quyền thế. Người thường có lính hầu, đi ngựa bạch. Các quan đi qua nhà phải xuống ngựa.» 30

Theo Bản tự sự, sau khi đi sứ về, «khi ấy Vua ban cho 10 nén bạc và lụa các thứ 8 tấm, qua tháng hai năm ấy, tôi xin về nhà thì Vua ban cho mẹ tôi 100 quan tiền, sang tháng ba, Bộ đòi tôi vào Kinh, đến tháng bốn, Bộ sai tôi vào Cửa Hàn (tỉnh Quảng Nam), tháng tư nhuận năm ấy, tôi lại xin về Nghệ An, khi ấy Vua cho chức bát phẩm mà tôi không chịu nhận, sang đầu tháng năm ấy, Bộ mới cho về Nghệ An. Đến tháng tám năm Tự Đức thứ 21, là mồng 2 tháng 8 năm 1868 thì tôi chịu chức thầy cả.»

Đến đây cuộc đời vị tân linh mục đi vào một bước ngoặt mới với một nhiệm vụ rõ ràng trong tôn giáo: coi sóc giáo dân với cương vị một chủ chăn. Tuy nhiên triều đình không để ông ở yên với công việc mục vụ mà đã dùng người như một vị quan của triều đình vào các công việc cần thiết trong giáo dục và ngoại giao. Cửa Hàn hay Tourane lúc bấy giờ là nơi tàu bè ngoại quốc tới lui cho nên có lẽ triều đình sử dụng linh mục Hoằng vào các công việc có tính cách liên lạc, ngoại giao. Sau khi chịu chức linh mục được hai tháng, Nguyễn Hoằng lại được mời vào kinh để dạy học. Có tài liệu nói ông dạy tiếng Pháp cho hoàng tộc nhưng có lẽ dạy nhiều tại trường Hành Nhân (trường thông ngôn) đặt ở Viện Thương Bạc. Trong một bài viết về Lịch sử trường Hậu bổ ở Huế, đăng trong tạp chí Bulletin Des Amis Du Vieux Hué, Nguyễn Đình Hòe cho biết: «Thương Bạc gồm 5 ngôi nhà mà cái chính dùng để đón tiếp các đại sứ còn đến nay là dùng làm các phòng học cho các hậu bổ. Ông Văn Minh Hoàng Cao Khải đã cho xây cao lên khi ông đến ở Huế và lát thêm trần nhà, cửa lớn, cửa sổ và sàn nhà bằng ván. Bên cánh trái của ngôi nhà ấy, đặt Thương Bạc Ty hay là Phòng Ngoại Vụ dưới sự điều khiển của viên ngoại (một vị Trưởng ty tách từ bộ Lễ). Bên cánh phải có Hành Nhơn Ty (Phòng cho lữ hành) dưới sự điều khiển của cha Hoàng, linh mục bản xứ được vua Tự Đức ưu ái dùng như thông ngôn của Chính phủ với chức tước Tham Biện ở Thương Bạc.» 31 Tháng chạp năm Tự Đức thứ 22 (1869), ngài xin về lại Nghệ An, ở đến tháng giêng năm Tự Đức thứ 23 vào kinh, tháng hai năm ấy Bộ (bộ Lễ) sai đi Hongkong, đến tháng năm mới về kinh, tháng chạp năm ấy người lại về Nghệ An. Việc linh mục Nguyễn Hoằng dấn thân giúp triều đình trong các công tác nói trên có thể nằm trong sự sắp xếp của Giám mục Ngô Gia Hậu bởi vì lúc bấy giờ tình hình cấm đạo đã phần nào lắng xuống, vua Tự Đức đã ra lệnh ân xá cho giáo dân. Giám mục Ngô Gia Hậu cũng thấy cần phải có người làm việc trong triều để có khi có chuyện cần thiết thì có sẵn đường dây để lo liệu công việc. Các giám mục Gauthier, Sohier và Croc cũng đã gửi thư lên vua Tự Đức xin tha đừng gọi người dân Công Giáo Việt Nam là dữu dân hay dậu dân nữa và nhà vua đã đồng ý 32.

Vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 24 (1871), linh mục Nguyễn Hoằng «vào kinh, đến tháng tư năm Tự Đức thứ 25 là năm 1872, Bộ sai vào Sài Gòn mua sách Tây cho học trò, tháng sáu về Kinh, tháng giêng năm sau là năm 1873, tôi xin về nhà nuôi mẹ thì Vua chỉ cho về một tháng mà thăm và ngài ban cho mẹ tôi 100 quan tiền nữa, tháng hai vào Kinh, sang tháng tư Bộ lại sai đi Hongkong, Quảng-Châu và Macao, đến tháng 5 năm ấy, Bộ tư sang đòi về Sài-Gòn mà đi bên Tây với Quan Sứ, về Sài-Gòn mà chưa đi bên Tây, đến tháng 11 Bắc-Kỳ mất bốn tỉnh tôi lại phải về Kinh mà ra Bắc-Kỳ, (Ninh-Bình, Nam-Định, Hà-Nội và Hải Dương, tháng giêng năm sau là Tự-Đức 26 (năm 1874) lại về Kinh. Khi ấy vua ban cho Kim-Khánh bốn chữ «Khâm-Tứ-Tín-Cần» và hai nén bạc, rồi vào Sài-Gòn với Quan Sứ.» 33

Trong khoảng thời gian bấy giờ là lúc Nguyễn Trường Tộ mất (22-11-1871) tại quê nhà của ông. Những năm sau người Pháp tiến hành các cuộc gây hấn ở Bắc Kỳ với sự ngang ngược của Senez, của Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) ở Cửa Cấm, Bắc Ninh, Hà Nội, dẫn đến việc Súy phủ Sài Gòn sai Francis Garnier đem quân ra Bắc. Trong thời gian tiến hành đàm phán hòa ước Giáp Tuất (1874), linh mục Nguyễn Hoằng vẫn đóng vai trò thông ngôn chính của Triều đình, được nhà vua ban chức Quản Hành-Nhân, được mang thẻ ngà để vào ra cung điện dễ dàng làm việc. Quản Hành-Nhân có lẽ là chức hiệu trưởng trường thông ngôn ở Huế. Tháng 10 năm 1876, người được vua ban chức Tham biện Thương chánh tại Hải Phòng, Hải Dương. Tham biện là «một chức quan bậc phó cho những Trưởng Quan ở triều hay ở trấn lo một mặt chuyên môn nhất định, có khi còn gọi là Biện Lý, Tham Biện Tỉnh Vụ (công tác ở tỉnh), Tham Biện Lại Bộ (làm việc ở Bộ Lại)…» 34 Theo tác giả Lê Ngọc Bích «Với hòa ước Giáp Tuất 1874, Pháp có được thủy lộ Hồng Hà, lên Vân Nam xuống cảng Hải Phòng buôn bán. Pháp hống hách ở Hà Nội được, sau hòa ước 1874, khi vào buôn bán ở cảng Hải Phòng hỏi rằng ai ngăn cấm nổi sự hống hách ngang ngược khi tàu bè của họ ra vào. Tình trạng ngày càng thêm phức tạp. Lại cần phải có một người của triều đình giỏi tiếng Tây ngồi ở cảng Hải Phòng. Người đó không ai khác là linh mục Nguyễn Hoằng và có thể có linh mục Nguyễn Ngọc Tuyên của Huế (bấy giờ đương nhiệm Cha Sở Phủ Cam). Hai ngài ra làm việc ở Hải Phòng với chức vụ Tham biện Thương chánh, từ năm 1876 đến 1878.» 35

Ngày 13 tháng 6 năm Tự Đức 31 (1878), mẹ của linh mục Hoằng mất, ngài phải về quê chịu tang và sau đó trở vào kinh và tháng bảy năm Tự Đức 31 ra làm Tham biện Hải Phòng, lại vào kinh tiếp sứ Tây Ban Nha, rồi trở lại quê lo việc chung thất cho mẹ. Tháng 6 năm Tự Đức 33 (1880), ngài trở lại kinh đến Dinh Cầu thì bị bệnh nặng phải điều trị tại đó hai tháng rồi sau mới trở lại Huế. Tháng 5 năm Tự Đức 34 là năm 1881 linh mục Nguyễn Hoằng đã dâng lên triều đình một bản điều trần «xin nhà nước ở với nước Pháp cho phải lẽ hơn kẻo sinh sự khó. Khi ấy vì một hai ông quan có lòng ghét người Tây đã tâu Vua rằng: tôi ở hai lòng, mà xin cách chức và giao về quan tỉnh Hà Tĩnh quản thúc. Khi ra Hà Tĩnh vì các quan đã biết tôi có lòng trung mà mắc tội oan nên ở với tôi lịch sự lắm, tôi muốn đi đâu mặc ý.» 36

Con đường hoạn lộ cũng có khi lên thác xuống ghềnh, đó cũng là lẽ thường. Sau khi ở Hà Tĩnh được 5 tháng, linh mục Nguyễn Hoằng lãnh bài sai của Giám mục sở tại đi coi xứ Kẻ-Nhím (1882). Năm Tự Đức thứ 33 (1883) linh mục khai khẩn đất xã Mỹ Khê nhờ đó mà giáo dân có phương tiện sinh sống. Ngày mồng 6 tháng 10 năm đó linh mục Nguyễn Hoằng được thư cùng tờ sắc và Ngôi Sao (Décoration de l’Ordre Isabelle Catholique) do quan Thủy bộ Thượng thư Tây Ban Nha thừa lệnh Quốc vương nước này ban thưởng cho ngài. Tháng 10 năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), triều đình lại mời linh mục vào kinh làm Bang Biện Hành Nhân Ty tức là một chức quan của trường thông ngôn, sau đó cử ông vào Sài Gòn mua sách Tây, về sau lại làm Tham biện ở Sở Thương Bạc do sự sắp đặt của Cơ Mật Viện và Tòa Khâm Sứ cùng sự đồng ý của Giám Mục Croc (Đức Cha Hòa).

Tháng 6 năm 1885, linh mục Nguyễn Hoằng được gọi về kinh để nhận công việc nhưng đến Hà Tĩnh thì được tin kinh đô thất thủ và vua Hàm Nghi đã xuất bôn nhưng ông vẫn cứ vào Huế, đến ngụ tại nhà người cháu ở làng Đốc Sơ, vùng An Hòa phía bắc kinh thành Huế.

Tháng 8 năm 1885, ngài lên chức Hồng lô Tự Khanh kiêm chức Tham biện Viện Cơ Mật, một người anh được chức lục phẩm tại gia và hai người cháu làm ấm tử được miễn sưu dịch và thuế thân.

Tháng 11 năm đó được ban thẻ vàng khắc bốn chữ «Trung-Cần-Thể-Quốc». Tháng giêng năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), ngài lên chức Lễ Bộ Thị Lang kiêm việc Cơ Mật cùng Quản Hành Nhân Ty, được vua đặt làm Phụ Tế Đại Thần với gươm vàng và áo Ngự Tiền Phụ Tế sau đó ít lâu ngài xin triều đình thôi việc và được triều đình chấp thuận.

Sau đây xin đọc vào Bản tự sự để thấy tinh thần tích cực của linh mục Nguyễn Hoằng trong lãnh vực hoạt động mở mang, phát triển tôn giáo mặc dù lúc bấy giờ tuổi ngài cũng đã gần sáu mươi. «Ở lại Nhà chung ít ngày rồi về nhà quê, tháng giêng năm Đồng Khánh thứ hai là tháng hai năm 1887 tôi xin Bề trên mà tạo đất xã Đông Ấp mà lập họ Phương Tân cùng đem nhà thờ họ ấy sang đó. Đến 27 tháng 8 năm 1887, Bề Trên sai xuống ở tại tỉnh Hà Tĩnh mà lo việc phần xác cho bổn đạo, sang ngày 12 tháng 10 năm 1888 lại xuống xứ Trung-Nghĩa thế cho cụ Huấn vì người đau. Ngày 19 tháng 11 năm 1889, Bề trên sai ra lập xứ Yên-Hòa thuộc huyện Quỳnh-Lưu, tổng Hoàng-Mai.

«Tháng 3 năm 1890, xã Vũ Duyệt nhượng cho tôi đồng Trang Họ và tôi lập một họ bổn đạo mới. Ngày 29 tháng sáu lập họ bổn đạo mới là Nhạc-Sơn (Làng Mít). Thành-Thái nhị niên tháng 5 ngày 21 là tháng 7 năm 1890 làng Hải Lễ và làng Dị Nậu nhượng cho tôi đất sát lèn Ba Voi giáp địa phận hai làng ấy. Năm 1896, lập hai làng là Đồng-Xuân, Du-Xương, huyện Quỳnh-Lưu. Từ tháng tư năm 1896 về sau, Bề Trên sai vào Hà Tĩnh mà lo việc kiện đất Vĩnh Phước, Kỳ La, Nhượng Bạn. Tháng 3 năm 1897 thì lập nhà xứ Trang Đình, khẩn đất Chính Trung, lập làng Huệ Hòa, khẩn và kiện Nham Xá lấy địa phận lại cho làng Tiếp Võ (bổn đạo mới). Năm 1898 đến 1899 tư bộ xin hưu trí (retraite), năm 1901 ngày mồng hai tháng ba Vua cho lên chức Tham Tri (Honoraire premier assesseur du Ministère des Rites) mà hưu trí.

«Năm 1902, làm nhà thờ Yên Hòa rồi ngày 19 tháng 12 năm ấy rước Đức Cha Trị ra làm phép. Sang năm 1903, khỉ sự làm nhà thờ Trang Hộ, đến ngày 11 tháng giêng 1906 Đức cha Trị làm phép.» 37 Đức cha Trị có tên Pháp là Pineau (1886-1910).

Bản văn tuy viết rất khái quát, cô đọng và ngắn gọn nhưng nếu đem phân tích ra từng sự kiện, từng công việc thì sẽ thấy đó là một chuỗi những công trình khai phá đất đai, gieo trồng hạt giống phúc âm, tranh đấu để san bằng những bất công xã hội, đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của con người mà người dân Công Giáo đã phải chịu nhiều bất công do chính sách cấm đạo trước đây của nhà Nguyễn, tổ chức đời sống xã hội cho người giáo dân trong những vùng đất ma thiêng nước độc, tất cả đó là công lao của một bậc sĩ phu trí thức từng đi khắp các nước Âu châu, lão luyện kinh nghiệm chốn quan trường, thông thái, trí tuệ, đầy ắp một tình yêu dân tộc và quê hương, theo đuổi lý tưởng tôn giáo suốt cả một đời không mệt mỏi.

Lúc 5 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm Duy Tân thứ ba tức ngày 5 tháng 12 năm 1909, linh mục Nguyễn Hoằng qua đời tại Yên Hòa (Hoàng Mai), thọ 78 tuổi, chôn cất tại đất thánh Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Dưới thời vua Khải Định người được truy tặng hàm Thượng Thư, tước Hoàng Tế Nam.

6.- Dấu ấn còn lưu lại trong các tư liệu lịch sử

Xét chung, linh mục Nguyễn Hoằng là một con người đặc biệt, một nhân tài của đất nước, nhất là trong lãnh vực khả năng tri thức và ngôn ngữ.

Trong Di thảo số 46, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đến quan điểm của linh mục Nguyễn Hoằng tỏ ra rất cẩn trọng và khiêm tốn trong việc dịch các văn kiện ngoại giao: «Nay tôi thiết nghĩ trong lời văn như quốc thư, văn bằng hoặc dự liệu đến bên ấy tìm được đường lối gì mà phải chép trước thành văn bản để đề bạt ý kiến của ta, những văn kiện ấy đều phải dịch ra tiếng Tây nghĩa lý đầy đủ, lời văn khéo léo, có thể cảm động được người đọc người nghe, đó là điều rất nhó. Như Lục Chí đời Đường viết bài chiếu mà làm cho người xem cảm kích phấn khởi vậy. Cho nên sự lý chỉ có một, thế mà có người viết thì ý tứ nhạt nhẽo đọc lên phát chán. Nhưng nếu có người giỏi viết văn viết ra thì tinh thần bay bổng văn lý tuyệt vời, khiến người thưởng thức chẳng rời tay mà có thể lãnh hội đại khái cái ý vị thâm trầm. Dù cho sự lý cứng cỏi thẳng thắn mà lời văn uyển chuyển khéo léo cũng có thể che đậy được không làm cho người giận, có nói cũng không có tội. Những loại văn từ tuyệt diệu như vậy Đông Tây không nước nào không chuyên chuộng. Phương Tây người ta còn thiết lập một ngành học chuyên về loại này. Nay Nguyễn Hoằng nói: Nếu dịch đúng sự thật lời ý không sai thì dám vâng mệnh làm được. Còn muốn văn từ hay ho thì thật không dám. Tuy như người Tây trong trăm ngàn người còn khó có được một hai người huống chi y là người Nam mà học tiếng Tây. Các linh mục Tây đã ở phương Đông chỉ có một người (Tên là Đường tuổi đã già) hiện ở nhà dục anh ở Gia Định cũng khá giỏi. Ngoài ra Giám mục Hòa cũng có thể gọi là giỏi. Huống chi y mà dám làm văn chương từ lịnh sao? Nếu chỉ cần cho đúng sự thật thì được…» 38

Trong lịch sử nền ngoại giao các nước trước đây, vai trò của những người thông dịch trong các cuộc gặp gỡ, đàm phán giữa đại diện các chính quyền hay giữa nguyên thủ quốc gia cũng rất quan trọng. Sự am tường tình hình chính trị trong nước và thế giới cộng thêm lập trường chính trị rõ ràng của đương sự và nhất là sự thông minh lanh lợi vàø nắm vững được tình huống của các diễn tiến sự việc trong đàm phán thương nghị sẽ giúp cho người thông dịch có nhiều lợi điểm để công việc tiến triển tốt đẹp. Chính Nguyễn Trường Tộ đã thấy rõ điều đó và nhận ra ở linh mục Nguyễn Hoằng là người làm việc với mình rất ăn ý trong các hoạt động vận động ngoại giao. Qua Di Thảo số 7, viết vào tháng 2 năm 1865, Nguyễn Trường Tộ đã phản ảnh phần nào tình trạng lắt léo trong bang giao giữa người Pháp với triều đình ta, cùng sáng kiến canh tân đất nước, thiện chí muốn tận lực giúp đỡ triều đình của ông và của linh mục Nguyễn Hoằng như sau:

«Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin dâng lên đại nhân soi xét.

Hiện nay thuyền của Tây đã đến Kinh, tôi đã ngầm hẹn với ông Hoằng cùng đi với tôi là có thâm ý riêng:

Một là, lần này thuyền Tây đến trả lời thẳng là không trả 3 tỉnh, mà còn tin cho biết sẽ đòi tiền bồi thường hằng năm. Tôi nghĩ có lẽ Triều đình đã có lời bàn riêng với họ, nhưng viên thông ngôn đã bị họ sai khiến, nên hễ có lời nói nào không hợp với họ, thì hắn ta bênh che không dám nói hết lời. Như thế thì thật hỏng việc. Như việc phiên dịch của Trung Quốc đối với các nước ngoài trước kia, vì do những sự thêm bớt sự việc mà đến hỏng việc nước. Cho nên tôi đã thầm hẹn với ông Hoằng cùng nhau đến đấy. Nếu Triều đình có những việc gì cần nói cứng hoặc cần đấu dịu thì cứ việc nói thẳng không ngại gì.

Hai là, trước đây phái viên tung tin ra rằng Phan đại nhân và Phạm đại nhân có sai người đến hỏi ông Hoằng về việc hỏa thuyền. Lúc bấy giờ chưa thể trình bày rõ, nay nếu cần hỏi tỉ mỉ rõ ràng thì có ông Hoằng ở đây. Nếu có điều gì ông chưa hiểu thấu thì tôi sẽ cùng ông ta bàn bạc rồi sẽ bẩm rõ. Vả chăng về việc đại thuyền và cơ khí thì trước đây tôi đã trình bày sơ lược rồi. Nếu muốn mua những thứ đã có sẵn thì phải theo cách đó mới được (trước đây đã trình bày rõ). Hoặc muốn sang nước học học tập chế tạo những thứ đó, theo tôi phải có những người khéo tay chọn lấy khoảng ba bốn mươi người từ ba mươi tuổi trở lên, đi học chế tạo, lại cần có những người thông minh chọn lấy mười người từ hai mươi lăm tuổi trở lên, đi học đại số, vi phân cùng các môn trọng lực học, hóa học, quang học, v.v… Hai khoản này nếu thiếu một không thể thành việc. Lại phải sang kinh thành nước Pháp hoặc kinh đô nước Anh học khoảng 8, 9 năm mới biết được đại khái. Vì rằng sang học tại nơi đô thị của họ, thì một là kiến văn rộng rãi việc học dễ thành đạt ; hai là ở lâu với người nước họ, thông hiểu được ngôn ngữ, phong tục của họ, sau này có việc gì sai phái đi về cũng dễ. Còn như ở Sài Gòn, các loại máy móc hiện có chế tạo từ bên Pháp chở qua đây chẳng qua là những loại xấu, hư hỏng mà thôi, không có gì đáng học.

Nếu Triều đình muốn thực hiện hai thứ vừa kể trên tôi và ông Hoằng xin tình nguyện ra sức cùng sang Tây với hai lớp người nói trên, thông dịch ngôn ngữ, giải thuyết những điều họ chưa rõ, phụ giúp cho những chỗ họ không theo kịp thì không ngoài mười năm, việc học sẽ thành đạt. Bởi vì đối với lý thuyết của hai khoản này tôi đã biết được những điều quan yếu. Lại thêm ông Hoằng là người rất giỏi tiếng Pháp, giải thích, phiên dịch được rõ ràng, nếu cùng đi với những người này thì sẽ trực tiếp và dễ dàng hơn. Hiện nay Nhật Bản, Miến Điện cũng đã phái người đến kinh đô nước Pháp học kỹ nghệ. Đến như nước Nga ở phương Tây mà cũng cho người đến nước Anh nước Pháp học tập. Tuy phải dụng công lâu dài, chi phí rất lớn, nhưng cũng thu hoạch được nhiều. Vì rằng muốn thành đại sự phải mất hàng trăm năm chứ đâu phải một ngày mà được…» 39

Thông qua một số các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ mà nhà nghiên cứu sử học Trương Bá Cần gọi tên là Di Thảo, hình ảnh của linh mục Nguyễn Hoằng đã thấp thoáng được phục hoạt tuy với những nét đan thanh nhưng cũng đầy ấn tượng, hy vọng sẽ là chất liệu xúc tác cho những công trình nghiên cứu về ông trong tương lai.

Trong thời gian làm việc với triều đình, Nguyễn Hoằng cũng là một trong những nhân vật trọng yếu của Bộ Lễ, Sở Thương Bạc và Cơ Mật viện cho nên những việc làm của ông còn được ghi lại trong các thư tịch của các cơ quan này. Một tư liệu mang đầy bút tích của triều đình có tên Châu bản triều Tự Đức (1848-1883) cho biết: «Viện Cơ mật báo cáo về số người có thể thay thế Nguyễn Hoằng làm thông ngôn cho phái viên Nguyễn Huy Hỗn sang Hương cảng, hoặc giúp vào việc thông dịch trong triều nếu Nguyễn Hoằng được cử đi Hương cảng.» 40

Trong tư liệu vừa nói chúng tôi thấy giới thiệu 68 bức thư do linh mục Nguyễn Hoằng dịch từ tiếng Pháp ra chữ Nôm trong số đó có 25 bức thư do Soái phủ Sài Gòn gửi cho Sở Thương Bạc, 38 bức thư của Khâm Sứ Rheinart gửi Sở Thương Bạc đề cập đến nhiều vấn đề cùng các yêu sách của người Pháp đối với Nam triều cùng một vài thư lẻ tẻ khác. Có lẽ ngoài nhiệm vụ phiên dịch các văn kiện này, linh mục Nguyễn Hoằng cũng còn phải góp ý kiến với triều đình trong việc giải quyết các vấn đề thuộc nội dung các công hàm đó bởi vì ông là một Tham biện của Cơ mật viện tức quan chức của triều đình Đại Nam.

Ngạn ngữ La-tinh có câu: «Verba volant, scripta manent» nghĩa là lời nói thì bay đi, chữ viết còn để lại. Cũng thật may nhờ có những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và Châu bản triều Tự Đức mà những việc linh mục Nguyễn Hoằng làm hay nói đều còn để lại ít nhiều vết tích, chứng cớ giúp ích cho sự nghiên cứu về sau.

Sau khi Nguyễn Trường Tộ mất (22-11-1871), linh mục Nguyễn Hoằng còn tiếp tục phục vụ Triều đình nhưng lúc bấy giờ không còn có người đồng chí trong các hoạt động canh tân đất nước để chia xẻ những suy tư và kết hợp công tác với mình, nên hoạt động của ông cũng âm thầm, đơn độc trong phong thái của một viên chức nhà nước. Các đợt phong ba của lịch sử tiếp tục thổi tới, xô nghiêng ngai vàng họ Nguyễn trong lạc hậu, chậm tiến và đồng thời nhận chìm dân tộc trong vũng lầy nô lệ tủi nhục. Những hoạt động của linh mục Nguyễn Hoằng trong lãnh vực tôn giáo hướng về việc xây dựng và phát triển các giáo xứ tân tòng, chung đụng giữa đám dân quê ít học mà chơn chất, lo các công tác mục vụ và dân sinh cho họ được phản ảnh khái quát trong Bản tự sự do chính người viết lại.

Tuy nhiên, với một cuộc đời dấn thân cho lý tưởng tôn giáo và dân tộc ngay từ tuổi thanh xuân, kinh qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, hoạt động trong nhiều lãnh vực chính trị và ngoại giao cũng như xã hội, một nhân vật lịch sử như linh mục Nguyễn Hoằng há chỉ được nhắc nhở tới bằng một vài đoạn ngắn trong các điều trần của Nguyễn Trường Tộ, hoặc qua đôi dòng tư liệu rải rác đó đây, hay chút ít công trình dịch thuật ghi lại trong Châu bản thôi sao? Các công tác nghiên cứu điền dã để tìm lại mộ bia, gia phả, các bút lục, các chứng tích về giai thoại, chuyện kể, lời đồn tại quê hương Nghệ Tĩnh cùng những sưu khảo ở những nơi linh mục Nguyễn Hoằng từng học tập, thu góp kiến thức như chủng viện Pénang, Pháp, Tây Ban Nha, các thư viện Hội Thừa Sai, thư viện Vatican, qua các tác phẩm của nhiều giáo sĩ ngoại quốc để lại chắc chắn còn nhiều hứa hẹn cho một công trình nghiên cứu đầy đủ về bậc sĩ phu thời danh mà cũng đầy tâm huyết này.


Nguyễn Đức Cung

11-01-2005

Nguồn: Lamhong.org

————————————–

CHÚ THÍCH:

1.- Về ngày sinh của Linh mục Nguyễn Hoằng, có nhiều tài liệu nói khác nhau. Bản tự sự trong tạp chí Sacerdos tháng 1 năm 1936 trang 453, được in lại ở sách Lịch sử giáo phận Vinh của Lm Cao Vĩnh Phan, Hội Ái Hữu Địa Phận Vinh Bắc California, 1996, (trang 399) có ghi ngày sinh của linh mục Nguyễn Hoằng là ngày 12 tháng 11 năm Tân Mão tức năm Minh Mạng thứ 12 (tháng 9, 1839) nhưng theo Nguyễn Như Lân trong cuốn 200 năm dương lịch và âm lịch đối chiếu thì ngày 12 tháng 11 năm Tân Mão chính là ngày 15 tháng 12 năm 1831 chứ không phải tháng 9 năm 1839. Linh mục Trương Bá Cần trong cuốn Lịch sử giáo phận Vinh, Tp HCM, tr. 498, cho biết năm sinh của Nguyễn Hoằng là 1835. Chúng tôi theo tác giả Lê Ngọc Bích trong Nhân vật giáo phận Huế (bản in năm 2000, tr. 385) ghi năm sinh của Linh mục Nguyễn Hoằng là 1831.

Trong Lịch sử giáo phận Vinh, tác giả Cao Vĩnh Phan cho rằng Linh mục Nguyễn Hoằng chính tên là Nguyễn Hoàng (tr. 398). Sách Việt Nam Giáo Sử, tập I, trang 498 và 501, của linh mục Phan Phát Huồn cũng viết là Nguyễn Hoàng và trong cuốn Thơ nôm Phước Môn, (xuất bản năm 1959) Nguyễn Thúc cũng ghi Nguyễn Hoàng (trang 17). Có phải do vấn đề kiêng cử tên húy của chúa Tiên Nguyễn Hoàng mà linh mục Nguyễn Hoàng đã phải đổi tên là Nguyễn Hoằng chăng? Tuy nhiên một số tác giả như A. Delvaux trong bài L’ambassade de Phan-Thanh-Gian en 1863 d’après les documents francais, trong BAVH, 1926, Châu bản triều Tự Đức, Nhật Ký Đi Tây của Phạm Phú Thứ, Nhân vật giáo phận Huế của Lê Ngọc Bích đều viết Nguyễn Hoằng, có tài liệu ghi rõ thêm chữ Hán với bên bộ cung, bên chữ khư nên phải đọc là Hoằng mới đúng.

2.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr.176, 240. Theo Lê Ngọc Bích « Xứ Thổ Hoàng (Hà Tĩnh) nơi sản sinh nhiều linh mục cho Giáo hội. Trong danh sách các linh mục giáo phận Vinh năm 1846- 1996, chúng tôi đếm được 14 linh mục quê ở Thổ Hoàng được phong chức trong giáo phận và 9 linh mục được phong chức ngoài giáo phận.

Giáo phận Vinh truyền tụng câu:

« Rươi Mỹ Dụ, Cụ Thổ Hoàng »

(Rươi: vi sinh vật sống trong ao hồ, làm mắm ăn rất ngon. Cụ: tiếng địa phương gọi các linh mục). Trong số các linh mục Vinh, quê Thổ Hoàng có hai vị Giám mục: Đức cha Trần Hữu Đức và Đức cha Nguyễn Đình Nhiên. (Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, tập I, Lưu hành nội bộ, in năm 2000, tr. 385).

3.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr. 125.

4.- Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nxb. Trẻ, TPHCM, 1999, bản dịch Nguyễn Đình Đầu, tr. 271.

5.- Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb. TPHCM, 1988, tr. 181.

6.- Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, tập 1, Bản lưu hành nội bộ, 2000, tr. 43.

7.- Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Châu bản triều Tự Đức (1848-1883), Nxb. Văn Học, 2003, tr. 110.

8.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr.212.

9.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr.399.

10.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 157.

11.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 20.

12.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr. 399.

13.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 184.

14.- Phạm Phú Thứ, Nhật ký đi Tây, Quang Uyển dịch, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr. 57.

15.- Phạm Phú Thứ, Sđd, tr.81.

16.- A. Delvaux, L’ambassade de Phan-Thanh-Gian en 1863 d’après les documents francais, Bulletin Des Amis Du Vieux Hue (BAVH), 1926, tr. 70.

17.- A. Delvaux, Bài đã dẫn, tr. 74 viết nguyên văn: « L’empereur répondit en quelques paroles qu’il avait voulu certainement faire bienveillantes dans la forme autant que dans le fond. « La France, dit-il en substance, est bienveillante pour toutes les nations et protectrice des faibles ; mais ceux qui l’entravent dans sa marche, ont à craindre sa sévérité ». Phạm Phú Thứ, Sđd, chú thích của Quang Uyển, tr. 222 ; Philippe Devillers, Francais et Annamites, Partenaires ou Ennemis? 1856-1902, Nxb Denoel, Paris, 1998, tr. 110.

18.- A. Delvaux, Bđd, tr. 71.

19.- A. Delvaux, Bđd, tr. 72.

20.- Phạm Phú Thứ, Sđd, tr. 307.

21.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr. 399.

22.- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, dẫn lại theo Trương Bá Cần, Sđd, tr. 33.

23.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 189.

24.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 189.

25.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 52.

26.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 279.

27.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 49.

28.- Georges Boudarel, Un lettré catholique vietnamien du XIX siècle qui fait problème: Nguyen-Truong-To (1828-1871), tr. 165, in trong tác phẩm Catholicisme et Sociétés Asiatiques, do hai ông Alain Forest và Yoshiharu Tsuboi chủ biên (eds), L’Harmattan, Sophia University (Tokyo) 1988.

29.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 96.

30.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr. 397.

31.- Nguyễn Đình Hòe, Le Hậu-bổ, (Lịch sử trường Hậu bổ ở Huế), Tạp chí Bulletin Des Amis Du Vieux Hué, 1915, bản dịch tiếng Việt (Những người bạn cố đô Huế) Nxb, Thuận Hóa, Huế 1997, tr. 35.

32.- Quốc sử quán triều Nguyễn, Cao Xuân Dục chủ biên, Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb. Thuận Hóa, 1998, tr. 482.

33.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr. 400.

34.- Trần Thanh Tâm, Quan chức nhà Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, tái bản lần thứ nhất, 1999, tr. 259.

35.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 387.

36.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr. 401.

37.- Cao Vĩnh Phan, Sđd, tr. 402.

38.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 363.

39.- Trương Bá Cần, Sđd, tr. 157.

40.- Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Sđd, tr. 186. và phần giới thiệu tổng quát 68 bức thư do linh mục Nguyễn Hoằng dịch ra chữ Nôm từ trang 209-233.

 

Read 4616 times Last modified on Thứ sáu, 18 Tháng 9 2015 16:34