Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 28 Tháng 12 2012 20:42

Linh Mục Nguyễn Hoằng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
   LINH MỤC NGUYỄN HOẰNG   “ Paulo Nguyễn Hoằng, người tĩnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, tổng Phương Điền, làng Phương Tân, xứ Phương Trạch, sinh ngày 12-11 năm Tân Mão đời Minh Mạng năm thứ 12 là tháng 9 năm 1839”.

 

 

Khi nhắc tới Linh Mục “Nguyễn Hoằng”, nhiều người thời nay tuyệt nhiên không hề biết đến. Họa chăng chỉ đôi người còn lần mò sử sách mà tìm ra dấu vết. Thuở sinh thời của Ngài đến nay cũng đã trên thế kỷ. Người đương thời gọi Ngài là quan lớn “Hoằng”. “ Cụ già có dáng điệu quắc thước, hai mắt thau, oai phong quyền thế. Người thường có lính hầu, đi ngựa bạch. Các quan đi qua phải xuống ngựa”. Ngài vừa làm Linh Mục, vừa dạy con vua, vừa làm quan trong triều… Vậy Ngài là ai?

 

Trong bản tiểu sử của Đức Cha Trần hữu Đức khi nói về thân sinh của Ngài, có đề cập như sau: “Từ bé, cụ (thân phụ Đức Cha) đã theo giúp cậu ruột là Cha Nguyễn Hoằng, một vị linh mục thời danh ấy đang làm Lễ Bộ Tả Tham Tri ở Huế, dưới triều Đồng Khánh” . Sau khi cha Nguyễn Hoằng về quê hưu trí, thì gia đình Ngài cũng trở về Hà Tĩnh tại làng Phương Tân xứ Phương Trạch, nay là họ Thổ Vượng xứ Thổ Hoàng, người ta nhắc tới Ngài với một niềm tự hào lớn lao, là tấm gương sáng để hun đúc cho chí khí của thế hệ mai sau. Điều này cũng dễ hiểu vì Ngài là “ vị Linh Mục đặc biệt độc nhất vô nhị của giáo phận Vinh và cũng là vị Linh Mục hiếm có của giáo hội Việt Nam, có lẽ không có gì hơn là đọc ngay mấy dòng tiểu sử do chính tay Ngài viết được in lại trong nguyệt san Sacerdos”:

“ Paulo Nguyễn Hoằng, người tĩnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, tổng Phương Điền, làng Phương Tân, xứ Phương Trạch, sinh ngày 12-11 năm Tân Mão đời Minh Mạng năm thứ 12 là tháng 9 năm 1839”.

“ Năm Tự Đức thứ hai, ngày 11 tháng chạp cha chết. Sang năm Tự Đức thứ ba là năm 1850,thì đi ở nhà thầy với cụ già Thông tử vì đạo. Trước hết, Ngài gửi ra ở với cụ già Xuân, xứ Đông Thành tại họ Phi Lộc, đến năm Tự Đức thứ năm là 1952, thì vào học trường Xã Đoài, được một năm rồi ra học trường Thuận Nhai (Thuận Nghĩa) xứ Quỳnh Lưu. Đến năm Tự Đức thứ bảy là 1854, thì đi học trường Penang, đến năm 1860, học rồi, song lúc ấy người Pháp và Tây Ban Nha còn đánh nhau nước Annam chưa yên, cho nên chưa về được, phải ở lại nhà trường đến 30 tháng 5 năm 1861 là năm Tự Đức thứ 15, ba nước làm hòa, rồi mới về Sài-gòn ở nơi Đức cha Hậu và đi làm thông ngôn tại tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), sang năm Tự Đức thứ 16, tháng 5 năm 1863 đi với quan sứ An Nam sang Pháp và Tây Ban Nha, ở bên Tây chín tháng, khi đi ở lại nước Ai Cập hai tháng, khi về qua nước Ý Đại Lợi và đến thành Rôma chầu Đức Thánh Giáo hoàng Pio IX, Ngài ban cho một tượng vàng là hình Ngài”.

“Đoạn qua thành Naples ở hai tuần lễ rồi mới về thành Messina ở một tháng, sau qua thành Zance thuộc về nước Hy Lạp ở hai tuần lễ, đến tháng 2 năm thứ 17, là tháng 2 năm 1864 mới trở về Sài Gòn (Gia Định) ở với Đứ cha Hòa (Croc, khi ấy Ngài chưa làm Giám mục) đến năm Tự Đức thứ 19 là năm 1866 thì về Nghệ An và chịu chức từ Cắt tóc cho đến chức Sáu trong một tuần lễ”.

Đến tháng 8 năm Tự Đức thứ 19, là tháng 7 năm 1866, Kinh mà đi Tây với Đức cha Hậu và quan Thượng lại Nguyễn Tăng Doãn, đến tháng giêng năm Tự Đức thứ 21, là tháng 2 năm 1868 mới về đến Kinh, khi ấy về nhà thì vua ban cho mẹ tôi 100 quan tiền. Sang tháng 3, Bộ đòi tôi vào Kinh, đến tháng bốn, Bộ sai tôi vào Cửa Hàn (tỉnh Quảng Nam). Tháng tư nhận năm ấy, tôi xin về Nghệ An, khi ấy vua cho chức Bát phẩm mà tôi không chịu nhận, sang đầu tháng ấy, Bộ mới cho về Nghệ An. Đến tháng tám năm Tự Đức thứ 21, là mồng 2 tháng 8 năm 1868 thì tôi chịu chức Thày cả. Chịu chức rồi, ở lại Nhà chung đến tháng 10 thì Bộ lại đòi vào Kinh mà dạy học. Tháng chạp năm Tự Đức thứ 22 thì tôi lại xin về Nghệ An, ở đến tháng năm 23 vào Kinh, tháng 2 năm ấy, Bộ sai đi Hồng Công, Quảng Châu, và Ma Cao, đến tháng năm năm ấy, Bộ tư sang đòi  về Sài Gòn mà đi Tây với Quan Sứ, về Sài Gòn mà chưa đi Tây, đến tháng 11, Bắc kỳ mất bốn tỉnh(Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương) tôi lại phải về Kinh mà ra Bắc kỳ, tháng giêng năm sau là Tự Đức thứ 26 (1874) lại về Kinh. Khi ấy vua ban cho Kim Khánh bốn chữ: “ Khâm Sứ Tín Cần” và hai nén bạc, rồi vào Sài Gòn với Quan Sứ”.

Ngày 27 tháng giêng năm 27, là 17 tháng 3 năm 1874, làm Hòa Ước rồi về Kinh, sang tháng sáu năm ấy, Vua lại ban cho mẹ tôi 100 quan tiền lấy tại kho tỉnh Nghệ An, và sai tôi vào Sài Gòn. Đến tháng chín làm Thương Ước rồi mới về Kinh, sang năm 28, là năm 1875 Vua lại ban cho mẹ tôi 200 quan tiền và ban cho tôi chức Tư-Vụ, nhưng tôi không chịu chức ấy, thì Vua lại ban cho tôi chức Quản-Hành-Nhân và ban Thẻ ngà cho được mang mà ra vào trong đền vua làm việc quan, tháng chạp năm ấy, năm 1876 tôi xin về thăm mẹ tôi một tháng, rồi lại vào Kinh, sang tháng 10 năm 1876 thì có chỉ sai ra làm Thương-Biện-Thương-Chánh tại Hải Phòng, tỉnh Hải Dương. Đến tháng tư năm 31, là năm 1878 thì Vua đòi về Kinh, khi về đến Nghệ An thì được thư nhà quê tin mẹ tôi chết ngày 13 tháng 6 Tự Đức 31, là năm 1878. Khi ấy tôi xin ở nhà chịu chế cho mẹ. Xong thì đến tháng tám năm ấy thì Vua lại ban cho 100 quan tiền và đòi vào Kinh, đến tháng chạp năm ấy tôi mới vào thì Vua lại thêm lương tiền cho. Sang tháng 2 nằm thì Vua cho lên chức Chủ Sự, song tôi cũng không chịu, đến tháng bảy lại sai ra làm Tham Biện Hải Phòng nữa, lúc ấy vừa có Sứ Tây Ban Nha đến thì phải ở lại Kinh, đến tháng ba năm 33(1880) thì tôi xin về hai tháng mà lo việc dận mẹ tôi. Khi ấy Vua cho 100 quan tiền, về đến Nghệ An  và lo việc dận là 20 tháng 5, nhờ ơn Đức cha Hòa thì đã rước được có Trị( khi ấy Ngài chưa làm Giám mục) và cố Phê cùng 14 cụ và người Nhà chung giúp việc ấy. Sang tháng sáu thì vào Kinh, đến Dinh Cầu thì phải bệnh nặng, ở lại đó hai tháng, sang tháng tám mới vào đến Kinh. Tháng 5 năm Tự Đức 34, là năm 1881, tôi dâng Điều Trần xin nhà nước ở với nước Pháp cho phải lẽ hơn kẻo sinh sự khó. Khi ấy vì một hai ông quan có lòng ghét người Tây dã tây Vua rằng tôi ở hai lòng, mà xin cách chức, mà giao về quan tỉnh Hà Tĩnh quản thúc. Khi ra Hà Tĩnh vì các quan biết tôi có lòng trung mà mắc tội oan nên ở với tôi lịch sự lắm, tôi muốn đi đâu mặc ý”.

“Về Hà Tĩnh được 5 tháng thì Đức cha sai tôi ở xứ Kẻ Nhím(1882). Trong năm ấy tôi về nhà quê xây lăng cho mẹ tôi và làm nhà cho anh tôi. Sang năm 36, là năm 1883 thì tôi khẩn đất xã Mỹ Khê cho bà con nhờ. Đến mồng 6 tháng 10 năm ấy tôi được thư và Sắc cùng Ngôi sao(décoration de l’Ordre Isabelle Catholique) Quan Thủy Bộ Thượng thư nước Tây Ban Nha gửi sang cho tôi phần thưởng nước ấy thưởng tôi. Đến tháng 10 năm Kiến Phúc thứ nhất , là tháng 10 năm 1884 Bộ lại đòi tôi vào Kinh làm Bang Biện Hành Nhâm Ty. Tháng chạp năm ấy thì Bộ sai vào Sài Gòn mà mua sách Tây. Đến tháng 2 Hàm Nghi nguyên niên, về Kinh, sang tháng ba thì Cơ mật sai về Nghệ An mà bàn với Đức cha Hòa một hai việc cho được đi Tây. Khi về Nghệ An là tháng 5 năm 1885 tôi ở nhà chung hai tháng thì Bộ tư đòi vào Kinh, đến Hà Tĩnh là 26 tháng 5 vừa được tin Kinh đô thất thủ, khi ấy tôi cũng cứ đi vào đến Kinh là mồng 8 tháng 6, song còn ở lại nhà mẹ cháu tôi tại họ Đốc Sơ gần thành, đến mồng 3 tháng 7, quan Cơ Mật và quan Khâm Sứ tư xin Đức cha Hòa cho tôi làm việc, thì tôi mới chịu vào Thương Bạc. Đến tháng tám năm ấy(1885) thì lên chức Hồng Lô Tự Khanh, kiêm chức Tham biện việc cơ mật. Đến tháng 9 năm ấy thì Vua cho anh tôi chức Lục phẩm tại gia cùng hai con anh tôi làm ấm tử khỏi bua quan lính tráng và thuế thân. Tháng 11 Vua cho tôi được xuân phục, đồng phục như Quan Nhất phẩm, tháng chạp thì cho vào tâu miệng cho mau khỏi phải sớ sách, lại ban lời dụ mà khen cùng ban Thẻ Vàng khắc bốn chữ Trung Cần Thể Quốc, khi ấy quan lớn Bộ Lễ và Nội Các rước dụ cùng Thẻ Vàng cách trọng thể ra nhà tôi ở mà ban cho tôi”.

“Vua cũng truyền thông lục dụ ấy ra khắp cả nước cho người ta biết ơn trọng Vua ban cho tôi, song tôi nghĩ chưa mấy người hiểu lẽ phải mà lục dụ ấy thì sinh nhiều điều không tiện cho Nhà nước, nên tôi đã tâu xin đừng thông lục dụ ấy thì Vua cũng ưng.”

“Đến tháng giêng năm Đồng Khánh nguyên niên, là 28 tháng giêng năm 1886, thì lên chức Lễ Bộ Thị Lang mà kiêm việc cơ mật cùng Quản Hành Nhân Ty, đến tháng 3 năm ấy thì Vua ban tượng của vua cho”.

“Sang tháng tư tôi xin Vua thôi việc Cơ Mật, Vua giao Triều đình xét mà không cho, Người đặt tôi làm Quan Phụ Tế Đại Thần cùng ban gươm vàng và áo Ngự Tiền Phụ Tế. Ra đến tỉnh Quảng Trị huyện Chiêu Linh thì tôi kiếu bệnh mà về, Vua cũng cho nhưng Người châu phê: khi có chỉ đòi thì vào Kinh mà làm việc. Ngày mồng 1 tháng 7, là 31 tháng 7 năm 1885, tôi trở về Kinh mà dọn các đồ mà về Nghệ. Ở Kinh mà về là 31 tháng 9 đến 19 tháng ấy là 22 tháng 8 là đến Nhà Chung. Ở lại Nhà Chung ít ngày rồi về nhà quê, tháng giêng năm Đồng Khánh thứ hai, là tháng 2/1887, tôi xin Bề Trên mà tạo đất xã Đông Ấp mà lập họ Phương Tân cùng đem nhà thờ họ ấy sang đó. Đén 27 thắng năm 1887, bề trên sai xuống mà ở lại tỉnh Hà Tĩnh mà lo việc xác cho bổn đạo, sang ngày 12 tháng 10 năm 1888 lại xuống xứ Trung Nghĩa thế cho cụ Huấn vì người đau. Ngáy 19 tháng 11 năm 1889, Bề trên sai ra lập xứ Yên Hòa thuộc huyện Quỳnh Lưu, tổng Hoàng Mai”.

“ Tháng 3 năm 1890, xã Vụ Duyệt nhượng cho tôi Trang Hộ và tôi lập một họ bổn đạo mới. Ngày 29 tháng 6, lập họ bổn đạo mới là Nhạc Sơn (làng Mít). Thành Thái nhị niên là tháng 5 ngày 21, là tháng 7 năm 1890 làng Hải Lễ và làng Dị Nậu nhượng cho tôi đất sát lè Ba Voi giáp địa phận hai làng ấy. Năm 1896, lập hai làng Đông Xuân, Du Xương, huyện Quỳnh Lưu. Từ tháng tư năm 1896 về sau, Bề trên sai vào Hà Tĩnh mà lo việc kiện đất Vĩnh Phước, Kỳ La, Nhượng Bạn. Tháng 3 năm 1897 thì lập xứ Trang Đình, khẩn đất Chính Trung, lập làng Huệ Hòa, khẩn và kiện Nham Xá lấy địa phận lại cho làng Tiếp Võ (bổn đạo mới). Năm 1898 đến năm 1899 tư bộ xin hưu trí (retraite), năm 1901(ngày mồng 2 tháng 3 Vua cho lên chức Tham Tri ( Honoraire premier assesseur du Ministère desristes) mà hưu trí”.

“Năm 1902, làm nhà thờ Yên Hòa rồi ngày 19 tháng 12 năm ấy rước Đức cha Trị ra làm phép. Sang năm 1903, khỉ sự làm nhà thờ Trang Hộ, đến ngày 11 tháng giêng 1906 Đức cha Trị làm phép”.

(Đến năm 1909, ngày mồng 5 tháng 12 cũng là ngày 23 tháng 10 năm Duy Tân, thứ ba Ngài qua đời giờ thứ 5 trước sáng tại Yên Hòa (Hoàng Mai). Đến năm Khải Định thứ… truy tặng hàm Thượng Thư Tước Hoàng Đế Nam).

 

                                                                       P.Hoằng

Bài viết do Hoàng Công Nga Sưu Tầm và biên khảo 

(*) Trích Sacerdos tháng 1 và tháng 2 năm 1936

Read 4731 times Last modified on Thứ sáu, 18 Tháng 9 2015 16:33