Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 26 Tháng 8 2019 07:28

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (26/8) đến CN XXII-TN Năm C (01/9)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (26/8) đến CN XXII-TN Năm C (01/9)


Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Mt 23:13-22 (Thứ 2, XXI-TN)

13 Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. (14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn).15 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.16 Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: "Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc."17 Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?18 Các người còn nói: "Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc."19 Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn?20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề.21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề.22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề."

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe lời ta thán và khiển trách của Chúa Giê-su về thái độ và lối sống giả hình của các Kinh sư và người Pha-ri-sêu bằng bốn hạn từ "khốn". Như vậy, sự khốn đốn và giả hình có mối tương quan hữu cơ với nhau.

Người ích kỷ, hẹp hòi... với người khác là người sống giả hình, sống đối nghịch với giá trị Tin Mừng, và như thế, họ sẽ gặp khốn đốn.

Người thiếu bác ái với người khác là người sống giả hình, sống không đúng với mục đích hiện hữu của họ, và như thế, họ sẽ gặp khốn đốn.

Người làm gương mù gương xấu, ảnh hưởng không tốt tới người khác là người sống giả hình, sống phản Ki-tô, và như thế, họ sẽ gặp khốn đốn.

Người dạy dỗ sai lệch và ngụy biện cho hành vy bất chính là người sống giả hình, sống phản lương tâm ngay chính, và như thế, họ sẽ gặp khốn đốn.

Giáo huấn của Chúa và Hội Thánh đòi buộc người Ki-tô hữu phải sống liêm chính, chân thật, rộng lượng, bao dung, bác ái và biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thi hành giáo huấn này. Bạn có bao giờ bị vướng vào những điều giả hình trên và tâm hồn cảm thấy khốn đốn, bất an? Nói cách khác, Lời Chúa hôm nay có giúp bạn canh tân lại ơn gọi Ki-tô hữu của mình không? Bạn phải làm gì để tránh những điều gây ra những khốn đốn trong tâm hồn bạn và tâm hồn người khác?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Tin Mừng Mt 23:23-26(Thứ 3, XXI-TN)

(Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên)

"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình" (Mt 23:23).

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay lại kể cho chúng ta nghe tiếp về những sự khốn đốn của các Kinh sư và người Pha-ri-sêu phải chịu vì thái độ và lối sống giả hình của họ. Những lời cảnh báo và khiển trách của Chúa đối với các Kinh sư và người Pha-ri-sêu nhắc nhớ chúng ta điều gì để sống Đạo tốt hơn?

Chúa không phủ nhận những hành vy tốt của các Kinh sư và người Pha-ri-sêu khi họ tuân thủ Lề Luật, nhưng Chúa nhấn mạnh tới nguyên lý nền tảng của Lề Luật là chân lý, lòng nhân và sự thành tín. Rất có thể đôi khi chúng ta cũng vướng vào những điều đi ngược với nguyên lý nền tảng này.

Vừa rồi, tôi gặp một phái đoàn gồm các sơ và y bác sĩ đi khám chữa bệnh và phát thuốc cho các bà con ở vùng sâu vùng xa, có cả người Kinh và người sắc tộc thiểu số. Trong quá trình làm việc, có một người nam trẻ, khỏe, người Kinh đến xin khám bệnh. Sau một thời gian chờ đợi và đến phiên mình, một sơ nói với anh ta hãy nhường cho những người già và trẻ em được khám bệnh trước, vì sau lưng anh ấy đang có người già và trẻ em đứng đợi. Anh ta đã giận dữ và xé tờ Giấy Khám Bệnh ngày trước mặt người nữ tu đáng tuổi chị của mình. Sơ ấy đã nói với anh ta: "Sao anh nóng tính vậy?!". Nếu là một Ki-tô hữu đích thực, anh ta sẽ tận dụng cơ hội này để thực thi đức ái Ki-tô giáo, Bài TM hôm nay gọi là "lòng nhân". Trong trường hợp này, một người ngoài Ki-tô giáo có thể thực thi đức ái tốt hơn anh ấy.

Một lần khác, có một người già đi xưng tội. Bà xếp hàng đứng cuối, chờ tới lượt mình. Đứng đợi lâu quá, bà mỏi chân, đau gối, đành ngồi xuống. Một người khác tới nâng bà đứng dậy, dẫn lên phía trên xin phép người đứng đầu hàng nhường vị trí của cô ấy cho bà cụ, nhưng họ nhận được câu trả lời bằng cái ngoắc đầu vô tâm. Đi lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để xin ơn tha thứ và bình an của Chúa. Ấy vậy mà, đôi lúc chúng ta thiếu quảng đại, bao dung, bác ái với người khác.

Còn nhiều trường hợp cụ thể khác liên quan tới việc thực hành đức ái Ki-tô giáo trong cuộc sống, chẳng hạn như xếp hàng chờ tới lượt, không chen lấn và tìm cách tiếm chỗ người đứng trước để được xếp đầu hàng, nói chuyện nhỏ ở nơi công cộng, không xả rác bừa bãi, bảo quản của công, v.v.. Tất cả những điều căn bản và nhỏ nhặt này đều giúp chúng ta thực thi đức công bình, bác ái và sự chân thực... như lời giảng dạy và ý muốn Chúa. Bạn nghĩ sao về điều này?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.LỄ THÁNH MONICA (27/8)

Tin Mừng Lc 7:11-17(Thứ 3, XXI-TN, Lễ Thánh Monica)

11 Bấy giờ, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! "14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! "15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người".17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ nhớ Thánh Nữ Monica, là Mẹ của Thánh Âu-tinh, và là Quan Thầy của những người mẹ Công giáo. Cả cuộc đời của thánh nữ là những lời cầu nguyện bằng nước mắt. Và chính những giọt nước mắt ấy đã khiến Chúa chạnh lòng thương người chồng ngang tàng và người con ngỗ nghịch của bà. Đoạn Lời Chúa hôm nay phần nào giúp chúng ta chiêm ngắm chân dung thánh nữ Monica qua hình ảnh Chúa làm cho con trai bà góa sống lại vì lòng thương xót của Người dành cho người mẹ góa bụa.

Trong phép lạ của đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta để ý ba động từ "nói". Động từ "nói" thứ nhất là của Chúa dành cho người mẹ góa bụa - "Bà đừng khóc nữa!", cũng là lời an ủi, một lời an ủi đem lại sức sống mới và hy vọng mới. Động từ "nói" thứ hai là của Chúa dành cho con trai bà góa - "Này người thanh niên, tôi bảo anh, hãy chỗi dậy", và lời nói này đem lại sự sống cho người chết. Động từ "nói" thứ ba là của con trai bà góa - "Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói", lời nói minh chứng cho sự sống và chính Đức Giê-su trao sự sống ấy lại cho người mẹ (Lc 7:15).

Ngày nay, chúng ta vẫn được nghe lời Chúa nói từ sách Kinh Thánh, cũng là lời sự sống, lời hy vọng, lời ủi an, lời thách đố... bởi lẽ có nhiều người đã được biến đổi từ Lời Chúa, có nhiều người tìm thấy niềm vui và an ủi từ Lời Chúa dù Lời ấy thách đố tâm hồn họ, có nhiều người tìm gặp niềm hy vọng từ Lời Chúa để vững bước theo chân Chúa vác thập giá, có nhiều người được chữa lành vì tin vào Lời Hằng Sống. Bạn có bao giờ kinh nghiệm những điều này chưa? Nếu bạn chưa kinh nghiệm về sức mạnh của Lời Chúa, trong giờ cầu nguyện sắp tới, bạn hãy xin Chúa ban cho bạn có được kinh nghiệm này nhé!

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhìn ngắm thánh nữ Monica qua cuộc đời của ngài. Bạn học được gì nơi thánh nữ? Bạn có nhận thấy thánh Monica là mẫu gương sáng cho bạn học và bắt chước khi đảm nhận vai trò của người vợ và người mẹ trong gia đình - một người đón nhận mọi khổ đau, sẵn sàng vác thập giá theo Chúa, hạnh phúc trong nước mắt để cầu nguyện cho chồng con được ơn hoán cải, kiên vững trong niềm tin và hy vọng vào Chúa để không chùn bước trước những giông tố của cuộc đời do chồng con gây ra? Bạn có thấy thương mẹ của bạn và những người đang làm mẹ không? Bạn sẽ làm gì cho mẹ của bạn bớt đau khổ hơn, và sẽ giúp gì cho những ai đang làm mẹ?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.LỄ THÁNH ÂU-TINH (28/8)

Tin Mừng Mt 23:8-12 (Thứ 4, XXI-TN, Thánh Âu-tinh)

8 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên."

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ nhớ thánh Âu-tinh, giám mục, một vị thánh lỗi lạc trong Giáo hội Cổ đại, một Giáo phụ đại thụ của Giáo hội thuở sơ khai đã dùng trí khôn ngoan Chúa ban để bảo vệ Giáo hội trước sự tấn công của các bè rối, và là một vị thánh ảnh hưởng rất lớn đến nên Thần học của Giáo hội trong mọi thời đại. Vì lẽ đó, Giáo hội chọn đoạn Lời Chúa trong Mt 23:8-12 để giúp chúng ta chiêm ngắm chân dung của ngài.

Kể từ Mt 23, chúng ta sẽ nghe những lời than trách của Chúa Giêsu đối với những kinh sư và người Pharisêu, đồng thời khuyên chúng ta đừng đi vào thói đời giả hình của họ. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nếu chỉ đọc đoạn Mt 23:8-12, chúng ta sẽ khó hiểu, nhưng nếu đọc đoạn trước đó, nghĩa là Mt 23:1-7, chúng ta sẽ dễ nắm bắt thông điệp của Chúa hơn. Đoạn Mt 23:1-7 nói về việc Chúa Giêsu bắt đầu khiển trách những kinh sư và người Pharisêu về sự đạo đức giả của họ. Chúa đưa ra nhiều hình ảnh minh họa về sự giả hình như nói mà không làm, đeo những hộp kinh thật lớn, mặc áo tua dài, ngồi chỗ nhất, thích được gọi là "ráp-bi". Kế đến, Chúa khuyên người môn đệ hãy sống và làm những điều ngược lại với các kinh sư và người Pharisêu đã sống và đã làm, đó là thái độ khiêm nhường trong phục vụ.

Những gì các kinh sư và người Pharisêu đã sống và hành động không phải là những điều xa lạ trong tâm trí và hành động của chúng ta, và những điều này đi ngược lại những giá trị Tin Mừng. Do đó, họ không thể là chứng tá cho Tin Mừng. Điều Chúa muốn người môn đệ là sống chứng tá cho Tin Mừng, và những đòi hỏi của Chúa đi ngược lại với bản tính tự nhiên của con người. Đây là thách đố lớn đối với mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta cũng mang trong mình dòng máu của sự tự cao và mầm mống của sự kiêu ngạo. Chỉ khi Lời Chúa thấm đượm trong tâm hồn chúng ta và mỗi người chúng ta mặc lấy thân phận tôi đòi của Chúa thì khi đó, dòng máu ấy sẽ được đổi thay, mầm mống ấy sẽ bị tiêu diệt, và chúng ta mới trở nên những người chứng vĩnh cửu cho Tin Mừng giữa thời đại chúng ta đang sống. Đây chính là hình ảnh của thánh Âu-tinh, một con người đã từng sống rất cao ngạo, nhưng khi ngài được Lời Chúa thấm vào xương tủy thì mọi sự đổi khác. Ngài đã trở nên một con người tự hủy và một mục tử nhân lành như Chúa Giêsu, tựa như lời khuyên dạy của thánh Phaolô dành cho chúng ta: "Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu" (Pl 2:5). Tâm tình của Chúa Giêsu là tâm tình gì? Đó là tâm tình tự hủy: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2:6-8).

Bạn có cảm thấy bị thách đố khi nghe Lời Chúa hôm nay không? Đâu là phương thế giúp bạn trở nên những người phục vụ bé nhỏ, khiêm tốn giữa những người khác? Bạn học được gì nơi chân dung của thánh Âu-tinh?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Mc 6:17-29 (Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết, 29/8)

(Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên)

17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,18 mà ông Gio-an lại bảo: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! "19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con."23 Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được."24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây? " Mẹ cô nói: "Đầu Gio-an Tẩy Giả."25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm."26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô.27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Bạn thân mến,

Con người không chỉ sợ sự thật, nhưng còn sợ làm chứng cho sự thật. Tuy thế, không phải ai cũng như vậy. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy tấm gương làm chứng cho sự thật của thánh Gioan Tẩy Giả, đến nỗi phải đánh đổi bằng chính tính mạng của ngài. Đây là niềm hy vọng của mỗi người chúng ta và là sự khích lệ để can đảm bảo vệ và làm chứng cho sự thật.

Thánh Gioan Tẩy Giả khuyên nhà vua không nên lấy vợ của anh mình, vì đó là sự loạn luân. Lời khuyên này không làm hài lòng vua Hê-rô-đê và dục vọng của ông cũng như của người vợ anh trai vua. Vì thế, khi cơ hội trả thù tới, Thánh Gioan đã phải từ giã cõi đời và sứ mạng "tiền hô" của ngài bởi nhát đao bất công và sợ hãi.

Chúng ta hãy chú ý ba thái độ của ba nhân vật gây ra cái chết của Thánh Gioan. Thứ nhất, con gái bà Hê-rô-đi-a có một thái độ của một người thiếu trưởng thành và là nạn nhân của "trò chơi bất công" của người lớn. Cô bé được vua yêu thích và ban thưởng, nhưng chẳng biết phải quyết định lãnh nhận phần thưởng ấy ra sao, nên hỏi mẹ. Giá mà cô bé trưởng thành, giá mà cô bé đơn sơ xin nhà vua ban cho một vật châu báu nào đó thì cô đã không trở nên một kẻ đồng lõa với sự dữ. Thứ hai, mẹ của cô đang có sẵn mối thù với người dám nói lên sự thật làm mất lòng bà, nên có một thái độ trả thù nhẫn tâm và sự phản giáo dục đối với con gái. Không biết cô bé này lớn lên sẽ ra sao khi có một người mẹ không biết giáo dục con qua tình yêu thương con người và sự trong sạch của người mẹ?! Thứ ba, sau khi nghe lời đề nghị được thưởng "cái đầu của ông Gioan đặt trên mâm", vua Hê-rô-đê buồn rầu. Ông nhận ra sự bất công và xảo trá, nhưng ông không dám đương đầu với nó. Ông chấp nhận và cộng tác với bất công để sống cho bản thân mình và đối diện với sự giằn xé lương tâm.

Với ba thái độ trên, bạn có nhận thấy đôi khi chính chúng ta cũng thường phạm phải những sai lầm như ba nhân vật trên? Bạn sẽ làm gì để dám đứng về phía công lý và sự thật diễn ra trong cuộc sống hằng ngày?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 25:1-13 (Thứ 6, XXI-TN)

"Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi! "7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! "9 Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn."10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! "12 Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Bạn thân mến,

Tin Mừng Mt 25 vẫn nằm trong phần bài giảng của Chúa Giê-su về thời cánh chung của nhân loại. Đây là đoạn TM khá nổi tiếng, thường được Giáo hội sử dụng trong việc mời gọi các Ki-tô hữu cộng tác thực thi Đức Ái Ki-tô Giáo, giúp đỡ những người nghèo khổ. Đoạn Lời Chúa hôm nay kể về dụ ngôn "Mười Cô Trinh Nữ" của Chúa Giê-su với một thông điệp rõ ràng là chúng ta hãy canh thức trong từng thời khắc của cuộc sống hằng ngày để luôn sẵn sàng và hạnh phúc đón Chúa đến. Chúng ta phải canh thức như thế nào?

Chúa kể cho chúng ta nghe về mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể, trong đó có năm cô dại và năm cô khôn. Năm cô dại không chuẩn bị dầu đầy đủ, nên khi chàng rể chưa tới thì dầu trong đèn của các cô đã cạn. Còn năm cô khôn thì chuẩn bị dầu đầy đủ, nên khi chàng rể tới đèn dầu của các cô vẫn cháy sáng, tự tin và vui tươi đi đón chú rể. Như thế, năm cô dại đã không biết cách canh thức, nói cách khác, các cô đã không thể đi đón chàng rể, không thể canh thức, là vì đèn các cô thiếu dầu, vì các cô không có sự chuẩn bị chu đáo. "Canh thức" đồng nghĩa với việc chuẩn bị dầu đầy đủ. Dầu của chúng ta là gì?

Phải chăng "dầu của chúng ta" là các nhân đức Ki-tô giáo, đặc biệt là nhân đức Tin-Cậy-Mến? Dầu trong ngọn đèn đức tin của chúng ta vẫn còn hay đã cạn kiệt? Dầu trong ngọn đèn yêu thương của chúng ta vẫn cháy bừng nóng bỏng hay đã nguội lạnh khô khan? Dầu trong ngọn đèn hy vọng của chúng ta vẫn lóe sáng hay đã lịm tắt? Cụ thể hơn chúng ta có quảng đại trong việc phục vụ và giúp đỡ người nghèo khổ, túng quẫn và bi ai... không?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết sống và thực thi các nhân đức Ki-tô giáo, luôn biết chuẩn bị cho tâm hồn mình những loại dầu cần thiết để đi đón Chúa mọi lúc mọi nơi trong sự tự tin và hân hoan.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 25:14-30(Thứ 7, XXI-TN)

14 "Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây."21 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây."23 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! "26 Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện dụ ngôn "Những Yến Bạc" của Chúa Giê-su. Chuyện thế này, số là một ông chủ nọ có ba người đầy tớ. Trước lúc đi xa, ông gọi ba người đầy tớ lại trao cho mỗi người một số tiền khác nhau: năm nén, hai nén và một nén. Người được trao năm nén sinh lợi được năm nén khác. Người được trao hai nén sinh lời được hai nén khác. Người được trao một nén thì chẳng sinh lợi được nén nào vì anh ta sợ hãi, hèn nhát. Khi ông chủ về, ông hỏi từng người về số tài sản ông đã trao phó. Thế là người không sinh lời được đồng nào đã bị trừng phạt.

Đọc đoạn Lời Chúa này xong, tôi tự hỏi tại sao người thứ ba không thể làm cho tài sản của ông chủ sinh hoa lợi, còn hai người khác thì làm được? Trong trường hợp, cả ba người trên đều không làm cho số tiền ông chủ giao được sinh hoa lợi, thậm chí làm ăn thất bại..., ông chủ sẽ xử lý thế nào? Hoặc giả sử người thứ nhất và thứ hai làm việc cật lực để sinh lời số tiền được giao, nhưng chẳng may, họ thất bại vì không biết kinh doanh, thì việc gì sẽ xảy đến với họ khi ông chủ trở về? Như thế, đâu là thông điệp Chúa muốn gửi tới chúng ta qua câu chuyện dụ ngôn này?

Để gửi tới các bạn suy tư nhỏ bé của mình về thông điệp của Chúa trong đoạn Lời Chúa hôm nay, tôi xin tưởng tượng một chuyện dụ ngôn khác như một chia sẻ về một cái nhìn khác trong câu chuyện dụ ngôn Những Yến Bạc:

Một ông chủ kia có ba người đầy tớ trình độ hiểu biết và năng lực khác nhau. Người thứ nhất thuộc sắc tộc thiểu số, ít học, kém văn minh (sống trong rừng rú, không hiểu biết nhiều về thế giới văn minh và khoa học kỹ thuật...). Người thứ hai đang học cấp II thì nghỉ học, nên cũng đủ trí khôn để biết cách làm ăn sinh sống giữa đời. Người thứ ba đã học xong cấp III (Tú Tài), nghĩa là có thể vừa làm vừa học giữa đời, nên cơ hội thành công và trở thành một ông chủ của anh này khá cao. Một ngày nọ, ông chủ gọi cả ba anh đến để giao việc trước lúc ông đi xa. Ông muốn tạo cơ hội cho cả ba người biết mưu sinh kiếm sống và trở nên những người thành đạt giống như ông. Ông chủ giao cho người thứ nhất một trăm triệu, người thứ hai tám mươi triệu, người thư ba năm mươi triệu. Ông dặn rằng: "Các anh hãy đi khỏi nhà tôi với số tiền này, tự tìm cách làm ăn sinh sống. Năm năm sau tôi sẽ gặp lại các anh. Ai làm tốt, tôi sẽ thưởng". Nói thế rồi, ông chủ tạm biệt các anh đi xa. Thời gian thấm thoát trôi, năm năm qua đi tựa thoi đưa, ông chủ quay về gặp các đầy tớ và hỏi thăm từng người một. Người thứ nhất nói với ông chủ: "Thưa ông chủ, một trăm triệu ông giao cho tôi làm ăn, tôi đã dùng nó để mua giống càfé về trồng. Ngày ngày tôi vất vả đi bón phân, xịt thuốc, tưới tiêu. Thế nhưng, thời tiết gần đây trở nên khắc nghiệt, cây cối không sinh hoa kết quả như mong muốn. Tôi đã bị mất mùa. Thu hoạch được rất ít càfé, lại bị các mối lái ăn chặn, nên không có lời, thậm chí bị lỗ. Nay tôi xin nhận tội trước ông chủ." Ông chủ nghe thấy thế liền nói: "Hỡi người đầy tớ cần cù và chân thật, tôi biết anh đã không lười biếng, ngược lại vất vả gieo trồng không quản ngày đêm mưa nắng. Tôi không trách anh. Tuy nhiên, đây là bài học rất lớn dành cho anh trong việc tìm kế mưu sinh. Anh tiếp tục được ở với tôi và làm việc cùng tôi." Người thứ hai tiến lại bên ông chủ và thưa rằng: "Thưa ông, tôi đã dùng số tiền ông đưa đem đi mua gà và heo giống về nuôi. Tôi đã học được cách thức chăn nuôi và đã thành công. Vì thế, hôm nay tôi đã có một số vốn khá lớn để làm ăn, đến nỗi tôi có thể khuyếch trương trại chăn nuôi thành một nông trại to lớn. Tôi rất biết ơn ông. Bây giờ, tôi xin giao hết lại cho ông để ông định đoạt". Ông chủ nghe những kết quả tốt đẹp như thế cảm thấy rất vui và mãn nguyện, liền nói: "Tôi rất hài lòng về anh. Anh có tài năng và biết học hỏi, cũng như cần cù lao động. Tôi tín nhiệm anh, cho phép anh khuyếch trương trại chăn nuôi thành nông trại và giao cho anh quyền quản lý nông trại này. Hãy cố gắng phấn đấu và làm tốt việc tôi giao." Người thứ ba tiến đến và quỳ dưới chân ông chủ, khóc lóc và thưa rằng:"Ông chủ ơi, tôi xin lỗi ông. Số tiền ông giao, tôi đã làm ăn thua lỗ tất cả." Ông chủ hỏi:"Anh đã dùng tiền vốn để làm gì? " Anh ta đáp: "Tôi đã mở một tiệm bán quần áo. Tuy nhiên, những người tới mua hàng toàn là những người nghèo khổ. Có người chỉ đủ tiền trả giá vốn của món hàng. Có người không đủ tiền mua. Tôi đã bán cho họ, dù biết làm như thế, tôi sẽ bị thâm hụt vốn. Nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi nhìn thấy những người anh em đồng loại phải sống trong thiếu thốn và không đúng phẩm giá của một con người. Tôi xin lỗi ông. Xin ông cứ phạt tôi. Tôi cam lòng chịu tội." Ông chủ nghe thấy thế, bèn an ủi anh: "Không sao, tôi hiểu tâm hồn anh. Anh thất bại không phải vì anh không có tài hoặc lười biếng lao động, nhưng vì anh quá thương người. Tôi vẫn nhận anh tiếp tục làm việc trong nhà tôi."

Cả ba người trên, mỗi người một vẻ, thành công và thất bại đều có. Tuy nhiên, ông chủ không trách phạt một ai. Ngược lại, ông vẫn thưởng công xứng đáng cho những ai biết cách sinh lời từ đồng vốn ông trao. Vấn đề căn bản của ba loại người này là họ đều yêu mến ông chủ và nỗ lực làm việc. Vì thế, ông chủ đón nhận cả ba người và đỡ nâng cả ba. Cũng vậy, những ai đi theo Chúa Giê-su và làm công việc của Thiên Chúa với lòng yêu mến Người và bằng một thái độ làm việc chăm chỉ, thì dù kết quả thế nào, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chọn gọi họ.

Hơn nữa, phải chăng Chúa Giê-su cũng muốn nhắn gửi những người giàu có, những người đang nắm giữ hoặc quản lý tài sản của Chúa, hãy quảng đại chia sẻ số tài sản ấy cho người nghèo khó, vì như thế, họ được Chúa cho thêm và có dư thừa; còn những người keo kiệt, hẹp hòi... không những chẳng thu thêm được gì, mà còn bị tước hết số tài sản đang có (gặp hoạn nạn, bệnh tật...)? Bạn nghĩ sao?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 14:1.7-14 (CN XXII-TN Năm C)

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay chủ yếu khuyên chúng ta có những cách hành xử khiêm tốn qua hai câu chuyện minh họa cụ thể.

Câu chuyện thứ nhất là một dụ ngôn về việc ngồi chỗ cuối khi tham dự tiệc cưới. Chúa Giê-su kể về những người đi dự tiệc cưới thích ngồi chỗ nhất, để rồi họ bị mời đi chỗ khác, kém vinh dự hơn. Ngược lại, những người chọn chỗ ngồi kém vinh dự thì được mời vào chỗ vinh dự nhất. Rõ ràng, sự khiêm tốn thể hiện qua việc chọn lựa chỗ ngồi cuối, dành cho những người bình dân; và người khiêm tốn là người ý thức mình là ai, chân thành đón nhận địa vị mình đang có như mình là.

Câu chuyện thứ hai là lời góp ý của Chúa Giê-su đối với chủ nhà, những người đã mời Chúa tới dùng bữa, đó là khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó. Điều này cũng thể hiện một tinh thần khiêm tốn, làm bạn với người nghèo khổ, không mưu cầu danh lợi cho riêng mình vì người nghèo không có gì để đáp lễ, không tính toán so đo hơn thiệt.

Chiêm ngắm hai mẩu chuyện trên, bạn có nhận thấy mình bị rơi vào trường hợp của những người thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc không? Bạn thích làm bạn với người giàu sang và có địa vị cao, hay thích làm bạn với người nghèo khổ và bình dân? Bạn nghĩ gì về sự khiêm nhường mà Chúa mong muốn nơi con cái của Người? Đâu là những khó khăn, thách đố của bạn trong việc thực thi đức khiêm nhường?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD, SJ

Read 13839 times