Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 09 Tháng 5 2020 15:40

Số 40 và lễ Phục Sinh mới

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  SỐ 40 VÀ LỄ PHỤC SINH MỚI

Trong Thánh Kinh, ai nào đó hơn một lần ngâm cứu hay lắng nghe một chút thì để ý đến các con số. Các con số đặc biệt mà nhiều người để ý là 3, 12 và 40. Có rất nhiều biến cố khác nhau trong Kinh Thánh liên quan đến con số 40. Theo các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, ta thấy con số 40 xuất hiện 146 lần trong Kinh Thánh.

Có nhiều ý nghĩa khác nhau liên quan đến con số này, nhưng nổi bật lên, con số 40 nói đến một thời gian dài. Đó có thể là thời gian của thử thách, thời gian của thanh luyện, hay đó cũng là thời gian của sự chờ đợi để bắt đầu một điều mới mẻ, tốt đẹp.

Con số 40 trong Kinh Thánh mang nhiều ý nghĩa sâu xa khác trong đời sống tôn giáo của dân Do Thái ngày xưa. Và dĩ nhiên cũng liên quan đến đời sống phụng vụ người Kitô hữu ngày nay.

Con số 40 xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh là nạn Hồng thủy kéo dài 40 đêm ngày thời ông Noê (St 7,4, 12, 17, 8;6). Qua chuyện này, ta thấy lúc đó dân mặt đất đã ra hư hỏng và Thiên Chúa muốn làm một cuộc gột rửa trái đất để mắt đầu sự sống mới. Gia đình Nôê là những người đẹp lòng Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chỉ dạy cho họ biết phải làm gì để được cứu sống.

Dính dự đến Môsê vì Môsê là người đã dẫn dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập để đến vùng đất tự do Thiên Chúa hứa ban cho dân Israel. Ông Môsê đã sống 40 năm bên Ai Cập, sau đó ông sống 40 trong vùng sa mạc trước khi được Thiên Chúa kêu gọi làm người đứng đầu trong hành trình thoát ách nô lệ Ai Cập của người dân Israel. Ông là người đại diện dân Israel lên núi để nhận Mười điều răn và ông ở trên đó với Thiên Chúa 40 ngày đêm (Xh 24, 18). Ông cũng là người ra lệnh những người thăm dò vùng đất mới dân Israel sẽ tiến vào. Những người được sai đi mất 40 ngày đêm để thăm dò vùng đất đó (Ds 13, 25).

Hết sức đặc biệt, sau khi vượt qua Biển Đỏ thoát ách nô lệ Ai Cập, dân Israel đã phải sống trong sa mạc, loanh quanh trong đó đến 40 năm mới được vào đất hứa. Đây là thời gian Thiên Chúa dạy dỗ dân của Ngài. Đây là thời gian thử thách, thời gian chờ đợi để chuẩn bị bước vào vùng đất tự do, vùng đất của lời hứa. Con số 40 này cũng mang ý nghĩa một thế hệ qua đi, thế hệ đã kêu trách Thiên Chúa họ không được vào Đất Hứa.

Con số 40 cũng phần nào dính dự đến cuộc đời của các ngôn sứ: Ngôn sứ Êlia phải đi 40 ngày đêm đến núi Horeb trú ẩn vì hoàng hậu Elizabeth cho quân lính lùng bắt (1V18, 19). Ngôn sứ Giôna kêu gọi dân thành Ninivê ăn chay 40 ngày đêm để tỏ lòng sám hối vì những lỗi lầm đã phạm (Gn 3,1-10)

Và khi đến Kinh Thánh Tân Ước, ta thấy Thánh Kinh còn ghi : Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày để bắt đầu một sứ vụ loan báo Tin Mừng (Lc 4, 1-13) Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra và ở lại với các môn đệ của Ngài trong vòng 40 ngày, sau đó Ngài về trời (Cv 1, 3-9).

Hàng năm, trong lịch phụng vụ, ta thấy Hội thánh Công giáo cử hành Mùa Chay 40 ngày để bước vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và đón mừng niềm vui của đại lễ Phục Sinh, niềm vui của chiến thắng.

Và ta cứ tưởng chuyện Kinh Thánh là chuyện xa xưa, chuyện cổ tích như các cô giáo hay kể cho các cháu mầm non : "Cô kể cho các con câu chuyện này, xưa thiệt là xưa, xưa ơi là xưa ...". Kinh Thánh vẫn mới và mới trong từng ngày sống của nhân loại, của mỗi chúng ta dẫu rằng được viết ra hơn 20 thế kỷ.

Nhìn lại dòng chảy của lịch sử cứu độ, ta vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh của một Đavit như thế này như thế kia ... Ta vẫn bắt gặp hình ảnh của tông đồ đoàn như thời Chúa Giêsu vậy. Dù sống chung với Thầy nhưng toan tính tìm chỗ nhất chỗ nhì trong Vương Triều của Thầy. Tiếc thay lại vô cảm vì không biết Thầy để Thầy phải nói : "Này anh Philipphê, anh ở với Thầy bấy lâu mà anh không biết Thầy sao ?"

Và, con số 40 ngày qua dường như rất thiết thực trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

40 ngày qua không đến Nhà Thờ dự Thánh Lễ như bình thường mà phải qua màn hình điện thoại hay vi tính.

40 ngày qua không được rước Mình Thánh Chúa vào lòng

40 ngày qua không được đến với Chúa một cách tự nhiên như trước

Và, trong sự trải nghiệm của 40 ngày, mỗi người sẽ có những tâm tình khác nhau. Thế nhưng rồi vẫn có mẫu số chung đó là 40 ngày trong lặng lẽ, trong gẫm suy của cuộc đời.

Phải chăng thời gian 40 ngày qua là thời gian mà Thiên Chúa muốn dạy dân Ngài như xưa dạy dân Do Thái 40 năm trong sa mạc. Phải chăng 40 ngày qua là 40 ngày mày Chúa muốn con cái nhìn lại đời sống đức tin của mình, nhìn lại tương quan giữa mình với Thiên Chúa và anh chị em đồng loại nhất là với những người thân trong gia đình cùng sống trong mái ấm. 40 ngày qua phải chăng là điều Chúa muốn nói với mọi người hãy suy nghĩ nhiều hơn về phận người, nhất là phận mỏng giòn mong manh dễ vỡ. 40 ngày qua phải chăng là 40 ngày Chúa nói rằng tất cả con người không làm gì được mà chỉ mình Thiên Chúa mới là chủ trái đất này thật sự mà thôi.

Hôm nay, khi mọi người được trở lại Thánh Đường, được trở lại tham dự Thánh Lễ thì phải chăng là mừng Lễ Phục Sinh mới hay không ? Dễ hiểu là 40 ngày qua, đặc biệt trong ngày Đại Lễ Phục Sinh, mọi người cứ âm thầm và lặng lẽ trông ngóng ngày Phục Sinh.

Cùng với Giáo Hội, ta mừng Lễ Phục Sinh mới cách long trọng và ý nghĩa. Xin Chúa Phục Sinh cho chúng ta cởi bỏ con người cũ và bước vào đời sống mới cùng với Đức Kitô Phục Sinh. Xin cho chúng ta hãy trở nên chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh của Chúa ngay trong thực tại hàng ngày của chúng ta.

Xin cho mỗi người chúng ta biết bỏ đi những cái cũ, những cái gì là cản trở tương quan của ta với Chúa và anh chị em chúng ta. Xin cho chúng ta luôn sống tâm tình trong mầu nhiệm Mân Côi thứ hai mùa Mừng : "Chúa đã sống lại thật xin cho được sống lại thật về phần linh hồn" nghĩa là đừng sống theo cảm nghĩ xác thịt nữa mà hãy hướng, hãy chuyên chăm lo phần hồn của mỗi người chúng ta.

Và xin Chúa cho chúng ta biết yêu thương và phục vụ anh chị em chúng ta như Chúa đã yêu thương và phục vụ chúng ta trong cuộc sống đời thường của chúng ta.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã sống lại thật Halleluia

Và ta cùng với Mẹ để thưa rằng :

Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng Halleluia

và ta tiếp tục với lời xin : Xin cầu cùng Chúa cho chúng con – Halleluia. Xin Mẹ hiệp lời cầu xin để cho cơn đại dịch mau qua, cho mọi người được bình an và nhất là xin cho mỗi người hãy làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng đời sống của mỗi người Kitô hữu.

Người Giồng Trôm

Read 614 times Last modified on Thứ hai, 11 Tháng 5 2020 06:41