TMĐP- Qua lòng trông cậy vào lòng thương xót của Chúa từ đời nọ tới đời kia trên những ai kính sợ Người (x. Lc 1,50), Đức Maria đã quả cảm cưu mang Đấng mang lấy tất cả ‘bệnh tật, đau khổ, yếu đuối, và gánh trên vai tội lỗi, hình phạt của mọi người, để “làm cho muôn người nên công chính” (x. Is 53,4-11).
Cuộc gặp gỡ thứ nhất được sách Sáng Thế diễn tả: “Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải ngươi đã ăn trái cây là Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”… (St 3, 8,13)
Cuộc gặp gỡ thứ hai được Tin Mừng Luca ghi lại: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì. Sứ thần liền nói : “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao … Bà Maria thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chú. Kià bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói ..” (Lc 1, 26-38).
Tuy cùng là gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng hai cuộc gặp gỡ hoàn toàn khác nhau:
Nếu Ađam và Evà trong vườn địa đàng không muốn gặp Thiên Chúa, và cả hai đã trốn vào bụi cây để khỏi giáp mặt Ngài, thì Đức Maria đã ân cần đón tiếp sứ thần của Thiên Chúa vào nhà mình; nếu Ađam, Evà đã sợ hãi tột cùng khi nghe tiếng Chúa gọi và hỏi : “Ngươi ở đâu?”, thì Đức Maria đã được sứ thần Thiên Chúa chào với niềm vui của Thiên Đàng: “Mừng vui lên!”; nếu Thiên Chúa đã để mặc Ađam, Evà run rẩy khi trả lời Ngài, thì Đức Maria đã được sứ thần Thiên Chúa trấn an: “Xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”; nếu Ađam, Evà đã sợ hãi vì trần truồng , và vì trần truồng nên lẩn trốn, thì Đức Maria đã được sứ thần Thiên Chúa trân trọng kính chào là “Đấng đầy ơn phúc”; nếu Ađam, Evà đã bị Thiên Chúa gay gắt hạch hỏi, thì Đức Maria đã được Thiên Chúa sủng ái và ở cùng; nếu Ađam, Evà đổ tội cho nhau,và cay đắng tố cáo nhau, thì Đức Maria đơn sơ, chân thành, tín thác thưa “Xin Vâng” với sứ thần, và khiêm tốn nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa.
Bầu khí của hai cuộc gặp gỡ cũng hoàn toàn khác nhau: cuộc gặp gỡ thứ nhất sầu buồn, ảm đạm bao nhiêu thì cuộc gặp gỡ thứ hai phấn khởi, hân hoan, vui mừng bấy nhiêu; lần gặp thứ nhất sợ hãi, thất vọng bao nhiêu, thì lần thứ hai tin tưởng, hy vọng bấy nhiêu; lần gặp thứ nhất bao phủ mầu tang tóc, trừng phạt bao nhiêu, thì lần gặp thứ hai thương yêu, tràn đầy ơn lộc và sự sống của Thiên Chúa bấy nhiêu.
Quả thực, không có điểm tương đồng giữa Ađam, Evà và Đức Maria khi gặp gỡ Thiên Chúa, bởi vì cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của Đức Maria là cuộc gặp gỡ cứu độ, giao hoà, hàn gắn, trong khi cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của Ađam, Evà là cuộc gặp gỡ đổ vỡ, trừng phạt, xua đuổi (x. St 3,24); cuộc gặp gỡ của Đức Maria là cuộc gặp gỡ của niềm vui ơn cứu độ, của tình nghiã cha con, của tương quan Đấng Chủ Tạo yêu thương và thụ tạo trung tín, vâng phục, trong khi cuộc gặp gỡ của Ađam, Evà là cuộc gặp gỡ gượng gạo, bất đắc dĩ, sợ hãi vì nặng nề mặc cảm bất trung phản bội.
Sở dĩ khác nhau trong tất cả và từng chi tiết, vì cuộc gặp gỡ của Đức Maria với Thiên Chúa, qua sứ thần của Ngài đã thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại của Thiên Chúa khi ông bà nguyên tổ Ađam, Evà phạm tội bất trung, không vâng lời Thiên Chúa. Qua cuộc gặp gỡ Đức Maria, và nhờ lời Xin Vâng của Mẹ, Thiên Chúa đã thực thi điều Ngài nói với Rắn Satan : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15)
Vâng, Đức Maria qua lời Xin Vâng của nữ tỳ khiêm hạ, tín thác trước Thiên Chúa trong lần gặp gỡ sứ thần Gaprien đã xoá đi hình phạt dành cho con người kiêu căng, bất trung, phản bội mà Thiên Chúa đã tuyên bố trong lần gặp Ađam, Evà sau khi ông bà phạm tội (x. St 3); qua niềm tin vào Thiên Chúa, mà với Ngài “không có gì là không thể làm được”, Đức Maria đã đập tan nỗi sợ hãi, và mặc cảm trần truồng, tội lỗi của nhân loại vì đã nghe lời Satan, và thay vào đó bằng vâng phục, yêu mến Đấng Thiên Chúa sai đến trong thế gian để cứu độ thế gian, mà Mẹ đã hạnh phúc đón nhận vào cung lòng mình vì tin lời sứ thần truyền: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).
Sau cùng, qua lòng trông cậy vào lòng thương xót của Chúa từ đời nọ tới đời kia trên những ai kính sợ Người (x. Lc 1,50) , Đức Maria đã quả cảm cưu mang Đấng mang lấy tất cả ‘bệnh tật, đau khổ, yếu đuối, và gánh trên vai tội lỗi, hình phạt của mọi người, để “làm cho muôn người nên công chính” (x. Is 53,4-11).
Jorathe Nắng Tím