Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 04 Tháng 7 2021 08:34

Thiên Chúa của lời hứa và Thánh Giá vâng phục

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  THIÊN CHÚA CỦA LỜI HỨA VÀ THÁNH GIÁ VÂNG PHỤC

TMĐP- Chúng ta không nên “đánh lận con đen”, hoặc nhập nhằng giữa “Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự Ngài muốn, hủy bỏ mọi sự khi Ngài muốn, sáng tạo những gì Ngài muốn trên những con người Ngài muốn” và Thiên Chúa luôn trung tín với Lời Hứa của Ngài, luôn giữ Lời Ngài đã phán, luôn thành tín với người Ngài đã kết ước, nhưng cần nằm lòng chân lý: Thiên Chúa toàn năng, nhưng không nuốt lời đã hứa, không hủy bỏ Giao Ước đã ký kết, và không bao giờ tự mâu thuẫn trong ý muốn và việc làm của mình.

Một vài chia sẻ sau khi xem live stream của Nhà Chúa Cha ngày 01.07.2021

Thật lòng thì người viết không muốn chia sẻ thêm về Nhà Chúa Cha, mà dành thời gian viết về mầu nhiệm Giáo Hội, như quý Bạn đã thấy video clip số một, mở đầu chuỗi bài suy tư về Giáo Hội với tựa đề “Trước Cao Trào Chống Phá Giáo Hội” vừa được gửi đến quý Bạn ngày 01.07.2021 trên trang mạng Tin Mừng Đường Phố, bởi những gì cần chia sẻ về Nhà Chúa Cha, thì người viết đã chia sẻ rồi, những gì cần làm sáng tỏ liên quan các mặc khải mới của Nhà Chúa Cha, thì người viết cũng đã cố gắng thực hiện.

Nhưng sau khi xem live stream mới nhất của Nhà Chúa Cha, trong đó quý cha Đaminh Truyền, cha Phaolô Tuyến , cha Martinô Tuấn, cha Phêrô Đoài, chị Thiên Thương, Sơ Lành và anh Vân Anh gián tiếp khai triển điều người viết tuy đã có đề cập nhưng chưa đào sâu đủ, đó là “quyền năng của Thiên Chúa và Lời Hứa của Ngài”, cũng như “Giá tri và ý nghĩa đích thực của đau khổ Thánh Giá” qua tâm sư và chia sẻ của quý cha, quý sơ, chị Thiên Thương về những điều kỳ diệu Thiên Chúa làm ở Nhà Chúa Cha, cũng như những vu khống, mạ lỵ, tẩy chay, đe dọa, lên án mà những người thuộc Nhà Chúa Cha và thân nhân, gia đình phải gánh chịu, nghĩa là khi đi theo Chúa Cha, làm việc cho Chúa Cha, các vị đã phải đánh đổi tất cả, chấp nhận mất tất cả, và vui lòng gánh chịu tất cả mọi bất công từ Giáo Hội và nhiều người.

Một lý do nhỏ khác nữa, đó là tên người viết đã được anh Vân Anh nêu lên trong phần giới thiệu nội dung của LiveStream cùng với “Audio Công Giáo” và “Năm Chiếc Bánh” với lời nhắc nhở tế nhị: không nên vì thành kiến mà phê bình Nhà Chúa Cha.


1/Người viết có thành kiến khi chia sẻ về Nhà Chúa Cha không?

Đây là dịp người viết nói lên đường hướng, và lập trường của mình khi viết về những vấn đề liên quan đến đức tin.

Trước hết, người viết không viết thay ai, đại diện cho ai, nhưng viết trên cương vị một giáo dân, viết với bổn phận và vinh dự của một người tín hữu công giáo, chi thể của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội. Đây là bổn phận và quyền lợi của bất cứ ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để được trở thành chi thể của Thân Thể Đức Kitô, bổn phận và quyền lợi mà không một cơ chế, một đấng bậc nào có quyền ngăn cấm, tước đọat, bao lâu người ấy không để mình rơi vào tình trạng “cành lìa khỏi cây để phải trở nên khô héo, tàn tạ, chỉ còn đáng cho “người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6), vì không còn hiệp thông, hiệp nhất với Cây (x. Ga 15,1-8).

Khi viết về những vấn đề của Nhà Chúa Cha, người viết không mang bất cứ một thành kiến, ác cảm nào, vì người viết không có ân oán gì với Nhà Chúa Cha, cũng chẳng quen biết đấng bậc nào thuộc Giáo Quyền Đà Lạt. Hơn nữa, để giữ cho mình tính khách quan và lương thiện khi chia sẻ về vấn đề tế nhị này, người viết đã tự mình theo dõi các video clip “Tiếng Nói Sự Thật” của chính Nhà Chúa Cha công bố, mà không nghe hay đọc bất cứ tài liệu nào về Nhà Chúa Cha, trừ một vài thông cáo chính thức của Toà Giám Mục Đà Lạt, ngoài ra không tham vấn, hay đón nhận ý kiến, đề nghị của bất kỳ người nào trong cũng như ngoài nước. Điều này có nghĩa: người viết không cuồng tín và bênh vực Giáo Quyền một cách mù quáng, cũng không a dua kiểu “theo đóm ăn tàn, giậu đổ bìm leo, cuốn theo chiều gió” để ra sức vùi dập, truy diệt Nhà Chúa Cha, nhưng ở đâu và lúc nào, người viết cũng thao thức và cùng mọi người thiện chí đi tìm Sự Thật, vì chỉ Sự Thật mới giải phóng, Sự Thật mới nối kết, Sự Thật mới hiệp nhất và dẫn chúng ta đến gặp Chúa, Đấng đã phán: “Chính Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Sự Thật mà người viết muốn nêu lên để mọi người cùng chân nhận, đó là những sự thật thuộc về Thiên Chúa đã được chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người mặc khải. Đó là những sự thật mà chỉ một mình Ngôi Lời của Thiên Chúa mới nói cho chúng ta được, vì ngoài Ngài ra, không ai đã biết Thiên Chúa, và cũng trừ Ngài ra, không Thiên Chúa nào đã làm người để nói với con người về về Thiên Chúa (x. Ga 3, 13 ; 31-36).

Vì thế, khi tự nguyện đi theo Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người và ở giữa loài người, người môn đệ của Đức Giêsu không thể và không có quyền tự ý du nhập, phát minh, sáng chế những sự thật mới về Thiên Chúa, nhưng phải tin vào Ngài là sự thật của Thiên Chúa, với những sự thật về Thiên Chúa đã được chính Ngài mặc khải. Điều đó cũng có nghĩa: khi không còn chấp nhận những mặc khải của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội được đặt trên tảng đá Phêrô, thì người “tín hữu” không còn được coi là Kitô hữu, đúng hơn là người công giáo, vì đã tự ý, tự nguyện tách ra khỏi Giáo Hội của Đức Kitô, đơn giản và dễ hiểu như cành tự ý lìa khỏi cây (x . Ga 15, 5-6).

Loạt bài chia sẻ về Nhà Chúa Cha của người viết đã không ra ngoài đường hướng và mục tiêu này, đó là đường hướng hiệp thông, hiệp nhất và mục tiêu : kho tàng mặc khải giáo lý đức tin đích thực mà Đức Giêsu trao cho Giáo Hội phải được gìn giữ toàn vẹn.

Tóm lại, người viết minh định với quý cha, quý thầy, quý sơ và anh chị em Nhà Chúa Cha cũng như với toàn thể quý Bạn : tất cả những chia sẻ đều nhằm phục vụ Chân Lý Đức Tin và được viết với tinh thần khách quan, tôn trọng mọi người, không thành kiến, không ác ý, ác tâm, không vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, và luôn đặt trong niềm hy vọng yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất giữa mọi chi thể của Thân Thể Đức Kitô.

Người viết mạo muội kính mời quý vị vào : blogpost Tin Mừng Đường Phố : https://tinmungduongpho.blogspot.com/ , “tiền thân” của website Tin Mừng Đường Phố : https://tinmungduongpho.com/ , ở đó quý vị sẽ đọc được những chia sẻ về Giáo Hội dưới những đề tựa như : Chủ Nghĩa Giáo Sĩ Trị, Cơ Chế, Giáo Hội Vô Hình, Oan Uổng – Oan Sai, Đường Sống, Rõ Gần Mà Qúa Xa, Bỏ Đạo, Tử Đạo Ngay Trong Lòng Mẹ Giáo Hội … để thấy rõ hơn lập trường đức tin và tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật của người viết.


2/Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự, nhưng luôn giữ Lời đã hứa:

Không ai chối cãi chân lý ngàn đời: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình. Là Đấng Tự Hữu, nghĩa là tự mình mà có, nên không một ai, một quyền lực nào có thể khống chế, trấn áp, có quyền hay tạo áp lực trên ý muốn và hành động của Ngài. Vì thế Ngài làm điều Ngài muốn, chọn người Ngài muốn, bất cứ ở đâu và lúc nào.

Với chân lý này, chúng ta không có thể nghĩ đến một giới hạn, một biên cương cho Thiên Chúa, vì Ngài toàn năng vô cùng. Nhưng chúng ta cũng đừng quên một chân lý rất quan trọng khác, đó là Thiên Chúa là Đấng trung tín với Lời Ngài hứa, như “Đức Chúa viếng thăm bà Xara như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa. Bà Xara có thai và sinh cho ông Ápraham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa” (St 21,1-2).

Thiên Chúa đã hứa khi nói với Ápraham: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”. Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” (St 15,5 ; x. St 17,1-5). Về người vợ son sẻ, già nua của ông, Thiên Chúa hứa qua miệng sứ thần dưới hình dạng vị khách qua đường ghé thăm gia đình ông: “Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xara sẽ có một con trai” (St 18,14). Và Thiên Chúa đã không quên bất cứ điều gì Ngài đã hứa, như Đức Maria đã khẳng định trong kinh Tán Tụng: “Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,54-55).

Thánh Phaolô xác tín: “mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người” (2Cr 1,20). “Người” đây tức là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Vì thế, “chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10,23). Thánh tông đồ trưởng Phêrô cũng qủa quyết: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi đến chỗ ăn năn hối cải” (2 P 3,9)

Thánh vịnh 137 thì “xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, và đề cao danh thánh và Lời Hứa của Ngài trên tất cả mọi sự” (Tv 137,2), bởi Thiên Chúa đã phán với dân Ngài: “Ta quyết chẳng đọan tình dứt nghĩa, quyết không hề bội tín, thất trung. Giao Ước của Ta, Ta sẽ không vi phạm, miệng đã nói ra, Ta chẳng nuốt lời. Một khi đã thề với danh nghĩa là Đấng Thánh, thì cùng Đavít, Ta chẳng thất tín đâu” (Tv 88, 34-36).

Như thế, tuy toàn năng vô cùng và làm bất cứ điều gì mình muốn, bất cứ khi nào mình muốn, cũng như chọn bất cứ người nào mình muốn, nhưng Thiên Chúa không vì thế mà nuốt Lời đã hứa, không vì thế mà phá bỏ những gì Ngài đã ký kết, giao ước với con người; trái lại, Ngài trung tín đến cùng với điều Ngài phán, và thành tín qua muôn thế hệ với Lời Ngài đã hứa từ ngàn xưa.

Do đó, chúng ta không được dựa vào “quyền năng, phép tắc vô cùng” của Thiên Chúa để xóa bỏ lòng trung tín với Lời Hứa của Ngài ; không được vịn cớ Thiên Chúa hoàn toàn tự do làm những gì Ngài muốn, khi Ngài muốn, nơi Ngài muốn, trên những người Ngài muốn, để làm tổn thương lòng thành tín của Ngài với Lời Ngài đã hứa, với người Ngài đã gắn bó qua Lời Hứa. Cụ thể là với Giáo Hội, thực thể do Ngài thiết lập trên Tảng Đá Phêrô, và đã hứa với Phêrô, đại diện Giáo Hội: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chià khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-20), và “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16), và “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20).

Và như thế, nếu tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, người Kitô hữu không thể phủ nhận Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập trên Tảng Đá Phêrô đã nhận được Lời Hứa của Đức Giêsu để trở nên “người quản lý trung tín và khôn ngoan” được đặt lên coi sóc người trong nhà, và gìn giữ toàn vẹn kho tàng Chân Lý Đức Tin đã được Ngôi Lời Thiên Chúa làm người mặc khải cho con người (x. Lc 12,41-44).

Là người qủan lý kho tàng Đức Tin, suối nguồn Ơn Sủng, với quyền quản trị, giáo huấn và thánh hoá, Giáo Hội biết mình phải thực hiện điều Đức Giêsu muốn, mà không có quyền thay đổi ý muốn của Đức Giêsu; biết mình phải đi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa là Đức Giêsu, mà không được phép tuyên truyền bất cứ lý thuyết, học thuyết nào của phàm nhân; biết mình phải làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu, mà không lôi kéo, mồi chài và biến họ thành bầy tôi, lính lác, “fan cuồng, fan cứng” của bất cứ nhân vật nào, dù quyền thế, vĩ đại, cao cả đến đâu; biết mình phải dậy bảo mọi người tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu là thủ lãnh, và Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, mà không được vượt rào thay thế giới răn của Đức Giêsu bằng các thứ sắc lệnh, quyết định, thông báo “trái ngược và không phù hợp” của bất cứ ai ; biết mình phải làm phép rửa cho mọi người “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần”, mà không được phép “nhân danh mình, hoặc nhân danh đảng phái, phe nhóm, hay ai đó để quy tụ, tập hợp một đoàn chiên, một cộng đoàn dưới danh nghĩa đoàn chiên của Đức Giêsu, cộng đoàn Kitô hữu.

Tóm lại, chúng ta không nên “đánh lận con đen”, hoặc nhập nhằng giữa “Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự Ngài muốn, hủy bỏ mọi sự khi Ngài muốn, sáng tạo những gì Ngài muốn trên những con người Ngài muốn” và Thiên Chúa luôn trung tín với Lời Hứa của Ngài, luôn giữ Lời Ngài đã phán, luôn thành tín với người Ngài đã kết ước, nhưng cần nằm lòng chân lý: Thiên Chúa toàn năng, nhưng không nuốt lời đã hứa, không hủy bỏ Giao Ước đã ký kết, và không bao giờ tự mâu thuẫn trong ý muốn và việc làm của mình.


3/Thập giá không bao giờ là Thánh Giá nếu thiếu Vâng Phục:

Không nghe quý cha, quý sơ của Nhà Chúa Cha tâm sự về những đau khổ các vị phải chịu, khi rời bỏ giáo xứ, nhà dòng đến sống và làm việc tại Nhà Chúa Cha, người viết cũng hiểu được những mất mát to lớn, những đánh đổi liều lĩnh của quý cha, quý sơ. Ở đây, người viết xin bầy tỏ sự thông cảm, và xin được chia sẻ những đau khổ của quý cha, quý thầy, quý sơ, quý anh chị em Nhà Chúa Cha bằng thêm lời cầu nguyện.

Cũng trong tinh thần và tình cảm huynh đệ thiêng liêng, người viết xin phép được trải lòng, sau khi nghe những tâm sự không vui về những người ở Nhà Chúa Cha đã chung một số phận bị vu khống, miệt thị, tẩy chay bởi chính đồng đạo, người thân quen của mình.

Điều mà người viết xin được trải lòng với quý cha, quý sơ ở Nhà Chúa Cha, đó là thập giá mà quý cha, quý sơ đang phải gánh chịu, vì tự ý rời bỏ giáo xứ, nhà dòng để đến phục vụ tại Nhà Chúa Cha có khi nào chỉ là thập giá, mà không là Thánh Giá vì thiếu vâng phục không ?

Sở dĩ người viết đặt ra vấn đề này, vì trong đau khổ, chúng ta có thể vô tình rơi vào những trường hợp đau khổ sau:

Đau khổ do mình tự gây ra vì kiêu căng:
Có nhiều thất bại đem đến đau khổ, vì kiêu căng, không nghe lời khuyên răn hay từ chối sự giúp đỡ của những người khôn ngoan, như người con thứ hoang đàng đã ngang ngược đòi chia của và tự ý đi hoang, để sau khi phung phí hết tiền bạc, đã đau khổ vì “lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15,14-16).

Anh con thứ đã chịu những đau khổ tự mình gây ra, vì kiêu căng, ngang ngược, bởi không ai đã bắt anh phải đau khổ; trái lại, anh đã bắt nhiều người đau khổ vì “anh khổ đau”, trong đó có người cha già đã rất đau khổ vì anh.

Đau khổ do tự ý đi ngược chiều, bơi ngược dòng một cách vô lý và vô ích:
Có những đau khổ không đem lại ích lợi cho ai, vì những đau khổ ấy phát sinh từ chọn lựa mà tự thân đã không có giá trị, và ý nghĩa, như trường hợp của người kia có đường nhưng không đi, có nhà nhưng không ở, có cơm gạo nhưng không ăn, có quần áo nhưng không mặc, có thuốc men nhưng không uống, và làm ngược những gì lý trí chỉ dẫn, ngược những điều người chung quanh mách bảo cho hạnh phúc của mình.

-Đau khổ như một nhu cầu của tâm lý bệnh hoạ:
Có những đau khổ được chính chủ thể tìm kiếm và tạo ra để thoả mãn nhu cầu tâm lý bệnh hoạn. Những người bệnh này muốn mọi người thấy họ đau khổ, khi tự biến mình thành nạn nhân đáng thương của mọi thứ bất công, mọi thế lực bất chính, dù những nhân tố gây đau khổ này có khi chẳng liên quan, “ăn nhậu” gì với họ; tệ hơn nữa, có khi họ còn ép người chung quanh phải chứng thực họ là người đau khổ, và bực tức, khó chịu khi người khác cho họ là những người sung sướng, hạnh phúc.

Cả ba trường hợp trên đều không là đau khổ của người Kitô hữu mà thánh Phaolô đã mô tả khi viết cho giáo đoàn Côlôxê: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,25), vì thiếu một điều kiện rất quan trọng, đó là lòng Vâng Phục.

Thực vậy, không chỉ một mình Đức Giêsu đã vác thập giá, đã chịu đóng đinh vào thập giá, mà rất nhiều người trước và sau Ngài đã bị kết án vác thập gía và đóng đinh vào thập giá, ngay buổi chiều “thứ sáu tử nạn”, cũng có hai anh gian phi cùng chịu đóng đinh vào thập giá như Ngài.

Họ là những người bị đóng đinh vào thập giá vì vi phạm pháp luật, hoặc bất tuân, làm loạn, chống phá chính quyền, làm hại xã hội loài người, nên thập giá đối với họ vẫn mãi là án phạt bất đắc dĩ phải chịu.

Riêng thập giá của Đức Giêsu, vì là thập giá vâng phục nên trở thành Thánh Giá cứu độ; là thập giá vâng lời, nên trở thành Thánh Giá sinh ơn cứu sống.

Thực vậy, giá trị của đau khổ Thánh Giá ở người Kitô hữu là Vâng Phục, ý nghĩa đau khổ Thánh Giá ở người môn đệ Đức Giêsu là Vâng Phục, vì loại bỏ Vâng Phục, thập giá mãi là thập giá, và chẳng bao giờ có thể trở thành Thánh Giá.

Tin Mừng làm chứng điều này, khi chính miệng Đức Giêsu đã tuyên bố về sứ mệnh ở trần gian của Ngài với người Do Thái trong hội đường Caphácnaum: “Tôi tự trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38) , cũng như trước khi lên đường chịu chết, đang khi cầu nguyện ở vườn Cây Dầu, Ngài đã qủa cảm và dứt khóat chọn lựa vâng phục: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39), và trên Thánh Giá, khi thều thào nức nở: “Lạy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46), Đức Giêsu đã phó dâng lần cuối cùng “trái tim khiêm hạ” và “linh hồn vâng phục” của Ngài trong tay Đấng đã sai Ngài đến trong thế gian để thực thi Thánh Ý.

Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philípphê đã cực tả giá trị cứu độ của Vâng Phục trong đau khổ, giá trị đã làm cho thập giá trở thành Thánh Giá: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…” (Pl 2, 8-9).

Quả thực, nếu đau khổ của người Kitô hữu không có vị mặn của nước mắt vâng phục, như Đức Giêsu đã vâng phục, thì những đau khổ ấy khó có cơ may bù đắp những thiếu sót trong đau khổ thánh giá của Đức Giêsu; khó đạt đủ điều kiện để sinh ơn ích cho Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh; khó “trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế họach Thiên Chúa đã ủy thác…, đó là rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ ..”, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Colôxê (x. Cl 1, 24- 26).

Một lần nữa, người viết cám ơn quý bạn đã kiên nhẫn đọc đến những hàng cuối cùng này.

Khi chia sẻ, người viết luôn chân thành và lương thiện. Vì thế, có những vấn đề được phân tích, trình bày không úp mở, không ngụy trang, chẳng hạn như người viết đề nghị Nhà Chúa Cha: nếu chỉ chữa bệnh và trừ qủy thôi, thì vấn đề không nhiêu khê, phức tạp đến mức bế tắc, vì trừ qủy và chữa bệnh là đặc sủng Thiên Chúa ban cho những người Ngài muốn, nhưng bế tắc ngày càng khó gỡ, bức tường ngăn cách với Giáo Quyền ngày càng dầy và cao lên, vì Nhà Chúa Cha đã và vẫn tiếp tục nhân danh “Thánh Ý”, nhân danh quyền năng vô cùng của Chúa Cha để “can thiệp” vào kho tàng Chân Lý Đức Tin và phủ nhận sứ mạng và quyền được trao để bảo vệ, gìn giữ toàn vẹn các Mặc Khải Đức Tin của Giáo Hội.

Cũng như một ngôi nhà phải có người quản lý, Giáo Hội là người quản lý Ngôi Nhà của Thiên Chúa ở trần gian, nên Giáo Hội có quyền quản lý những người ở trong ngôi nhà đó để tất cả, kể cả chính người quản lý, làm đúng ý muốn và lệnh truyền của ông chủ là Đức Giêsu. Nếu người quản lý làm trái ý của chủ nhà, thì những người ở trong nhà có quyền khiếu nại lên ông chủ, nhưng không ai có quyền phủ nhận, phế bỏ, thay đổi tôn ý của ông chủ.

Cũng vậy, một khi đã ở trong Nhà Giáo Hội, người tín hữu công giáo phải vâng phục hướng dẫn của Giáo Hội là người quản lý của Đức Giêsu với sứ vụ chăm lo cho mọi người trong nhà, và khi không còn “khả năng và thiện chí” vâng phục nữa, người ấy có quyền, đúng hơn là có “nghĩa vụ” không nhân danh ông chủ để chống lại người quản lý của ông, cũng không lợi dụng danh nghĩa của quản lý để mưu đồ xây dựng một cơ ngơi, cơ đồ riêng dưới chiêu bài “xây nhà mới cho ông chủ”, bởi chẳng có ông chủ tử tế nào lại coi thường, và đối xử tệ hại với người qủan lý trung tín của mình, bằng “đi đêm, tiêu lòn” với thành viên trong nhà, dưới quyền người quản lý trung thành ấy.

Ước mong của người viết mãi mãi vẫn là con đường trước mặt từng ngày sáng lên niềm hy vọng hiệp nhất, nhưng để có ánh sáng trên đường hy vọng, trái tim mỗi người phải thắp lên ngọn nến lương thiện và vâng phục, được xem như điều kiện không thể thiếu.

Jorathe Nắng Tím


https://tinmungduongpho.com/thien-chua-cua-loi-hua-va-thanh-gia-vang-phuc/

Read 517 times Last modified on Thứ ba, 06 Tháng 7 2021 06:41