TMĐP- Xin lòng thương xót của Đức Giêsu biến đổi trái tim ta không còn chai đá, biết chạnh lòng, để không người anh em nào lạc bước trên đường đức tin phải rơi vào phẫn uất, và tuyệt vọng như Giuđa, vì những lời cay đắng, vô cảm, và tàn nhẫn.
Nếu nói “lạc bước”, thì ai cũng có những “bước lạc”, vì tất cả chúng ta đều chung một thân phận người yếu đuối, tội lụy, nhiều giới hạn. Nếu có khác thì khác ở tính chất “lạc” của mỗi bước chân: có bước chân lạc vào đường gian lận tiền bạc như vơ chồng Khanania và Xaphira được kể trong Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 5, 1-10); có bước chân lạc vào đường xác thịt như bước chân của vua Hêrôđê đi tìm và cưỡng đọat Hêrôđia xinh đẹp là vợ của Philipphê, anh trai mình (x. Mt 14,3-4); có bước chân lạc vào đường “giả hình” như các kinh sư và các người Pharisêu bị Đức Giêsu nặng lời khiển trách (x. Mt 23,1-32); có bước chân lạc vào “vô cảm, vô ơn” như người đầy tớ vừa được vua xóa cho món nợ mười ngàn yến vàng mà cả đời anh cũng không thể trả hết vì thương xót, đã “túm lấy và bóp cổ” người bạn chỉ mắc nợ anh một trăm quan tiền, lại đòi tống ngục người bạn ấy, vì không có lòng thương xót (x. Mt 18,23-35); có bước chân lạc vào kiêu căng, tự mãn, tự phụ ngay trong Đền Thờ, đang khi cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa của người Pharisêu (x. Lc 18,9-14); có bước chân lạc vào ganh tỵ, hẹp hòi của những thầy thông luật bắt bẻ Đức Giêsu vì Ngài đã làm phép lạ chữa người bại tay trong ngày Sabát (x. Mc 3, 1-6); có bước chân lạc vào đường chạy chức, chạy quyền ngay trong hàng ngũ những người đã được gọi bỏ mọi sự mà theo Chúa như hai tông đồ con của ông Dêbêđê và bà mẹ (x ; Mt 20,20-23); có bước chân lạc vào tổ chức biến nhà Thiên Chúa là nhà cầu nguyện thành sào huyệt của băng đảng trộm cướp (x. Mt 21,12-13); có bước chân lạc của người con lẻo miệng, khéo nói đã nhanh nhẩu thưa với cha: Vâng, con làm theo ý Cha ngay, nhưng rồi lại không làm (x. Mt 21,28-32); có bước chân lạc vào lười biếng, vô trách nhiệm của người đầy tớ nhận một yến bạc, nhưng thay vì bôn ba, tần tảo để sinh lời, đã đem chôn giấu đi (x. Mt 25,14-30); có bước chân lạc vào “cái tôi ích kỷ” cả đời đã không thấy “Chúa đói, khát,hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù” mà phục vụ (X. Mt 25,31-46); có bước chân lạc vào âm mưu, thủ đoạn của môn đệ bán Thầy của Giuđa (x. Mt 26,14-16); có bước chân lạc vào dinh thượng tế Caipha, và ở đó đã chối Thầy của Phêrô (x Mt 26,59-75); có bước chân lạc vào cao trào a dua, cuồng tín, qúa khích của đám đông đòi đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá trước mặt quan tổng trấn Philatô (x. Mt 27,11-26), và giữa những bước chân đi lạc vừa kể, có bước chân “lạc đạo” của những người có đạo, những bước chân gây nhiều xôn xao, tạo nhiều tiếng động, làm nhiều người bức xúc, nổi nóng, thất vọng .
Tại sao bước chân “lạc đạo” lại gây nhiều ồn ào, tai tiếng và bị lên án không thương tiếc?
Do tâm lý lấp liếm, che giấu tội:
Thực tế cho thấy: mỗi khi trong giáo xứ có người “nghiêng ngả theo Tin Lành, hay ăn nói tanh tanh mùi giáo phái” là y như rằng cả dân xứ nhốn nháo, và tỏ ra bàng hoàng, căng thẳng, nghiêm trọng.
Nhưng có thực khi phản ứng như vậy, người tín hữu đang quan tâm đến “tiền đồ Hội Thánh” ? Có thực cả giáo xứ lo cho tảng đá Phêrô bị sức mạnh Thần Dữ đang cố làm lung lay? Có thực hết mọi giáo dân tha thiết cầu xin ơn trở về cho người anh em lạc đạo? Có thực mọi thành viên của cộng đoàn thành tâm mong mỏi ơn hoán cải, đổi mới cho người anh em yếu đuối, lầm đường?
Câu trả lời khách quan và lương thiện sẽ là: Có thể một số ít, nhưng không tất cả; có thể chỉ một thiểu số, nhưng không là đa số, vì xác xuất tâm lý ném đá người khác để mình không bị ném đá, ném bớt đống đá có sẵn vào người khác, để thiên hạ không còn đá ném vào mình là chuyện không hiếm xẩy ra trong đời thường, cả trong đời sống xã hội lẫn đời sống tâm linh, cả ngoài đời trong đạo, cả ở người có đạo cũng như người vô thần.
Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan làm chứng tâm lý ném đá người khác để mình không bị ném đá này: “Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,3-5).
Chỉ vài hàng thôi, thánh sử Gioan đã cho chúng ta thấy toàn cảnh cuộc đấu tố công khai rất “ấn tượng” hôm đó: ấn tượng thứ nhất là người đàn bà đáng thương này đã không khéo che giấu, nên đã bị bắt qủa tang làm chuyện ân ái ngoài luồng. Tôi đoán chị rất đẹp và được nhiều đàn ông theo đuổi, dù đã có chồng; cũng có thể chị có ân oán gì với ai, nên mới bị bắt qủa tang cách ê chề, bẽ bàng như vậy, vì đã ngọại tình thì mấy ai để bị bắt qủa tang, trừ khi bị rình rập, theo dõi, canh me sát nút, tận mạng; ấn tượng thứ hai là tâm trạng phấn khởi, đắc thắng trước thành công bắt được qủa tang “người phụ nữ đang ngoại tình” của những kinh sư, Pharisêu và hạnh phúc “ăn theo” của đám đông “mày râu” vừa nhốn nháo, ba hoa, thánh tướng, vừa hùa hạp đi theo áp giải chị đến trước mặt Đức Giêsu; ấn tượng thứ ba là thái độ kiêu hãnh tự nhận mình là công chính, giữ Lề Luật khi đem ông Môsê ra bảo đảm một bản án tử hình ném đá của hầu hết những người đàn ông có mặt.
Toàn cảnh đấu tố cho chúng ta cảm tưởng không một người nào là người yếu đuối, ngoại trừ người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình vì yếu đuối trong tình yêu; không một con người nào đã phạm tội, trừ ra người đàn bà lăng loàn, phản bội chồng đang cúi mặt, yên lặng đứng giữa vòng vây được làm thành bởi những con người cao quý trong sạch, thánh thiện; không một nhân vật nào đã vi phạm Lề Luật Thiên Chúa, ngoại trừ “dâm phụ” sắp bị lên án ném đá theo Luật Môsê.
Ở đây, chúng ta nhận ra một điểm chung của đám đông có mặt là hăng say lên án người có tội “công khai”, để lấp liếm những tội lỗi “bí mật” của chính mình; nhẫn tâm tra tay ném đá người “lỡ bước xa chân, để không ai chú ý đến những “bước trượt dài” trong lầm lạc vẫn còn được an toàn ngụy trang, che đậy của mình; và cuồng nhiệt tiếp tay triêt tiêu người lầm lạc bị dư luận phanh phui, lột trần, để chôn sâu hơn nữa những sai trái của mình còn được kín đáo cất giấu.
Bằng chứng là khi Đức Giêsu “ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, nhưng “nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ.” (Ga 8,7.9).
Thực vậy, đã chỉ còn lại Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu, giầu lòng thương xót và con người yếu đuối, tội lụy cần lòng Chúa xót thương.
Do tinh thần cuồng tín, cực đoan:
Trong những câu chuyện dễ gây bất hoà và đi đến chia tay, chuyện chính trị và tôn giáo là hai chuyện dễ bùng nổ, và thiêu rụi tình nghĩa nhanh chóng nhất. Người viết biết rõ có những vợ chồng đồng ý ly dị, vì bất đồng quan điểm chính trị: “chồng cuồng Trump, vợ chống Trump”, và hai người đã không thể tiếp tục chung sống chỉ vì Trump, khi chồng cổ động bầu cho Trump, còn vợ kêu gào chống Trump, và ủng hộ Biden.
Về tôn giáo, tín ngưỡng, sức bùng nổ, tàn phá còn kinh khủng hơn nhiều, vì có yếu tố thần linh bảo đảm, trợ giúp. Lịch sử nhân loại còn đậm nét với rất nhiều cuộc thánh chiến đẫm máu, những dàn thiêu sống những nhóm lạc đạo, dị giáo, những án treo cổ kẻ phạm thượng, chống lại giáo lý, dám đặt lại vấn đề đức tin, và ngay lúc này, thế giới vẫn khốn khổ vì đạo quân cuồng tín khi theo đuổi, và bảo vệ một cách cực đoan, qúa khích, cuồng nhiệt, và bạo động niềm tin mù qúang, bệnh hoạn của họ.
Người cuồng tín tiên thiên phủ nhân niềm tin của người khác, và lên án những người không cùng niềm tin với mình ; người cuồng tín không đội trời chung với người khác tín ngưỡng, không cùng tôn giáo với họ, vì cho những người này là “phường vô đạo, quân tà giáo, kẻ phá hoại và thù địch” của Đấng mà họ tin; người cuồng tín không chấp nhận bất cứ một giáo thuyết nào ngoài giáo lý họ thực hành, không nhân nhượng bất cứ tôn giáo nào, ngoài tôn giáo họ theo, không hoà đồng, cởi mở với bất cứ cộng đoàn đức tin nào ngoài những người thuộc cộng đoàn khép kín của họ, vì dưới mắt họ, tất cả đều là những phần tử đáng phải chết, vì không cùng niềm tin như họ.
Tóm lại, cuồng tín luôn đưa đến thái độ khinh bỉ, đố kỵ và loại trừ những người có niềm tin khác mình; luôn dẫn đến bạo lực chống lại và tiêu diệt những người không cùng tôn giáo với mình; luôn làm cho tương quan giữa các tín hữu của nhiều tôn giáo trở nên căng thẳng, ngột ngạt vì người cuồng tín không tôn trọng niềm tin, vốn là chọn lựa riêng tư của mỗi người; không đủ thông minh để ý thức: niềm tin của mỗi người luôn có tính chủ quan, không ít thì nhiều; không đủ cởi mở và qủang đại để chân nhận giá trị của những niềm tin khác; không đủ công bình và lương thiện để không vi phạm quyền “tín ngưỡng tôn giáo” là quyền căn bản của con người; nhất là không đủ sáng suốt của trí óc quân bình, và từ tâm của trái tim nhân ái để tôn trọng người khác “như họ là”, và trong chính những “cái khác” của họ.
Tinh thần cuồng tín không chỉ tồn tại giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau, mà còn có mặt và phát triển mạnh mẽ ngay trong lòng những tín hữu cùng một niềm tin, tôn giáo. Đó là hoàn cảnh của những người anh em bị công luận “chỉ mặt đặt tên” là “ly giáo, bỏ đạo”; là hoàn cảnh của những tu sĩ bị cộng đoàn công bố không còn là thành viên và chính thức bị trục xuất, khai trừ, vì đi theo lạc giáo; là hoàn cảnh của những người anh em hôm trước còn đươc trọng vọng, nhưng khi có tư tưởng lạc đạo, hoặc hành vi trái nghịch đức tin lập tức không còn được xem là người của giáo xứ, phần tử của cộng đoàn, con cái của Giáo Hội.
Vẫn biết chúng ta có bổn phận bảo vệ và làm chứng đức tin, nhưng có thực Đức Giêsu cho phép chúng ta bảo vệ và làm chứng đức tin đến độ biến thành “cuồng tín, cực đoan? Có thực Đức Giêsu phê chuẩn tinh thần cuồng tín và cho phép chúng ta, những người môn đệ của Ngài được xử dụng mọi hình thức bạo lực để giữ gìn và làm chứng đức tin? Có thực Đức Giêsu khuyến khích chúng ta tẩy chay, cô lập, giập vùi, đánh te tua những người anh em đang lạc đường đức tin? Có thực Đức Giêsu nhắm mắt làm ngơ cho chúng ta tự khoác vào mình bộ áo quan toà, và quyền xét xử, lên án người anh em đang lạc vào đêm đen lầm lạc?
Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời trong Tin Mừng của Đức Giêsu.
Tinh thần của Tin Mừng và thái độ của người Kitô hữu phải có:
Chúng ta biết cuồng tín là tinh thần đi ngược Tin Mừng, và thái độ khinh bỉ, mạt sát, ruồng rẫy, lên án bất cứ ai là điều Đức Giêsu không cho phép, nếu muốn làm môn đệ của Ngài, vì đòi hỏi yêu thương tha nhân và kính trọng đồng loại là một đòi hỏi rất khắt khe, như chính Ngài đã qủa quyết: “Anh em đã nghe Luật dậy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” (Mt 5,21-22). Và ngay cả với kẻ thù, Ngài cũng đòi chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Vì thế, đối với người anh em lầm đường lạc lối trong đức tin, chúng ta không có quyền cho phép mình hành xử như những người cuồng tín, nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta được Chúa kêu mời trở nên khí cụ bình an của Chúa để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để dọi ánh sáng vào chốn tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu” (Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi).
Và để trở thành khí cụ bình an, Muối cho đời và Ánh Sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-16) trên hành trình đức tin, người tín hữu chúng ta cần ý thức:
Đức Tin không là pháo đài để bảo vệ, nhưng là ngọn hải đăng để soi sáng:
Đừng lầm tưởng đức tin là pháo đài sừng sững, kiên cố mà chúng ta phải ngày đêm canh gác, bảo vệ để bên ngoài không ai xâm nhập, tấn công được, nhưng đức tin như ngọn hải đăng, như đèn “được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc 8,16), và đức tin chính là ánh sáng soi chiếu cho muôn dân, cho tất cả mọi người, không trừ ai.
Đức Tin không là món đồ qúy giá phải được cất giấu cẩn thận:
Đừng nghĩ đức tin như món đồ qúy giá không cho ai chạm tới, vì đức tin là ơn Thiên Chúa ban nhưng không cho những ai mở lòng ra với Ngài, như nguồn nước không bao giờ vơi cạn, như Đức Giêsu đã nói với người đàn bà Samari bên bờ giếng Giacóp: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10); chỗ khác, Ngài còn nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” Mt 11,28).
Đức Tin không là “đặc khu” chỉ dành cho một thiểu số có đặc quyền, đặc lợi:
Đừng xếp đức tin xuống hàng “đất đai”, dù là đất thổ cư, hay đất nông nghiệp, công nghiệp, ngay cả “đắc địa, hay đất vàng”, vì đức tin không bị quy hoạch, khoanh vùng, rào giậu, xây tường và dành riêng cho một người, một nhóm, một thành phần, một mầu da, dân tộc nào, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, vì đức tin là “hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,31-32).
Đức Tin không là tình trạng có sẵn, bất động, bất biến, nhưng sống động như hoạt động của đời sống, và đòi liên lỷ vượt qua thử thách để lớn lên:
Hình ảnh những cây lúa không chỉ nhọc nhằn ngày đêm chống đỡ trước những phá hoại của đám côn trùng, sâu bọ, mà còn vất vả đua chen với cỏ lùng để “mọc lên và trổ bông”, như trong dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) là hình ảnh của đức tin không ngừng chiến đấu, vượt qua nhiều cạm bẫy, thử thách để lớn lên, vì đức tin không có sẵn, không thụ động, bất động, nhưng đòi nhiều cố gắng, nỗ lực như điều kiện để nhận hồng ân đức tin.
Chính Đức Giêsu cũng trải qua những thử thách đức tin, như những ngày trong hoang địa, ở đó Ngài “chịu ma qủy cám dỗ” (x. Mt 4,1-10).
Sở dĩ người Kitô hữu chúng ta không thể cuồng tín, không thể mê tín, và không bao giờ tự cho phép mình có thái độ coi thường, khinh bỉ, loại trừ, tẩy chay, cô lập, lên án người anh em đang bước những “bước lạc đạo, trệch đường Giáo Lý Đức Tin”, vì đức tin của chúng ta được đặt trên nền tảng là chính Đức Giêsu, Đấng là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là “Đường, Sự thật và Sự Sống”. Ngài còn là Thiên Chúa của lòng thương xót, người cha nhân hậu, từ bi, bao dung đến nỗi “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi…” (Mt 12,20).
Thực vậy, vì đức tin được đặt trên Đức Giêsu, Đấng đến từ Thiên Chúa giầu lòng thương xót, và là dung mạo thương xót của Chúa Cha, như Ngài khẳng định : “Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16,30), và đến “để tìm cho kỳ được” con chiên bị lạc mất (x. Lc 15,4); để được ôm vào lòng đứa con hoang đàng “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32) ; để hy sinh mạng sống cho đoàn chiên được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), nên sống đức tin chính là sống lòng thương xót đối với anh em mình, nhất là với những người anh em trên mình đầy thương tích vì bị ma qủy tấn công, trấn lột, hành hạ trên hành trình đức tin, và chẳng may bị chúng quật ngã “đang nửa sống nửa chết” bên lề đường (x. Lc 10, 25-37), đồng thời ý thức nhiệm vụ hàng đầu của người Kitô hữu sẽ không là thấy đó, “nhưng tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,32), như người dưng, không hề quen biết, nhưng là “thấy, chạnh lòng thương, lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,32. 33-34).
Vì đức tin của chúng ta đặt vào Đức Giêsu phục sinh, như thánh Phaolô khẳng định: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”; “Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” ( 1 Cr 15,14.16-19).
Và Đức Giêsu phục sinh chính là Thiên Chúa “hằng sống của lòng thương xót”: Ngài hằng sống với lòng thương xót khi không ngại chọn Maria Mácđala, người phụ nữ đầy tai tiếng là người đầu tiên nhận Tin Mừng Phục Sinh và chạy đi báo cho Simon Phêrô và Gioan, là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”, khi “đi đến mộ, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối”, và “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” (x.Ga 20,1-2) ; Đức Giêsu phục sinh hằng sống trong lòng thương xót, khi vẫn tiếp tục tín nhiệm và giao phó cho Phêrô sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của mình khi hiện ra giữa các tông đồ bên bờ hồ Tibêria, mà không chấp nhất tội đã bai bải chối Thầy trước những đầy tớ gái, mặc dù đã được Thầy nhiều lần cảnh báo trước (x. Ga 21,1517).
Vì đức tin được đặt ở Đức Giêsu, nên ở đâu và lúc nào, người Kitô hữu cũng được kêu goi đi theo Ngài, trên những bước chân của Ngài. Đó là những bước chân đến với người tội lỗi để kêu gọi trở về (x. Mt 9,13) ; những bước chân “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10), như Ngài đã đến nhà ông Dakêu, người đứng đầu những người thu thuế có tiếng tham nhũng, hối lộ, và lên tiếng trước mọi người: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc 19,9); những bước chân của người cha nhân hậu chiều chiều ra đầu ngõ ngóng bóng con (x. Lc 15, 20); những bước chân đon đả, vội vã “tiến đến gần và cùng đi” với hai môn đệ trên đường về Emmau, để giải thích, chia sẻ và nâng đỡ đức tin của hai ông, khi tâm hồn họ nặng trĩu nỗi buồn và ngổn ngang thất vọng, vì cơ đồ Cứu Thế chỉ trong mấy ngày đã sụp đổ tan tành, khi Thầy bị bắt, bị kết án tử hình và đóng đinh vào thập gía (x. Lc 24, 13-32).
Vâng, Đức Giêsu muốn chúng ta mang lấy trái tim thương xót của Thiên Chúa giầu lòng thương xót, để không sợ hãi khi sóng gió “cuồng tín, hận thù, bạo lực, lọai bỏ, lên án, truy diệt” dữ dội nổi lên, nhưng tin tưởng và bình an bước ra khỏi những khoang thuyền giả hình, kiêu căng, nhẫn tâm, độc ác, nhất là ảo tưởng thánh thiện, công chính để can đảm bước đến gần người anh em đang trong tình trạng khủng hoảng, lấn cấn với Giáo Hội, đang gặp nhiều thử thách đức tin, đang chao đảo, mất tinh thần vì cả tin, nhẹ dạ, nông nổi, như Phêrô đã tin vào lời Đức Giêsu: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”, nhưng “Cứ đến!”, đã “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước và đến với Đức Giêsu” (Mt 14,27.28.29).
Ước gì trái tim mỗi người chúng ta được lòng thương xót của Đức Giêsu biến đổi để không còn chai đá, nhưng biết chạnh lòng, để không người anh em nào lạc bước trên đường đức tin phải rơi vào phẫn uất, và tuyệt vọng như Giuđa, vì những lời cay đắng, vô cảm, và tàn nhẫn: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” của những thượng tế và kỳ mục mà ông đã tìm đến để giãi bầy tâm sự chua xót: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”(Mt 27,4). Nhưng thật đáng thương và đáng tiếc, Giuđa đã không gặp được những người có trái tim chạnh lòng cảm thương của Đức Giêsu để cho ông một bàn tay cứu sống, nên đã “ra đi thắt cổ”, không như Phêrô đã may mắn gặp được cái nhìn bao dung của Thầy mình, và tìm được về Lòng Thương Xót, nên đã “ra ngòai, khóc lóc thảm thiết” vì hạnh phúc được xót thương (x. Lc 22, 61-62).
Jorathe Nắng Tím
Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!