Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 09 Tháng 1 2015 14:54

Đề tài 1. Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đề tài 1. Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai


Đề tài 1. Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai

“Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” (Mc 3,33).

1. Gia đình là cộng đoàn hội thánh truyền giáo

- Gia đình được gọi là Hội thánh tại gia, có sứ mệnh là làm tế bào sống động đầu tiên của xã hội[1], xây dựng Dân Chúa bằng cuộc sống thánh thiện trong khi theo đuổi ơn gọi hôn nhân và gia đình của mình[2]. Như thế, gia đình góp phần vào sứ mệnh của Hội thánh bằng cách tham gia tích cực vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, và hơn nữa tham gia vào đời sống giáo xứ và môi trường xã hội. “Tương lai của thế giới và Giáo hội đi ngang qua gia đình”[3]. Vì thế, gia đình phải là thành phần của thực tại Hội thánh toàn thể tại địa phương, tức là giáo xứ và giáo phận. Cụ thể, gia đình có sứ mệnh “gìn giữ, biểu lộ, và thông truyền tình yêu, và đây vừa là một phản chiếu sống động vừa là một sự thông dự thực sự vào Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, Tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh, Hiền Thê Người” (ĐGH Gioan Phaolô II Về Gia Đình). Nhưng sứ mệnh này không gì khác hơn chính là sứ mệnh của Hội Thánh.

- Sứ mệnh của Hội Thánh được thi hành nhờ các hoạt động qua đó, vì vâng lệnh Chúa Kitô và được thúc đẩy bởi ân sủng và tình yêu của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh trở nên hiện diện trọn vẹn với mọi người và mọi dân hầu dẫn đưa họ đến với đức tin, sự tự do và bình an của Đức Kitô nhờ mẫu gương của đời sống và giáo huấn của chính mình, nhờ các bí tích và các phương thế ân sủng khác. Mục đích cuối cùng là mở ra cho hết mọi người một con đường tự do và bảo đảm đi đến tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm của Đức Kitô.[4] Trung tâm của sứ mệnh gia đình là đôi vợ chồng, nhìn hôn nhân của họ như là một ơn gọi của Hội Thánh và vì Hội Thánh. Họ tự xem mình như là người Tông đồ, là người loan báo Tin mừng và làm chứng nhân Tin mừng trọn thời gian. Sứ mệnh gia đình đòi hỏi các thành viên, tức cha mẹ và con cái, phải sống yêu thương nhau, và mọi thành viên đều liên hệ với sứ mệnh trong một tinh thần chung, bởi lẽ đây là sứ mệnh của gia đình chứ không phải chỉ là sứ mệnh của các con người ngẫu nhiên hợp thành chung một gia đình.

2. Giáo xứ là Gia đình của các gia đình thừa sai

- Giáo xứ chính là Giáo hội tại một địa phương, là Gia đình của Thiên Chúa gồm các gia đình Kitô hữu ý thức sứ mệnh thừa sai của mình như vậy. Lãnh vực thi hành sứ mệnh cho gia đình trước hết là trong chính gia đình mình và trong cộng đoàn khu xóm, làng xóm láng giềng mình; và rồi mở rộng ra tới cộng đoàn giáo xứ và rồi đến các nơi làm việc. Sứ vụ đầu tiên của gia đình là mạc khải Hội Thánh cho chính mình. Thực hiện điều này không phải là phục vụ điều gì cho Hội Thánh với tư cách như một gia đình (đó lẽ ra phải là việc của thừa tác vụ gia đình); nhưng đúng hơn, đó là sống ngay giữa lòng Hội Thánh cái ý nghĩa của gia đình, vốn không chỉ là mẫu gương mà còn là men, để mời gọi dân trong Hội Thánh sống như là Gia đình của Thiên Chúa. Chính trong môi sinh đó mà gia đình trở thành men trong xã hội. Mong đợi sứ vụ gia đình sinh ích lợi trong việc loan báo các giá trị của Nước Trời từ bất kỳ một bối cảnh nào khác, nhất là trong bối cảnh của Giáo hội cơ chế phẩm trật, sẽ làm giảm thiểu đi nét đẹp này của chứng từ gia đình.

- Trung tâm và đỉnh cao của đời sống và hoạt động của giáo xứ là Thánh Thể. Có một sự rất giống nhau giữa bí tích Thánh Thể và bí tích Hôn nhân, bởi lẽ cả hai đều liên quan đến giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Thế nhưng, trong khi Hôn nhân là dấu chỉ của giao ước của Thiên Chúa với con người trong Đức Giêsu Kitô; thì Thánh Thể là sự làm mới lại giao ước và làm cho giao ước thành hiện thực. Nếu gia đình quy tụ nhau quanh bàn ăn hàng ngày, thì giáo xứ là gia đình rộng lớn hơn quy tụ nhau quanh bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Trong Thánh Thể Cộng đoàn hội thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, còn trong Hôn phối hai vợ chồng và gia đình sống mầu nhiệm đó trong tình yêu, bởi lẽ hôn nhân và đời sống gia đình phải mang chịu những đau khổ âm thầm và thập giá là thành phần sống ơn gọi này tròn đầy. Yêu thương là tự hiến; không thể có Tình yêu vắng bóng Thập giá. Nếu Hôn nhân và Gia đình là dấu chỉ của giao ước, thì nó không thể tách rời khỏi dấu chỉ của trung tâm giao ước, là Thánh Giá.

Giáo xứ, vì thế, là Cộng đoàn gia đình của các gia đình loan báo Tin mừng bằng chứng từ của đời sống mình. Vì bản chất của mầu nhiệm Hội thánh vừa là Hiệp thông vừa là Truyền giáo.

Câu hỏi thảo luận

1. Đời sống và hoạt động hiện tại của Giáo xứ của anh chị có những nét nào giống đời sống của một gia đình, cả về mặt tích cực và tiêu cực?

2. Anh chị em có ý thức thường xuyên danh tính Hiệp thông và sứ mệnh truyền giáo của mình trong gia đình, trong giáo xứ, cộng đoàn nhỏ của mình không?

3. Giáo xứ của anh chị em đã và đang làm gì để loan báo Tin mừng cho anh chị em lương dân trong làng xóm, trong vùng mình sống, trong nơi mình làm việc?

 

 

http://www.ubmvgiadinh.org/


[1] Cf. AA (Apostolicam Actuositatem), 11.

[2] Cf. GL (Bộ Giáo luật 1983), 226.

[3] Gioan Phaolô II, Diễn văn nói với Liên Hiệp các Văn Phòng Tham vấn Gia đình theo linh hứng Kitô giáo (ngày 29.11.1980), 4. Ecclesia in Asia (EA), 46 trích dẫn lại.

[4] AG (Ad Gentes), 5.

Read 2710 times Last modified on Thứ bảy, 10 Tháng 1 2015 20:13