Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 28 Tháng 9 2014 16:22

Đề tài tháng 10 /2014: Gia đình loan báo Tin mừng: Giáo điểm truyền giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đề tài tháng 10 /2014: Gia đình loan báo Tin mừng: Giáo điểm truyền giáo

Tháng Mười

Gia đình loan báo Tin mừng:

Giáo điểm truyền giáo

Lời Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Ý cầu nguyện: Xin ban cho các gia đình Kitô hữu một sinh lực mới xuất phát xuất từ Niềm Vui Tin Mừng gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, để ra đi chia sẻ Tin mừng ấy cho mọi anh em lương dân.

Bài ca ý lực: Giêsu ánh sáng (Bài ca thông truyền đức tin tr.34).

1. Lệnh truyền giáo và niềm vui luôn tươi mới của Tin Mừng

- “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, do những đòi hỏi sâu sắc của tính công giáo, vâng theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập mình, Hội Thánh cố gắng loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người”[1]. “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Ơn cứu độ được gặp thấy trong chân lý. Những ai vâng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần chân lý, thì đã ở trên đường cứu độ; nhưng chân lý này đã được ủy thác cho Hội Thánh, nên Hội Thánh phải đáp ứng khát vọng của những người đó là mang chân lý đến cho họ. “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người được tham dự vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí tình yêu của các Ngài[2].

- NIỀM VUI của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô tràn đầy nơi trái tim và cuộc sống của những ai đã gặp gỡ Người[3]. Niềm vui ấy luôn luôn tươi mới và muốn chia sẻ cho nhiều người khác, để “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”[4]. Niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc Loan báo Tin mừng làm mới lại nhiệt huyết của chúng ta, cả khi phải gieo trong nước mắt... Ước mong sao thế giới hôm nay, một thế giới vốn đang kiếm tìm khi trong lo âu khi trong hi vọng, đón nhận được Tin mừng không phải từ những người rao giảng buồn bã, chán nản, nôn nóng hay lo âu, nhưng từ những người phục vụ Tin mừng tỏa sáng đầy nhiệt thành, những người trước hết đã đón nhận niềm vui của Đức Kitô. Vì thế, như thánh Phaolô nói, “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16). Loan báo Tin mừng, thực ra là để hoàn thành bản thân, bởi lẽ “chúng ta khám phá ở đây một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta được sống và sống tràn đầy chính khi chúng ta dâng hiến sự sống ấy hầu cho người khác được sống. Ý nghĩa của truyền giáo chắc chắn là như thế”[5].

2. Gia đình : giáo điểm truyền giáo

- Bổn phận bảo vệ và thông truyền đức tin, vốn phát xuất từ bí tích rửa tội và thêm sức, được tiếp nối và đề xướng một lần nữa trong bí tích hôn phối. Bí tích ấy biến đôi vợ chồng và người cha người mẹ Kitô hữu thành những chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), thành những “nhà truyền giáo” thực sự của tình yêu và sự sống[6]. Ngay từ trong gia đình, khi có một thành viên nào đó còn chưa biết Chúa, hoặc thiếu đức tin hay “nguội lạnh” và không sống phù hợp với đức tin, những người khác phải cống hiến cho người ấy một chứng tá đức tin sống động hầu có thể thúc đẩy và nâng đỡ người ấy trên đường hướng đến kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc họ.

- Hội Thánh tại gia được linh hoạt bởi tinh thần thừa sai được mời gọi trở thành dấu chỉ hiện diện của Đức Kitô cũng như tình yêu Người dành cho “những kẻ ở xa”, cho các gia đình còn chưa tin và cho các gia đình có đạo mà không sống phù hợp với đức tin. Hội Thánh tại gia được mời gọi “dùng gương sáng và lời chứng” để soi sáng cho “những ai đang tìm kiếm chân lý”.[7]

- Thuở sơ khai, có gia đình Aquila và Priscilla như gia đình đi truyền giáo (x. Cv 18), ngày nay cũng có các đôi vợ chồng và gia đình Kitô hữu, ít là trong một thời gian nào đó, đi tới các “vùng ven” thuộc miền truyền giáo để loan báo Tin mừng qua sự phục vụ con người bằng tình yêu của Đức Kitô. Có như thế Hội Thánh mới được luôn luôn mới mẻ và sinh hoa kết trái.

- Các gia đình còn góp phần cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, bằng cách vun trồng ơn gọi thừa sai nơi con cái, và nói chung bằng cách dạy con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra Tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người.

3. Gia đình loan báo Tin mừng bằng việc phục vụ và quan tâm đến các thực tại xã hội

- Tại tâm điểm của công cuộc Loan báo Tin mừng là Tình Thương cứu độ của Thiên Chúa thể hiện ở đỉnh điểm là Thập giá vinh quang của Đức Kitô Chết và Phục sinh. Thần Khí Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn tiếp tục trong đời sống và công trình của Hội Thánh, một cách thường trực và thu nhỏ tại các gia đình Kitô hữu, “Hội Thánh tại gia”. Mọi công trình đều khởi nguồn từ và qui về đức ái.

- Loan báo Tin Mừng hay Phúc âm hóa không thể tách biệt với sự thăng tiến con người. Được cứu độ có nghĩa là thực thi tình huynh đệ trong gia đình và ngoài xã hội. Mỗi anh em là một sự nhập thể nối dài (x. Mt 25, 40). Bác ái xã hội Kitô giáo thuộc chiều kích siêu việt (x. Mt 7,2). Ước muốn sâu xa của người thừa sai là biến đổi thế giới theo các giá trị tin mừng. Hội Thánh không được đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình. Vì thế, gia đình có thể và phải góp phần phát triển xã hội bằng cách quan tâm đến sự phát triển lành mạnh của các cơ chế dân sự, phải có ý kiến và dấn thân biến đổi xã hội, đất nước, nhân loại, biểu lộ NIỀM HI VỌNG cánh chung.

- Không gì hấp dẫn mạnh mẽ mọi người đến với Đức Kitô, cho bằng khi chính gia đình Kitô hữu luôn sống quan tâm phục vụ cho nhau và cho mọi người; trước hoàn cảnh của cộng đồng cư dân, họ là người có mặt đầu tiên để phục vụ. Gia đình Kitô hữu quan tâm đến mọi thành phần cư dân sống quanh mình nhất là những người bất hạnh, cô thế cô thân, nghèo khổ; quan tâm đến môi trường sống. Công tác xây dựng bảo vệ nếp sống của nền văn minh tình thương mà Hội Thánh đề xướng: xây dựng tình huynh đệ có sức công phá hận thù, chia rẽ, bạo lực, bất công. Gia đình Kitô giáo luôn mở rộng tấm lòng để đón nhận bài học phục vụ nơi thập Đức Kitô.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Cách thức sống đạo của gia đình tôi có làm làm chúng tôi tách biệt hay xa lạ với xóm giềng hay nên gương sáng để họ đối chiếu và bị cuốn hút?

2. Đối với một thành viên nào đó trong gia đình còn chưa thuộc về ràn chiên của Chúa, các thành viên Kitô hữu khác có ý thức mình phải cống hiến một chứng từ sinh động và nhiệt thành cho Thần Khí của tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô Con Thiên Chúa ?

3. Gia đình tôi có cộng tác trong những chương trình đặc biệt khi này khi khác với cộng đoàn Hội thánh địa phương (giáo họ, giáo xứ, giáo phận) hay với Giáo hội hoàn vũ, trong sứ vụ Hiệp thông Truyền giáo hay không?

UBMVGĐ
[1] AG 1. X. GLHTCG 849.

[2] X. Gioan-Phaolô II, Redemptoris missio, 23. Xt. GLHTCG 850.

[3] X. ĐGH Phanxicô, Th. Evangelii Gaudium (EG), 1.

[4] Phaolô VI, Th. Gaudete in Domino (9.05.1975), 22. X. EG, 3.

[5] EG 10.

[6] X. FC 54.

[7] Ibid. Xt. LG, 35; AA, 11.

Read 1391 times Last modified on Thứ hai, 29 Tháng 9 2014 14:42